• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2021
HĐND TỈNH NGHỆ AN
Số: 25/2020/NQ-HĐND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nghệ An, ngày 13 tháng 12 năm 2020

NGHỊ QUYẾT

Quy định một số Chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình mỗi xã

một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2025

 

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ 17

 

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 5 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Xét Tờ trình số 8148/TTr-UBND ngày 18 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định một số chính sách hỗ trợ và thưởng thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2025.

2. Đối tượng áp dụng

a) Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh (sau đây gọi chung là cơ sở sản xuất kinh doanh) có sản phẩm OCOP đạt hạng 03 sao trở lên;

b) Các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Nguyên tắc hỗ trợ

1. Việc thực hiện các chính sách đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng, không trùng lặp. Trường hợp trong cùng một nội dung hỗ trợ có nhiều chính sách khác nhau thì được lựa chọn một chính sách để hỗ trợ.

2. Các nội dung hỗ trợ quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 3 Nghị quyết này là hỗ trợ sau đầu tư.

3. Việc hỗ trợ thực hiện theo dự toán ngân sách hàng năm và thứ tự ưu tiên như sau:

a) Đối với nội dung hỗ trợ tại khoản 1 Điều 3: Ưu tiên cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trang bị mới máy móc thiết bị đổi mới công nghệ, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa;

b) Đối với nội dung hỗ trợ tại khoản 2 Điều 3: Ưu tiên cho các cơ sở sản xuất kinh doanh xây dựng điểm bán hàng tại trung tâm hành chính cấp huyện có đông dân cư; khu di tích lịch sử văn hóa, du lịch; các đơn vị cấp huyện có từ 10 sản phẩm đạt hạng 03 sao trở lên;

c) Đối với nội dung hỗ trợ tại khoản 3 Điều 3: Ưu tiên các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh, sản phẩm nâng hạng hàng năm, các cơ sở sản xuất kinh doanh vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa.

Điều 3. Nội dung, mức hỗ trợ và mức thưởng

1. Hỗ trợ 50% tổng chi phí mua sắm máy móc, thiết bị, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất sản phẩm OCOP, nhưng không quá 500 triệu đồng/cơ sở sản xuất kinh doanh và chỉ hỗ trợ một lần cho cả giai đoạn (2021 - 2025);

2. Hỗ trợ 50% tổng chi phí xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị bảo quản, trang trí điểm cho đơn vị thực hiện việc giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP, nhưng không quá 300 triệu đồng/điểm giới thiệu và bán hàng sản phẩm OCOP và chỉ hỗ trợ 01 điểm cho mỗi huyện, thị xã và tối đa 02 điểm cho thành phố Vinh trong giai đoạn 2021-2025;

3. Hỗ trợ 50% tổng chi phí thiết kế, mua bao bì thương phẩm, mua nhãn hàng hóa, nhưng không quá 50 triệu đồng/sản phẩm và được hỗ trợ cho mỗi lần nâng hạng sao;

4. Thưởng cho mỗi sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên, với mức thưởng như sau:

a) Sản phẩm đạt hạng 3 sao: Thưởng 30 triệu đồng/sản phẩm;

b) Sản phẩm đạt hạng 4 sao: Thưởng 40 triệu đồng/sản phẩm;

c) Sản phẩm đạt hạng 5 sao: Thưởng 80 triệu đồng/sản phẩm.

Điều 4. Điều kiện hỗ trợ

1. Đối với nội dung hỗ trợ quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết này: Máy móc, thiết bị phải mới 100% và phải có kế hoạch sản xuất, kinh doanh hoặc phương án đầu tư sản xuất do cơ sở sản xuất kinh doanh lập.

2. Đối với nội dung hỗ trợ quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết này: Trang thiết bị bảo quản, trang trí phải mới 100% và có kế hoạch sản xuất, kinh doanh hoặc phương án đầu tư sản xuất do cơ sở sản xuất kinh doanh lập; có cam kết dành ít nhất 70% diện tích để trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, trong thời gian tối thiểu 5 năm liên tục và đáp ứng các tiêu chí điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP theo quy định của Bộ Công Thương.

3. Đối với nội dung hỗ trợ quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị quyết này phải đáp ứng các quy định về ghi nhãn hàng hóa tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.

Điều 5. Hồ sơ, trình tự thủ tục thanh toán kinh phí hỗ trợ và thưởng

1. Về hồ sơ:

a) Đối với nội dung hỗ trợ tại khoản 1, 2, 3 Điều 3 Nghị quyết này.

- Bản sao được chứng thực theo quy định của pháp luật hoặc bản chụp kèm theo bản chính để đối chiếu giấy chứng nhận sản phẩm OCOP được công nhận đạt hạng 03 sao trở lên;

- Đơn đề nghị hỗ trợ của chủ cơ sở sản xuất kinh doanh (có mẫu đơn số 01 kèm theo);

- Hợp đồng và biên bản bàn giao, nghiệm thu, thanh lý hợp đồng giữa cơ sở sản xuất kinh doanh với doanh nghiệp cung ứng, các hóa đơn, chứng từ liên quan, trong đó nêu rõ loại máy, chủng loại, công suất, các phụ kiện kèm theo máy; Thông báo giá của cấp có thẩm quyền hoặc chứng thư thẩm định giá của các cơ quan, đơn vị có chức năng; Kết quả nghiệm thu thực hiện chính sách (mẫu biên bản số 02 kèm theo); Các chứng từ liên quan (phiếu thu, phiếu chi, phiếu xuất, nhập kho);

- Đối với chi phí xây dựng, sửa chữa điểm giới thiệu và bán sản phẩm ngoài những hồ sơ nêu trên phải có Quyết định phê duyệt báo cáo hồ sơ thiết kế, kỹ thuật và dự toán của Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

b) Đối với nội dung thưởng tại khoản 4 Điều 3 theo Nghị quyết này

- Đơn đề nghị nhận tiền thưởng của chủ cơ sở sản xuất kinh doanh (có mẫu đơn 03 kèm theo);

- Bản sao được chứng thực theo quy định của pháp luật hoặc bản chụp kèm theo bản chính để đối chiếu giấy chứng nhận sản phẩm OCOP được công nhận đạt hạng 03 sao trở lên.

2. Trình tự, thủ tục

a) Đối với các chính sách hỗ trợ quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 3 Nghị quyết này:

- Hàng năm, căn cứ vào nhu cầu thực tế và các điều kiện, nội dung hỗ trợ quy định tại Điều 3, Điều 4 Nghị quyết này, cơ sở sản xuất kinh doanh gửi đề xuất nhu cầu hỗ trợ cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện trước ngày 20 tháng 3 hàng năm;

- Trong thời gian 02 tháng kể từ ngày nhận được thông báo của Ủy ban nhân dân cấp huyện, các cơ sở sản xuất kinh doanh phải hoàn tất việc thực hiện các hồ sơ theo yêu cầu tại điểm a, khoản 1 Điều này nộp về Bộ phận một cửa của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Trong vòng 10 ngày làm việc phòng Tài chính cấp huyện có trách nhiệm thanh toán chính sách cho đối tượng thụ hưởng; trường hợp hồ sơ không đảm bảo quy định trong vòng 03 ngày làm việc phải thông báo để các cơ sở sản xuất kinh doanh bổ sung, hoàn thiện.

b) Đối với nội dung thưởng quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị quyết này.

Trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn) các cơ sở sản xuất kinh doanh hoàn thiện hồ sơ thưởng theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều này và gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn) qua bưu điện hoặc nộp trực tiếp; trong vòng 10 ngày làm việc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn) phải thanh toán cho các đối tượng thụ hưởng.

Điều 6. Nguồn kinh phí thực hiện: Do ngân sách tỉnh đảm bảo.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, kỳ họp thứ 17 thông qua ngày 13 tháng 12 năm 2020 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021./.

 

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Xuân Sơn

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.