• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 29/11/2007
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 1621/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 29 tháng 11 năm 2007

QUYẾT ĐỊNH

Về một số cơ chế, chính sách thí điểm đầu tư Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng

_________________________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 162/2002/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 412/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục đầu tư một số dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, thiết yếu giai đoạn đến năm 2020;
Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (văn bản số 7406/BKH-KCHT&ĐT ngày 10 tháng 10 năm 2007) và của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (các văn bản số 2804/TTr-NHPT ngày 19 tháng 9 năm 2007 và số 08/BC-NHPT ngày 09 tháng 11 năm 2007); nội dung thẩm định thiết kế cơ sở Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng của Bộ giao thông vận tải (văn bản số 6040/BGTVT-KHĐT ngày 21 tháng 9 năm 2007),

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Giao Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam – Công ty cổ phần (sau đây viết tắt là VIDIFI) là chủ đầu tư Dự án Đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (sau đây gọi là Dự án) theo hình thức hợp đồng BOT.

Điều 2. Chấp thuận nội dung thẩm định thiết kế cơ sở Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải phòng của Bộ Giao thông vận tải tại văn bản số 6040/BGTVT-KHĐT ngày 21 tháng 9 năm 2007 với một số nội dung chủ yếu như sau:

- Hướng tuyến: tuyến Dự án dài 105,5 km đi qua các tỉnh, thành phố: Hà Nội (6km), Hưng yên (26,5 km), Hải Dương (40km), Hải Phòng (33km):

+ Điểm đầu: trên đường Vành đai III thành phố Hà Nội, Cách mố Bắc cầu Thanh Trì 1025 mét, thuộc phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội.

+ Điểm cuối: Đập Đình Vũ, quận Hải An, thành phố Hải Phòng.

- Quy mô xây dựng:

+ Cấp hạng: đường cao tốc loại A.

+ Tốc độ tính toán: 120 km/h

+ Số làn xe thiết kế: 6 làn.

+ Bề rộng nền đường: 35 mét.

Trong quá trình thiết kế kỹ thuật cần nghiên cứu sử dụng tối đa cầu vượt thay cống chui dân sinh; thiết kế hệ thống đường gom hợp lý để hạn chế số lượng cầu vượt, đảm bảo mỹ quan của đường cao tốc. Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn VIDIFI đảm bảo phạm vi hành lang an toàn đường bộ theo quy định, hai bên đường mỗi bên trồng một dải cây xanh.

Chủ đầu tư phê duyệt Dự án đầu tư theo quy định hiện hành

Điều 3. Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được thực hiện với một cơ chế, chính sách thí điểm như sau:

1. Về giải phóng mặt bằng

a) Giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên làm chủ đầu tư thực hiện tiểu dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1665/TTg-CN ngày 17 tháng 10 năm 2006.

b) Đối với các công trình thuộc diện phải di dời để giải phóng mặt bằng (y tế, giáo dục, thủy lợi, điện, điện thoại, giao thông … ), các công trình tái định cư, cho phép Chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư chỉ phải lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình, lập thiết kế một bước (thiết kế kỹ thuật – thi công) và được chỉ định thầu các đơn vị có đủ điều kiện và năng lực thực hiện hợp đồng tư vấn, thi công xây lắp, mua sắm máy móc thiết bị. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nêu trên bàn giao mặt bằng cho Chủ đầu tư Dự án đường ô tô cáo tốc Hà Nội – Hải Phòng đáp ứng tiến độ Dự án, phấn đấu trước tháng 6 năm 2008.

c) Giao Bộ Tài chính chủ trì cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện công trình bồi thường, hỗ trợ giá, tái định cư, giải phóng mặt bằng và giá đất bồi thường tại các khu giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố theo đúng quy định của pháp luật. Các Bộ liên quan thực hiện trách nhiệm về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định tại Điều 46 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004.

d) Trong khi chờ duyệt Dự án, cho phép Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố được triển khai công trình bồi thường giải phóng mặt bằng theo hướng tuyến và mặt cắt ngang trong thiết kế cơ sở đã được bộ giao thông vận tải thẩm định. Chủ đầu tư Dự án khẩn trương cắm mốc chỉ giới giải phóng mặt bằng, bàn giao cho Chủ đầu tư các tiểu dự án giải phóng mặt bằng thực hiện.

đ) Giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo cơ quan chức năng lập phương án, dự toán cho công tác rà phá bom mìn vật liệu nổ; lựa chọn, giới thiệu với Chủ Đầu tư Dự án chỉ định các đơn vị có đủ năng lực để thực hiện công tác rà phá bom mìn bảo đảm tiến độ và an toàn trong quá trình thực hiện dự án.

2. Về tổ chức thực hiện Dự án

a) Vốn góp để thực hiện Dự án

- Cho phép Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) được dùng vốn huy động dài hạn và một phần vốn điều lệ để góp 51% vốn điều lệ của VIDIFI, trên cơ sở không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước do VDB hiện đang quản lý.

- Cho phép Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) được góp 29% vốn điều lệ của VIDIFI.

b) Vốn vay để thực hiện Dự án

- VDB và VCB thu xếp cho VIDIFI vay với tỷ lệ tương ứng là 70% và 30% trong tổng số vốn vay (kể cả vốn lưu động) để thực hiện đầu tư, kinh doanh Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải phòng và các dự án nêu ở khoản 3 Điều 3 của Quyết định này. Số vốn và thời hạn cho vay theo dự án được duyệt, lãi suất vay theo lãi suất sát với lãi suất thị trường. Số vốn cho vay của VDB được quản lý theo cơ chế vốn vay thương mại, không coi là vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.

- VDB và VCB được miễn thẩm định hồ sơ cho vay vốn của VIDIFI

- Giao Bộ Tài chính bảo lãnh cho VDB và VCB trong việc cho VIDIFI vay để thực hiện Dự án.

- VDB và VCB được huy động vốn trong nước và nước ngoài theo Luật các tổ chức tín dụng (kể cả vốn ODA nếu có) để cho VIDIFI vay lại theo nguyên tắc ngân sách không phải cấp bù lãi suất; được Chính phủ bảo lãnh các khoản vay nếu phía nước ngoài có yêu cầu Chính phủ bảo lãnh.

c) Hình thức lựa chọn Nhà thầu:

- Chủ đầu tư được thực hiện các việc sau:

+ Tổ chức thẩm định, phê duyệt kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu xây lắp, mua sắm thiết bị; thẩm định và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, quyết định xử lý các tình huống xảy ra trong quá trình đấu thầu theo quy định của pháp luật.

+ Chỉ định thầu Tư vấn trong nước và nước ngoài lập Thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán (nếu có); thẩm tra Thiết kế kỹ thuật và Tổng dự toán (nếu có); Tư vấn quản lý dự án và giám sát thi công.

+ Tổ chức đấu thầu quốc tế các gói thầu xây lắp, thiết bị (Nhà đầu tư cần thực hiện ưu đãi trong đấu thầu quốc tế theo quy định).

+ Quyết định tổ chức đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu quốc tế đối với các gói thầu xây lắp và thiết bị có tính năng kỹ thuật phức tạp lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam, các gói thầu được vay vốn nước ngoài với điều kiện ưu đãi mà bên ngoài có yêu cầu đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu.

- Các hợp đồng xây lắp được chỉ định thầu (kể cả các nhà thầu thực hiện các tiểu dự án giải phóng mặt bằng nêu tại mục b khoản 1 Điều 3 của Quyết định này) khi thanh toán phải tiết kiệm 5% giá trị dự toán được duyệt.

d) Đầu tư và thu hồi vốn đầu tư

- Chủ đầu tư được quyền:

+ Quyết định mức thu phí đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng theo từng thời kỳ, để đảm bảo hoàn vốn, nhưng vẫn thu hút được các Chủ phương tiện đi vào đường cao tốc.

+ Kinh doanh các dịch vụ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi đường và được độc quyền kinh doanh quảng cáo dọc theo đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng theo đúng quy định của pháp luật.

+ Quản lý, thu phí trên quốc lộ 5 ngay sau khi được Bộ Giao thông vận tải bàn giao lại cho đến hết thời gian kinh doanh BOT Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải phòng với mức thu phí theo quy định của Bộ Tài chính. Bộ Giao thông vận tải thống nhất với Bộ Tài chính việc chuyển giao quyền thu phí.

+ Điều chỉnh Tổng mức đầu tư trong trường hợp có thay đổi đột biến về giá cả, nguyên vật liệu, chế độ chính sách và do các nguyên nhân khách quan khác, làm chi phí lớn hơn Tổng mức đầu tư được duyệt. Bộ Giao thông vận tải xem xét, điều chỉnh thời hạn hợp đồng BOT khi có sự thay đổi về Tổng mức đầu tư.

đ) Được miễn nghĩa vụ đảm bảo thực hiện hợp đồng BOT

3. Các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng:

VIDIFI được giao đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu đô thị, khu công nghiệp, các khu dịch vụ, hậu cần phục vụ dọc tuyến đường cao tốc theo quy định của pháp luật và phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chủ đầu tư phải thực hiện các nghĩa vụ về sử dụng đất theo quy định hiện hành.

a) Các khu đô thị mới:

- Thành phố Hà Nội: Khu đô thị ở Gia Lâm và Khu đô thị khác ở Hà Nội với tổng diện tích khoảng 400ha.

- Thành phố Hải Phòng: Khu đô thị mới Tràng Cát, Quang Trung (150 ha),

- Tỉnh Hải Dương: Khu đô thị tại huyện Gia Lộc.

b) Các khu công nghiệp:

- Thành phố Hải Phòng: Khu công nghiệp Hưng Đạo (150ha), Cần Cựu (100 ha).

- Tỉnh Hưng Yên: Các khu công nghiệp Tân Dân, Thổ Hoàng, Lý Thường Kiệt.

- Tỉnh Hải Dương: Các khu công nghiệp Hoàng Diệu, Hưng Đạo.

Việc đầu tư các khu công nghiệp nêu trên của VIDIFI không bị ràng buộc bởi tiêu chí tổng diện tích các khu công nghiệp địa phương đã cho thuê lớn hơn hoặc bằng 60% tổng diện tích các khu công nghiệp hiện có.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thống nhất với VIDIFI về quỹ đất cho Khu đô thị Gia Lâm, phù hợp với quy hoạch.

Ủy ban nhân dân các địa phương nêu trên trình bổ sung quy hoạch các khu đô thị, khu công nghiệp, khu dịch vụ nêu trên đúng quy định.

c) Các khu dịch vụ, hậu cần phục vụ đường cao tốc tại các nút giao: quốc lộ 10, Tân Vũ, tỉnh lộ 353. Chủ đầu tư tự trả kinh phí đền bủ giải phóng mặt bằng và được miễn tiền sử dụng đất trong quá trình khai thác. Chủ đầu tư các tiểu dự án giải phóng mặt bằng nêu tại mục a khoản 1 Điều 3 chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng các khu dịch vụ, hậu cần trong địa phận của địa phương mình.

Điều 4. Phân công nhiệm vụ

1. VDB và VCB chỉ đạo Chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện Dự án đầu tư, các công tác chuẩn bị xây dựng và quá trình triển khai, đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án.

2. Bộ Giao thông vận tải là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng BOT; thành lập Nhóm công tác liên ngành để phối hợp đàm phán hợp đồng theo quy định hiện hành; hướng dẫn Chủ đầu tư về các vấn đề chuyên ngành trong quá trình thực hiện Dự án. Bộ Giao thông vận tải căn cứ giá trị đất của các công trình kết cấu hạ tầng do Bộ Tài chính xác định tại khoản 3 Điều này, giá trị chuyển giao quyền thu phí và doanh thu từ thu phí quốc lộ 5 trong thời gian bàn giao cho VIDIFI để xác định thời gian của Hợp đồng BOT.

3. Bộ Tài chính hướng dẫn VDB thực hiện góp vốn theo mục a khoản 2 Điều 3 của Quyết định này; chủ trì; và phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố liên quan xác định giá đất theo quy định của pháp luật, làm căn cứ để Chủ đầu tư thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với diện tích đất thực hiện các công trình kết cấu hạ tầng nêu tại khoản 3 Điều 3; thay mặt Chính phủ bảo lãnh các khoản vay của VDB và VCB nêu tại mục b khoản 2 Điều 3 của Quyết định này.

4. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố liên quan trình bổ sung quy hoạch các khu đô thị nêu tại khoản 3 Điều 3.

5. Bộ Kế hoạch và đầu tư chỉ đạo Chủ Đầu tư trong quá trình lựa chọn nhà thầu, đảm bảo chặt chẽ về thủ tục, trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân các địa phương liên quan, trình bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp nêu tại khoản 3 Điều 3.

6. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Tài chính xác định giá đất như khoản 3 Điều này.

7. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn VCB thực hiện góp vốn theo mục a khoản 2 Điều 3 của Quyết định này.

8. Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng thực hiện nghiệm thu công trình đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng theo quy định hiện hành.

9. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng yên thực hiện giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ triển khai công trình; ưu tiên quỹ đất giao cho VIDIFI để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu đô thị, khu công nghiệp, khu dịch vụ để tạo nguồn thu hồi vốn do Dự án.

10. Các bộ và địa phương liên quan thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Điều 3 của Quyết định này.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên; Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Tổng giám đốc VIDIFI cá các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Sinh Hùng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.