Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành Quy định trách nhiệm và hình thức xử lý đối với tổ chức, cá nhân khi vi phạm

về quản lý, điều hành hoạt động thu phí trên quốc lộ do nhà nước quản lý

_____________________________

 

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 12 tháng 4 năm 2002;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh Cán bộ, công chức và Pháp lệnh Chống tham nhũng ngày 26/02/1998;

Căn cứ Pháp lệnh Phí, lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQHI0 ngày 28/8/2001, Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí, lệ phí;

Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 22 tháng 3 năm 1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - lao động, Vụ trưởng Vụ Pháp chế vận tải.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định trách nhiệm và hình thức xử lý đối với tổ chức, cá nhân khi vi phạm về quản lý, điều hành hoạt động thu phí trên quốc lộ do Nhà nước quản lý".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lục thi hành từ ngày 01 tháng 3 năm 2003.

Điều 3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính), Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Đào Đình Bình

(Đã ký)

 


QUY ĐỊNH

Trách nhiệm và hình thức xử lý đối với tổ chức, cá nhân khi vi phạm về quản lý, điều hành hoạt động thu phí trên quốc lộ do nhà nước quản lý

(Ban hành kèm theo Quyết định số 318/2003/QĐ-BGTVT ngày 30/01/2003

của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

______________

 

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Quy định này xác định trách nhiệm và hình thức xử lý đối với tổ chức, cá nhân khi vi phạm về quản lý, điều hành hoạt động thu phí trên quốc lộ do Nhà nước quản lý.

2. Đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân thực hiện thu phí sử dụng đường bộ và phí qua phà, bao gồm:

a) Trạm thu phí sử dụng đường bộ, bến phà; Công ty (Đoạn) quản lý đường bộ hoặc Cụm phà trực tiếp quản lý trạm thu phí, bến phà;

b) Cơ quan tham mưu trực thuộc Khu quản lý đường bộ, Sở giao thông vận tải (giao thông công chính) có quản lý công tác thu phí sử dụng đường bộ.

c) Cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị quản lý thu phí: Cục Đường bộ Việt Nam, Khu Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính).

d) Cá nhân thực hiện công tác thu phí và quản lý thu phí gồm cán bộ nhân viên trạm thu phí, bến phà, lãnh đạo đơn vị, cơ quan cấp trên của đơn vị thu phí.

3. Phạm vi áp dụng là trạm thu phí sử dụng đường bộ, bến phà trên hệ thống quốc lộ do Nhà nước đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, bằng vốn vay và tổ chức thu phí hoàn vốn (sau đây gọi là trạm thu phí).

Quy định này không áp dụng đối với các trạm thu phí đường bộ, bến phà được đầu tư để kinh doanh theo hình thức BOT và các hình thức đầu tư để kinh doanh khác.

4. Hoạt động thu phí sử dụng đường bộ, bến phà trên hệ thống đường bộ của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào Quy định này để quy định cụ thể, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương.

Điều 2. Tổ chức, cá nhân nêu tại khoản 2 Điều 1 của Quy định này phải tuân theo các quy định của văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về quản lý, điều hành hoạt động thu phí, văn bản quy phạm khác có liên quan và nội dung của Quy định này.

Chương 2:

TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG THU PHÍ

MỤC A.

TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC

Điều 3. Trách nhiệm của trạm thu phí

1. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu phí sử dụng đường bộ theo đúng những quy định quản lý hiện hành của Nhà nước, của Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan quản lý cấp trên.

2. Căn cứ vào Quy định này và những hướng dẫn của cấp trên để xây dựng và tổ chức thực hiện Quy định của trạm trong hoạt động thu phí.

3. Giáo dục, động viên cán bộ nhân viên tự giác chấp hành nghiêm chỉnh Quy định của trạm; phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch thu phí, chi phí được giao; xây dựng đơn vị ổn định, đoàn kết và phát triển.

4. Thực hiện quản lý vé và tiền thu phí, quản lý các tài sản đã được giao cho trạm theo đúng quy định chế độ hiện hành.

Điều 4. Trách nhiệm của Công ty (Đoạn) quản lý đường bộ có quản lý trạm thu phí

1. Tổ chức hoạt động của trạm thu phí theo đúng quy định quản lý của Nhà nước, của các cơ quan cấp trên; phối hợp với chính quyền địa phương các cấp để giữ gìn trật tự trị an trong quá trình thu phí.

2. Thường xuyên chỉ đạo điều hành hoạt động của trạm thu phí theo đúng Quy định này; có biện pháp giải quyết kịp thời để tránh hiện tượng ùn tắc giao thông, gây phiền hà, cản trở... hoặc biểu hiện hành vi tiêu cực trong hoạt động thu phí.

3. Chấp hành đúng quy định về quản lý thu, chi và báo cáo về phí sử dựng đường bộ, nộp ngân sách kịp thời, đầy đủ, nộp trả nợ vay đúng kế hoạch, không chiếm dụng tiền thu phí để làm việc khác. Giải quyết tiền lương, tiền thưởng và các chế độ cho cán bộ nhân viên thu phí theo quy định và đúng thẩm quyền.

4. Kiến nghị cơ quan cấp trên giải quyết những vướng mắc về cơ chế quản lý thu phí, về chế độ quyền lợi hoặc tạo điều kiện và cơ sở vật chất cần thiết cho hoạt động của trạm thu phí.

Điều 5. Trách nhiệm của cơ quan tham mưu nghiệp vụ

Cơ quan tham mưu nghiệp vụ về thu phí là Phòng Tài chính kế toán của Khu Quản lý đường bộ, của Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính) có quản lý trạm thu phí. Trách nhiệm của cơ quan tham mưu nghiệp vụ về thu phí đồng thời là trách nhiệm của Khu quản lý đường bộ, của Sở giao thông vận tải (giao thông công chính) trong quản lý trạm thu phí.

1. Thực hiện chức năng tham mưu quản lý chuyên ngành về thu phí đường bộ.

2. Tổ chức xây dựng các nội quy, quy định của đơn vị về công tác quản lý phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị. Tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ thu phí cho lực lượng thu phí thuộc phạm vi phụ trách của đơn vị.

3. Hướng dẫn việc lập kế hoạch thu phí, chi phí cho Công ty Quản lý đường bộ có quản lý trạm thu phí; tổng hợp kế hoạch thu phí, chi phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Chủ trì, phối hợp với các Phòng nghiệp vụ liên quan thực hiện kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất nhằm phát hiện và kiến nghị xử lý kịp thời sai sót, vi phạm xảy ra trong hoạt động thu phí đường bộ.

5. Đôn đốc các đơn vị thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước và nộp trả nợ vay theo kế hoạch được giao. Tổng hợp báo cáo kịp thời hàng tháng số liệu thu phí, chi phí của các trạm thuộc quyền quản lý gửi Cục Đường bộ Việt Nam.

6. Đề xuất với lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam về những vấn đề cần sửa đổi, giải quyết trong cơ chế quản lý thu phí hoặc tạo điều kiện và cơ sở vật chất, hiện đại hóa các trạm thu phí thuộc quyền quản lý.

7. Chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng cơ quan về lĩnh vực thu phí đường bộ và liên đới chịu trách nhiệm với lãnh đạo cơ quan về các vi phạm xảy ra trong đơn vị; cấp phó chịu trách nhiệm trước cấp trưởng về nhiệm vụ được phân công.

Điều 6. Trách nhiệm của Cục Đường bộ Việt Nam

1. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới các trạm thu phí sử dụng đường bộ trên hệ thống quốc lộ để Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý đối với hoạt động thu phí để trình cấp có thẩm quyền ban hành như: quản lý thu phí, chi phí; quản lý lao động thu phí; chế độ tiền lương, tiền thưởng và các chế độ khác trong hoạt động thu phí.

3. Tổ chức chỉ đạo việc thành lập, điều chỉnh các trạm thu phí theo quy hoạch được duyệt; từng bước trang bị hiện đại hóa công tác thu phí đường bộ để đảm bảo hiệu quả, an toàn, thuận lợi trong công tác thu phí.

4. Hướng dẫn thực hiện quy định của Nhà nước, của Bộ Giao thông vận tải về tổ chức, quản lý hoạt động thu phí đường bộ.

5. Tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất từng mặt hoặc toàn bộ hoạt động của một số trạm thu phí và Công ty Quản lý đường bộ trực tiếp quản lý trạm; thực hiện xử lý cần thiết theo thẩm quyền sau khi kiểm tra.

MỤC B.

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁ NHÂN

Điều 7. Trách nhiệm của nhân viên bán vé, soát vé, nhân viên hướng dẫn xe, bảo vệ trạm thu phí (sau đây gọi là nhân viên thu phí)

1. Phải có bản cam kết cá nhân, không vi phạm quy định của Nhà nước, của Bộ Giao thông vận tải, của cấp trên đơn vị và nội quy của đơn vị về quản lý thu phí đường bộ.

2. Phải bán đúng mệnh giá vé quy định cho từng loại phương tiện.

3. Phải tự chịu trách nhiệm về quản lý vé đã nhận và tiền đã thu được; nếu để nhầm lẫn, mất vé mất tiền thì phải bồi thường.

4. Khi xe vào cửa kiểm soát phải báo hiệu để xe giảm tốc độ và dừng lại để kiểm tra vé. Nếu phát hiện thấy vé không đúng quy định (vé không đúng loại xe, vé giả, vé quay vòng, vé quá hạn...) thì yêu cầu lái xe hoặc chủ xe phải dừng xe lại để giải quyết nhưng không được để xảy ra ùn tắc giao thông.

5. Khi kiểm tra vé đúng loại thì phải xé ngay vé giao lại cho lái xe phần vé thanh toán. Phần Vé kiểm soát phải thu lại, xử lý theo đúng quy định.

6. Không được mang tiền mặt cá nhân trong người khi đang làm nhiệm vụ.

7. Không được tự ý đóng bớt cửa soát vé khi không có lệnh của Trạm trưởng trạm thu phí.

8. Phối hợp với lực lượng giữ gìn an ninh và lực lượng của trạm để bảo vệ tài sản, giữ trật tự tại ki ối bán vé và khu vực của trạm thu phí. Không để những người không có nhiệm vụ, người bán hàng trong khu vực trạm thu phí.

9. Tố giác những hành vi vi phạm xảy ra trong đơn vị của mình.

Điều 8. Trách nhiệm của lãnh đạo trạm thu phí

Trạm trưởng trạm thu phí đường bộ là người được Giám đốc Công ty Quản lý đường bộ giao trực tiếp quản lý, điều hành trạm. Trạm trưởng có trách nhiệm sau:

1. Phải có bản cam kết trước khi được bổ nhiệm và phải thực hiện đầy đủ chức trách được giao, chấp hành đầy đủ chế độ chính sách của Nhà nước đối với công tác thu phí.

2. Tổ chức, sắp xếp, phối hợp giữa các bộ phận, các ca làm việc để thực hiện tốt nhiệm vụ kế hoạch về thu phí, chi phí được giao; giải quyết mọi công việc theo đúng quy định, đúng thẩm quyền.

3. Thường xuyên tổ chức và thực hiện các hình thức, biện pháp kiểm tra cần thiết việc thực hiện nhiệm vụ của từng bộ phận, từng tổ, từng ca trong hoạt động thu phí; kiến nghị Giám đốc Công ty Quản lý đường bộ xử lý những trường hợp vi phạm trong hoạt động của trạm.

4. Chịu trách nhiệm trước Giám đốc Công ty về nhiệm vụ quản lý được giao, chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm về vi phạm xảy ra tại đơn vị mình.

Phó Trạm trưởng, Ca trưởng và Tổ trưởng chịu trách nhiệm trước Trạm trưởng về nhiệm vụ được phân công

Điều 9. Trách nhiệm của Giám đốc Công ty (Đoạn) quản lý đường bộ

1 . Thường xuyên theo dõi chỉ đạo hoạt động của trạm thu phí; có biện pháp giải quyết kịp thời hiện tượng ùn tắc giao thông, gây phiền hà, cản trở... hoặc xử lý hành vi tiêu cực trong hoạt động thu phí.

2. Thực hiện kiểm tra thường xuyên, đột xuất hoạt động của các trạm thu phí thuộc quyền quản lý dưới nhiều hình thức; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp trên xử lý sau khi kiểm tra.

3. Đảm bảo đầy đủ trang thiết bị cho hoạt động của trạm thu phí, thực hiện quản lý tài sản của trạm theo quy định hiện hành.

4. Kiến nghị cấp trên giải quyết những vướng mắc về cơ chế quản lý thu phí, về chế độ quyền lợi hoặc tạo điều kiện và cơ sở vật chất cần thiết cho hoạt động của trạm thu phí.

5. Chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên về nhiệm vụ được giao hoặc liên đới chịu trách nhiệm về vi phạm xảy ra tại đơn vị mình phụ trách.

Phó Giám đốc chịu trách nhiệm trước Giám đốc về nhiệm vụ được phân công.

Điều 10. Trách nhiệm của Tổng giám đốc Khu Quản lý đường bộ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính)

1. Tổ chức chỉ đạo việc thành lập, điều chỉnh các trạm thu phí theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

2. Căn cứ vào hướng dẫn của Cục Đường bộ Việt Nam, chỉ đạo cụ thể việc thực hiện quy định trong tổ chức, quản lý hoạt động thu phí; chỉ đạo cơ quan tham mưu nghiệp vụ hoàn thành tốt trách nhiệm của Khu quản lý đường bộ, của Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính) trong quản lý hoạt động thu phí đã ghi tại Điều 5 Quy định này.

3. Tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất các trạm thu phí thuộc quyền quản lý; xử lý theo thẩm quyền trường hợp vi phạm hoặc kiến nghị cấp trên xử lý.

4. Chịu trách nhiệm về các hoạt động thu phí đường bộ, bến phà thuộc phạm vi quản lý của mình và liên đới chịu trách nhiệm về các vi phạm xảy ra tại đơn vị thu phí dưới quyền.

Phó Tổng giám đốc Khu Quản lý đường bộ chịu trách nhiệm trước Tổng giám đốc Khu Quản lý đường bộ, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính) chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở về nhiệm vụ được giao.

Điều 11. Trách nhiệm của Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam

1. Tổ chức phối hợp hoạt động của các Ban tham mưu nghiệp vụ để hoàn thành tốt trách nhiệm của Cục Đường bộ Việt Nam đã ghi tại Điều 6 Quy định này.

2. Tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất từng mặt hoặc toàn bộ hoạt động của một số trạm thu phí và Công ty Quản lý đường bộ trực tiếp quản lý trạm; thực hiện xử lý cần thiết theo thẩm quyền sau khi kiểm tra.

3. Chịu trách nhiệm về hoạt động thu phí do Cục trực tiếp quản lý và liên đới chịu trách nhiệm về vi phạm xảy ra ở đơn vị thu phí dưới quyền.

Phó Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Cục trưởng về nhiệm vụ được phân công.

Chương 3:

HÀNH VI VI PHẠM VÀ HÌNH THỨC XỬ LÝ

MỤC A.

HÀNH VI VI PHẠM VÀ HÌNH THỨC XỬ LÝ ĐỐI VỚI NHÂN VIÊN THU PHÍ

Điều 12. Hành vi vi phạm

1. Đang làm nhiệm vụ mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc 40 mi1igam/1lít khí thở hoặc có các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng.

2. Có thái độ nóng nảy, thiếu văn minh lịch sự với lái xe, chủ phương tiện.

3. Tự ý bỏ vị trí làm việc khi chưa được sự đồng ý của người phụ trách.

4. Mang tiền cá nhân khi thi hành nhiệm vụ.

5. Bán vé rời, vé quay vòng, vé không đúng loại xe, vé giả.

6. Không xé vé trả cho lái xe mà giữ lại để quay vòng vé.

7. Lợi dựng nhiệm vụ để tự ý giải quyết cho xe qua trạm, thông đồng nhận tiền, hiện vật của lái xe dưới bất kỳ hình thức nào.

8. Đánh bạc dưới mọi hình thức hoặc tham gia các tệ nạn xã hội khác.

9. Mua bán các chất ma tuý hoặc các chất kích thích khác mà pháp luật có quy định cấm.

Điều 13. Hình thức xử lý vi phạm

1. Bị khiển trách khi vi phạm lần đầu một trong các khoản 1, 2, 3, 4 của Điều 12.

2. Bị cảnh cáo khi tái phạm hoặc vi phạm 2 khoản trở lên trong các khoản 1, 2, 3, 4 của Điều 12.

3. Bị chuyển công tác khác, hạ ngạch, bậc lương khi:

a) Vi phạm lần đầu một trong các khoản 5, 6, 7, 8 của Điều 12;

b) Vi phạm 3 khoản trở lên trong các khoản 1, 2, 3, 4 của Điều 12.

4. Bị buộc thôi việc khi:

a) Vi phạm 2 khoản trở lên trong các khoản 5, 6, 7, 8, của Điều 12;

b) Vi phạm khoản 9 của Điều 12;

c) Vi phạm lần 2 khoản 3 Điều 13;

d) Bị xử phạt theo quyết định của tòa án.

MỤC B.

HÀNH VI VI PHẠM VÀ HÌNH THỨC XỬ LÝ ĐỐI VỚI TRẠM TRƯỞNG, CA TRƯỞNG, TỔ TRUỞNG TRẠM THU PHÍ

Điều 14. Hành vi vi phạm

1. Không hoàn thành một trong những nhiệm vụ quy định tại Điều 8.

2. Thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc quản lý kiểm soát thu phí dẫn đến việc để nhân viên thu phí vi phạm bị xử lý:

a) Có 3 nhân viên thu phí trở lên bị khiển trách;

b) Có 2 nhân viên thu phí trở lên bị cảnh cáo;

c) Có 2 nhân viên thu phí trở lên bị hạ ngạch, bậc lương, chuyển đi làm việc khác;

d) Có 3 nhân viên thu phí trở lên bị buộc thôi việc

3. Lợi dụng chức vụ quyền hạn vi phạm các quy chế quản lý tài chính làm thất thoát tiền phí, tài sản công quỹ.

4. Nhận hoặc tổ chức nhận hối lộ dưới mọi hình thức.

Điều 15. Hình thức xử lý

1. Bị khiển trách khi:

a) Vi phạm khoản 1 của Điều 14;

b) Vi phạm điểm a khoản 2 của Điều 14.

2. Bị cảnh cáo khi vi phạm điểm b khoản 2 của Điều 14.

3. Bị hạ bậc lương, cách chức, chuyển công tác khác khi vi phạm điểm c khoản 2 của Điều 14;

4. Bị buộc thôi việc khi:

a) Vi phạm điểm d khoản 2 của Điều 14;

b) Vi phạm khoản 3, 4 của Điều 14;

c) Bị xử phạt theo quyết định của tòa án.

MỤC C.

HÌNH THỨC XỬ LÝ ĐỐI VỚI LÃNH ĐẠO CẤP TRÊN CỦA TRẠM THU PHÍ

Điều 16. Xử lý vi phạm đối với Giám đốc Công ty Quản lý đường bộ:

1. Bị khiển trách khi:

a) Không thực hiện một trong những nhiệm vụ quy định tại Điều 9;

b) Trạm trưởng trạm thu phí bị kỷ luật buộc thôi việc.

2. Bị cảnh cáo khi:

a) Không thực hiện 2 trong những nhiệm vụ quy định tại Điều 9;

b) Trạm trưởng trạm thu phí bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội liên quan đến hoạt động thu phí.

3. Bị cách chức khi:

a) Không hoàn thành những nhiệm vụ quy đinh tại Điều 9;

b) Để xảy ra 2 lần Trạm trưởng trạm thu phí bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội liên quan đến hoạt động thu phí.

4. Bị buộc thôi việc khi:

a) Để xảy ra 3 lần Trạm trưởng trạm thu phí bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội liên quan đến hoạt động thu phí;

b) Bị xử phạt theo quyết định của tòa án.

Điều 17. Hình thức xử lý đối với lãnh đạo cơ quan tham mưu nghiệp vụ của Khu quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính)

Lãnh đạo các cơ quan tham mưu không hoàn thành nhiệm vụ quy định tại Điều 5 của Quy định này thì tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật theo Pháp lệnh Cán bộ công chức, ngoài ra còn phải chịu trách nhiệm liên đới đối với các vi phạm của nhân viên thu phí và Trạm trưởng trạm thu phí, bị xử lý với mức thấp hơn một bậc so với Giám đốc Công ty Quản lý đường bộ quy định tại Điều 16.

Điều 18. Hình thức xử lý đối với Tổng giám đốc Khu quản lý đường bộ và Giám đốc Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính)

Không hoàn thành nhiệm vụ quy định tại Điều 10 thì tùy theo mức độ vi phạm bị xử lý theo Pháp lệnh Cán bộ công chức; đồng thời phải liên đới chịu trách nhiệm:

1. Bị khiển trách khi:

a) Để 2 Trạm trưởng thuộc quyền quản lý bị buộc thôi việc;

b) Để 1 Giám đốc Công ty bị cảnh cáo liên quan đến hoạt động thu phí.

2. Bị cảnh cáo khi:

a) Để xảy ra 2 lần trở lên Trạm trưởng trạm thu phí thuộc quyền quản lý bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội liên quan đến hoạt động thu phí;

b) Để 1 Giám đốc Công ty bị cách chức liên quan đến hoạt động thu phí.

3. Bị cách chức khi:

a) Để xảy ra 3 lần trở lên Trạm trưởng trạm thu phí bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội liên quan đến hoạt động thu phí.

b) Để 1 Giám đốc Công ty bị xử phạt theo quyết định của tòa án về tội liên quan đến hoạt động thu phí.

Điều 19. Hình thức xử lý đối với lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam

Với chức năng quản lý chuyên ngành về công tác thu phí đường bộ, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam và lãnh đạo cơ quan tham mưu của Cục phải đồng chịu trách nhiệm gián tiếp và bị xử lý tùy theo trách nhiệm cá nhân và mức độ bị xử lý của cấp dưới trong công tác quản lý, điều hành hoạt động của trạm thu phí.

1. Cục trưởng, Phó Cục trưởng: bị phê bình, khiển trách, cảnh cáo, hạ ngạch, bậc lương hoặc cách chức tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.

2. Lãnh đạo các cơ quan tham mưu của Cục Đường bộ Việt Nam được giao nhiệm vụ theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra: bị khiển trách, cảnh cáo, hạ ngạch, bậc lương hoặc cách chức tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.

MỤC D:

THẨM QUYỀN XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 20. Thẩm quyền xử lý vi phạm

1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định xử lý kỷ luật Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc Khu Quản lý đường bộ.

2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định xử lý kỷ luật Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính).

3. Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam quyết định xử lý kỷ luật:

a) Lãnh đạo và chuyên viên các cơ quan tham mưu của Cục;

b) Giám đốc, Phó Giám đốc Công ty Quản lý đường bộ thuộc quyền quản lý của Cục.

4. Tổng giám đốc Khu Quản lý đường bộ quyết định xử lý kỷ luật:

a) Lãnh đạo và chuyên viên các cơ quan tham mưu của khu;

b) Trạm trưởng trạm thu phí đường bộ thuộc quyền quản lý của Khu.

5. Giám đốc Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính) quyết định xử lý kỷ luật:

a) Lãnh đạo và chuyên viên các cơ quan tham mưu của Sở;

b) Giám đốc, Phó Giám đốc Công ty Quản lý đường bộ;

c) Trạm trưởng trạm thu phí đường bộ thuộc quyền quản lý của Sở.

6. Giám đốc Công ty Quản lý đường bộ quyết định xử lý kỷ luật:

a) Lãnh đạo và Chuyên viên các Phòng tham mưu của Công ty;

b) Phó Trạm trưởng, Ca trưởng, Tổ trưởng và nhân viên của trạm thu phí đường bộ thuộc quyền quản lý của Công ty.

7. Trình tự quyết định xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.

Chương 4:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 21. Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Tổng giám đốc Khu Quản lý đường bộ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính) có quản lý trạm thu phí đường bộ do Nhà nước quản lý có trách nhiệm phổ biến Quy định này tới các đơn vị trực thuộc để thực hiện.

Điều 22. Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Lao động, Vụ trưởng Vụ Tài chính kế toán có trách nhiệm kiểm tra và tổ chức thực hiện Quy định này.

Định kỳ hàng năm Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải việc thực hiện Quy định này.

Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo bằng văn bản về Bộ Giao thông vận tải để xem xét, giải quyết.

Bộ Giao thông vận tải

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Đào Đình Bình