Sign In

THÔNG TƯ

Quy định chi tiết thi hành Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20

tháng 11 năm 2013 của Chính phủ đối với việc cấp giấy phép nhập khẩu

thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện

___________________

 

Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật Tần số vô tuyến điện ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông;

Căn cứ Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;

Căn cứ Nghị định số 132/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Căn cứ Quyết định số 41/2005/QĐ-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế cấp phép nhập khẩu hàng hóa;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Viễn thông,

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư Quy định chi tiết thi hành Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ đối với việc cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định điều kiện, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại giấy phép nhập khẩu, các trường hợp được miễn giấy phép nhập khẩu, danh mục mặt hàng cụ thể theo mã số HS đối với thiết bị viba; thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện có băng tần số nằm trong khoảng từ 9 KHz đến 400 GHz và công suất từ 60 mW trở lên (sau đây gọi chung là thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện) thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông.

2. Thông tư này áp dụng với các tổ chức, cá nhân nhập khẩu (sau đây gọi là người nhập khẩu) thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện được quy định tại Điều 2 của Thông tư này.

3. Thiết bị phát, thu - phát sóng vô tuyến điện là tài sản di chuyển, hàng hóa phục vụ nhu cầu cá nhân có thân phận ngoại giao và hành lý cá nhân theo quy định của pháp luật, thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

4. Việc tạm nhập, tái xuất thiết bị phát, thu - phát sóng vô tuyến điện thực hiện theo quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 và hướng dẫn của Bộ Công Thương.

Điều 2. Thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện phải có giấy phép nhập khẩu

1. Danh mục thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện phải có giấy phép nhập khẩu được quy định tại Phụ lục I của Thông tư này và chỉ áp dụng đối với thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện mà cả mã số HS và mô tả hàng hóa trùng với mã số HS và mô tả hàng hóa thuộc danh mục.

2. Thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện phải có giấy phép nhập khẩu là thiết bị hoàn chỉnh có đặc tính kỹ thuật, mô tả hàng hóa theo đúng chỉ tiêu kỹ thuật, cấu trúc thiết kế, có thể hoạt động độc lập; không áp dụng đối với các linh kiện hoặc phụ kiện của các thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện này và không bao gồm thiết bị chỉ thu sóng vô tuyến điện.

Điều 3. Các trường hợp được miễn giấy phép nhập khẩu

Thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện quy định tại Phụ lục I của Thông tư này được miễn giấy phép nhập khẩu trong các trường hợp sau:

1. Các thiết bị phát, thu - phát sóng vô tuyến điện của: Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam; đoàn đại biểu cấp cao nước ngoài đến thăm Việt Nam được hưởng quy chế ưu đãi, miễn trừ ngoại giao; các phóng viên nước ngoài vào hoạt động báo chí không thường trú ở Việt Nam (có giấy phép hoạt động báo chí của Bộ Ngoại giao).

Thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện quy định tại Khoản này được miễn giấy phép nhập khẩu nhưng khi sử dụng phải được Cục Tần số vô tuyến điện cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định hiện hành.

2. Điện thoại di động mặt đất (không miễn giấy phép nhập khẩu đối với điện thoại di động vệ tinh) ký gửi cùng chuyến hoặc không cùng chuyến của người nhập cảnh hoặc được nhập khẩu theo đường bưu chính, dịch vụ chuyển phát quốc tế để phục vụ cho mục đích cá nhân; điện thoại di động mặt đất tạm xuất, tái nhập để phục vụ mục đích bảo hành, sửa chữa, thay thế với điều kiện còn trong thời hạn bảo hành theo hợp đồng nhập khẩu.

Điều 4. Hiệu lực của giấy phép nhập khẩu

Giấy phép nhập khẩu được sử dụng để nhập khẩu lô hàng xác định trên giấy phép, có hiệu lực cho đến lúc lô hàng đó được thông quan hoàn toàn, không vượt quá số lượng ghi trong giấy phép nhập khẩu và trong thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận hợp quy hoặc Hợp đồng thương mại.

Điều 5. Lệ phí cấp, cấp lại giấy phép nhập khẩu

Người nhập khẩu có nghĩa vụ nộp lệ phí cấp hoặc cấp lại giấy phép nhập khẩu theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chương II

THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP NHẬP KHẨU ĐỐI VỚI THIẾT BỊ PHÁT, THU-PHÁT SÓNG VÔ TUYẾN ĐIỆN

Điều 6. Điều kiện nhập khẩu

Các thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện nhập khẩu cần đáp ứng các điều kiện sau:

1. Phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành hoặc công bố bắt buộc áp dụng; phù hợp với vị trí lắp đặt thiết bị và các quy định về quản lý viễn thông.

2. Phù hợp với các Quy hoạch tần số vô tuyến điện, các quy định về sử dụng tần số vô tuyến điện và mục đích nhập khẩu.

Những thiết bị không đáp ứng các điều kiện trên hoặc nhập khẩu phục vụ cho các mục đích đặc biệt thì thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với từng trường hợp cụ thể.

Điều 7. Cơ quan cấp giấy phép nhập khẩu

Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện.

Điều 8. Thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu

1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu được lập thành một (01) bộ, bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu theo Mẫu 01 Phụ lục II kèm theo Thông tư này;

b) Giấy tờ chứng minh tư cách pháp nhân (giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hoặc Quyết định/giấy phép thành lập, hoặc giấy chứng nhận đầu tư/giấy phép đầu tư), chứng minh nhân dân/hộ chiếu: bản sao có chứng thực, trường hợp nộp bản sao không có chứng thực thì khi nộp phải mang theo bản chính để đối chiếu;

c) Giấy chứng nhận hợp quy: bản sao có xác nhận của người nhập khẩu;

d) Tài liệu kỹ thuật của thiết bị: bản sao có xác nhận của người nhập khẩu;

e) Hóa đơn thương mại thể hiện tên, ký hiệu, số lượng thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện nhập khẩu: bản sao có chứng thực, trường hợp nộp bản sao không có chứng thực thì khi nộp phải mang theo bản chính để đối chiếu;

f) Hợp đồng thương mại hoặc chứng từ, vận đơn trong đó phải thể hiện tên, ký hiệu, số lượng thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện nhập khẩu: bản sao có chứng thực, trường hợp nộp bản sao không có chứng thực thì khi nộp phải mang theo bản chính để đối chiếu.

2. Địa chỉ tiếp nhận hồ sơ:

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu gửi qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Cục Viễn thông. Địa chỉ, số điện thoại, số Fax của Cục Viễn thông được đăng trên trang thông tin điện tử: www.vnta.gov.vn.

Kết quả xử lý hồ sơ cấp giấy phép nhập khẩu được trả ở nơi tiếp nhận hồ sơ hoặc qua đường bưu chính.

3. Trình tự và thời hạn cấp giấy phép nhập khẩu:

a) Trình tự cấp giấy phép nhập khẩu:

Ngay khi tiếp nhận hồ sơ tại Cục Viễn thông hoặc trong vòng ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày Cục Viễn thông nhận được hồ sơ qua đường bưu chính, Cục Viễn thông kiểm tra hồ sơ đề nghị cấp giấy phép của người nhập khẩu, thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ (đối với trường hợp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép chưa đúng quy định tại Khoản 1 Điều này). Trong vòng năm (05) ngày làm việc kể từ ngày Cục Viễn thông gửi thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ nếu người nhập khẩu không thực hiện yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì Cục Viễn thông ra thông báo từ chối cấp giấy phép.

b) Thời hạn cấp giấy phép nhập khẩu:

Trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc kể từ khi Cục Viễn thông nhận được hồ sơ đúng quy định, Cục Viễn thông xem xét và cấp giấy phép nhập khẩu theo Mẫu giấy phép nhập khẩu tại Phụ lục III kèm theo Thông tư này. Trường hợp từ chối cấp giấy phép nhập khẩu, Cục Viễn thông thông báo bằng văn bản cho người nhập khẩu, trong đó nêu rõ lý do từ chối.

Điều 9. Cấp lại giấy phép nhập khẩu

1. Người nhập khẩu đề nghị cấp lại giấy phép nhập khẩu trong các trường hợp sau:

a) Giấy phép nhập khẩu bị mất, hỏng nhưng vẫn còn thời hạn hiệu lực và lô hàng được cấp giấy phép nhập khẩu chưa được thông quan hoàn toàn;

b) Hết thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận hợp quy;

c) Có thay đổi về Giấy chứng nhận hợp quy;

d) Có thay đổi nội dung về số lượng thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện nhập khẩu; mục đích nhập khẩu; bên bán hàng hóa cho người nhập khẩu tại giấy phép nhập khẩu.

2. Thủ tục cấp lại giấy phép nhập khẩu:

a) Hồ sơ cấp lại giấy phép nhập khẩu được lập thành một (01) bộ, bao gồm:

- Đơn đề nghị cấp lại giấy phép nhập khẩu theo Mẫu 02 Phụ lục II kèm theo Thông tư này;

- Bản sao tài liệu liên quan đến thay đổi nội dung ghi trên giấy phép nhập khẩu.

b) Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép nhập khẩu gửi qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Cục Viễn thông. Địa chỉ, số điện thoại, số Fax của Cục Viễn thông được đăng trên trang thông tin điện tử: www.vnta.gov.vn.

Kết quả xử lý hồ sơ cấp lại giấy phép nhập khẩu được trả ở nơi tiếp nhận hồ sơ hoặc qua đường bưu chính.

c) Thời hạn cấp lại giấy phép nhập khẩu: Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày Cục Viễn thông nhận được hồ sơ cấp lại giấy phép nhập khẩu đúng quy định, Cục Viễn thông xem xét và cấp lại giấy phép nhập khẩu theo Mẫu giấy phép nhập khẩu tại Phụ lục III kèm theo Thông tư này.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 01 năm 2015.

2. Các giấy phép nhập khẩu thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện đã được cấp theo Thông tư số 14/2011/TT-BTTTT ngày 07 tháng 6 năm 2011 vẫn được sử dụng cho đến hết thời hạn hiệu lực được ghi trên giấy phép.

3. Thông tư này thay thế cho các Khoản 2 và Khoản 3 Điều 2 Chương I; Khoản 1, 3 và Khoản 4 Điều 3 Chương I; Khoản 2 Điều 4 Chương I; Mục 2 Chương II; Phụ lục II; Mẫu 04, 05 và Mẫu 06 Phụ lục III của Thông tư số 14/2011/TT-BTTTT ngày 07 tháng 6 năm 2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông Hướng dẫn thi hành Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ đối với hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông.

4. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Viễn thông, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

5. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn, vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Thông tin và Truyền thông để kịp thời giải quyết./.

 

Bộ Thông tin và Truyền thông

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Bắc Son