• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 13/03/2003
UBND TỈNH LONG AN
Số: 832/2003/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Long An, ngày 3 tháng 3 năm 2003

QUYẾT ĐỊNH 

V/v ban hành Quy định nội dung quản lý Nhà nước và định hướng nội dung xây dựng
quy ước của ấp, khu phố, cụm dân cư trên địa bàn tỉnh

_______________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;

- Căn cứ Nghị quyết số 39/2002/NQ-HĐND.K6 của Hội đồng Nhân dân tỉnh-khoá 6, kỳ họp thứ 8 về định hướng xây dựng và thực hiện quy ước ấp, khu phố văn hoá, cụm dân cư trên địa bàn tỉnh Long An;

- Theo đề nghị của Sở Tư pháp tại tờ trình số 72/TT-TP ngày 12/02/2003 về việc hoàn chỉnh văn bản về quy định quản lý Nhà nước và định hướng nội dung xây dựng quy ước của ấp, khu phố, cụm dân cư trên địa bàn tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH

Điều I: Ban hành kèm theo Quyết định này Bản quy định nội dung quản lý nhà nước và định hướng nội dung xây dựng quy ước của ấp, khu phố, cụm dân cư trên địa bàn tỉnh.

Điều II: Giám đốc Sở Tư pháp và Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin phối hợp với Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh soạn thảo một số mẫu quy ước; triển khai, hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ cho các cơ sở; kiểm tra, đánh giá tổng họp và đề xuất khen thưởng trong việc tổ chức thực hiện Quyết định này.

Điều III: Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh; Giám đốc Sở Tư pháp; Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh thi hành quyết định này.

 

QUY ĐỊNH QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ ĐỊNH HƯỚNG NỘI DUNG XÂY DỰNG THỰC HIỆN QUY ƯỚC CỦA ẤP, KHU PHỐ, CỤM DÂN CƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 832/2003/QĐ-UB ngày 03/3/2003 của UBND tỉnh Long An)

---------------------

Quy ước của ấp, khu phố, cụm dân cư (gọi chung là quy ước của ấp) là văn bản quy phạm xã hội do cộng đồng dân cư cùng thỏa thuận đặt ra để quy định các quan hệ xã hội mang tính tự quản của nhân dân nhằm đảm bảo đoàn kết, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng cuộc sống mới, tương trợ, giúp đở nhau trong sản xuất và đời sống; giữ gìn phát huy truyền thống tốt đẹp, thuần phong mỹ tục của cộng đồng... thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ của công dân theo đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Do vậy phải được xây dựng như sau:

A. NỘI DUNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC: Về xây dựng quy ước

1. Ủy ban nhân dân tỉnh trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình, trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định cụ thể việc Quản lý Nhà nước và định hướng nội dung quy ước căn cứ vào pháp luật hiện hành, phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế xã hội, phong tục tập quán của tỉnh, chỉ đạo triển khai và kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Hội đồng nhân dân về các vấn đề nói trên.

- Trong phạm vi chức năng, nhiện vụ, quyền hạn của mình, Sở Tư pháp và Sở Văn hóa - Thông tin phối hợp với Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh chỉ đạo,  hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ giúp các Phòng Tư pháp, Phòng VHTT-TT thực hiện việc tham mưu cho UBND huyện, thị xã phê duyệt quy ước.

- Hằng năm Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa – Thông tin và Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tiến hành tổng kết, đánh giá tình hình xây dựng và thực hiện quy ước trên địa bàn; báo cáo với Ủy ban nhân dân tỉnh và các Bộ, ngành chủ quản cấp trên.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã có nhiệm vụ phê duyệt các quy ước của ấp, khu phố, cụm dân cư do UBND xã, phường, thị trấn trình và chỉ đạo hướng dẫn việc thực hiện quy ước phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, các quy tắc xây dựng nếp sống văn hóa mới, duy trì và phát triển phong tục tập quán tốt đẹp ở cơ sở.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn có trách nhiệm chỉ đạo, hổ trợ các ấp, khu phố, cụm dân cư xây dựng quy ước có nội dung phong phú, thiết thực, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã phê duyệt. Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn thường xuyên kiểm tra việc tổ chức thực hiện quy ước trên địa bàn.

B. ĐỊNH HƯỚNG NỘI DUNG XÂY DỰNG QUY ƯỚC:

I- Về hình thức, cơ cấu thể hiện

Có thể xây dựng theo dạng chương, mục, điều, khoản, điểm; nội dung không trái với các quy định của pháp luật, với phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân địa phương.

Các quy định của quy ước cần ngắn, gọn, cụ thể, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện (Có thể có bản thuyết minh chi tiết đính kèm)

Phần kết thúc quy ước cần ghi rõ:

- Tên người (tổ) soạn thảo.

- Thời gian khởi thảo và kết thúc.

- Ngày nhân dân trong ấp (khu phố) thông qua tỉ lệ %

- Ngày phê duyệt quy ước.

II- Về nội dung:

Lời nói đầu

+ Giới thiệu đặc điểm, lịch sử, địa lý của  ấp (ngày lập ấp, người có công khai mở ấp, diện tích).

+ Truyền thống xây dựng lập ấp, góp phần xây dựng bảo vệ đất nước (các thành tích nổi bật), giới thiệu những danh nhân (nếu có).

+ Giới thiệu đặc điểm chính phong tục tập quán tốt đẹp của ấp (hiếu học, trọng tình nghĩa, đoàn kết đùm bọc nhau, cần cù sáng tạo trong lao động...)

+ Ý nghĩa và mục đích xây dựng quy ước của ấp (tôn trọng và phát huy quyền dân chủ của nhân dân; xây dựng đời sống văn hóa...)

Nội dung quy ước:  Cần tập trung vào  một số vấn đề cơ bản sau đây:

1. Bảo đảm giữ gìn, phát huy thuần phong mỹ tục:

Đề ra các quy tắc, hình thức thực hiện các hành vi ứng xử văn minh trong giao tiếp, ăn ở, đi lại..., xoá bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan trong việc cưới, việc tang, lễ hội, thờ phượng ở địa phương; khuyến khích những lễ nghi lành mạnh, tiết kiệm, chống thương mại hóa; phát triển các hoạt động văn hóa thể thao lành mạnh, thực hiện tốt chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước; Thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.

2. Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình và xã hội:

Hình thành quy tắc đạo đức trong gia đình và cộng đồng theo tiêu chuẩn nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; xây dựng ấp, khu phố, cụm dân cư văn hóa. Khuyến khích mọi người đùm bọc, giúp đở nhau khi gặp khó khăn, ốm đau, hoạn nạn...; xây dựng tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng, thực hiện xóa đói, giảm nghèo, phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao đời sống, khuyến học, khuyến nghề..., thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình.

3. Xây dựng kết cấu hạ tầng, bảo vệ công trình công cộng, tài sản của công dân, cảnh quan môi trường:

Đề ra các yêu cầu đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi (điện, đường, trường học, trạm y tế, trạm thông tin..., công trình văn hóa thể thao (nghĩa trang, đài tưởng niệm, khu vui chơi...) bằng các hình thức thích hợp, không trái pháp luật, được nhân dân đồng tình.

Đề ra các biện pháp góp phần bảo vệ tài sản của Nhà nước, tài sản cộng đồng và tài sản của công dân; bảo vệ môi trường sống, bảo vệ rừng, biển, sông, hồ, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, bảo vệ công trình phúc lợi, nguồn nước sạch, kênh mương, cống đập, đường dây tải điện, cáp quang... Xây dựng và phát triển đường làng, ngõ xóm, xây dựng môi trường: xanh-sạch-đẹp.

4/ Giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội

Đề ra các biện pháp cụ thể bảo vệ trật tự trị an trên địa bàn, góp phần phòng chống các tệ nạn xã hội như: ma túy, mại dâm, cờ bạc, rượu chè bê tha, trộm cắp, đồng bóng bói toán và các hành vi vi phạm pháp luật khác nhằm xây dựng địa bàn trong sạch. Xây dựng ý thức phòng gian bảo mật, chấp hành nghiêm pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch, hộ khẩu; Thực hiện quy tắc an toàn giao thông; Tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ những người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư. Duy trì và phát triển phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ Quốc, an ninh biên giới. Bảo đảm triển khai và thực hiện các quy định của pháp luật về các tổ chức tự quản ở cơ sở như tổ chức và hoạt động của tổ hoà giải cơ sở, thanh tra nhân dân, Ban tổ tự quản về an ninh trật tự...

5/ Về thưởng phạt

Đề ra các biện pháp thưởng, phạt phù hợp để bảo đảm thực hiện quy ước:

- Về khen thưởng: Cá nhân, hộ gia đình có thành tích trong xây dựng và thực hiện quy ước, người có hành động dũng cảm cứu người, tài sản; có ý thức vượt khó, hiếu thảo; có tấm lòng từ thiện, phát triển ngành nghề mới, tạo việc làm, bảo vệ chăm sóc trẻ em, học sinh giỏi, tài năng văn hoá thể thao... Ngoài việc được bình xét đề nghị khen thưởng theo quy định của Nhà nước, Quy ước đề ra các hình thức biểu dương khen thưởng như: Lập sổ vàng truyền thống, nêu gương người tốt, việc tốt, ghi nhận công lao, thành tích cá nhân, được tôn vinh, biểu dương tại các cuộc sinh hoạt cộng đồng, trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Đối với những người có hành vi vi phạm các quy định của quy ước thì chủ yếu áp dụng các hình thức giáo dục, phê bình của gia đình, tập thể cộng đồng. Quy ước đề ra các biện pháp nhằm cảm hóa giáo dục, giúp đở người vi phạm pháp luật sớm hòa nhập cộng đồng trở thành những người lương thiện, có ích cho gia đình và xã hội.

Các biện pháp xử lý vi phạm trong quy ước không thay thế các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Quy ước không được đề ra các biện pháp phạt xâm phạm đến tín mạng, sức khỏe, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; không đặt ra các khoản phí, lệ phí.

III. Quy trình xây dựng, thực hiện quy ước

1. Trên cơ sở định hướng nội dung xây dựng quy ước của ấp, khu phố, cụm dân cư, tùy theo đặc điểm kinh tế xã hội, phong tục tập quán của từng nơi mà xây dựng quy ước cho phù hợp, chỉ lựa chọn những vần đề cần thiết, cụ thể được nhân dân đồng tình; tất cả các quy ước xây dựng trước khi có định hướng này, cần được rà soát lại và xây dựng theo nội dung định hướng. Việc xây dựng và thực hiện quy ước cần phải tổ chức tập huấn hướng dẫn cụ thể; cần thiết tổ chức xây dựng thí điểm cho đặc điểm từng vùng như: khu phố (đô thị), khu công nghiệp, vùng lũ, vùng hạ...

2. Quy ước phải được Chủ tịch UBND huyện, thị xã phê duyệt, trên cơ sở có chữ ký của Trưởng ấp (khu phố, cụm dân cư), Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận, kèm theo biên bản hội nghị nhân dân thông qua (phải có ít nhất 2/3 số hộ cử đại biểu tới dự); Có công văn đề nghị của Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã, phường, thị trấn.

Trong trường hợp phát hiện quy ước chưa được phê duyệt, Phòng Tư pháp, Phòng Văn hoá – Thông tin và Thể thao hướng dẫn để cơ sở thực hiện thủ tục phê duyệt ; Trường hợp phát hiện có nội dung sai trái thì báo cáo để UBND huyện, thị xã tạm đình chỉ thi hành và hướng dẫn để chỉnh lý, hoàn thiện quy ước đó.

Thủ tục soạn thảo thông qua, phê duyệt và trách nhiệm giúp UBND các cấp quản lý việc xây dựng và thực hiện quy ước được thực hiện theo Thông tư Liên tịch số: 03/2000/TTLT ngày 31 tháng 03 năm 2000 của Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa – Thông tin và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

3. Quy ước phải được toàn thể nhân dân trong ấp (khu phố, cụm dân cư) bàn bạc, góp ý xây dựng và nhất trí thông qua.

Mọi cá nhân, hộ gia đình có trách nhiệm thực hiện đúng quy ước.

Các tổ chức xã hội, đoàn thể ấp, trưởng ấp, các tổ chức nhân dân tự quản có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi, kiểm tra hướng dẫn vận động giúp đỡ để nhân dân thực hiện các nội dung quy ước. Hàng năm lấy ngày hội đoàn kết toàn dân (18/11) để kiểm điểm lại quá trình thực hiện quy ước.

Việc sửa đổi, bổ sung quy ước phải thực hiện theo trình tự, thủ tục như soạn thảo quy ước mới, không được tùy tiện sửa đổi, bổ sung quy ước sau khi đã được phê duyệt.

 

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Trương Văn Tiếp

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.