• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/09/2021
UBND TỈNH NGHỆ AN
Số: 25/2021/QĐ-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nghệ An, ngày 20 tháng 8 năm 2021

QUYẾT ĐỊNH

VỀ TIÊU CHÍ CHẤM ĐIỂM VÀ QUY TRÌNH ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI CÔNG TÁC QUẢN LÝ AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17/6/2010;

Căn cứ Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;

Căn cứ Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới;

Thực hiện Quyết định số 4057/QĐ-UBND ngày 07/10/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An về việc ban hành Đề án “Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 - 2025”;

Thực hiện Quyết định số 11/2021/QĐ-UBND ngày 20/5/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An về việc ban hành Quy định phân công, phân cấp và phối hợp quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 3461/TTr-SYT ngày 05/8/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định về tiêu chí chấm điểm và quy trình đánh giá, xếp loại công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhằm đánh giá, xếp loại trong công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các huyện, thành phố, thị xã và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương và các cơ quan, đơn vị khác có liên quan trong việc đánh giá, xếp loại.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện).

3. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã).

Điều 3. Nguyên tắc đánh giá, xếp loại

1. Tuân thủ đầy đủ các nội dung đánh giá, xếp loại của tiêu chí chấm điểm và quy trình đánh giá, xếp loại công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

2. Phản ánh trung thực, khách quan, hiệu quả triển khai công tác quản lý an toàn thực phẩm.

3. Đảm bảo rõ ràng, đầy đủ và thống nhất của thông tin thu nhận được từ công tác đánh giá.

4. Việc đánh giá, xếp loại công tác quản lý an toàn thực phẩm của Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ vào kết quả, mức độ thực hiện nhiệm vụ thông qua điểm số mà đơn vị đạt được và xếp hạng từ cao xuống thấp.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Tiêu chí chấm điểm, thang điểm, cách tính điểm và xếp loại

1. Tiêu chí chấm điểm: Các đơn vị áp dụng các Phụ lục kèm theo Quyết định này để thực hiện việc tự đánh giá.

a) Ủy ban nhân dân cấp huyện áp dụng Phụ lục 1.

b) Ủy ban nhân dân cấp xã áp dụng Phụ lục 2.

2. Thang điểm và cách tính điểm

a) Thang điểm đánh giá, xếp loại công tác quản lý an toàn thực phẩm của Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An tối đa là 100 điểm. Trong đó: Điểm đạt tối đa 90/100 điểm; điểm thưởng tối đa 10/100 điểm và điểm trừ tối đa 40/100 điểm.

b) Thang điểm được xác định cụ thể đối với từng tiêu chí tại các Phụ lục kèm theo Quyết định này.

3. Cách tính điểm và xếp loại

a) Điểm số của mỗi tiêu chí được xác định căn cứ kết quả, mức độ thực hiện nhiệm vụ.

b) Xếp loại

- Loại xuất sắc: Từ 90 điểm trở lên;

- Loại tốt: Từ 80 đến dưới 90 điểm;

- Loại khá: Từ 70 đến dưới 80 điểm;

- Loại trung bình: Từ 50 đến dưới 70 điểm;

- Loại yếu: Dưới 50 điểm.

Điều 5. Tự đánh giá, báo cáo kết quả tự đánh giá

1. Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ vào các nội dung trong Quyết định này và kết quả thực hiện tại đơn vị để tự đánh giá, chấm điểm công tác quản lý an toàn thực phẩm trong năm tại địa phương mình và báo cáo kết quả tự đánh giá vào tháng 10 hàng năm. Báo cáo tự đánh giá phải thể hiện đầy đủ các tiêu chí, kết quả, điểm số thực tế của từng tiêu chí, tổng số điểm và kèm theo các tài liệu liên quan để chứng minh kết quả thực hiện.

2. Báo cáo kết quả tự đánh giá gồm có:

a) Báo cáo kết quả tự đánh giá, chấm điểm công tác quản lý an toàn thực phẩm.

b) Phụ lục kết quả tự đánh giá, xếp loại (ban hành kèm theo Quyết định này).

c) Hồ sơ, tài liệu chứng minh liên quan.

3. Thời gian gửi báo cáo tự đánh giá

a) Báo cáo tự đánh giá công tác quản lý an toàn thực phẩm của Ủy ban nhân dân cấp xã kèm theo các tài liệu kiểm chứng gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện trước ngày 01 tháng 11 hàng năm để thẩm định và phê duyệt kết quả.

b) Báo cáo tự đánh giá công tác quản lý an toàn thực phẩm của Ủy ban nhân dân cấp huyện kèm theo các tài liệu kiểm chứng gửi về Sở Y tế trước ngày 25 tháng 11 hàng năm để thẩm định, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 6. Thẩm định kết quả tự đánh giá

1. Thẩm định kết quả tự đánh giá của Ủy ban nhân dân cấp xã

a) Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập Hội đồng thẩm định gồm 5 hoặc 7 người, trong đó: Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện; thành viên là đại diện các phòng, ban có chức năng, nhiệm vụ liên quan tiến hành thẩm định kết quả đánh giá, xếp loại công tác quản lý an toàn thực phẩm của Ủy ban nhân dân cấp xã.

b) Hội đồng thẩm định cấp huyện căn cứ báo cáo tự đánh giá của Ủy ban nhân dân cấp xã để đánh giá, xếp loại công tác quản lý an toàn thực phẩm của Ủy ban nhân dân cấp xã.

c) Thời gian thẩm định trước ngày 10 tháng 11 hàng năm.

2. Thẩm định kết quả tự đánh giá của Ủy ban nhân dân cấp huyện

a) Sở Y tế tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định gồm 5 hoặc 7 người là đại diện các sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tiến hành thẩm định kết quả đánh giá, xếp loại công tác quản lý an toàn thực phẩm của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

b) Hội đồng thẩm định cấp tỉnh căn cứ vào báo cáo tự đánh giá của Ủy ban nhân dân cấp huyện và kết quả đánh giá của các Đoàn thanh tra liên ngành về an toàn thực phẩm hàng năm để đánh giá, xếp loại công tác quản lý an toàn thực phẩm của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

c) Thời gian thẩm định trước ngày 10 tháng 12 hàng năm.

Điều 7. Phê duyệt kết quả xếp loại

1. Phê duyệt kết quả xếp loại Ủy ban nhân dân cấp xã

a) Căn cứ biên bản thẩm định của Hội đồng thẩm định cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, phê duyệt kết quả xếp loại công tác quản lý an toàn thực phẩm của Ủy ban nhân dân cấp xã. Ủy ban nhân dân cấp huyện xếp loại công tác quản lý an toàn thực phẩm của Ủy ban nhân dân cấp xã trước ngày 15 tháng 11 hàng năm.

b) Hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, phê duyệt kết quả xếp loại gồm: Tờ trình phê duyệt kết quả đánh giá, xếp loại công tác quản lý an toàn thực phẩm của Ủy ban nhân dân cấp xã; Kết quả thẩm định, xếp loại của Hội đồng thẩm định cấp huyện; Bảng tổng hợp tự chấm điểm của Ủy ban nhân dân cấp xã.

c) Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo kết quả về Sở Y tế trước ngày 25 tháng 11 hàng năm.

2. Phê duyệt kết quả xếp loại Ủy ban nhân dân cấp huyện

a) Căn cứ biên bản thẩm định của Hội đồng thẩm định cấp tỉnh, Sở Y tế tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt kết quả xếp loại công tác quản lý an toàn thực phẩm của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Ủy ban nhân dân tỉnh xếp loại về công tác quản lý an toàn thực phẩm của Ủy ban nhân dân cấp huyện trước ngày 20 tháng 12 hàng năm.

b) Hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt kết quả xếp loại gồm: Tờ trình phê duyệt kết quả đánh giá, xếp loại công tác quản lý an toàn thực phẩm của Ủy ban nhân dân cấp huyện; Kết quả thẩm định, xếp loại của Hội đồng thẩm định cấp tỉnh; Bảng tổng hợp tự chấm điểm của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Kinh phí thực hiện

1. Kinh phí triển khai thực hiện được đảm bảo bằng nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

2. Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí triển khai hàng năm thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Điều 9. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị

Các cơ quan, đơn vị thực hiện việc đánh giá, xếp loại tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc quy định tại Điều 3 Quyết định này và chịu trách nhiệm đối với phần đánh giá được phân công.

1. Trách nhiệm của Sở Y tế

a) Phổ biến, hướng dẫn các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định đánh giá, xếp loại công tác quản lý an toàn thực phẩm của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

c) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện tự đánh giá công tác quản lý an toàn thực phẩm và tổng hợp, báo cáo theo quy định.

2. Trách nhiệm của các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương có trách nhiệm phối hợp Sở Y tế tổ chức triển khai công tác đánh giá, xếp loại theo quy định và chịu trách nhiệm đối với phần đánh giá thuộc lĩnh vực được phân công.

3. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh

Các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức triển khai các hoạt động an toàn thực phẩm trong phạm vi phụ trách.

4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh

Phối hợp với các sở, ngành chức năng triển khai công tác đánh giá, xếp loại theo quy định và chịu trách nhiệm đối với phần đánh giá thuộc lĩnh vực được phân công.

5. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

a) Thực hiện tự chấm điểm và gửi kết quả đánh giá, xếp loại công tác quản lý an toàn thực phẩm của Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định tại Quyết định này;

b) Phổ biến, hướng dẫn các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này;

c) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã tự thực hiện tự đánh giá công tác quản lý an toàn thực phẩm và tổng hợp, báo cáo theo quy định.

6. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã

a) Thực hiện tự chấm điểm và gửi kết quả đánh giá, xếp loại công tác quản lý an toàn thực phẩm của UBND cấp xã theo quy định tại Quyết định này.

b) Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này và tổng hợp, báo cáo theo quy định.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Điều 11. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 9 năm 2021./.

TM. Ủy ban nhân dân

KT. CHỦ TỊCH
Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Bùi Đình Long

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.