• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/08/2020
Số: 188/2020/NQ-HĐND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lâm Đồng, ngày 15 tháng 7 năm 2020

NGHỊ QUYẾT

Quy định chức danh, số lượng, chế độ, chính sách đối với

người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố

trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

__________________

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 14

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ về bảo vệ dân phố;

Căn cứ Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã;

Căn cứ Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ;

Căn cứ Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

Căn cứ Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; ở thôn, tổ dân phố;

Căn cứ Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản;

Xét Tờ trình số 5781/TTr-UBND ngày 07 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc ban hành Nghị quyết quy định chức danh, số lượng, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quy định chức danh, số lượng, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã

1. Chức danh người hoạt động không chuyên trách, gồm 15 (mười lăm) chức danh sau đây:

a) Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

b) Phó Chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ nữ;

c) Phó Chủ tịch Hội Nông dân;

d) Phó Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh;

đ) Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh;

e) Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã;

g) Phó trưởng Công an xã (đối với xã chưa bố trí Phó trưởng Công an là công an chính quy);

h) Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ;

i) Chủ tịch Hội Người cao tuổi;

k) Văn phòng Đảng ủy;

l) Trưởng Ban Tổ chức;

m) Trưởng Ban Tuyên giáo;

n) Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra;

o) Phụ trách Đài truyền thanh - Quản lý nhà văn hóa;

p) Văn thư - Lưu trữ - Thủ quỹ.

Riêng chức danh Phó trưởng Công an xã, Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã bố trí 01 người.

2. Số lượng người hoạt động không chuyên trách

a) Cấp xã loại I: Được bố trí tối đa 14 người;

b) Cấp xã loại II: Được bố trí tối đa 12 người;

c) Cấp xã loại III: Được bố trí tối đa 10 người.

3. Chế độ người hoạt động không chuyên trách

Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp hàng tháng (bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế) và phụ cấp kiêm nhiệm chức danh như sau:

a) Phụ cấp hàng tháng: Mỗi chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hưởng mức phụ cấp hàng tháng như sau:

- Cấp xã loại I: 1,1 lần lương cơ sở/chức danh.

- Cấp xã loại II, III: 1,0 lần lương cơ sở/chức danh.

b) Phụ cấp kiêm nhiệm

Cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo quy định tại khoản 1 điều này, kể từ ngày được cấp có thẩm quyền quyết định việc kiêm nhiệm thì người kiêm nhiệm được hưởng phụ cấp bằng 50% mức phụ cấp của chức danh được kiêm nhiệm. Số kinh phí khoán còn lại (nếu có) được sử dụng để chi hỗ trợ tăng thêm thu nhập cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức phụ cấp chức danh cao nhất.

Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

4. Chính sách thu hút đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã

Người có bằng từ đại học trở lên (không phải là cán bộ hưu trí) nếu hoàn thành nhiệm vụ, ngoài mức phụ cấp hiện hưởng, sau 03 năm công tác được thêm khoản phụ cấp bằng 10% mức phụ cấp hiện hưởng, từ năm thứ 04 trở đi, cứ 01 năm công tác được cộng thêm 1%.

5. Khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã

Khoán kinh phí hoạt động một năm của mỗi tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã như sau:

a) Cấp xã loại I và xã trọng điểm về an ninh trật tự: Bằng 12 lần lương cơ sở.

b) Cấp xã loại II: Bằng 11 lần mức lương cơ sở.

c) Cấp xã loại III: Bằng 10 lần mức lương cơ sở.

Điều 2. Chế độ đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố

1. Phụ cấp hàng tháng: Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố (gồm 03 chức danh là: Bí thư chi bộ; Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố) được hưởng mức phụ cấp hàng tháng như sau:

a) Thôn, tổ dân phố loại I: Thôn từ 300 hộ gia đình trở lên và thôn lớn hơn hoặc bằng 200 hộ gia đình thuộc xã trọng điểm; tổ dân phố từ 350 hộ gia đình trở lên, được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng 1,1 lần mức lương cơ sở.

b) Thôn, tổ dân phố loại II: Thôn lớn hơn hoặc bằng 200 hộ gia đình đến dưới 300 hộ gia đình và thôn nhỏ hơn 200 hộ gia đình thuộc xã trọng điểm; tổ dân phố lớn hơn hoặc bằng 250 hộ gia đình đến dưới 350 hộ gia đình, được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng 1,0 lần mức lương cơ sở.

c) Thôn, tổ dân phố loại III: Thôn nhỏ hơn 200 hộ gia đình và tổ dân phố nhỏ hơn 250 hộ gia đình, được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng 0,8 lần mức lương cơ sở.

2. Phụ cấp kiêm nhiệm:

Các chức danh không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố quy định tại khoản 1 điều này nếu bố trí kiêm nhiệm thì người kiêm nhiệm được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức phụ cấp của chức danh không chuyên trách mà người đó kiêm nhiệm. Sau khi thực hiện bố trí kiêm nhiệm, số kinh phí khoán còn lại (nếu có) được sử dụng để chi thu nhập tăng thêm cho những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố theo phương án được Ủy ban nhân dân cấp xã phê duyệt.

Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

3. Kinh phí hoạt động của các thôn, tổ dân phố

Thực hiện khoán chung kinh phí hoạt động một năm của các chi hội, đoàn thể ở thôn, tổ dân phố và hoạt động khác của thôn, tổ dân phố, cụ thể:

a) Đối với những thôn thuộc xã, thị trấn loại I, loại II và xã trọng điểm về an ninh trật tự: Bằng 6,0 lần mức lương cơ sở.

b) Đối với tổ dân phố và các thôn còn lại: Bằng 5,0 lần mức lương cơ sở.

4. Bồi dưỡng người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố

Người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố (không bao gồm người đã được hưởng lương và phụ cấp) được hưởng mức bồi dưỡng là: 30.000 đồng/buổi/người, nhưng không quá 1 lần lương cơ sở/tháng/thôn, tổ dân phố.

Điều 3. Về chế độ đối với các lực lượng khác ở xã, ở thôn, tổ dân phố

1. Công an viên

a) Công an viên ở xã (không là Công an chính quy) được hưởng mức phụ cấp hàng tháng bằng 1,0 lần mức lương cơ sở.

b) Công an viên ở thôn được hưởng mức phụ cấp hàng tháng bằng 0,5 lần mức lương cơ sở.

2. Ban bảo vệ dân phố, tổ bảo vệ dân phố

a) Ban Bảo vệ dân phố: Trưởng ban bằng 0,5 mức lương cơ sở/người/tháng; Phó ban bằng 0,35 mức lương cơ sở/người/tháng; các Ủy viên đồng thời là Tổ trưởng Tổ Bảo vệ dân phố, hưởng phụ cấp của Tổ trưởng Tổ Bảo vệ dân phố.

b) Tổ Bảo vệ dân phố: Tổ trưởng bằng 0,3 mức lương cơ sở/người/tháng; Tổ viên bằng 0,16 mức lương cơ sở/người/tháng.

3. Nhân viên y tế thôn (bản)

Được hưởng mức phụ cấp, trợ cấp hàng tháng bằng 0,5 lần mức lương cơ sở.

Điều 4. Về giải quyết chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư khi nghỉ việc do sắp xếp theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP

1. Đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư khi nghỉ việc do thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ được thực hiện theo Nghị quyết số 154/2019/NQ-HĐND ngày 07/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng quy định chính sách hỗ trợ những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và thôn, tổ dân phố dôi dư sau khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính ở xã, phường, thị trấn và thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2019-2021.

2. Đối với những trường hợp nghỉ việc khác không do sắp xếp theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ thì thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật.

3. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 33/2011/NQ-HĐND ngày 02/12/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc bổ sung số lượng, chế độ đối với Phó trưởng công an xã tại các xã trọng điểm và công an viên; bổ sung, sửa đổi một số chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã và điều chỉnh kinh phí hoạt động của thôn, tổ dân phố và Nghị quyết số 87/2013/NQ-HĐND ngày 05/12/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định chức danh, chế độ phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng Khóa IX, Kỳ họp thứ 14 thông qua ngày 15 tháng 7 năm 2020 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2020./.

 

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.