• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 17/09/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 10/11/2013
BỘ TÀI CHÍNH-BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Số: 113/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 3 tháng 8 năm 2010

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 116/2007/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 27/9/2007 hướng dẫn nội dung chi, mức chi cho công tác xác minh, tiếp nhận và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về tái hòa nhập cộng đồng theo Quyết định số 17/2007/QĐ-TTg ngày 29/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ

___________________________________________________________

Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Quyết định số 17/2007/QĐ-TTg ngày 29/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy chế tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về.

Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 116/TTLT/BTC-BLĐTBXH ngày 27/9/2007 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn nội dung chi, mức chi cho công tác xác minh, tiếp nhận và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về tái hòa nhập cộng đồng như sau:

Điều 1. Thay nội dung điểm c, khoản 3, mục II Thông tư liên tịch số 116/2007/TTLT-BTC-BLĐTBXH bằng nội dung sau:

c) Chi cho các hoạt động tư vấn, hỗ trợ tâm lý, giáo dục, y tế, hướng nghiệp tại cơ sở hỗ trợ.

Điều 2. Thay nội dung của khoản 2, mục III Thông tư liên tịch số 116/2007/TTLT-BTC-BLĐTBXH bằng nội dung sau:

a) Nạn nhân sau khi được tiếp nhận tại cơ sở tiếp nhận hoặc cơ sở hỗ trợ được xem xét, trợ cấp một lần quần áo, vật dụng cá nhân cần thiết. Mức chi được tính trên cơ sở giá cả thực tế của từng địa phương nhưng không quá 200.000 đồng/người.

b) Tiền vệ sinh phụ nữ với mức 20.000 đồng/người/tháng.

c) Tiền ăn với mức 20.000 đồng/người/ngày.

d) Trong thời gian lưu trú tại cơ sở tiếp nhận hoặc cơ sở hỗ trợ, nếu nạn nhân bị ốm phải điều trị để phục hồi sức khoẻ thì được xem xét hỗ trợ tiền khám bệnh và thuốc chữa bệnh; trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo vượt quá khả năng chữa trị của cơ sở phải chuyển đến bệnh viện của Nhà nước điều trị thì chi phí khám bệnh, thuốc chữa bệnh và điều trị trong thời gian nằm viện do Thủ trưởng cơ sở tiếp nhận hoặc cơ sở hỗ trợ xem xét hỗ trợ. Mức tối đa không quá 1.000.000 đồng/người/đợt điều trị.

e) Trường hợp nạn nhân chết trong thời gian lưu trú tại cơ sở tiếp nhận hoặc cơ sở hỗ trợ, sau khi có kết luận của các cơ quan có thẩm quyền, sau 24 giờ mà thân nhân không đến kịp hoặc không có điều kiện mai táng thì Thủ trưởng cơ sở tiếp nhận hoặc cơ sở hỗ trợ có trách nhiệm tổ chức mai táng. Mức chi phí mai táng là 3.000.000 đồng/người.

g) Trợ cấp tiền ăn trong thời gian đi đường là 20.000 đồng/người, tối đa không quá 5 ngày.

h) Mức hỗ trợ tiền tầu, xe được tính trên quãng đường thực tế và giá vé phương tiện vận chuyển công cộng. Cơ sở tiếp nhận, cơ sở hỗ trợ có trách nhiệm mua vé tầu, xe cấp cho nạn nhân.

Trường hợp nạn nhân là trẻ em nếu không có thân nhân đến đón thì cơ sở hỗ trợ bố trí cán bộ đưa trẻ em về nơi cư trú hoặc liên hệ với cơ quan Lao động -Thương binh và Xã hội nơi trẻ em cư trú để đón nhận.

i) Mức chi thù lao cho chuyên gia tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân là 50.000 đồng/buổi, tối đa không quá 20 buổi.

Điều 3. Thay nội dung của điểm a và điểm b, khoản 4, mục III Thông tư liên tịch số 116/2007/TTLT-BTC-BLĐTBXH bằng nội dung sau:

a) Nạn nhân nếu thuộc hộ nghèo (theo chuẩn nghèo do Thủ tướng Chính phủ ban hành từng thời kỳ) hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn đặc biệt (do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã xác nhận) thì được xem xét trợ cấp khó khăn ban đầu với mức tối thiểu là 1.000.000 đồng/người.

b) Nạn nhân nếu có nhu cầu học nghề được xem xét, cấp kinh phí học nghề một lần với mức 1.000.000đồng/người/khoá học nghề.

Điều 4. Thay khoản 1, mục IV Thông tư liên tịch số 116/2007/TTLT-BTC-BLĐTBXH bằng nội dung sau:

1. Thủ tục chi hỗ trợ nạn nhân tái hoà nhập cộng đồng:

Để nhận được các khoản hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng quy định tại mục III của Thông tư liên tịch số 116/2007/TTLT-BTC-BLĐTBXH và tại Điều 2, Điều 3 Thông tư liên tịch này, trong thời hạn 12 tháng (kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận về nước) nạn nhân hoặc gia đình có trẻ em là nạn nhân phải làm đơn gửi Uỷ ban nhân dân cấp xã (mẫu 01 kèm theo Thông tư).

Căn cứ vào đơn đề nghị, Uỷ ban nhân dân cấp xã lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ nạn nhân (mẫu 02 kèm theo Thông tư) gửi cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện.

Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện tổng hợp, thẩm định hồ sơ và làm văn bản đề nghị (kèm theo hồ sơ) gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Trên cơ sở đơn, hồ sơ đề nghị, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định chi hỗ trợ nạn nhân theo chế độ quy định.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung ./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Nguyễn Công Nghiệp

Nguyễn Trọng Đàm

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.