Sign In

QUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Ban hành quy định về bảo vệ phát triển nguồn lợi thuỷ sản

________________________

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân của UBND các cấp do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước công bố ngày 11/7/1989;

- Căn cứ Pháp lệnh bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản do Hội đồng Nhà nước ban hành ngày 25/4/1989;

- Xét tình hình thực tế của địa phương và theo đề nghị của đồng chí Giám đốc Sở Thuỷ sản,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành bản quy định về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký, các văn bản trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.

Điều 2: Giám đốc Sở Thuỷ sản chịu trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và báo cáo tình hình triển khai thi hành bản quy định này trước UBND tỉnh.

Điều 3: Các đồng chí Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

TM/ UBND TỈNH QUẢNG BÌNH

CHỦ TỊCH

(Đã ký)

 

Trần Sự

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN  NGUỒN LỢI THUỶ SẢN

(Ban hành kèm theo Quyết định số 11/QĐ-UB ngày 06/01/1990 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình)

________________________

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Nguồn lợi thuỷ sản là tài nguyên sinh vật vô cùng quý giá, có khả năng tái tạo, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và đời sống của Nhân dân. Mọi người đều phải có trách nhiệm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

Điều 2: Việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản phải gắn liền với việc bảo vệ môi trường sống, trên cơ sở bảo đảm nhịp độ phát triển thuỷ sản, đảm bảo đời sống trước mắt và lâu dài của ngư dân và hiệu quả kinh tế chung của toàn xã hội

Điều 3: Nhà nước thống nhất quản lý việc bảo vệ và phát triển các nguồn lợi về thuỷ sản, đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân sử dụng vùng nước nuôi trồng, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

Điều 4: Nghiêm cấm mọi hành vi gây tác hại đến nguồn lợi, môi trường sống của các loài thuỷ sản, đến việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

Chương II

QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THUỶ SẢN

Điều 5: UBND các huyện, thị trong phạm vi địa phương mình thống nhất quản lý việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản bằng các chính sách, theo quy định và kế hoạch, sử dụng tổng hợp các biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật...Để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, đặc biệt đối với các loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao, quý hiếm.

Điều 6: Sở Thuỷ sản chịu trách nhiệm tổ chức việc nghiên cứu, điều tra, thăm dò nguồn lợi thuỷ sản trong phạm vi của tỉnh, phối hợp sử dụng hợp lý lực lượng với các ngành, các cấp quản lý, bảo vệ và phát triển cũng như khai thác các nguồn lợi thuỷ sản. Kinh phí bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản được thực hiện theo Thông tư hướng dẫn của Liên bộ Bộ Thuỷ sản - Bộ Tài Chính.

Điều 7: Kinh phí bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản được sử dụng vào mục đích:

1. Xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

2. Tái tạo nguồn lợi thuỷ sản.

3. Tuyên truyền, giáo dục việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

4. Khen thưởng những người có thành tích và trợ cấp cho những người bị thiệt hại trong khi tham gia bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

5. Chi phí cho cơ quan quản lý và lực lượng kiểm tra, kiểm soát việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

Điều 8: Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, sau khi được phê chuẩn của UBND tỉnh, Sở Thuỷ sản thành lập tổ chức bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản bảo đảm gọn nhẹ, có hiệu quả.

Điều 9: Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân dùng bất cứ hình thức gì làm phá vỡ cân bằng sinh thái ở các vùng nước, gây tác hại đến nguồn lợi thuỷ sản.

Trường hợp thật cần thiết phải tiến hành thì phải được sự đồng ý cho phép của Chủ tịch UBND tỉnh.

Điều 10: Cấm đánh bắt, tổ chức tiêu thụ các loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao, quý hiếm hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng trong danh mục các đối tượng được bảo vệ và được Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản quy định.

Điều 11: Động viên khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài nhận khoán, thuê, đấu thầu, góp vốn vật tư vào nghiên cứu bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản bằng các hợp đồng kinh tế.

Điều 12: Tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thuỷ sản được hưởng lợi ích vật chất do công sức của mình làm ra, được chuyển nhượng, bán thành quả lao động, giá trị công sức của mình và có trách nhiệm bảo vệ, phát triển nguồn lợi thuỷ sản, nộp thuế và làm tròn các nghĩa vụ khác theo quy định chung của Nhà nước.

Điều 13: Các phương tiện đánh bắt thuỷ sản ngoại tỉnh đến đánh bắt trên ngư trường phạm vi tỉnh Quảng Bình phải được sự đồng ý của UBND tỉnh Quảng Bình. Trong quá trình đánh bắt thuỷ sản phải tuyệt đối tuân thủ, mọi quy định luật pháp của Nhà nước và quy định của UBND tỉnh Quảng Bình về việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, phải nộp thuế và các khoản lệ phí khác. Khai thác phải đúng vùng, đúng ngày, giờ ghi trong giấy phép.

Điều 14:Sở Thuỷ sản có trách nhiệm quy định phát triển nguồn lợi thuỷ sản, tổ chức đăng ký và cấp giấy phép hành nghề cho các tổ chức và ngư dân làm công tác đánh bắt, nuôi trồng, thu mua và chế biến hải sản.

Điều 15: Sở Thuỷ sản cùng các ngành, các cấp có liên quan thực hiện việc thanh tra, kiểm tra kiểm soát bảo vệ các vùng nước trọng điểm, các khu vực khai thác đặc biệt đối với các loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao, quý hiếm hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Điều 16: Các ngành, các cấp có liên quan có trách nhiệm cùng Sở Thuỷ sản xây dựng phương án kế hoạch, tổ chức thực hiện việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản của địa phương.

Chương III

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ CÁC VI PHẠM

Điều 17: Người nào có thành tích trong việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản hoặc có thành tích trong việc ngăn ngừa các hành vi vi phạm gây thiệt hại đến môi trường sống và nguồn lợi thuỷ sản thì tuỳ theo mức độ sẽ được khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước, được hưởng từ 5% đến 10% giá trị do kết quả việc ngăn chặn đem lại hoặc tiền phạt được trích từ nguồn phạt của bên vi phạm.

Nhà nước bảo hộ và có chính sách bảo hiểm đối với người tham gia bảo vệ  nguồn lợi thuỷ sản bị tổn thất về người và của.

Điều 18: Tổ chức hay cá nhân nào vi phạm việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản thì tuỳ theo mức độ sẽ bị phạt cảnh cáo phạt tiền từ 1-5 lần số tiền thu được bất hợp pháp hoặc giá trị thuỷ sản đánh bắt trái phép hoặc giá trị thiệt hại thực tế gây ra do hành vi vi phạm của mình.

Ngoài ra còn bị tịch thu toàn bộ sản phẩm thuỷ sản đánh bắt trái phép và phương tiện công cụ dùng vi phạm nguồn lợi thuỷ sản.

Điều 19: Người nào có hành vi vi phạm pháp lệnh bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, đến nguồn lợi thuỷ sản hoặc đã bị xử phạt hành chính mà còn tái phạm gây thiệt hại lớn đến nguồn thuỷ sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại điều 179, 195, 220, 95, 96 của Bộ luật hình sự.

Điều 20: Người nào vì thiếu tinh thần trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ quyền hạn làm trái với công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước của tập thể và cá nhân trong việc khai thác, nuôi trồng, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản thì tuỳ theo mức độ nặng nhẹ mà sẽ bị xử phạt bằng các biện pháp hành chính hoặc bị truy tố trước pháp luật.

Điều 21: Mọi tranh chấp về việc khai thác, thăm dò... không liên quan đến hợp đồng sẽ do Toà án nhân dân giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự. Mọi tranh chấp liên quan đến hợp đồng sẽ giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự hoặc trọng tài kinh tế.

Điều 22: Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố các về những hành vi của cá nhân, tổ chức vi phạm đến việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, vi phạm đến quyền lợi chính đáng của những người được quy định tại điều 11, điều 12 của bản quy định này đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại cơ quan có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm giải quyết.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 23: Sở Thuỷ sản, UBND các huyện, thị và các ngành có liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành quyết định này theo chức năng quyền hạn của mình.

Điều 24: Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký quyết định ban hành. Những quy định trước đây về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản trái với quy định này đều bị bãi bỏ./