• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 24/07/2003
HĐND TỈNH NINH THUẬN
Số: 56/2003/NQ-HĐND7
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Ninh Thuận, ngày 24 tháng 7 năm 2003

NGHỊ QUYẾT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN KHÓA VII – KỲ HỌP THỨ 10
(Từ ngày 22 đến ngày 24 tháng 7 năm 2003)

 

Về những nhiệm vụ biện pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2003

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân

Sau khi xem xét báo cáo của UBND tỉnh, các ngành chức năng và các địa phương đánh giá kiểm điểm tình hình và công tác chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2003.

 

QUYẾT NGHỊ:

Nhất trí nội dung báo cáo của UBND tỉnh, các ngành, các địa phương, đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:

I - Về tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội trong 6 tháng đầu năm 2003:

Năm 2003, năm có ý nghĩa quan trọng có tính chất “bản lề” cho việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2001 – 2005. Trong 6 tháng đầu năm 2003, mặc dù có nhiều khó khăn, nhất là hạn hán kéo dài, nhưng với sự nỗ lực không ngừng của các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự điều hành có hiệu quả của chính quyền nên các mặt kinh tế xã hội phát triển tương đối toàn diện. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8%, giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp tăng 6%, giá trị sản xuất thủy sản tăng 11,6%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 31,4%, các ngành dịch vụ tăng 9%. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 50% kế hoạch năm. Kim ngạch xuất khẩu tăng 55% so cùng kỳ. Giải quyết việc làm cho 5.800 lao động, giảm hơn 720 hộ nghèo. Đã tập trung chỉ đạo khắc phục được tác hại của hạn hán, ổn định sản xuất và đời sống. Các lĩnh vực du lịch, thủy sản, khai thác tài nguyên khoáng sản đã bắt đầu thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Tiến độ xây dựng cơ bản và giải ngân vốn đầu tư có tiến bộ. Thực hiện các chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế miền núi có chuyển biến và xuất hiện một số mô hình mới. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định. Đã tổ chức cuộc diễn tập quân sự vận hành cơ chế theo Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị ở cấp tỉnh và thị xã đạt kết quả tốt.

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế xã hội 6 tháng qua còn một số tồn tại hạn chế chủ yếu là: sức cạnh tranh của nền kinh tế nhìn chung còn thấp. Năng suất, chất lượng một số cây trồng vụ Đông Xuân giảm, chuyển dịch cơ cấu cây trồng để hình thành vùng cây công nghiệp tập trung theo kế hoạch còn chậm. Chậm triển khai các văn bản chỉ đạo về cơ chế tài chính trong sử dụng quỹ đất, tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng nên chưa tạo được nguồn thu mới. Chậm khởi công một số dự án công trình trọng điểm. Công tác quy hoạch, đền bù, giải tỏa, tái định cư còn nhiều vướng mắc, ách tắc, chất lượng một số công trình thấp, cá biệt có công trình việc xây dựng, phê duyệt luận chứng kinh tế – kỹ thuật tính khả thi chưa cao. Chất lượng giáo dục nhất là vùng cao, vùng sâu, vùng xa chậm được nâng lên. Đời sống một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là các vùng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai, hạn hán. Tệ nạn xã hội chưa được đẩy lùi có hiệu quả, tai nạn giao thông chưa giảm mạnh. Vai trò của các cơ quan dân cử tuy được nâng lên nhưng thực chất chưa ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp, các ngành liên quan nghiêm túc ghi nhận những tồn tại hạn chế trên để sớm có biện pháp khắc phục.

II - Những nhiệm vụ biện pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm 2003.

Căn cứ vào những nhiệm vụ mục tiêu của năm 2003 đã được Nghị quyết kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh (khóa VII) thông qua và kết quả các mặt kinh tế xã hội đạt được trong 6 tháng qua, thì nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của tỉnh ta còn hết sức nặng nề, phải tập trung ở mức độ cao mới có thể hoàn thành thắng lợi. Từ thực tế nêu trên Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định các nhiệm vụ, biện pháp 6 tháng cuối năm 2003 gồm các nội dung chủ yếu là:

1. Các chỉ tiêu chủ yếu phấn đấu hoàn thành (cả năm 2003):

Tốc độ tăng trưởng GDP: 8%

Giá trị sản xuất nông nghiệp: 4 – 4,5%

Giá trị sản xuất thủy sản tăng: 12%

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng: 22%

Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng: 8%

Sản lượng lương thực: 170.000 tấn

Sản lượng thủy sản: 36.200 tấn

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh: 130 tỷ đồng.

Tổng chi ngân sách địa phương: 454 tỷ

Giá trị kim ngạch xuất khẩu: 20 triệu USD

Giải quyết việc làm cho: 10.000 lao động

Giảm tỷ lệ đói nghèo còn: 13,5%

Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên: 1,6%

Tổng số học sinh đầu năm học 2003 – 2004 tăng: 3,8%.

2. Các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể:

Trong lĩnh vực nông nghiệp: Chỉ đạo hoàn thành kế hoạch năm 2003, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 4 – 4,5%, thực hiện có hiệu quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, hình thành vùng cây công nghiệp, có chính sách hỗ trợ để phát triển phù hợp với quy mô, điều kiện của từng vùng. Có biện pháp hỗ trợ phát triển đồng cỏ cho chăn nuôi từng bước đưa chăn nuôi lên quy mô lớn. Thực hiện có hiệu quả mô hình liên kết giữa “4 nhà”, nhân rộng mô hình luân canh cây trồng, mô hình kinh tế trang trại. Phát triển cây bông diện tích 1.500 ha, cây mì 2.000 ha. Tăng cường công tác khuyến nông, tiếp tục triển khai chương trình giống, nhất là đề án cải tạo và nhân rộng giống điều có năng suất cao, chương trình sinh hóa đàn bò, cải tạo đàn cừu, nhân rộng diện tích giống nho mới. Chủ động phòng chống cháy rừng, phá rừng, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

Về thủy sản: Triển khai chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với chế biến xuất khẩu. Nhân rộng mô hình nuôi tôm hùm lồng, rong sụn. Giải quyết dứt điểm các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án tôm Sơn Hải, An Hải và tình trạng hoạt động trì trệ của Công ty Xuất nhập khẩu, đồng thời tích cực hợp tác với các đối tác để sớm xây dựng nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá.

Về công nghiệp: Phấn đấu đạt mức tăng trưởng theo kế hoạch (tăng 22%), góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả cạnh tranh thị trường. Chỉ đạo tháo gỡ ách tắc cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư từ nhiều nguồn, thực hiện cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa” nhằm hoàn thành thủ tục nhanh nhất cho các doanh nghiệp. Sớm hoàn thành đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp Thành Hải, Tháp Chàm. Hoàn thành quy hoạch khu công nghiệp Du Long trình Chính phủ phê duyệt vào đầu năm 2004. Cân đối ngân sách để bố trí và hỗ trợ cho các thôn chưa có điện sinh hoạt. Khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp, khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống.

Về thương mại – dịch vụ: Triển khai thực hiện tốt chương trình hành động về du lịch giai đoạn 2001 – 2005 nhằm đưa ngành Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn từ sau năm 2005. Quản lý tốt khu du lịch Bình Sơn – Ninh Chữ, làm tốt công tác giải tỏa đền bù để hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án. Đẩy nhanh tiến độ thi công đường Bình Tiên – Hiệp Kiết, quản lý đất đai chặt chẽ để đảm bảo điều kiện xây dựng các khu du lịch. Thực hiện tốt phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm trong xây dựng chợ, siêu thị ở các thị xã, thị trấn. Tập trung giải quyết các vướng mắc để thi công xây dựng Trung tâm thương mại Thanh Hà, khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư chợ đầu mối của huyện.

Về đầu tư phát triển: Phấn đấu thực hiện tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả năm đạt từ 930 đến 950 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách và có nguồn vốn gốc ngân sách khoảng 200 tỷ đồng. Điều chỉnh bổ sung vốn cho các công trình trọng điểm, ưu tiên cho các công trình thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo thủy lợi, giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc thị xã Phan Rang – Tháp Chàm… sử dụng nguồn vốn vay của quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia để xây dựng kết cấu hạ tầng của thị xã PRTC theo đúng mục đích đã được xác định tại Nghị quyết kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa (VII). Tăng cường quản lý đầu tư xây dựng, thực hiện quy chế đấu thầu, giám sát đầu tư theo tinh thần các Nghị định của Chính phủ.

Về thu chi ngân sách: Phấn đấu đạt mức huy động 8 – 9% GDP vào ngân sách. Có kế hoạch rà soát các khoản thu, xây dựng mức thu hợp lý, khai thác các nguồn thu mới về tài nguyên khoáng sản, thu tiền đấu giá bán đất để xây dựng hạ tầng khu dân cư. Quản lý thu các loại phí vào ngân sách Nhà nước. Thực hiện chủ trương tiết kiệm chi, giảm chi thường xuyên, cân đối bố trí vốn đối ứng ODA và trả nợ các công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2002 trở về trước, tăng chi cho đầu tư phát triển.

Về cải cách hành chính và tổ chức bộ máy: Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của các cấp chính quyền và các cơ quan chuyên môn. Kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo kế hoạch được duyệt. Tiếp tục thực hiện công cuộc cải cách hành chính theo mô hình “một cửa”. Xây dựng đề án điều chỉnh địa giới hành chính một số xã giai đoạn 2004 – 2005 trên nguyên tắc: Xã có đông dân, địa bàn rộng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế xã hội.

Trên lĩnh vực văn hóa xã hội: Tổng kết công tác xóa đói giảm nghèo, rút ra được những kinh nghiệm điển hình về mô hình xóa đói giảm nghèo có tính chất bền vững cho từng vùng, từ đó mà nhân ra diện rộng. Đẩy mạnh giải ngân vốn xóa đói giảm nghèo theo dự án. Triển khai đề án giải quyết vấn đề nhà ở cho người nghèo, đề án xuất khẩu lao động.

Thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia, nhất là chương trình y tế dự phòng, chủ động phòng chống dịch bệnh. Đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất trường lớp để từ năm học 2003 – 2004 xóa các lớp học ca 3. Nâng cao chất lượng dạy và học gắn với kế hoạch đào tạo, đào tạo lại nhằm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục. Chú trọng đào tạo đội ngũ giáo viên tại chỗ là đồng bào dân tộc thiểu số cho vùng sâu, vùng xa, miền núi theo Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ tỉnh.

Về quốc phòng an ninh, trật tự xã hội: Quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tập trung xây dựng thực lực cách mạng ở cơ sở, làm tốt công tác bảo vệ an ninh tư tưởng văn hóa, an ninh kinh tế, an ninh nông thôn. Đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với triển khai chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) chú trọng giáo dục ý thức quốc phòng toàn dân. Làm tốt công tác chuẩn bị gọi công dân nhập ngũ năm 2004, giải quyết tốt số quân nhân đào ngũ. Chuẩn bị kế hoạch đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Phòng chống đẩy lùi các loại tệ nạn xã hội, nhân rộng mô hình xã phường không có tệ nạn xã hội.

Chủ động phòng chống lụt bão, khắc phục thiên tai, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Thực hiện tốt công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân đúng pháp luật, chú trọng giải quyết đơn thư ngay khi phát sinh từ địa bàn cơ sở. Phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể, nhất là Hội Nông dân các cấp để giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai, tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chú trọng các lĩnh vực quản lý đất đai, nhà ở, đầu tư xây dựng cơ bản, cấp giấy phép… giải quyết dứt điểm các vụ tồn đọng sau thanh tra, xử lý kịp thời, chính xác, khách quan, đúng pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở, tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân vận đối với các cấp chính quyền. Nâng cao chất lượng và năng lực hoạt động của các cơ quan dân cử.

Hoàn thành tốt việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2004, báo cáo Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương theo qui định.

III - Về tổ chức thực hiện Nghị quyết:

Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Thường trực HĐND và UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

Thường trực HĐND và các Ban của HĐND tỉnh tổ chức tốt công tác thẩm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Hội đồng nhân dân tỉnh kêu gọi cán bộ và nhân dân toàn tỉnh đoàn kết phấn đấu khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2003.

Nghị quyết đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận khóa VII, nhiệm kỳ 1999 – 2004 thông qua tại kỳ họp thứ 10, ngày 24 tháng 7 năm 2003.

(Đã ký)

 
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.