THÔNG TƯ
Hướng dẫn tiêu chí đánh giá và phân loại hợp tác xã
________________________
Căn cứ Luật Hợp tác xã năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 177/2004/NĐ-CP ngày 12 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hợp tác xã năm 2003;
Căn cứ Chỉ thị số 22/2003/CT-TTg ngày 03 tháng 10 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thúc đẩy thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về kinh tế tập thể;
Căn cứ Nghị định số 61/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về tiêu chí đánh giá và phân loại hợp tác xã như sau:
I. MỤC ĐÍCH VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
1. Mục đích
a. Tiêu chí đánh giá hợp tác xã giúp xã viên hợp tác xã và các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá thống nhất kết quả thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2003 và hoạt động của hợp tác xã.
b. Tiêu chí phân loại hợp tác xã giúp nâng cao hiệu quả công táwc quản lý nhà nước đối với hợp tác xã, góp phần thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã đúng đối tượng.
2. Đối tượng áp dụng
a. Các hợp tác xã (bao gồm Quỹ tín dụng nhân dân) đăng ký kinh doanh theo Luật Hợp tác xã năm 2003. Riêng đối với Quỹ Tín dụng Nhân dân, việc đánh giá, xếp loại thực hiện theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
b. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hợp tác xã, được quy định tại điều 24.
II. TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ HỢP TÁC XÃ
1. Tiêu chí đánh giá
Hợp tác xã được đánh giá theo 6 tiêu chí sau đây:
a. Mức độ dân chủ và sự tham gia của xã viên vào xây dựng và thực hiện Điều lệ hợp tác xã;
b. Mức độ hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất - kinh doanh đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội xã viên;
c. Mức độ đáp ứng nhu cầu của hoạt động kinh tế và đời sống xã viên;
d. Mức độ tin cậy của xã viên đối với hợp tác xã;
e. Mức độ phúc lợi chung của hợp tác xã tạo ra cho toàn thể xã viên;
g. Mức độ đoàn kết, hợp tác giữa các xã viên và xây dựng cộng đồng hợp tác xã.
2. Phương pháp đánh giá
a. Xã viên trực tiếp đánh giá hợp tác xã;
b. Ban quản trị và Ban kiểm soát hợp tác xã phổ biến cho xã viên hiểu rõ những nội dung cơ bản của Luật Hợp tác xã năm 2003, các Nghị định số 177/2004/NĐ-CP ngày 12 tháng 10 năm 2004 và số 77/2005/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2005 bằng những hình thức phù hợp do hợp tác xã viên tham dự Đại hội xã viên hàng năm;
c. Từng tiêu chí được đánh giá theo phương pháp cho điểm như sau:
Tiêu chí 1: Tiêu chí về Mức độ dân chủ và sự tham gia của xã viên vào xây dựng và thực hiện Điều lệ hợp tác xã được đánh giá từ mức 0 điểm đến mức 10 điểm.
Mức điểm cao hơn thể hiện mức độ dân chủ cao hơn và sự tham gia tích cực hơn của xã viên trong việc xây dựng và thực hiện Điều lệ hợp tác xã.
Tiêu chí 2: Tiêu chí về Mức độ hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất - kinh doanh đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội xã viên được đánh giá từ mức 0 điểm đến mức 10 điểm.
Mức điểm cao hơn thể hiện mức độ cao hơn trong việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất - kinh doanh.
Tiêu chí 3: Tiêu chí về Mức độ đáp ứng nhu cầu của hoạt động kinh tế và đời sống của xã viên được đánh giá từ mức 0 điểm đến mức 10 điểm.
Mức điểm cao hơn thể hiện mức độ cao hơn trong việc đáp ứng nhu cầu hoạt động kinh tế và đời sống của xã viên.
Tiêu chí 4: Tiêu chí về Mức độ tin cậy của xã viên đối với hợp tác xã được đánh giá từ mức 0 điểm đến mức 10 điểm.
Mức điểm cao hơn thể hiện mức độ tin cậy cao hơn của xã viên đối với hợp tác xã.
Tiêu chí 5: Tiêu chí về Mức độ phúc lợi chung của hợp tác xã tạo ra cho toàn thể xã viên được đánh giá từ mức 0 điểm đến mức 5 điểm.
Các phúc lợi chung bao gồm: đóng góp xây dựng công trình nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, nhà thông tin, tổ chức tham quan, du lịch, hoạt động văn hóa, giải trí, an dưỡng v.v…
Mức điểm cao hơn thể hiện mức độ đóng góp cao hơn của hợp tác xã trong việc xây dựng các công trình phúc lợi hoặc tổ chức các hoạt động phúc lợi chung của cộng đồng xã viên.
Tiêu chí 6: Tiêu chí về Mức độ đoàn kết, hợp tác giữa các xã viên và xây dựng cộng đồng hợp tác xã được đánh giá từ mức 0 điểm đến mức 5 điểm.
Mức điểm cao hơn thể hiện mức độ đoàn kết, hợp tác cao hơn giữa xã viên trong hợp tác xã.
3. Tổng hợp kết quả đánh giá
a. Tiến hành rà soát phiếu đánh giá và cộng điểm đánh giá của xã viên
Ban kiểm soát hợp tác xã rà soát lại phiếu đánh giá của từng xã viên theo hướng dẫn tại Khoản 2, Mục II của Thông tư này, phát hiện những phiếu đánh giá chưa đúng hoặc chưa đầy đủ để hướng dẫn xã viên đánh giá lại; thu thập phiếu đánh giá hợp lệ.
b. Tính điểm đánh giá bình quân của xã viên
Ban kiểm soát hợp tác xã cộng điểm đánh giá của các phiếu hợp lệ, sau đó lấy tổng số điểm đã cộng chia cho số xã viên có phiếu đánh giá hợp lệ để tính điểm đánh giá tổng hợp bình quân của xã viên hợp tác xã và tính điểm đánh giá bình quân của xã viên đối với từng tiêu chí.
Ví dụ: Trong Đại hội xã viên, sau khi phát phiếu và hướng dẫn xã viên đánh giá cho điểm, Ban kiểm soát thu thập được 100 phiếu hợp lệ.
* Điểm đánh giá bình quân đối với từng tiêu chí = (Tổng số điểm của 100 xã viên cho tiêu chí đó): 100 xã viên.
** Điểm đánh giá tổng hợp bình quân đối với cả 6 tiêu chí = (Tổng số điểm của 100 xã viên cho tất cả 6 tiêu chí): 100 xã viên.
Kết quả kiểm tra đánh giá bình quân đối với từng tiêu chí và tổng hợp đánh giá bình quân của xã viên được điền vào mẫu ĐGHTX-2
c. Xếp loại hợp tác xã
Trên cơ sở điểm đánh giá tổng hợp bình quân của xã viên hợp tác xã, Ban kiểm soát tiến hành xếp loại hợp tác xã vào một trong 4 mức, theo thang điểm như sau:
(1). Mức tốt: điểm đánh giá bình quân đạt từ 45 điểm đến 50 điểm;
(2). Mức khá: điểm đánh giá bình quân đạt từ 35 đến dưới 45 điểm;
(3). Mức trung bình: điểm đánh giá bình quân đạt từ 25 đến dưới 35 điểm;
(4). Mức trung bình: điểm đánh giá bình quân đạt từ 25 đến dưới 35 điểm;
d. Công bố kết quả xếp loại hợp tác xã
Kết quả xếp loại hợp tác xã theo 4 mức trên đây và đối với từng tiêu chí được công bố công khai tại Đại hội xã viên hàng năm.
Đại hội xã viên hợp tác xã căn cứ kết quả xếp loại hợp tác xã xác định điểm mạnh, hạn chế của hợp tác xã để đề ra kế hoạch phấn đấu cho năm tiếp theo.
Xã viên có quyền được kiểm tra kết quả xếp loại.
e. Lưu giữ kết quả xếp loại hợp tác xã
Toàn bộ phiếu đánh giá của xã viên và kết quả xếp loại hợp tác xã được lưu giữ cùng hồ sơ Đại hội xã viên.
III. TIÊU CHÍ VÀ PHƯƠNG PHÁP PHÂN LOẠI HỢP TÁC XÃ
1. Tiêu chí phân loại hợp tác xã theo ngành, nghề
Việc phân loại hợp tác xã theo ngành, nghề hoạt động được thực hiện theo 2 tiêu chí sau đây:
a. Hợp tác xã được phân loại theo những ngành, nghề đã được quy định tại Nghị định số 75/CP của Chính phủ ngày 27 tháng 10 năm 1993 (sau đây gọi tắt là Nghị định số 75/CP) về ban hành hệ thống ngành kinh tế quốc dân.
b. Trường hợp hợp tác xã hoạt động trong nhiều ngành, nghề khác nhau thì hợp tác xã được phân loại theo ngành, nghề có tỷ trọng doanh thu lớn nhất.
2. Phương pháp phân loại hợp tác xã theo ngành, nghề
a. Tại thời điểm phân loại hợp tác xã, cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện phân loại hợp tác xã vào 12 nhóm ngành, nghề sau:
(1). Nhóm hợp tác xã nông, lâm nghiệp, làm muối (ngành thứ nhất theo Nghị định số 75/CP và bổ sung thêm nghề làm muối).
(2). Nhóm hợp tác xã thủy sản (ngành thứ 2 theo Nghị định số 75/CP).
(3). Nhóm hợp tác xã công nghiệp (ngành thứ 3 và 4 theo Nghị định số 75/CP).
(4). Nhóm hợp tác xã sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước (ngành thứ 5 theo Nghị định số 75/C).
(5). Nhóm hợp tác xã xây dựng (ngành thứ 6 theo Nghị định số 75/CP)/
(6). Nhóm hợp tác xã thương nghiệp (ngành thứ 7 theo Nghị định số 75/CP).
(7). Nhóm hợp tác xã vận tải, kho bãi và thông tin liên lạc (ngành thứ 9 theo Nghị định số 75/CP).
(8). Nhóm hợp tác xã tài chính, tín dụng (ngành thứ 10 theo Nghị định số 75/CP).
(9). Nhóm hợp tác xã khoa học và công nghệ (ngành thứ 11 theo Nghị định số 75/CP).
(10). Nhóm hợp tác xã kinh doanh bất động sản và dịch vụ tư vấn (ngành thứ 12 theo Nghị định số 75/CP).
(11). Nhóm hợp tác xã giáo dục, đào tạo (ngành thứ 14 theo Nghị định số 75/CP).
(12). Nhóm hợp tác xã y tế, cứu trợ xã hội, phục vụ cá nhân và cộng đồng (ngành thứ 15 theo Nghị định số 75/CP).
b. Đối với hợp tác xã hoạt động đa ngành, nghề trong số 12 nhóm ngành, nghề nêu tại điểm a, mục này và có báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh thì hợp tác xã được phân loại theo ngành có tỷ trọng doanh thu cao nhất.
c. Đối với hợp tác xã mới thành lập, đăng ký nhiều ngành, nghề khác nhau, chưa có báo cáo kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, cơ quan đăng ký kinh doanh phân loại hợp tác xã theo một (01) ngành, nghề trong số các ngành, nghề đã được đăng ký kinh doanh của hợp tác xã và được quy định tại Nghị định số 75/CP trên cơ sở tham khảo ý kiến hợp tác xã.
3. Phân công quản lý nhà nước đối với hợp tác xã
Hợp tác xã được phân công vào nhóm ngành, nghề nào theo quy định tại Nghị định 75/CP của Chính phủ sẽ do Bộ, Sở, Ngành liên quan là cơ quan đầu mối thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hợp tác xã đó.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức phổ biến Thông tư này đến từng hợp tác xã và hướng dẫn Ban quản trị, Ban kiểm soát hợp tác xã triển khai cho xã viên đánh giá và tổng hợp kết quả đánh giá tại Đại hội xã viên.
2. Các Bộ, Ngành liên quan cụ thể hóa thêm các tiêu chí đánh giá, phân loại hợp tác xã phù hợp với đặc thù của ngành mình quản lý nếu cần thiết. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn nội dung, mẫu biểu đánh giá, xếp loại Quỹ Tín dụng nhân dân.
3. Ban quản trị tổ chức thực hiện đánh giá kết quả thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2003 và hoạt động của hợp tác xã được triển khai tại Đại hội xã viên hàng năm.
4. Chế độ báo cáo:
a. Ban quản trị báo cáo kết quả xếp loại theo mẫu ĐGHTX-2 cùng báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh của hợp tác xã đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi hợp tác xã đặt trụ sở chính, chậm nhất vào ngày 28 tháng 2 hàng năm.
b. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện tổng hợp kết quả đánh giá, phân loại hợp tác xã theo mẫu ĐGHTX-3, báo cáo cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh và gửi các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cùng cấp chậm nhất vào ngày 15 tháng 3 hàng năm.
d. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi báo cáo tổng hợp kết quả đánh giá, phân loại hợp tác xã theo mẫu ĐGHTX-3 trên địa bàn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành quản lý nhà nước có liên quan chậm nhất vào ngày 31 tháng 3 hàng năm.
Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện các nội dung hướng dẫn tại Thông tư này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắt, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ kế hoạch và Đầu tư để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo./.