• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 27/11/2006
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 1570/2006/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Trung Ương, ngày 27 tháng 11 năm 2006

QUYẾT ĐỊNH

Về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025

__________________________________________

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001 và Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003 và Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại văn bản số 69/TTr-BXD ngày 13 tháng 10 năm 2006 về việc phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Tính chất:

Là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, khoa học công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước; đầu mối giao lưu quốc tế; một trung tâm công nghiệp, dịch vụ đa lĩnh vực, khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á.

2. Phạm vi, ranh giới và quy mô lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng:

a) Phạm vi nghiên cứu bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh xung quanh, gồm: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang; với diện tích khoảng 30.404 km2.

Phạm vi, ranh giới lập đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Hồ Chí Minh, với diện tích 2.095 km2.

b) Quy mô dân số:

- Đến năm 2025 khoảng 10 triệu người; khách vãng lai và tạm trú (dưới 6 tháng) khoảng 2,5 triệu người;

- Phân bố dân cư: khu vực nội thành cũ từ 4,0 - 4,5 triệu người; khu nội thành phát triển (6 quận mới) từ 2,8 - 2,9 triệu người; khu ngoại thành khoảng 2,6 triệu người (trong đó dân số nông thôn khoảng 0,5 triệu người).

c) Quy mô đất đai xây dựng đô thị: đến năm 2025 khoảng 90.000 - 100.000 ha; trong đó: khu nội thành cũ khoảng 14.000 ha; khu nội thành phát triển khoảng 35.000 ha và khu ngoại thành khoảng 40.000 - 50.000 ha.

3. Mục tiêu và quan điểm:

a) Mục tiêu: xây dựng thành phố Hồ Chí Minh phát triển bền vững, hài hoà giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hoá và bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, quốc phòng theo hướng liên kết vùng để trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, đóng góp ngày càng lớn vào phát triển của khu vực phía Nam và cả nước; từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á.

b) Quan điểm:

- Phát huy vai trò đặc biệt của Thành phố trong mối quan hệ với vùng thành phố Hồ Chí Minh, vùng trọng điểm phía Nam, với cả nước và quốc tế;

- Phát triển hài hoà, đồng bộ giữa xây dựng mới và cải tạo, chỉnh trang đô thị; giữa phát triển không gian đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường;

- Phát triển thành phố hiện đại, có bản sắc; phát huy thế mạnh đặc thù sông nước, đồng thời tạo sức hấp dẫn của đô thị; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

4. Các chỉ tiêu chính của đồ án:

a) Chỉ tiêu đất xây dựng đô thị:

Đất xây dựng đô thị bình quân: 80 - 100 m2/người, trong đó đất xây dựng dân dụng bình quân 55 - 65 m2/người, đất cây xanh trong khu dân dụng bình quân 8 m2/người, đất xây dựng công trình phúc lợi công cộng bình quân 4 - 6 m2/người;

b) Chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật đô thị:

- Giao thông: chỉ tiêu đất giao thông (động và tĩnh) 20 - 24 m2/người; đất dành cho giao thông chiếm 22 - 24% đất xây dựng đô thị; mật độ đường chính đạt 4,5 - 5 km/km2.

- Cấp nước: chỉ tiêu cấp nước sinh hoạt khoảng 200 lít/người/ngày đêm; cấp cho công nghiệp khoảng 50 m3/ha. Tỷ lệ dân đô thị được cấp nước 100%.

- Cấp điện: chỉ tiêu cấp điện sinh hoạt khoảng 2.600 Kwh/người; cấp cho công nghiệp khoảng 300 Kw/ha; cấp cho các hoạt động dịch vụ, thương mại khoảng 40 - 50% tiêu chuẩn cấp điện sinh hoạt.

- Thoát nước và vệ sinh môi trường:

Tiêu chuẩn tính toán thu gom và xử lý nước thải lấy theo tiêu chuẩn cấp nước tương ứng với từng đối tượng. Nước thải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường đạt tỷ lệ từ 80% trở lên.

5. Các yêu cầu nghiên cứu:

Định hướng phát triển thành phố Hồ Chí Minh được xác định trong mối quan hệ kinh tế - xã hội với vùng thành phố Hồ Chí Minh, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với cả nước, khu vực và quốc tế, bao gồm:

a) Đề xuất mô hình phát triển Thành phố dựa trên nguyên tắc gắn kết với các đô thị khác trong vùng thành phố Hồ Chí Minh; không phát triển đô thị trong các khu vực bảo tồn thiên nhiên và sinh thái đô thị;

b) Đề xuất hướng phát triển không gian Thành phố, bao gồm nội thành và ngoại thành; xác định các đô thị vệ tinh, các đô thị mới trong vùng thành phố Hồ Chí Minh để hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của Thành phố trên cơ sở thống nhất về không gian phát triển đô thị;

c) Đề xuất các phương án phân vùng chức năng; xác định vùng phát triển đô thị, vùng phát triển công nghiệp, vùng sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, vùng nông nghiệp, vùng bảo tồn thiên nhiên;

d) Đề xuất các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật phù hợp mô hình phát triển của Thành phố, với đặc thù của điều kiện địa hình, địa chất thủy văn trong từng vùng, từng khu chức năng và theo từng giai đoạn phát triển của Thành phố;

đ) Đề xuất phân khu chức năng và cơ cấu tổ chức không gian Thành phố, bao gồm:

- Khu dân dụng (khu nội thành cũ, khu nội thành phát triển, khu ngoại thành; các khu dân cư nông thôn; các khu cải tạo, chỉnh trang và nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội); trong đó chú trọng các khu đô thị khoa học Đông Bắc thành phố, khu đô thị - cảng Hiệp Phước, khu đô thị Tây Bắc, khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa;

- Các cụm, khu công nghiệp: theo hướng di dời các xí nghiệp công nghiệp ô nhiễm ra khỏi khu vực nội thành cũ; hạn chế phát triển công nghiệp trong khu vực nội thành phát triển; sắp xếp công nghiệp theo chuyên ngành và thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp sạch, hiện đại, có hàm lượng khoa học cao, giá trị gia tăng lớn, sử dụng ít lao động phổ thông và không gây ô nhiễm môi trường;

- Hệ thống các trung tâm tổng hợp, trung tâm chuyên ngành (văn hoá, đào tạo, nghiên cứu khoa học, y tế, thể dục thể thao, du lịch nghỉ dưỡng…), trung tâm khu đô thị;

- Hệ thống các khu công viên cây xanh, mặt nước, không gian mở, đặc biệt là cảnh quan dọc 2 bờ sông Sài Gòn; các điểm và khu cây xanh trong khu vực nội thành cũ dựa trên nguyên tắc khai thác các trục cảnh quan, sông nước và kênh rạch của Thành phố để thực hiện đồng thời các chức năng giao thông thủy, tiêu thoát nước, điều tiết nước và cảnh quan;

- Các khu vực bảo tồn, đặc biệt bảo vệ khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thuộc địa bàn huyện Củ Chi, Bình Chánh; cấm và hạn chế xây dựng trong các khu vực vành đai bảo vệ an toàn sân bay, các khu an ninh, quốc phòng; hạn chế phát triển đô thị trong các khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp có chức năng kết hợp làm vành đai sinh thái của Thành phố.

e) Xác định hệ thống công trình ngầm, tổ hợp công trình ngầm đa năng, tiến tới lập quy hoạch hệ thống công trình ngầm trong Thành phố và đề xuất các yêu cầu quản lý, sử dụng.

g) Đề xuất định hướng phát triển kiến trúc Thành phố:

Dựa trên quan điểm và mục tiêu phát triển, định hướng phát triển không gian thành phố, nghiên cứu định hướng phát triển kiến trúc - cảnh quan các khu đô thị mới, các khu vực chỉnh trang trong khu đô thị cũ, các khu chức năng quan trọng; đặc biệt chú ý việc xây dựng cải tạo, chỉnh trang khu trung tâm hiện hữu theo hướng hiện đại kết hợp giữ gìn các công trình văn hoá, kiến trúc có giá trị; triển khai nghiên cứu thiết kế đô thị tại các khu đô thị quan trọng, làm cơ sở cho công tác quản lý xây dựng đô thị.

h) Đề xuất định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật:

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị phải được thiết kế và xây dựng hiện đại đáp ứng mục tiêu và quan điểm phát triển Thành phố, đáp ứng nhu cầu sử dụng, đảm bảo mỹ quan, an toàn và vệ sinh môi trường, cụ thể như sau:

- Giao thông:

+ Xác định mạng lưới giao thông đối ngoại, dựa trên nghiên cứu mối quan hệ vùng và giao thông đối nội (đường hàng không, đường sắt, đường bộ, đường thủy), xác định hệ thống cảng cạn;

+ Đề xuất các giải pháp về hệ thống giao thông ngầm (metro), giao thông công cộng, tuyến và phương tiện (ô tô buýt, đường sắt trên cao…);

+ Đề xuất bố trí đất dành cho phát triển giao thông tĩnh (bến xe, bãi đậu xe ngầm và trên mặt đất).

- Chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng:

Xác định cốt khống chế xây dựng từng khu vực, các trục giao thông chính của thành phố; đề xuất các giải pháp về thoát nước mưa (lưu vực và hướng thoát, hệ thống cống) kết hợp các giải pháp tạo hồ điều hoà, nạo vét kênh rạch, tạo không gian mở, cây xanh; các giải pháp về chống ngập úng, sạt lở bờ sông, ảnh hưởng của triều cường.

- Cấp nước:

Xác định nguồn cấp nước, nhu cầu, vị trí, quy mô các công trình đầu mối, mạng lưới đường ống cấp nước và các thông số kỹ thuật chủ yếu; đề xuất các giải pháp bảo vệ nguồn nước mặt và ngầm; nghiên cứu cần dựa trên Quy hoạch xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh.

- Cấp điện:

Xác định nguồn cấp điện, công suất, nhu cầu phụ tải, vị trí, quy mô nhà máy, trạm biến áp, các hành lang tải điện và mạng lưới phân phối chính cùng các thông số kỹ thuật chủ yếu; nghiên cứu cần dựa trên Quy hoạch xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh.

- Xác định nguồn và mạng cung cấp năng lượng ga, nhiên liệu và chất đốt khác.

- Thoát nước thải và vệ sinh môi trường:

+ Xác định vị trí và quy mô các trạm xử lý nước thải, công trình xử lý chất thải rắn; giải pháp và mạng lưới thoát nước chính, hồ điều hoà và các giải pháp bảo vệ môi trường;

+ Xác định vị trí, quy mô các khu nghĩa trang và công nghệ táng.

- Hệ thống hạ tầng bưu chính viễn thông.

i) Đánh giá tác động môi trường và đề xuất giải pháp hạn chế ảnh hưởng tới môi trường.

k) Xác định các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư phù hợp với dự báo nguồn lực; đề xuất cơ chế, chính sách quản lý quy hoạch và kiến trúc đô thị và các giải pháp thực hiện đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025;

l) Dự thảo Quy định quản lý xây dựng theo nội dung đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025.

6. Thành phần hồ sơ: hồ sơ đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ và Thông tư số 15/2005/TT-BXD ngày 19 tháng 8 năm 2005 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng.

7. Tổ chức thực hiện:

a) Cơ quan quản lý dự án quy hoạch: Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh;

b) Cơ quan chủ đầu tư dự án quy hoạch: Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh;

c) Cơ quan lập đồ án quy hoạch: Viện Quy hoạch Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh;

d) Cơ quan thẩm định đồ án: Bộ Xây dựng;

đ) Cấp phê duyệt: Thủ tướng Chính phủ;

e) Thời gian lập đồ án: 18 tháng sau khi nhiệm vụ thiết kế được phê duyệt.

Điều 2. Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành có liên quan tổ chức lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; các Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.