• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 10/01/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 01/03/2021
UBND TỈNH LAI CHÂU
Số: 39/2008/QĐ-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lai Châu, ngày 31 tháng 12 năm 2008

QUYẾT ĐỊNH

Về việc: Ban hành Quy định về hệ thống chỉ huy điều hành và cơ chế

quản lý thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Lai Châu

_________________________________

 UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số: 09/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng;

Căn cứ Thông tư số 62/2005/TTLT-BTC-BNN&PTNT ngày 04/8/2005 về việc: Hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng;

Căn cứ Thông tư số 61/2007/TTLT-BTC-BNN&PTNT ngày 22/6/2007 về việc: Hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước cấp cho các tổ chức, cá nhân được huy động để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái phép, phòng cháy chữa cháy rừng;

Căn cứ Quyết định số 1590/QĐ-UBND ngày 22/10/2008 của UBND tỉnh Lai Châu về việc: Điều chỉnh, bổ sung Ban chỉ đạo bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Lai Châu.

Xét đề nghị của liên ngành: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Sở Tài chính tại Tờ trình số: 460/TTrLN–SNN-STC ngày 01 tháng 12 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm Quyết định này Quy định về hệ thống chỉ huy điều hành và cơ chế quản lý thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 05/2008/QĐ-UBND ngày 05/02/2008 của UBND tỉnh Lai Châu.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp & PTNT, Tài chính, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan, chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
(Đã ký)


Lê Trọng Quảng

 

QUY ĐỊNH

Hệ thống chỉ huy điều hành và cơ chế quản lý thực hiện nhiệm vụ

phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh lai châu
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 39/2008/QĐ-UBND,

ngày 31 tháng 12 năm 2008 của UBND tỉnh Lai Châu)

______________________

 Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy định này quy định về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ, cơ chế điều hành hệ thống phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) và nội dung, cơ chế quản lý, nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác PCCCR trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Phạm vi áp dụng cho hệ thống chỉ huy điều hành công tác PCCCR từ cấp tỉnh, huyện, thị (sau đây gọi chung là huyện), xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) và tổ xung kích PCCCR thôn (bản) của tỉnh Lai Châu.

Điều 2. Những nội dung về quản lý, cơ chế thực hiện công tác PCCCR không quy định trong bản quy định này được thực hiện theo các quy định hiện hành.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ hệ thống PCCCR tỉnh Lai Châu

1. Ban chỉ đạo PCCCR các cấp

1.1. Cấp tỉnh.

a/ Tổ chức bộ máy

Ban chỉ đạo PCCCR cấp tỉnh, gồm:

- Trưởng ban, Phó ban và các thành viên ban chỉ đạo thực hiện theo Quyết định số 1590/QĐ-UBND ngày 22/10/2008 của UBND tỉnh Lai Châu;

- Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo: Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp & PTNT)

- Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo: Thành phần, phạm vi hoạt động, nhiệm vụ thực hiện theo quyết định của Ban chỉ đạo.

b/ Chức năng, nhiệm vụ

- Tham mưu giúp Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các quy định, phương án, kế hoạch về bảo vệ rừng và PCCCR;

- Tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCCR;

- Tổ chức phối hợp các lực lượng triển khai thực hiện các biện pháp PCCCR trên địa bàn tỉnh theo phương án và kế hoạch đã được phê duyệt; báo cáo kết quả thực hiện công tác bảo vệ rừng và PCCCR với UBND tỉnh và Ban chỉ đạo PCCCR Trung ương.

1.2. Cấp huyện.

a/ Tổ chức bộ máy

Ban chỉ đạo PCCCR cấp huyện, gồm:

- Trưởng ban, phó ban, các thành viên và quy chế hoạt động do Chủ tịch UBND huyện Quyết định.

- Cơ quan thường trực: Hạt Kiểm lâm huyện

- Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo cấp huyện: Do Ban chỉ đạo của huyện, thị thành lập và phân công nhiệm vụ, phụ trách từng địa bàn cụ thể.

b/ Chức năng, nhiệm vụ

- Tham mưu giúp Chủ tịch UBND huyện ban hành kế hoạch và phương án, tổ chức phối hợp lực lượng bảo vệ rừng và PCCCR trên địa bàn theo phương châm 4 tại chỗ (Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ).

- Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể ở huyện; tuyên truyền, vận động, giáo dục nhân dân về thực hiện các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và PCCCR;

- Tổ chức kiểm tra các phòng ban chuyên môn và chính quyền cơ sở về trách nhiệm thực hiện các biện pháp PCCCR theo quy định tại Nghị định số: 09/2006/N%C4%90-CP&area=2&type=0&match=False&vc=True&lan=1" target="_blank">09/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 của Chính phủ; tổ chức phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, điều tra nguyên nhân, thủ phạm gây cháy rừng chuyển hồ sơ cho cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật;

- Kịp thời thống kê báo cáo Ban chỉ đạo PCCCR tỉnh và Chủ tịch UBND huyện về tình hình cháy rừng, phá rừng xảy ra trong địa bàn đồng thời đề xuất các biện pháp khắc phục.

1.3. Cấp xã.

a/ Tổ chức bộ máy

Ban chỉ đạo PCCCR cấp xã, gồm:

- Trưởng ban, phó ban, các thành viên và quy chế hoạt động do Chủ tịch UBND xã quyết định;

- Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND xã, Kiểm lâm địa bàn, Bảo lâm

- Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo: Do Ban chỉ đạo cấp xã thành lập và phân công nhiệm vụ, phụ trách từng địa bàn thôn (bản) cụ thể.

b/ Chức năng, nhiệm vụ

- Tham mưu giúp Chủ tịch UBND xã ban hành phương án PCCCR, tổ chức phối hợp lực lượng PCCCR trên địa bàn theo phương châm 4 tại chỗ;

- Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể ở xã, phối hợp với Kiểm lâm địa bàn, Bảo lâm và các Trưởng thôn (bản) tuyên truyền, vận động, giáo dục nhân dân thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và PCCCR; quản lý giám sát chặt chẽ việc sản xuất trên nương rẫy của nhân dân, hướng dẫn kỹ thuật đốt dọn không để cháy lan vào rừng;

- Chỉ đạo các thôn (bản) xây dựng và tổ chức thực hiện quy ước, tiến hành ký cam kết bảo vệ rừng và PCCCR tới từng hộ gia đình;

- Trong thời gian cao điểm mùa khô hanh phải phân công thành viên thường trực 24/24 giờ trong ngày; tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác nghiêm ngặt tại các khu rừng dễ cháy; phát hiện kịp thời đám cháy, huy động mọi lực lượng, phương tiện tại địa phương để tham gia chữa cháy và trực tiếp chỉ huy chữa cháy rừng;

- Tổ chức xác minh nguyên nhân và thủ phạm gây cháy, chuyển hồ sơ cho cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật;

- Kịp thời thống kê báo cáo Ban chỉ đạo PCCCR huyện, Chủ tịch UBND xã về tình hình cháy rừng, phá rừng xảy ra trên địa bàn và đề xuất các biện pháp khắc phục hậu quả vụ cháy.

2. Tổ xung kích PCCCR thôn (bản)

2.1. Tổ chức

- Mỗi thôn (bản) trên địa bàn các xã, phường, thị trấn thuộc vùng có nguy cơ cháy rừng cao (Có danh sách kèm theo) được thành lập một tổ xung kích PCCCR, số lượng từ 10 đến 15 người tuỳ theo diện tích rừng và mức độ phức tạp của công tác bảo vệ rừng ở từng thôn (bản), do Trưởng thôn đề nghị, Chủ tịch UBND xã quyết định thành lập.

- Thành phần của tổ xung kích PCCCR: Trưởng thôn làm tổ trưởng, Công an viên làm tổ phó, các thành viên: Là những người trong độ tuổi lao động, có đủ sức khoẻ, nhiệt tình với bảo vệ rừng và PCCCR, là đoàn viên thanh niên, dân quân.

2.2. Chức năng, nhiệm vụ

- Tuyên truyền vận động nhân dân trong thôn (bản) thực hiện các quy định về bảo vệ rừng và PCCCR trên địa bàn;

- Xây dựng kế hoạch và giám sát việc thực hiện quy ước bảo vệ rừng của nhân dân trong thôn (bản);

- Xây dựng kế hoạch và đăng ký về thời gian đốt nương, tiến hành ký cam kết với từng hộ gia đình đảm bảo an toàn khi đốt nương;

- Tổ chức lực lượng canh gác và thường trực khi nhân dân đốt nương, tuần tra báo cháy rừng 24/24h trong thời gian cao điểm;

- Trực tiếp chữa cháy và huy động lực lượng, phương tiện tại thôn (bản) chữa cháy khi có cháy rừng và cháy thảm cỏ xảy ra.

3. Chức năng, nhiệm vụ cơ quan thường trực ban chỉ đạo PCCCR các cấp

- Theo dõi, quản lý công tác dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên phạm vi toàn tỉnh;

- Tham mưu củng cố kiện toàn tổ chức, xây dựng quy chế hoạt động của các ban chỉ đạo PCCCR các cấp, phối hợp với các ban ngành xây dựng và tổ chức thực hiện phương án, kế hoạch PCCCR đã được phê duyệt;

- Tham mưu cho chính quyền các cấp huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ để chống chặt phá rừng, PCCCR;

- Chuẩn bị nội dung cho Ban chỉ đạo tổ chức họp định kỳ, đột xuất, sơ kết, tổng kết công tác PCCCR;

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát các chủ rừng trong việc xây dựng và thực hiện phương án PCCCR;

- Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ và tuyên truyền, giáo dục về PCCCR, hướng dẫn xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ rừng;

- Lập kế hoạch kinh phí hoặc phối hợp với cơ quan Tài chính lập kế hoạch kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo và kinh phí PCCCR hàng năm để trình duyệt.

Điều 4. Mối quan hệ và cơ chế điều hành hệ thống PCCCR.

1. Trưởng ban chỉ đạo PCCCR các cấp chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động và tổ chức thực hiện công tác PCCCR trên địa bàn trước Chủ tịch UBND cùng cấp và Ban chỉ đạo PCCCR cấp trên.

2. Ban chỉ đạo PCCCR cấp dưới phải chấp hành nghiêm chỉnh sự chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo PCCCR cấp trên.

3. Xây dựng hệ thống thông tin, báo cáo hai chiều giữa Ban chỉ huy PCCCR cấp xã với Ban chỉ đạo PCCCR cấp huyện, Ban chỉ đạo PCCCR cấp huyện với Ban chỉ đạo PCCCR cấp tỉnh, Ban chỉ đạo PCCCR cấp tỉnh với Ban chỉ đạo PCCCR Trung ương. Hệ thống thông tin báo cáo phải được duy trì thông suốt và hoạt động đều đặn trong mùa khô hanh.

4. Khi xảy ra cháy rừng Chủ tịch UBND tỉnh huy động lực lượng, phương tiện của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn và Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh huy động lực lượng, phương tiện của các cơ quan kiểm lâm địa phương. Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã ra lệnh huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy, theo phương châm 4 tại chỗ khi được Chủ tịch UBND tỉnh uỷ quyền.

5. Trường hợp cháy lớn quá tầm kiểm soát của cấp mình thì báo cáo khẩn cấp cho Ban chỉ đạo PCCCR cấp trên biết, để tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp đó phát lệnh huy động lực lượng và phương tiện ứng cứu.

Điều 5. Nội dung, cơ chế quản lý kinh phí đảm bảo cho công tác Phòng cháy, chữa cháy rừng

1. Nội dung chi

1.1. Chi cho hoạt động của Ban chỉ đạo PCCCR các cấp

a/ Đối với Ban chỉ đạo PCCCR tỉnh.

- Chi cho công tác tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện về PCCCR

- Chi văn phòng phẩm phục vụ hoạt động của Ban chỉ đạo

- Chi họp Ban chỉ đạo và hội nghị sơ kết, tổng kết công tác PCCCR hàng năm của tỉnh.

b/ Đối với Ban chỉ đạo PCCCR cấp huyện

- Chi cho công tác tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện về PCCCR

- Chi văn phòng phẩm phục vụ cho hoạt động của Ban chỉ đạo;

- Chi họp Ban chỉ đạo và hội nghị sơ kết, tổng kết công tác PCCCR hàng năm của huyện.

c/ Đối với Ban chỉ đạo PCCCR cấp xã

- Chi văn phòng phẩm phục vụ cho hoạt động của Ban chỉ đạo;

- Chi họp Ban chỉ đạo và hội nghị sơ kết, tổng kết công tác PCCCR hàng năm của xã.

d/ Đối với Tổ xung kích PCCCR thôn (bản)

Tổ xung kích PCCCR thôn (bản) thuộc vùng có nguy cơ cháy rừng cao được hỗ trợ kinh phí cho hoạt động, nội dung chi theo quy chế chi tiêu nội bộ của tổ được UBND xã phê duyệt nhưng phải đảm bảo nguyên tắc chi đúng chế độ quy định, đúng mục đích bảo vệ rừng và PCCCR và phải công khai, minh bạch.

1.2. Chi cho công tác chữa cháy rừng

- Chi trực PCCCR thực hiện theo qui định tại điểm d mục 1 phần II Thông tư liên tịch số: 62/2005/TTLT-BTC-BNN&PTNT.

- Chi bồi dưỡng cho những người được huy động để chữa cháy rừng (bao gồm cả lực lượng Công an, Quân đội, cán bộ, công nhân, viên chức); mức chi 40.000đ/người/ngày.

- Chi về nhiên liệu (xăng, dầu), sửa chữa, bồi thường thiệt hại khi phương tiện, thiết bị được huy động để chữa cháy rừng;

- Các chế độ khác và trình tự, thủ tục thanh toán phục vụ cho công tác PCCCR thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 62/2005/ TTLT-BTC-BNN&PTNT ngày 04/8/2005 và Thông tư liên tịch số 61/2007/ TTLT-BTC-BNN&PTNT ngày 22/6/2007, của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính.

2. Định mức dự toán chi cho hoạt động PCCCR

- Cấp tỉnh: Căn cứ tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách bố trí dự toán kinh phí hàng năm cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh.

- Cấp huyện: 25.000.000 đồng/năm

- Cấp xã: 2.000.000 đồng/năm

- Tổ xung kích thôn (bản): 1.500.000 đồng/năm.

3. Cơ chế quản lý

3.1. Lập dự toán kinh phí

a/ Cấp tỉnh

Hàng năm, Chi cục Kiểm lâm lập dự toán kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo PCCCR, chi công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, gửi Sở Nông nghiệp & PTNT tổng hợp gửi Sở Tài chính trình UBND tỉnh giao dự toán theo qui định.

b/ Cấp huyện, xã, thôn bản

Hàng năm, Hạt Kiểm lâm tổng hợp nhu cầu kinh phí chi cho hoạt động của Ban chỉ đạo PCCCR cấp huyện, Ban chỉ đạo PCCCR cấp xã và kinh phí hỗ trợ hoạt động của tổ xung kích PCCCR thôn (bản) gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện tổng hợp, trình UBND cấp huyện;

3.2. Quản lý và sử dụng kinh phí

a/ Kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh và chi cho PCCCR

Căn cứ vào dự toán được giao, Chi cục Kiểm lâm triển khai thực hiện và thanh quyết toán kinh phí theo Thông tư liên tịch số 61/2007/TTLT-BNN-BTC ngày 22/6/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-Bộ Tài chính và Thông tư liên tịch số 62/2005/TTLT-BTC-BNN&PTNT ngày 04/8/2005 của Bộ Tài chính-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các chính sách, chế độ quy định hiện hành.

b/ Kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo PCCCR cấp huyện

Căn cứ vào dự toán được giao, UBND huyện quyết định việc giao cho các phòng chức năng thuộc huyện quản lý, tham mưu việc sử dụng và chịu trách nhiệm thanh, quyết toán theo các quy định hiện hành.

c/ Kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo cấp xã và kinh phí hỗ trợ Tổ xung kích PCCCR thôn (bản)

Được bố trí trong dự toán ngân sách xã hàng năm; UBND xã chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng theo quy định và được tổng hợp vào quyết toán hàng năm của huyện.

Các đơn vị được giao dự toán hàng năm có trách nhiệm quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí được giao theo đúng qui định hiện hành.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, UBND các huyện, các sở, ban, ngành liên quan có trách nhiệm thực hiện những nội dung của quy định này.

Điều 7. UBND các huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các xã quản lý, sử dụng nguồn kinh phí cho hoạt động PCCCR đảm bảo đúng chế độ, chính sách theo quy định hiện hành.

Điều 8. Tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quy định này được khen thưởng theo quy định; tổ chức, cá nhân vi phạm tuỳ theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các đơn vị kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.

TM. Ủy ban nhân dân

KT. CHỦ TỊCH
Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Lê Trọng Quảng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.