• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 28/08/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 05/12/2023
HĐND TỈNH PHÚ THỌ
Số: 14/2011/NQ-HĐND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Phú Thọ, ngày 18 tháng 8 năm 2011

NGHỊ QUYẾT

Về quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ

giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030

_________________________

 

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ HAI

 

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 99/2008/QĐ-TTg ngày 14 tháng 7 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 35/2009/QĐ-TTg ngày 03 tháng 3 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều chỉnh chiến lược Giao thông Vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Quyết định số 1327/QĐ/TTg ngày 24 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển Giao thông Vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 05/2011/QĐ-TTg ngày 24 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1509/QĐ-BGTVT ngày 08 tháng 7 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về việc phê duyệt chiến lược phát triển giao thông nông thôn Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Sau khi xem xét Tờ trình số 2338/TTr-UBND ngày 22 tháng 7 năm 2011 của UBND tỉnh về quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách, và thảo luận.

 

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành thông qua Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ giao đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

- Ưu tiên đầu tư phát triển giao thông vận tải, phù hợp với quy hoạch giao thông vùng và cả nước; đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế, tạo động lực cho tỉnh Phú Thọ phát triển mạnh mẽ, bền vững trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

- Phát triển hệ thống giao thông vận tải một cách đồng bộ, thống nhất, từng bước hiện đại và bền vững, liên kết hợp lý giữa hệ thống giao thông đối nội và đối ngoại, giữa các tuyến giao thông nội bộ, giữa các vùng lãnh thổ, giữa đô thị và nông thôn tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, đáp ứng tốt yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Tập trung nguồn lực để đưa vào cấp kỹ thuật hướng tới hiện đại hệ thống giao thông hiện có: đẩy mạnh tốc độ xây dựng các tuyến đường trọng yếu theo quy hoạch được duyệt; coi trọng công tác quản lý, bảo trì để tận dụng tối đa năng lực khai thác kết cấu hạ tầng giao thông.

- Từng bước xã hội hoá trong đầu tư, quản lý, khai thác sử dụng giao thông vận tải. Phát huy nội lực, thu hút mọi thành phần kinh tế dưới nhiều hình thức tham gia đầu tư phát triển hạ tầng giao thông; dành quỹ đất hợp lý cho giao thông; đảm bảo hành lang và bảo vệ môi trường; cảnh quan.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng và phát triển hệ thống giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ đồng bộ, hướng tới hiện đại cả về kết cấu hạ tầng, vận tải và công nghiệp giao thông nhằm phát triển hợp lý, thống nhất trong toàn tỉnh, đáp ứng được nhu cầu phát triển của nền kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2011 - 2020

Về vận tải: Đáp ứng được nhu cầu về vận tải với chất lượng tốt, giá cả hợp lý, an toàn, tiện lợi, kiềm chế tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường; cụ thể: Khối lượng vận tải hàng hóa đến 2020 đạt 63,8 triệu tấn, tăng bình quân 11%/năm. Khối lượng vận chuyển hành khách đến 2020 đạt 17,8 triệu lượt hành khách, tăng bình quân 11%/năm.

Về kết cấu hạ tầng giao thông:

- Đường bộ: Hệ thống quốc lộ, đường tỉnh phải đưa vào cấp hạng kỹ thuật, 100% được thảm bê tông nhựa, láng nhựa hoặc bê tông xi măng. Quốc lộ đạt tiêu chuẩn cấp II, III; đường tỉnh tối thiểu đạt cấp IV, một số đoạn tuyến trọng yếu và có lưu lượng xe lớn đạt cấp II.

- Giao thông đô thị: 100% mặt đường nhựa hóa và cứng hóa, phát triển theo hướng hiện đại, đảm bảo đủ quỹ đất dành cho giao thông.

- Giao thông nông thôn: 70% được cứng hóa, trong đó đường huyện 100% được cứng hóa, đạt tối thiểu cấp V và đường xã đạt tối thiểu cấp VI.

- Đường thủy nội địa: Tập trung nạo vét các tuyến chính đảm bảo đạt tối thiểu cấp III.

- Đường sắt: Thực hiện theo quy hoạch quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thỏa thuận với địa phương.

b) Giai đoạn 2021 - 2030

Về vận tải: Thoả mãn nhu cầu của xã hội với chất lượng ngày càng cao, nhanh chóng, êm thuận, an toàn, cụ thể: Khối lượng vận tải hàng hóa đến 2030 đạt 137,0 triệu đồng, tăng bình quân 8%/năm. Khối lượng vận chuyển hành khách đến 2030 đạt 37,7 triệu lượt hành khách, tăng bình quân 8%/năm.

Về kết cấu hạ tầng giao thông:

- Hoàn thiện và cơ bản hiện đại hóa hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh nhất là giao thông đường bộ.

- Xây dựng xong các tuyến đường bộ cao tốc, các cầu lớn, các cảng thủy nội địa chính, tuyến đường sắt khổ 1435 mm.

- Hoàn thành xây dựng hệ thống bến xe, bãi đỗ, điểm dừng nghỉ.

- Nhựa hóa và bê tông hóa 100% đường tỉnh, đường huyện và đường xã, gắn với việc xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại.

III. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG

1. Về đường bộ

a) Đường cao tốc, quốc  lộ (kèm theo phụ biểu số 1):

- Hoàn thành xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và đường Hồ Chí Minh.

- Các tuyến quốc lộ qua địa bàn được nâng cấp tối thiểu đạt cấp III, trong đó một số đoạn qua khu vực đô thị đạt cấp II; cần nghiên cứu phương án xây dựng tuyến tránh qua các khu đô thị, đông dân cư.

b) Hệ thống đường tỉnh: Tiếp tục được nâng lên tối thiểu cấp IV và từng bước hiện đại (kèm theo phụ biểu số 2).

c) Các cầu lớn: Tổng số 15 chiếc, được đầu tư phân kỳ theo danh mục (kèm theo phụ biểu số 3).

d) Giao thông nông thôn:

- Giai đoạn 2011 - 2020: Cứng hóa 70% đường giao thông nông thôn, trong đó: 100% đường huyện và đường trục xã; 50% đường trục thôn, xóm; các đường còn lại đảm bảo đi lại thuận lại, đường huyện đảm bảo tối thiểu cấp V, đường xã tối thiểu đạt cấp VI.

- Giai đoạn 2021 - 2030: Cứng hóa 100% đường giao thông nông thôn, gắn với việc xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại.

đ) Giao thông đô thị:

Phát triển mạng lưới giao thông phải phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị, đảm bảo quỹ đất cho giao thông đạt từ 20 -25% đất xây dựng đô thị. Những trục phố chính đạt quy mô 4 - 6 làn xe trở lên; những tuyến nhánh có quy mô ít nhất 2 làn xe, hệ thống công trình phụ trợ đảm bảo hiện đại, mỹ quan. Dành quỹ đất hợp lý để xây dựng bãi đổ xe (giao thông tĩnh) trên mỗi khu phố.

e) Các bến, bãi đỗ xe: Được nâng cấp và quy hoạch mới theo hướng hiện đại, hợp lý; với tổng số: 22 bến xe khách, 02 bến xe hàng. Mỗi huyện, thành, thị có ít nhất 01 bến xe đạt tối thiểu loại 4; ưu tiên xây dựng các bến xe khách và xe hàng có quy mô lớn tại thành phố Việt Trì và thị xã Phú Thọ (đạt loại 1-:-2).

2. Về đường sắt

Thực hiện theo quy hoạch quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thỏa thuận với địa phương. Xây dựng mới đường sắt khổ 1435 mm song song với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Đối với tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai hiện tại di chuyển ra khỏi khu vực trung tâm thành phố Việt Trì (dự kiến về phía tây và xây dựng mới ga Việt Trì, Thụy Vân).

3. Về đường thủy nội địa

- Đối với các luồng tuyến: Nâng cấp, nạo luồng lạch các tuyến vận tải chính để đưa vào đúng cấp kỹ thuật cần thiết:

Tuyến Hà Nội - Việt Trì đạt cấp II, độ sâu > 2,0m

Tuyến Việt Trì - Yên Bái đạt cấp III > 1,5m

Tuyến Ngã ba Hồng Đà - cảng Hòa Bình đạt cấp III, sâu > 1,5m

Các tuyến do địa phương quản lý được nạo vét, khơi thông và hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng, tín hiệu.

- Đối với các cảng sông: Đầu tư xây dựng mới và nâng cấp hệ thống cảng sông hiện có, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, tổng số 09 cảng bao gồm: Cảng Việt Trì, thị xã Phú Thọ, An Đạo, Yến Mao, Dữu Lâu, Sóc Đăng, Trung Hà, Cổ Tiết và cảng nhà máy nhiệt điện Phù Ninh.

IV. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VẬN TẢI

1. Đối với tuyến vận tải

- Nâng  cao chất lượng đối với các tuyến hiện có. Phát triển một số tuyến liên vận quốc tế, đặc biệt với Trung Quốc và Lào.

- Phát triển nhanh các tuyến vận tải hành khách nội tỉnh, các tuyến liên tỉnh có cự ly ngắn, phát triển mạnh loại hình vận tải hành khách liên tỉnh chất lượng cao, ưu tiên phát triển mạng lưới xe buýt, các loại hình vận tải taxi trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại thành phố Việt Trì và thị xã Phú Thọ.

2. Đối với phương tiện vận tải

- Về hàng hóa   : Đến năm 2020 có gần 21.000 phương tiện, tăng bình quân 7,2%/năm trong giai đoạn 2011 - 2020. Năm 2030 có trên 30.800 phương tiện, tăng bình quân 4%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030.

- Về hành khách: Đến năm 2020 có gần 17.500 phương tiện tăng bình quân 9,8%/năm giai đoạn 2011 - 2020. Năm 2030 có gần 37.200 phương tiện, tăng bình quân 7,8%/năm giai đoạn 2021 - 2030.

- Về vận tải thủy nội địa: Đến năm 2020 có gần 640 phương tiện; năm 2030: Có trên 940 phương tiện.

V. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP GIAO THÔNG VẬN TẢI

- Đầu tư xây dựng các nhà máy đóng mới, lắp ráp ô tô, xe máy trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ các thành phần kinh tế tư nhân, tập thể và các doanh nghiệp nhằm phát triển lĩnh vực sửa chữa, đóng mới, lắp ráp phương tiện đơn giản như xe máy, xe vận tải nhỏ...

- Tiếp tục phát triển mạnh công nghệ đóng mới và sửa chữa các loại tàu có tải trọng từ 200 - 1000 tấn phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên địa bàn.

- Đối với trung tâm đăng kiểm:

Giai đoạn 2011 - 2020: Nâng cấp, hiện đại hóa trung tâm đăng kiểm hiện có: xây mới một trung tâm đặt tại thị xã Phú Thọ với 2 dây chuyền công suất đến 24.000 xe/năm.

Giai đoạn 2021 - 2030: Duy trì phát triển các trung tâm đăng kiểm hiện có, xây mới một trung tâm đăng kiểm tại Tam Nông với 1 dây chuyển công suất đến 12.000 xe/năm.

- Đối với các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe:

Giai đoạn 2011 - 2020: Đầu tư mới và phát triển các cơ sở hiện có, với tổng số 18 cơ sở thuộc thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, Phù Ninh, Tam Nông, Cẩm Khê, Thanh Thủy và Đoan Hùng, trong đó xây dựng mới thêm 2 cơ sở đào tạo xe ô tô, mô tô kết hợp làm trung tâm sát hạch lái xe loại 3 tại huyện Thanh Thủy và Cẩm Khê.

Giai đoạn 2021 - 2030: Ưu tiên việc mở rộng, phát triển ngành nghề đào tạo, lái xe cho các trung tâm sẵn có.

VI. NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ CHO GIAO THÔNG

Tổng nhu cầu vốn dự kiến: 93.449 tỷ đồng, trong đó phân kỳ đầu tư như sau:

- Giai đoạn 2011 - 2015 : 30.655 tỷ đồng

- Giai đoạn 2016 - 2020 : 21.276 tỷ đồng

- Giai đoạn 2020 - 2030 : 41.518 tỷ đồng

VII. MỘT SỐ GIẢI PHÁP, CHÍNH SÁCH CHỦ YẾU ĐỂ THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Giải pháp, chính sách quản lý quy hoạch

Sau khi quy hoạch được duyệt, các cấp chính quyền phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc phổ biến, công khai và tuyên truyền thực hiện quy hoạch.

Xây dựng kế hoạch cụ thể đầu tư phát triển các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh. Căn cứ vào quy hoạch này, các huyện, thành, thị xây dựng quy hoạch phát triển giao thông trên địa bàn mình quản lý cho phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh.

Việc đầu tư cải tạo nâng cấp, xây dựng mới các tuyến giao thông và các công trình phục vụ vận tải trên địa bàn tỉnh phải phù hợp với quy hoạch được duyệt và theo đúng các quy định về quản lý đầu tư xây dựng hiện hành.

Các cấp chính quyền có kế hoạch giành quỹ đất để mở rộng, nâng cấp các công trình giao thông nhằm giảm thiểu chi phí đền bù và các vấn đề có liên quan đến giải phóng mặt bằng khi tiến hành xây dựng sau này.

2. Giải pháp, chính sách về vốn

Phát huy tốt nội lực, đồng thời sử dụng hiệu quả các nguồn ngân sách địa phương và hỗ trợ từ Trung ương cho giao thông, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư từ nhiều nguồn vốn hợp pháp dưới nhiều hình thức khác nhau như: Đầu tư liên doanh, liên kết, BOT, BTO, BT, hợp tác nhà nước và tư nhân (PPP)...

Đẩy mạnh huy động vốn từ việc khai thác quỹ đất dọc các công trình giao thông, đặc biệt là đối với các tuyến đường quy hoạch xây dựng mới.

Thực hiện xã hội hóa trong huy động các nguồn lực đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết của tỉnh ủy về phát triển giao thông nông thôn đến năm 2015 nâng mức hỗ trợ của tỉnh cho đầu tư xây dựng và cứng hóa đường giao thông nông thôn.

Bố trí nguồn kinh phí cho công tác giải phóng hành lang an toàn giao thông, tạo quỹ đất để bảo vệ tốt kết cấu hạ tầng giao thông.

Có chính sách phù hợp nhằm thu hút các hoạt động kinh doanh vận tải như: Ưu đãi về vốn đầu tư phương tiện, thuế, cơ sở hạ tầng...

3. Giải pháp, chính sách đảm bảo trật tự, an toàn giao thông

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như đầu tư phát triển và hoàn thiện, nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông đường bô, tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực vận tải và phương tiện người lái, chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.

Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/06/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông. Từng bước khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý nhà nước về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, chỉ đạo phối hợp giữa các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể và các lực lượng khác trong xã hội nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiên quyết xử lý những vi phạm về trật tự an toàn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

4. Giải pháp, chính sách về khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường

Khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến (đặc biệt là công nghệ thông tin) và công tác quản lý và tổ chức thực hiện dự án, từng bước hiện đại hóa các phương tiện vận tải. Tổ chức quản lý tốt công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động môi trường trong các hoạt động về đầu tư xây dựng và khai thác vận tải.

5. Giải pháp, chính sách phát triển nguồn nhân lực

Trong thời gian tới cần tập trung đào tạo nhân lực, thu hút nhân tài, đặc biệt là đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ và công nhân lành nghề một cách đồng bộ kể cả trong khâu thiết kế, quản lý giám sát dự án, thi công và quản lý về giao thông vận tải, có những chính sách thích hợp nhằm tạo điều kiện tiếp cận với những công nghệ mới trong xây dựng cầu đường, công tác quản lý vận tải, phương tiện, người lái...

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:

- Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết;

- Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, kỳ họp thứ hai thông qua ngày 11 tháng 8 năm 2011.

 

                                                                             

 

 

 

 

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Doãn Khánh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.