• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 18/09/2012
UBND TỈNH LAI CHÂU
Số: 12/CT-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lai Châu, ngày 18 tháng 9 năm 2012

CHỈ THỊ

Về việc điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước

những tháng cuối năm 2012

_____________

 

Để phấn đấu hoàn thành mức cao nhất và bảo đảm sự chủ động trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước năm 2012 theo dự toán đã được Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng cơ quan, các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và các Nghị quyết của Chính phủ: số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 05/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ; các Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ hàng tháng; các văn bản chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tập trung chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

1. Về thu ngân sách nhà nước:

Thủ trưởng cơ quan, các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã phối hợp với Cục Thuế tỉnh bám sát tình hình thực tế, chủ động có giải pháp phù hợp trong chỉ đạo điều hành để phấn đấu hoàn thành và vượt dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2012 đã được phê duyệt; trong đó tập trung vào các nhiệm vụ sau:

- Rà soát, nắm chắc các nguồn thu và đối tượng thu nộp ngân sách trên địa bàn, phấn đấu thu ở các lĩnh vực, ngành nghề có điều kiện như: thương mại dịch vụ, kinh doanh vận tải, hoạt động xây dựng, các khoản thu từ đấu giá chuyển quyền sử dụng đất, cho thuê đất... để bù đắp các phần giảm thu do thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thời hạn nộp thuế.

- Kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước. Đôn đốc thu đối với số thuế được gia hạn đến hạn phải nộp vào ngân sách. Quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế, bảo đảm đúng đối tượng và theo đúng chế độ quy định.

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra thuế và phối hợp giữa cơ quan thu, cơ quan tài chính và các lực lượng chức năng trong công tác quản lý thu, chống thất thu và xử lý cương quyết để thu hồi nợ đọng thuế, các khoản phải nộp theo kết luận của Thanh tra, Kiểm toán và thẩm tra quyết toán của các cơ quan nhà nước.

- Tăng cường phòng, chống gian lận thương mại, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện quy định về quản lý giá, thuế, phí đối với những mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, mặt hàng thực hiện bình ổn giá, những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật mới về thuế, phí, lệ phí đối với các đơn vị, tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

2. Về chi ngân sách nhà nước:

a) Thủ trưởng cơ quan, các Sở, Ban, Ngành đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã:

- Tăng cường quản lý chi ngân sách nhà nước, bảo đảm tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả. Nghiêm túc thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên theo Công văn số 757/UBND-TM ngày 28/6/2012 của UBND tỉnh; rà soát; sắp xếp lại, cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; tiết giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu, chi phí lễ hội, khánh tiết, hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước,…

- Rà soát, sắp xếp và phân loại các nhiệm vụ chi theo thứ tự ưu tiên và thực hiện chi trong phạm vi nguồn thu được hưởng theo phân cấp và dự toán được giao, đúng tiêu chuẩn, chế độ, định mức chi tiêu đã quy định. Hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài dự toán và ứng vốn, trừ trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Cơ quan Tài chính và Kho bạc Nhà nước các cấp tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chi ngân sách nhà nước, đảm bảo chi ngân sách đúng chế độ. Chỉ cho phép chuyển nguồn để thực hiện chế độ tiền lương mới, chuyển nguồn của các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính, chi cho các đề tài nghiên cứu khoa học theo Nghị quyết của cấp có thẩm quyền.

- Tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư phát triển khi có đủ điều kiện, nhất là đối với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA; vì năm 2012 Trung ương sẽ thực hiện thu hồi phần vốn còn dư do không giải ngân hết theo kế hoạch được giao.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra các khoản chi ngân sách trong phạm vi quản lý và theo chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm sử dụng ngân sách đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng chế độ quy định.

b) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã:

- Căn cứ khả năng thu để chủ động tổ chức điều hành chi ngân sách địa phương. Trường hợp thu ngân sách trên địa bàn phần huyện hưởng (không kể thu tiền sử dụng đất) giảm so với dự toán giao, sau khi đã thực hiện các biện pháp tiết giảm chi mà vẫn không bù đắp được số giảm thu. UBND các huyện, thị xã chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính của địa phương, như: nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi đã đảm bảo nguồn cải cách tiền lương theo lộ trình (nếu có), tăng thu ngân sách địa phương năm 2011 sau khi đã dành nguồn để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định (nếu có), kết dư ngân sách địa phương năm 2011 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước… để bảo đảm cân đối ngân sách địa phương. Đối với số thu tiền sử dụng đất, trường hợp giảm thu so với dự toán thì thực hiện cắt giảm, hoặc hoãn, giãn tiến độ thực hiện của công trình, dự án được bố trí chi từ nguồn thu này.

- Chủ động dành nguồn từ ngân sách huyện, thị xã và sử dụng dự phòng ngân sách huyện, thị xã để tập trung cho các nhiệm vụ chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và xử lý các nhu cầu cấp thiết về an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh tại địa phương.

- Trường hợp ngân sách huyện, thị xã trong quá trình điều hành bị thiếu hụt tạm thời do nguồn thu chưa tập trung kịp; sau khi đã chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính của địa phương mà vẫn không đủ đáp ứng các nhu cầu chi, UBND các huyện, thị xã có báo cáo về UBND tỉnh để xử lý.

3. Tổ chức thực hiện:

a) Thủ trưởng cơ quan, các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này, có kế hoạch cụ thể trong chỉ đạo điều hành để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ thu, chi ngân sách theo dự toán được duyệt.

            b) Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước và các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình và kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị này; tổng hợp, báo cáo tình hình ngân sách nhà nước với UBND tỉnh hàng tháng./.

TM. Ủy ban nhân dân

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Khắc Chử

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.