• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/04/2003
BỘ TÀI CHÍNH-BỘ THUỶ SẢN-BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 17/2003/TTLT-BTC-BNN-BTS
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 14 tháng 3 năm 2003

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Của Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn - Bộ Thuỷ sản số 17/2003/TTLT/BTC-BNN&PTNT-BTS ngày 14 tháng 3 năm 2003 hướng dẫn việc kiểm tra, giám sát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật, kiểm dịch thuỷ sản

____________________________

Căn cứ Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29/6/2001;

Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thuỷ sản ngày 25/4/1989;

Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 15/2/1993;

Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật số 36/2001/PL-UBTVQH10 ngày 25/7/2001;

Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản thống nhất hướng dẫn thực hiện việc kiểm tra, giám sát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (trong Thông tư này được hiểu là các loại hàng hoá đưa từ Việt nam ra nước ngoài và từ nước ngoài đưa vào lãnh thổ Việt nam) thuộc diện kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật, kiểm dịch thuỷ sản như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Chỉ những hàng hoá thuộc danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố; thuộc diện kiểm dịch thuỷ sản do Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản công bố mới phải làm thủ tục kiểm dịch.

2. Các đơn vị có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, xác nhận giấy đăng ký kiểm dịch cho hàng hoá qui định tại điểm 1 nêu trên (dưới đây gọi chung là Cơ quan Kiểm dịch) là những đơn vị được giao nhiệm vụ theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản (theo Phụ lục 1 kèm Thông tư này là các Cơ quan Kiểm dịch đang làm nhiệm vụ).

3. Đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch (không nhằm mục đích kinh doanh) phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt của hành khách xuất cảnh, nhập cảnh, của các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế thì Cơ quan Hải quan giải quyết thông quan không yêu cầu phải nộp Giấy đăng ký kiểm dịch hoặc Giấy chứng nhận kiểm dịch, trừ trường hợp Cơ quan Kiểm dịch thông báo phải kiểm dịch đối với từng mặt hàng cụ thể, ở từng thời điểm cụ thể.

4. Các quy định của Thông tư này không áp dụng đối với hàng hoá quá cảnh bằng đường hàng không, đường biển trong trường hợp hàng hoá không bốc dỡ xuống các cảng.

5. Việc kiểm dịch đối với hàng hoá nhập khẩu thực hiện theo phương thức đăng ký trước, kiểm tra sau, cụ thể là:

- Trước khi làm thủ tục hải quan, Chủ hàng phải đăng ký kiểm dịch với Cơ quan Kiểm dịch.

- Cơ quan Kiểm dịch có thể kiểm dịch cùng lúc Cơ quan Hải quan kiểm tra hàng hoá hoặc kiểm dịch sau khi hàng hoá đã hoàn thành thủ tục hải quan theo thời gian và địa điểm được xác định trong giấy đăng ký kiểm dịch (theo mẫu tại Phụ lục 2 kèm Thông tư này).

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Trách nhiệm của Chủ hàng:

1.1. Đối với hàng hoá xuất khẩu:

Trước khi xuất khẩu hàng hoá, Chủ hàng phải đăng ký và khai báo với Cơ quan Kiểm dịch làm thủ tục kiểm tra, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch đối với hàng hoá phải kiểm dịch theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của người mua.

1.2. Đối với hàng hoá nhập khẩu:

Trước khi làm thủ tục hải quan, Chủ hàng phải đăng ký kiểm dịch (kê khai 3 bản theo mẫu tại Phụ lục 2) với Cơ quan Kiểm dịch.

1.2.1. Khi làm thủ tục hải quan, ngoài bộ hồ sơ theo quy định của Cơ quan Hải quan, phải nộp giấy đăng ký kiểm dịch đã được Cơ quan Kiểm dịch xác nhận.

1.2.2. Sau khi đăng ký kiểm dịch nhưng không nhập khẩu hàng hoá nữa thì phải nộp lại Cơ quan Kiểm dịch (nơi xác nhận) 2 bản Giấy đăng ký kiểm dịch. Trường hợp khi làm thủ tục nhập khẩu, Cơ quan Hải quan xác định là hàng hoá không được nhập khẩu vào Việt nam, Chủ hàng phải nộp lại cho Cơ quan Kiểm dịch (nơi xác nhận) Giấy đăng ký kiểm dịch (bản của Chủ hàng) có xác nhận lý do không được nhập khẩu của Cơ quan Hải quan.

1.2.3. Đối với hàng hoá làm thủ tục kiểm dịch sau khi hoàn thành thủ tục hải quan:

- Phải đưa nguyên trạng hàng hoá đã được làm thủ tục hải quan về đúng địa điểm, đúng thời gian đã đăng ký trong Giấy đăng ký kiểm dịch.

- Trong trường hợp bất khả kháng không thể đưa hàng hoá về đúng địa điểm, đúng thời gian đã đăng ký để kiểm dịch thì phải giải trình với Cơ quan Kiểm dịch.

1.2.4. Phải thực hiện nghiêm chỉnh các nghĩa vụ:

- Chỉ được đưa hàng hoá ra lưu thông sau khi Cơ quan Kiểm dịch cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch.

- Chấp hành quyết định xử lý của Cơ quan Kiểm dịch (nếu có) đối với lô hàng.

- Đối với lô hàng sau khi kiểm dịch không đủ điều kiện nhập khẩu, bị buộc tái xuất, khi làm thủ tục xuất khẩu phải xuất trình hồ sơ hải quan nhập khẩu, quyết định buộc tái xuất của Cơ quan Kiểm dịch và hàng hoá cho Cơ quan Hải quan nơi đã làm thủ tục nhập khẩu lô hàng.

2. Trách nhiệm của Cơ quan Kiểm dịch:

2.1.Thực hiện việc đăng ký, xác nhận vào 3 bản Giấy đăng ký kiểm dịch, trả lại Chủ hàng 2 bản, lưu 1 bản.

2.2. Sau khi xác nhận Giấy đăng ký kiểm dịch, theo dõi, kiểm dịch, cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc xử lý theo quy định.

2.3. Đối với lô hàng đã hoàn thành thủ tục hải quan, trước khi tiến hành kiểm dịch, phải đối chiếu hàng hoá với khai báo của chủ hàng, với bộ hồ sơ hải quan. Nếu có sự sai khác thì lập biên bản, xử lý theo quy định của pháp luật.

2.4. Sau khi kiểm dịch, nếu hàng hoá phải tiêu huỷ thì tổ chức tiêu huỷ theo đúng quy định của pháp luật; nếu hàng hoá buộc phải tái xuất thì ra Quyết định buộc tái xuất, ghi rõ thời gian phải thực hiện tái xuất, giao chủ hàng 01 bản để thực hiện, 01 bản gửi cho Cơ quan Hải quan (nơi làm thủ tục nhập khẩu lô hàng) để phối hợp thực hiện; theo dõi lô hàng đến khi thực tái xuất; xử lý vi phạm đối với Chủ hàng không thực hiện nghiêm Quyết định buộc tái xuất.

2.5. Thông báo kịp thời cho Cục Hải quan các tỉnh, thành phố những tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng cam kết về kiểm dịch đã đăng ký, đề nghị cưỡng chế thủ tục hải quan các lô hàng tiếp theo.

2.6. Khi tổ chức, cá nhân đã thực hiện quyết định xử lý thì Cơ quan Kiểm dịch (nơi đề nghị cưỡng chế thủ tục hải quan), cấp văn bản xác nhận để trình với Cơ quan Hải quan xoá cưỡng chế làm thủ tục, trong đó nêu rõ doanh nghiệp bị cưỡng chế theo Thông báo nào (số, ngày tháng, hành vi vi phạm, hình thức xử lý).

3. Trách nhiệm của Cơ quan Hải quan:

3.1. Đối với hàng hoá xuất khẩu:

Cơ quan Hải quan chỉ yêu cầu nộp Giấy chứng nhận kiểm dịch đối với hàng hoá phải kiểm dịch theo quy định của pháp luật.

3.2. Đối với hàng hoá nhập khẩu:

3.2.1. Khi tiếp nhận đăng ký hồ sơ hải quan, yêu cầu chủ hàng nộp 01 Giấy đăng ký kiểm dịch (bản chính) đã được Cơ quan Kiểm dịch xác nhận; làm thủ tục theo quy định.

3.2.2. Đối với hàng hoá nhập khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan bị buộc tái xuất theo quyết định của Cơ quan Kiểm dịch, Hải quan cửa khẩu (nơi đã làm thủ tục nhập khẩu lô hàng) đối chiếu hồ sơ nhập khẩu của lô hàng với thực tế hàng hoá, nếu phù hợp thì làm thủ tục tái xuất, nếu không phù hợp thì lập biên bản, thông báo cho Cơ quan Kiểm dịch (nơi ra quyết định buộc tái xuất) để xử lý theo quy định của pháp luật.

3.2.3. Đối với những lô hàng nhập khẩu đã đăng ký kiểm dịch nhưng không được nhập khẩu do có vi phạm về chính sách quản lý xuất nhập khẩu thì Hải quan nơi làm thủ tục xác nhận, ghi rõ lý do vào Giấy đăng ký kiểm dịch (bản của Chủ hàng).

3.2.4. Cưỡng chế thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của tổ chức, cá nhân theo đề nghị của Cơ quan Kiểm dịch do vi phạm pháp luật về kiểm dịch đối với hàng hoá nhập khẩu đã đăng ký kiểm dịch.

3.2.5. Xoá bỏ cưỡng chế khi tổ chức, cá nhân nộp bản sao và xuất trình bản chính văn bản của Cơ quan Kiểm dịch (nơi đề nghị cưỡng chế) xác nhận đã thực hiện quyết định xử lý. Bản sao của tổ chức thì phải xác nhận, ký tên, đóng dấu, bản sao của cá nhân là bản photocopy.

4. Quan hệ phối hợp:

4.1. Trong trường hợp Cơ quan Kiểm dịch có yêu cầu kiểm dịch xong lô hàng trước khi hoàn thành thủ tục hải quan thì 2 Cơ quan liên quan phải phối hợp chặt chẽ với nhau và Cơ quan Hải quan chỉ quyết định thông quan sau khi có kết luận của Cơ quan Kiểm dịch.

4.2. Hàng năm, các Chi cục Hải quan chủ trì họp với các Cơ quan Kiểm dịch có liên quan để rút kinh nghiệm về việc phối hợp kiểm tra, giám sát hàng hoá thuộc diện phải kiểm dịch. Trong trưòng hợp cần thiết có thể tổ chức họp đột xuất theo đề nghị của Cơ quan Hải quan hoặc Cơ quan Kiểm dịch.

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 4 năm 2003. Bãi bỏ Thông tư liên ngành số 07/TTLN ngày 31/8/1995 của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm - Hải quan và Thông tư liên tịch số 03/LT-TT ngày 25/3/1997 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tổng cục Hải quan.

2. Tổng cục Hải quan, Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Thông tư này.

3. Các Cơ quan Kiểm dịch, Chi cục Hải quan cửa khẩu trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, kịp thời đề xuất biện pháp giải quyết và báo cáo về cơ quan cấp trên trực tiếp của mình để có chỉ đạo giải quyết kịp thời.

Đang cập nhật Bộ Tài chính

Đang cập nhật Bộ Thuỷ sản

Đang cập nhật Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Bùi Bá Bổng

Nguyễn Thị Hồng Minh

Trương Chí Trung

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.