• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 05/12/2005
UBND TỈNH NGHỆ AN
Số: 36/2005/CT-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nghệ An, ngày 5 tháng 12 năm 2005

CHỈ THỊ

Về tăng cường quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh Nghệ An

___________________

Thời gian qua các cấp, các ngành trong tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tạo được nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức và hành vi của người tham gia giao thông; về vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp đối với công tác đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn.

Tuy nhiên tình hình tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp, nhất là trên một số tuyến Quốc lộ, địa bàn trọng điểm. Nguyên nhân chủ yếu là do năng lực, hiệu lực quản lý Nhà nước của các cấp, các ngành vẫn nhiều hạn chế trong công tác quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, tình trạng phương tiện quá niên hạn sử dụng; sản xuất và lắp ráp phương tiện trái quy định, không đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; phương tiện không đăng ký, đăng kiểm theo quy định vẫn lưu hành còn khá phổ biến ở nhiều địa phương, nhiều tuyến đường trong tỉnh.

Để khắc phục tình trạng trên, nhằm quản lý tốt phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên địa bàn, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò; Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt những nội dung sau:

1. Công an tỉnh:

Chủ trì phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát việc sử dụng phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn; Thống nhất lập biểu mẫu thống kê phương tiện trên địa bàn.

Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm về Luật Giao thông đường bộ. Ngoài việc áp dụng các biện pháp xử phạt quy định tại Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19/02/2003 của Chính phủ còn bị áp dụng biện pháp tạm giữ phương tiện theo Quyết định số 46/2003/QĐ-UB ngày 12/5/2003 của UBND tỉnh Nghệ An.

2. Sở Giao thông vận tải:

Chỉ đạo việc kiểm tra chặt chẽ, nghiêm túc việc đưa các loại phương tiện cơ giới vào kiểm định. Tổng hợp và thông báo thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng về phương tiện không đủ các điều kiện hoạt động. Đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về quản lý phương tiện cơ giới.

Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị thi công trên địa bàn tỉnh thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm các loại phương tiện, máy móc chuyên dùng trong hoạt động thi công xây lắp công trình.

Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra về điều kiện đảm bảo an toàn kỹ thuật, an toàn giao thông theo quy định của phương tiện cơ giới tại các điểm giao thông tỉnh như: bến xe, nơi dừng đỗ phương tiện; Phát hiện và xử lý nghiêm các phương tiện vận tải chở hàng hóa quá tải trọng giới hạn của cầu đường.

Phối hợp với các ngành liên quan và chính quyền địa phương lập quy hoạch các bến xe, trạm nghỉ, bãi đỗ xe trên địa bàn toàn tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt. Tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động của các bến xe khách theo quy định của Bộ Giao thông - Vận tải.

3. Sở Công nghiệp:

Chủ trì phối hợp với các ngành liên quan và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát việc sản xuất, lắp ráp phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trái phép trên địa bàn tỉnh và xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm.

4. Sở Tư pháp - Sở Văn hóa - Thông tin, Đài Phát thanh - Truyền hình, các cơ quan Thông tấn báo chí:

Phối hợp với ngành Công an, Sở Giao thông - Vận tải và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội triển khai các chuyên mục thông tin tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ và mục đích, ý nghĩa của đợt tổng kiểm tra phương tiện cơ giới đường bộ.

5. Cục thuế Nghệ An:

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ ngành Công an, Giao thông - Vận tải và chính quyền địa phương trong việc điều tra, cung cấp, thống kê số phương tiện tham gia kinh doanh vận tải trên địa bàn để có biện pháp thống thất thu thuế trong lĩnh vực này.

6. Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội:

Tăng cường công tác vận động tuyên truyền giáo dục các thành viên của mình, chấp hành các quy định pháp luật giao thông; tạo sự đồng tình cao trong nhân dân về việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông.

7. UBND các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò:

Chỉ đạo các ngành liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý Nhà nước về giao thông đường bộ; Kiểm tra và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn, phạm vi quản lý thực hiện việc kê khai sử dụng phương tiện theo biểu mẫu quy định.

Chỉ đạo việc kiểm tra và xử lý các vi phạm hành chính trong việc quản lý và sử dụng phương tiện cơ giới đường bộ theo thẩm quyền. Chủ trì phối hợp với ngành Giao thông - Vận tải và các ngành liên quan xây dựng quy hoạch và tổ chức quản lý chặt chẽ hệ thống giao thông tỉnh: bến xe, bãi đậu xe kinh doanh (kể cả điểm đậu xe qua đêm, xe máy lai...) trình UBND tỉnh phê duyệt.

Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành thị có kế hoạch tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

TM. Ủy ban nhân dân

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Phan Đình Trạc

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.