• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 26/12/2010
UBND TỈNH NGHỆ AN
Số: 106/2010/QĐ-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nghệ An, ngày 16 tháng 12 năm 2010

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy định sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh,

xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách,

hàng hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An

_________

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

 

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ  Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Thông tư số 08/2009/TT-BGTVT ngày 23 tháng 6 năm 2009 của Bộ Giao thông vận tải "Hướng dẫn sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hoá;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nghệ An tại Tờ trình số    1794/TTr-GTVT.VT ngày 26/11/2010, và Báo cáo thẩm định số 1829/BC-STP ngày 29/10/2010 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hoá trên địa bàn tỉnh Nghệ An".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

(Đã ký)

Hồ Đức Phớc

 

 

QUY ĐỊNH

Quản lý sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh

và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách,

hàng hoá trên địa bàn tỉnh Nghệ An

(Ban hành kèm theo Quyết định số 106/2010/QĐ-UBND ngày 16/12/2010

của UBND tỉnh Nghệ An

______

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Văn bản này quy định về quản lý hoạt động dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng hoá bằng xe thô sơ, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Quy định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng hoá bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, và các loại xe tương tự.

2. Xe thô sơ của Quân đội, Công an phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng, xe thô sơ thu gom rác thải phục vụ vệ sinh môi trường, xe phục vụ đi lại của thương binh và người tàn tật không thuộc đối tượng áp dụng Quy định này.

Điều 3: Trong quy định này các từ ngữ được hiểu như sau

1. Xe thô sơ: là xe không di chuyển bằng sức động cơ như xe đạp, xe xích lô đạp, xe ba gác, xe súc vật kéo,...

2. Xe gắn máy: là xe cơ giới có hai bánh, có dung tích xi lanh dưới 50cm3 (trừ xe có động cơ điện).

3. Xe mô tô hai bánh: là xe cơ giới có hai bánh, có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên.

4. Xe mô tô ba bánh: là xe cơ giới ba bánh, có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên, khối lượng bản thân không lớn hơn 400 kg và có sức chở đến 500 kg.

5. Các loại xe tương tự là các loại xe có cấu tạo, tính năng và công dụng gần giống các loại xe trên.

6. Kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hoá bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự là hoạt động dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng hoá theo yêu cầu của khách hàng có thu tiền.

CHƯƠNG II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Quy định đối với người điều khiển xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự tham gia hoạt động dịch vụ vận chuyển hàng hoá, hành khách

1. Người điều khiển xe thô sơ phải đảm bảo quy định tại Điều 63 Luật Giao thông đường bộ 2008.

2. Người điều khiển xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự kinh doanh vận chuyển phải đảm bảo các điều kiện:

- Đáp ứng đủ điều kiện của người lái xe tham gia giao thông được quy định tại Điều 30, 31 và 58 Luật Giao thông đường bộ 2008.

- Được cơ quan có thầm quyền cấp “Giấy phép kinh doanh vận chuyển”.

3. Khi thực hiện hoạt động kinh doanh vận chuyển, người điều khiển phương tiện phải mặc trang phục áo màu xanh và đeo phù hiệu (phụ lục 02) đeo ở ngực áo bên trái;

Điều 5. Phương tiện vận chuyển

1. Xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự phải bảo đảm quy định về điều kiện tham gia giao thông và bảo đảm về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 53 và Điều 56 Luật giao thông đường bộ 2008.

2. Đối với xe gắn máy, mô tô hai bánh, ba bánh và các loại xe tương tự, phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan thẩm quyền cấp.

3. Đối với xe thô sơ:

- Phải gắn bộ phận phản quang phía trước và sau xe để bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông đường bộ.

- Phải gắn biển xe chở hàng, xe chở khách phía trước hoặc phía sau xe (ở vị trí thuận tiện và dễ quan sát), biển bằng mika, kích thước biển 8 cm x 16 cm.

Điều 6. Quy định về hoạt động đối với các loại xe

1. Thời gian và phạm vi hạn chế hoạt động đối với từng loại xe thô sơ, với xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự trên các tuyến đường do cấp có thẩm quyền quy định cụ thể (UBND tỉnh quy định đối với tuyến Quốc lộ và đường tỉnh; UBND huyện, thành, thị xã quy định đối với đường huyện, thành, thị quản lý), phù hợp với nhu cầu vận tải và hệ thống hạ tầng giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

2. Xe súc vật kéo khi hoạt động phải có phương án bảo đảm vệ sinh môi trường. Cấm xe súc vật kéo hoạt động ở nội thành, nội thị (trừ trường hợp đặc biệt được cấp phép hoạt động kinh doanh tại khu du lịch, khu vui chơi giải trí).

3. Xe xích lô, xe súc vật kéo khi chở hàng hoá, hành lý không được vượt quá: 0,20m về mỗi bên bánh xe, 0,60m về phía trước và phía sau thùng xe, chiều cao xếp hàng không được che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện.

Điều 7. Tổ chức quản lý hoạt động

1. Trên cơ sở quy mô, địa bàn hoạt động, cá nhân tham gia kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hoá bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự được tổ chức thành các hộ kinh doanh, tổ, đội, nghiệp đoàn, hợp tác xã, doanh nghiệp theo hình thức tự quản.

2. Từng hộ kinh doanh, tổ, đội, nghiệp đoàn, hợp tác xã phải đăng ký trực tiếp với UBND phường, xã để được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển.

3. Giá cước vận chuyển hành khách, hàng hoá bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự là giá thoả thuận giữa khách hàng hoặc chủ hàng với người điều khiển phương tiện.

4. Thủ tục hồ sơ gồm:

a) Giấy đăng ký tham gia kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hoá (Phụ lục 01).

b) Bản sao chứng minh nhân dân (có bản gốc để đối chiếu).

c) Trường hợp là Hợp tác xã, doanh nghiệp phải có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề theo quy định.

d) Đăng ký Phù hiệu hành nghề  (Phụ lục 02).

5. Cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển: Giao UBND phường, xã thực hiện.

Thời gian cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển: không quá 02 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

6. Thời hạn Giấy phép kinh doanh vận chuyển: Có giá trị 01 năm.

CHƯƠNG III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành

1. Sở Giao thông Vận tải

a) Thực hiện quản lý Nhà nước đối với hoạt động dịch vụ vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng xe thô sơ, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

b) Phối hợp với UBND các huyện, thành, thị, Công an tỉnh và các Sở, ban, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quy định này;

c) Chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông phối hợp với Công an và chính quyền địa phương thực hiện kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

2. Công an tỉnh

Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông và Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an các huyện, thành phố, thị xã phối hợp với chính quyền địa phương, Sở Giao thông Vận tải tổ chức kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Quy định này.

3. Các Sở, ban. ngành liên quan: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định này đến các tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, ba bánh kinh doanh vận chuyển trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Điều 9. Trách nhiệm của UBND các huyện, thành phố, thị xã

1. Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Quy định này đến mọi tổ chức, cá nhân sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn quản lý.

2. Chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn triển khai thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự hoạt động kinh doanh vận chuyển trên địa bàn theo nội dung Quy định.

3. Tổ chức thực hiện lắp đặt biển báo (được quy định tại điều lệ báo hiệu đường bộ Việt Nam) theo địa giới hành chính trên các tuyến đường được phân cấp quản lý.

4. Kiểm tra, đánh giá, tổng kết định kỳ (sáu tháng, 01 năm) việc thực hiện Quy định, báo cáo UBND tỉnh và Sở Giao thông Vận tải.

Điều 10. Trách nhiệm của UBND các xã, phường

1. Tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện Quy định này đến mọi tổ chức, cá nhân sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn quản lý;

2. Cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển và hướng dẫn thực hiện các nội dung Quy định cho tổ chức, cá nhân sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự hoạt động kinh doanh vận chuyển trên địa bàn.

3. Tổ chức quản lý, lập hồ sơ theo dõi, tổng hợp và định kỳ hàng tháng báo cáo UBND cấp huyện.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có gì vướng mắc các tổ chức, cá nhân kịp thời báo cáo về UBND tỉnh (qua Sở Giao thông Vận tải) xem xét, quyết định./.

TM. Ủy ban nhân dân

KT. CHỦ TỊCH
Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Hồ Đức Phớc

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.