Sign In

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN

           ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định  về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm

                an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

 

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 156/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Thông tư số 36/2014/TT-NHNN).

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN:

1. Bổ sung vào cuối điểm a khoản 15 Điều 3 như sau:

“(xi) Công ty hoặc tổ chức tín dụng mà tổ chức đó sở hữu từ 5% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên;

(xii) Công ty hoặc tổ chức tín dụng mà tổ chức đó có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý, thành viên ban kiểm soát của công ty, tổ chức tín dụng;

(xiii) Công ty hoặc tổ chức tín dụng mà tổ chức đó có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý, thành viên ban kiểm soát của công ty mẹ của công ty hoặc tổ chức tín dụng này.”

2. Bổ sung điểm i vào khoản 18 Điều 3 như sau:

“i) Cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để khách hàng ủy thác cho tổ chức, cá nhân mua cổ phiếu.”

 3. Bổ sung các khoản 19, 20, 21, 22, 23 và khoản 24 vào Điều 3 như sau:

“19. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam. 

20. Ngân hàng thương mại nhà nước là ngân hàng thương mại được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.

21. Tổ chức tài chính là tổ chức được quy định theo pháp luật về phòng chống rửa tiền.

22. Tổ chức tài chính ở nước ngoài là các tổ chức tài chính được thành lập ở nước ngoài theo quy định của pháp luật nước ngoài.

23. Nguồn vốn ngắn hạn bình quân của tháng được tính bằng tổng cộng các số dư nguồn vốn ngắn hạn cuối mỗi ngày trong tháng chia cho tổng số ngày trong tháng.

24. Giao dịch mua, bán giấy tờ có giá có kỳ hạn là giao dịch mua hoặc bán giấy tờ có giá kèm theo điều kiện chuyển giao quyền sở hữu giấy tờ có giá chưa đến hạn thanh toán và cam kết sẽ bán lại hoặc mua lại giấy tờ có giá đó sau một khoảng thời gian nhất định.”

 4. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 11 như sau:

 “2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu chưa niêm yết của doanh nghiệp”

 5. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 12 như sau :

“a) Tổ chức kiểm toán (bao gồm doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh của doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam), kiểm toán viên (bao gồm kiểm toán viên của tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên Nhà nước) đang kiểm toán tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; thanh tra viên đang thanh tra tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.”

 6. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 3 Điều 13 như sau:

“c) Các khoản cho vay có bảo đảm đầy đủ về thời hạn và giá trị bằng tiền gửi tiết kiệm của cá nhân tại thời điểm cho vay;”

7. Sửa đổi, bổ sung điểm h khoản 3 Điều 13 như sau:

“h) Các khoản bảo lãnh và cam kết phát hành dưới các hình thức tín dụng chứng từ có bảo đảm đầy đủ về thời hạn và giá trị bằng tiền gửi đồng Việt Nam, ngoại tệ; vàng; trái phiếu Chính phủ của bên được bảo lãnh và/hoặc bên thứ ba tại thời điểm cấp bảo lãnh và/hoặc cam kết. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xác định giá trị cụ thể của tài sản bảo đảm nhưng bảo đảm giá trị tối đa theo nguyên tắc sau đây:

(i) Tiền gửi bằng đồng Việt Nam: 100% số tiền gửi được sử dụng để bảo đảm cho các khoản bảo lãnh và cam kết phát hành đó;

(ii) Tiền gửi bằng ngoại tệ: 95% số tiền gửi được sử dụng để bảo đảm cho các khoản bảo lãnh và cam kết phát hành đó;

(iii) Vàng miếng, trừ vàng miếng quy định tại tiết (iv) điểm này: 95% giá trị tính theo giá mua vào được niêm yết tại trụ sở chính của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng sở hữu nhãn hiệu vàng miếng tại thời điểm cuối ngày liền trước ngày xác định giá trị;

(iv) Vàng miếng không có giá mua vào được niêm yết, vàng khác: 30% giá trị tính theo giá được định giá bởi tổ chức có chức năng thẩm định giá tại thời điểm gần nhất trước ngày xác định giá trị tài sản bảo đảm hoặc theo giá được định giá bởi quy định nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong trường hợp không được định giá bởi tổ chức có chức năng thẩm định giá;

(v) Trái phiếu Chính phủ: 95% giá trị trái phiếu Chính phủ có thời hạn còn lại dưới 1 năm hoặc 85% giá trị trái phiếu Chính phủ có thời hạn còn lại từ 1 năm đến dưới 5 năm hoặc 80% giá trị trái phiếu Chính phủ có thời hạn còn lại từ 5 năm trở lên. Giá trị trái phiếu Chính phủ được tính theo mệnh giá tại ngày xác định giá trị.”

  8. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 14 như sau:

 “4. Ngân hàng thương mại không được cấp tín dụng, ủy thác cho công ty con, công ty liên kết của chính ngân hàng thương mại để:

a) Đầu tư, kinh doanh cổ phiếu;

 b) Cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu.”

9. Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 14 như sau:

“6. Ngân hàng thương mại không được cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của chính ngân hàng thương mại, trừ trường hợp ngân hàng thương mại nhà nước cho vay đối với người lao động của chính ngân hàng thương mại nhà nước đó để mua cổ phần phát hành lần đầu khi chuyển ngân hàng thương mại nhà nước đó thành ngân hàng thương mại cổ phần.”

10. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 15 như sau:

“b) Tỷ lệ dự trữ thanh khoản được xác định theo công thức sau:        

                                                         

Trong đó:

(i) Tài sản có tính thanh khoản cao được quy định tại Phụ lục 3 Thông tư này;

(ii) Tổng Nợ phải trả là khoản mục Tổng Nợ phải trả trên Bảng cân đối kế toán trừ đi các khoản vay Ngân hàng Nhà nước (bao gồm bán có kỳ hạn giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở; chiết khấu, cầm cố giấy tờ có giá, vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng) và khoản vay các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác dưới hình thức chiết khấu, tái chiết khấu các giấy tờ có giá được sử dụng trong các giao dịch của Ngân hàng Nhà nước.

11. Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 15 như sau:

“d) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì tỷ lệ dự trữ thanh khoản tối thiểu như sau:

(i) Ngân hàng thương mại: 10%;

(ii) Chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 10%;

(iii) Tổ chức tín dụng phi ngân hàng: 1%;

(iv) Ngân hàng hợp tác xã: 10%.”

12. Sửa đổi, bổ sung điểm b, điểm c, điểm d khoản 3 Điều 15 như sau:

“b) Tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày được xác định theo công thức sau:

Trong đó:

(i) Tài sản có tính thanh khoản cao được quy định tại Phụ lục 3 Thông tư này;

(ii) Dòng tiền ra ròng trong 30 ngày tiếp theo là chênh lệch giữa dòng tiền ra của 30 ngày liên tiếp kể từ ngày hôm sau và dòng tiền vào của 30 ngày liên tiếp kể từ ngày hôm sau được quy định tại Phụ lục 3 Thông tư này.

c) Trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xác định dòng tiền ra ròng đối với đồng Việt Nam trong 30 ngày tiếp theo là dương, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày quy định tại điểm b khoản này đối với đồng Việt Nam tối thiểu như sau:

(i) Ngân hàng thương mại: 50%;

(ii) Chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 50%;

(iii) Tổ chức tín dụng phi ngân hàng: 20%;

(iv) Ngân hàng hợp tác xã: 50%.”

d) Trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xác định dòng tiền ra ròng đối với ngoại tệ trong 30 ngày tiếp theo là dương, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày quy định tại điểm b khoản này đối với ngoại tệ tối thiểu như sau:

(i) Ngân hàng thương mại: 10%;

(ii) Chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 5%;

(iii) Tổ chức tín dụng phi ngân hàng: 5%;

(iv) Ngân hàng hợp tác xã: 5%.”

13. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 16 như sau:

“2. Trường hợp kết quả tính toán tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày của ngày hôm sau của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không đảm bảo theo quy định tại điểm c, điểm d khoản 3 Điều 15 Thông tư này, Ngân hàng Nhà nước xem xét, xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đồng thời thực hiện giám sát về khả năng chi trả. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải áp dụng ngay biện pháp tự xử lý, bao gồm: vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác, vay của tổ chức tài chính nước ngoài hoặc ký kết với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác, với tổ chức tài chính nước ngoài các cam kết gửi tiền có kỳ hạn không thể hủy ngang, cam kết vay không thể hủy ngang và các biện pháp không thể hủy ngang khác để đảm bảo tỷ lệ khả năng chi trả. Trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải sử dụng các biện pháp tự xử lý nói trên ở mức từ 20% trở lên của tài sản có tính thanh khoản cao, Ngân hàng Nhà nước áp dụng bổ sung các biện pháp giám sát và xử lý theo quy định của pháp luật.”

14. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 17 như sau:

“2. Tổng dư nợ cho vay trung hạn, dài hạn bao gồm:

a) Các khoản sau đây có thời hạn còn lại trên 01 (một) năm:

(i) Các khoản cho vay, cho thuê tài chính (bao gồm cả khoản cho vay, cho thuê tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác tại Việt Nam), trừ dư nợ cho vay, cho thuê tài chính bằng nguồn ủy thác của Chính phủ, cá nhân và của tổ chức khác (bao gồm cả: tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác tại Việt Nam; ngân hàng mẹ, chi nhánh ở nước ngoài của ngân hàng mẹ) mà các rủi ro liên quan đến khoản cho vay, cho thuê tài chính này do Chính phủ, cá nhân và tổ chức này chịu;

(ii) Các khoản ủy thác cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác cho vay, cho thuê tài chính mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ủy thác chịu rủi ro;

(iii) Các khoản mua, đầu tư vào giấy tờ có giá, trừ giấy tờ có giá được sử dụng trong các giao dịch của Ngân hàng Nhà nước (không bao gồm trái phiếu do Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phát hành).”

b) Dư nợ cho vay, dư nợ cho thuê tài chính, số dư mua, đầu tư giấy tờ có giá bị quá hạn.”

15. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 17 như sau:

 “3. Nguồn vốn trung hạn, dài hạn bao gồm số dư các khoản sau đây có thời hạn còn lại trên 01 (một) năm:

a) Tiền gửi của tổ chức trong nước và nước ngoài, trừ các khoản sau đây:

(i) Tiền gửi các loại của Kho bạc Nhà nước;

(ii) Tiền gửi của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác tại Việt Nam;

b) Tiền vay các tổ chức tài chính ở trong nước và nước ngoài (trừ tiền vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác tại Việt Nam);

c) Tiền gửi của cá nhân;

d) Tiền huy động từ phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu;

 đ) Vốn điều lệ, vốn được cấp, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ đầu tư phát triển nghiệp vụ, và quỹ dự phòng tài chính còn lại sau khi trừ đi giá trị nguyên giá của các khoản mua, đầu tư tài sản cố định, góp vốn, mua cổ phần theo quy định của pháp luật;

e) Thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận không chia còn lại sau khi mua cổ phiếu quỹ;

g) Tiền gửi, tiền vay tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác tại Việt Nam đối với trường hợp tổ chức tín dụng phi ngân hàng;

h) Tiền gửi của quỹ tín dụng nhân dân đối với trường hợp ngân hàng hợp tác xã.”

 16. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 17 như sau:

“4. Nguồn vốn ngắn hạn bao gồm số dư các khoản sau đây có thời hạn còn lại đến 01 (một) năm (bao gồm cả các khoản tiền gửi không kỳ hạn):

a) Tiền gửi của tổ chức trong nước và nước ngoài, trừ các khoản sau đây:

(i) Tiền gửi các loại của Kho bạc Nhà nước;

(ii) Tiền gửi của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác tại Việt Nam;

(iii) Tiền ký quỹ và tiền gửi vốn chuyên dùng của khách hàng.

b) Tiền vay các tổ chức tài chính ở trong nước và nước ngoài (trừ tiền vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác tại Việt Nam);

c) Tiền gửi của cá nhân, trừ tiền ký quỹ và tiền gửi vốn chuyên dùng;

 d) Tiền huy động từ phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu;

 đ) Tiền gửi, tiền vay tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác tại Việt Nam đối với trường hợp tổ chức tín dụng phi ngân hàng;

e) Tiền gửi của quỹ tín dụng nhân dân đối với trường hợp ngân hàng hợp tác xã.”

17. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 17 như sau:

 “5. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa với lộ trình sau đây:

a) Từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2016:

(i) Ngân hàng thương mại: 60%;

(ii) Chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 60%;

(iii) Tổ chức tín dụng phi ngân hàng: 100%;

(iv) Ngân hàng Hợp tác xã: 60%;

b) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 đến 31 tháng 12 năm 2017:

(i) Ngân hàng thương mại: 50%;

(ii) Chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 50%;

(iii) Tổ chức tín dụng phi ngân hàng: 90%;

(iv) Ngân hàng Hợp tác xã: 50%;

c) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018:

 i) Ngân hàng thương mại: 40%;

ii) Chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 40%;

iii) Tổ chức tín dụng phi ngân hàng: 80%;

iv) Ngân hàng Hợp tác xã: 40%.” 

18. Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 17 như sau:

“6. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn bình quân của tháng liền kề trước đó như sau:

a) Tỷ lệ tối đa:

(i) Ngân hàng thương mại nhà nước: 25%;

(ii) Ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài: 35%;

(iii) Chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 35%;

(iv) Tổ chức tín dụng phi ngân hàng : 5%;

(v) Ngân hàng hợp tác xã: 35%.

b) Số dư mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ để xác định tỷ lệ tối đa quy định tại điểm a khoản này bao gồm toàn bộ số dư trái phiếu Chính phủ thuộc sở hữu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bao gồm cả các khoản ủy thác cho tổ chức khác mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ và không bao gồm các khoản mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ bằng nguồn vốn ủy thác từ cá nhân, tổ chức khác mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không chịu rủi ro;

c) Nguồn vốn ngắn hạn xác định theo quy định tại khoản 4 Điều này ;

d) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không có nguồn vốn ngắn hạn được mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ theo tỷ lệ tối đa tương ứng quy định tại điểm a khoản này so với vốn điều lệ hoặc vốn được cấp.” 

19. Sửa đổi, bổ sung điểm a, điểm b khoản 4 Điều 21 như sau:

“a) Tiền gửi của tổ chức trong nước và nước ngoài, trừ các khoản sau đây:

(i) Tiền gửi các loại của Kho bạc Nhà nước;

(ii) Tiền ký quỹ và tiền gửi vốn chuyên dùng của khách hàng;

b) Tiền gửi của cá nhân, trừ tiền ký quỹ và tiền gửi vốn chuyên dùng.”

Điều 2. Bãi bỏ khoản 5 Điều 16 Thông tư số 36/2014/TT-NHNN.

Điều 3. Thay thế các phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 36/2014/TT-NHNN bằng phụ lục 1, phụ lục 2 và phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 4. Quy định chuyển tiếp

 1. Quy định chung về chuyển tiếp:

 a) Tại thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa đảm bảo tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ quy định tại Thông tư số 36/2014/TT-NHNN do việc sửa đổi, bổ sung các quy định tại Phụ lục 2; điểm a khoản 15, điểm i khoản 18 Điều 3; khoản 2, khoản 5, khoản 6 Điều 17 Thông tư số 36/2014/TT-NHNN phải xây dựng các phương án xử lý và chủ động tổ chức thực hiện ngay các biện pháp xử lý để tuân thủ đúng quy định;

b) Trong thời gian tối đa 30 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải gửi trực tiếp hoặc bằng đường bưu điện phương án xử lý theo quy định tại điểm a khoản này cho Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng).

Trường hợp Ngân hàng Nhà nước yêu cầu sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các biện pháp xử lý, tiến độ thực hiện, thời hạn thực hiện, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước;

c) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm bổ sung các biện pháp xử lý nêu tại điểm a, điểm b Điều này và tiến độ thực hiện vào nội dung phương án tái cơ cấu tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (nếu có) để triển khai đồng bộ theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

2. Quy định chuyển tiếp đối với tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu

Phương án xử lý chuyển tiếp đối với tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu phải có tối thiểu các nội dung sau đây:

a) Tỷ lệ cụ thể không đảm bảo theo quy định;

b) Biện pháp và kế hoạch xử lý để đảm bảo đến ngày 01/01/2017 tuân thủ đúng quy định.

3. Quy định chuyển tiếp đối với cấp tín dụng

a) Tại thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có các khoản cấp tín dụng cho một khách hàng và người có liên quan không đáp ứng giới hạn cấp tín dụng theo quy định tại Điều 13 Thông tư 36/2014/TT-NHNN do việc sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 15 Điều 3 Thông tư 36/2014/TT-NHNN, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng được tiếp tục thực hiện các thỏa thuận đã ký kết cho đến hết thời hạn của hợp đồng. Việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn hợp đồng chỉ được thực hiện nếu nội dung sửa đổi, bổ sung, gia hạn phù hợp với quy định tại Điều 13 Thông tư 36/2014/TT-NHNN và các quy định có liên quan;

b) Tại thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có các khoản cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu vi phạm các quy định về điều kiện và tỷ lệ quy định tại Điều 14 Thông tư 36/2014/TT-NHNN do việc sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 15 và điểm i khoản 18 Điều 3 Thông tư 36/2014/TT-NHNN, không được cấp thêm bất kỳ khoản tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu cho đến khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 14 và đảm bảo tuân thủ tỷ lệ quy định tại khoản 3 Điều 14 Thông tư 36/2014/TT-NHNN và phải xây dựng phương án xử lý, trong đó tối thiểu phải có các nội dung sau đây:

(i) Danh sách khách hàng và dư nợ vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của từng khách hàng; thực trạng không đáp ứng giới hạn;

(ii) Biện pháp và kế hoạch cụ thể xử lý, bao gồm cả việc thu hồi nợ, tăng vốn điều lệ, vốn được cấp.

4. Quy định chuyển tiếp đối với tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn

a) Tại thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn không đảm bảo quy định tại khoản 17 Điều 1 Thông tư này do việc sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 17 Thông tư 36/2014/TT-NHNN, không được cấp thêm bất kỳ khoản tín dụng trung hạn và dài hạn nào cho đến khi đáp ứng tỷ lệ quy định tại khoản 5 Điều 17 Thông tư 36/2014/TT-NHNN và phải xây dựng phương án xử lý, trong đó tối thiểu phải có các nội dung sau đây:

(i) Tỷ lệ cụ thể không đảm bảo theo quy định;

(ii) Biện pháp và kế hoạch xử lý để đảm bảo sau thời hạn tối đa 3 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành tuân thủ đúng quy định.

b) Tại thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành, tổ chức tín dụng phi ngân hàng có tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn không đảm bảo quy định tại khoản 5 Điều 17 Thông tư 36/2014/TT-NHNN không được cấp thêm bất kỳ khoản tín dụng trung hạn và dài hạn nào cho đến khi đáp ứng tỷ lệ và phải xây dựng phương án xử lý, trong đó tối thiểu phải có các nội dung sau đây:

(i) Tỷ lệ cụ thể không đảm bảo theo quy định;

(ii) Biện pháp và kế hoạch xử lý để đảm bảo sau thời hạn tối đa 3 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành tuân thủ đúng quy định.

5. Quy định chuyển tiếp đối với tỷ lệ đầu tư trái phiếu Chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn

Tại thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có tỷ lệ đầu tư trái phiếu Chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn không đảm bảo quy định tại khoản 6 Điều 17 Thông tư 36/2014/TT-NHNN không được mua, đầu tư thêm trái phiếu Chính phủ cho đến khi đáp ứng tỷ lệ quy định tại khoản 6 Điều 17 Thông tư 36/2014/TT-NHNN và phải xây dựng phương án xử lý, trong đó tối thiểu phải có các nội dung sau đây:

a) Tỷ lệ cụ thể không đảm bảo theo quy định;

b) Biện pháp và kế hoạch xử lý để đảm bảo sau thời hạn tối đa 3 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành tuân thủ đúng quy định.

6. Xử lý sau chuyển tiếp

Sau thời gian chuyển tiếp tối đa tại phương án xử lý quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều này, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không khắc phục được vi phạm thì tùy theo mức độ, tính chất rủi ro, Ngân hàng Nhà nước áp dụng các biện pháp xử lý cần thiết bao gồm cả biện pháp tái cơ cấu theo quy định của pháp luật, thu hồi giấy phép đối với tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 5. Điều khoản thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7  năm 2016.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Phó Thống đốc

(Đã ký)

 

Nguyễn Phước Thanh