• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 02/08/2021
HĐND TỈNH QUẢNG NAM
Số: 23/2021/NQ-HĐND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Nam, ngày 22 tháng 7 năm 2021

NGHỊ QUYẾT

Quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư

miền núi Quảng Nam, giai đoạn 2021-2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

KHOÁ X, KỲ HỌP THỨ HAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Xét Tờ trình số 4311/TTr-UBND ngày 14 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đề nghị thông qua Đề án và ban hành Nghị quyết Quy định cơ chế hỗ trợ sắp xếp dân cư vùng miền núi Quảng Nam giai đoạn 2021-2025; Báo cáo thẩm tra số 99/BC-HĐND ngày 21 tháng 7 năm 2021 của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư trên địa bàn 9 huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025, gồm các huyện: Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Hộ gia đình cần phải di dời, bố trí dân cư để ổn định lâu dài (gọi tắt là hộ di dời chỗ ở), bao gồm:

a) Hộ gia đình vùng thiên tai cần phải di dời (gồm: Hộ gia đình mất nhà ở, đất ở do sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, sụt lún đất; hộ gia đình sống ở vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, ngập lũ nguy hiểm).

b) Hộ gia đình sống trong các khu vực bảo vệ của rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

c) Hộ gia đình ở vùng đặc biệt khó khăn (gồm: Hộ gia đình sống phân tán; hộ gia đình sống ở các khu vực xa xôi, hẻo lánh không có điều kiện để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, không đảm bảo điều kiện phát triển sản xuất, ổn định đời sống).

2. Hộ gia đình di dời nhà ở tại chỗ để chia sẻ đất ở cho hộ gia đình thuộc khoản 1 Điều này (gọi tắt là hộ chỉnh trang tại chỗ).

Điều 3. Mục tiêu sắp xếp, ổn định dân cư

1. Mục tiêu chung:

Tập trung ưu tiên bố trí, sắp xếp dân cư, ổn định sản xuất gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới và các quy hoạch khác nhằm phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra; ổn định chỗ ở, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, cải thiện sinh kế, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội khu vực miền núi.

Đến hết năm 2025, cơ bản hoàn thành sắp xếp, ổn định dân cư trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể:

Giai đoạn 2021 – 2025 thực hiện sắp xếp, ổn định dân cư cho 7.821 hộ, bao gồm: 2.358 hộ dân vùng thiên tai và cư trú trong khu vực bảo vệ của rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; 5.463 hộ dân vùng đặc biệt khó khăn. Trong đó:

a) Giai đoạn 2021 – 2022: Thực hiện hỗ trợ cho 2.358 hộ, gồm: 2.333 hộ dân vùng thiên tai và 25 hộ dân cư trú trong khu vực bảo vệ của rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

b) Giai đoạn 2023 – 2025: Thực hiện hỗ trợ cho 5.463 hộ dân vùng đặc biệt khó khăn.

Điều 4. Nguyên tắc thực hiện, điều kiện hỗ trợ và các trường hợp không được hỗ trợ

1. Nguyên tắc thực hiện:

a) Sắp xếp, bố trí dân cư phải gắn với đất sản xuất, phù hợp quy hoạch xây dựng nông thôn mới và các quy hoạch khác trên địa bàn. Ưu tiên bố trí ổn
định dân cư để khắc phục, phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, trong đó các hộ mất nhà ở, chỗ ở và các hộ có nguy cơ cao hơn được ưu tiên thực hiện trước.

b) Sắp xếp, ổn định dân cư phải trên cơ sở nguyện vọng và sự đồng thuận của người dân, cộng đồng dân cư, phù hợp với phong tục, tập quán sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo điều kiện kết cấu hạ tầng thiết yếu, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái.

c) Phạm vi sắp xếp, bố trí dân cư chủ yếu trên địa bàn cấp xã. Bố trí dân cư theo hình thức xen ghép là chủ yếu.

d) Đối với nội dung hỗ trợ trực tiếp hộ gia đình: Người dân là chủ thể thực hiện, nhà nước hỗ trợ theo định mức; căn cứ tình hình thực tế và theo sự thống nhất của người dân, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện đối với các hạng mục san lấp nền nhà, làm đường dân sinh cho nhóm hộ (từ hai hộ trở lên).

đ) Mỗi hộ gia đình chỉ được hỗ trợ 01 lần.

e) Trong cùng một thời điểm nếu có nhiều chính sách hỗ trợ từ nhà nước với cùng nội dung và đối tượng hỗ trợ thì chỉ được hưởng mức hỗ trợ cao nhất.

2. Điều kiện hỗ trợ: Hộ gia đình có nhà ở riêng phải di chuyển nhà đến nơi ở mới theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Các trường hợp không được hỗ trợ:

a) Hộ gia đình có từ hai nhà ở trở lên cùng địa bàn cấp xã, trong đó có ít nhất một nhà không nằm tại khu vực cần phải di dời.

b) Hộ gia đình sống ở moong, chòi, chái tạm, mái che chung với bố mẹ hay hộ khác.

Điều 5. Nội dung, phương thức và định mức hỗ trợ

1. Ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình thuộc đối tượng quy định tại khoản 1, Điều 2 Nghị quyết này với các nội dung và mức hỗ trợ như sau:

a) Bố trí đất ở theo quy hoạch khu dân cư mới, khu xen cư có diện tích tối thiểu 150m2/hộ;

b) Di chuyển nhà: 20 triệu đồng/hộ;

c) San lấp nền nhà: 30 triệu đồng/nền nhà/hộ;

d) Nước sinh hoạt: 1,5 triệu đồng/hộ;

e) Đường dây điện đấu nối đến từng hộ (phần sau công tơ), chiều dài tối đa 100m/hộ: không quá 3,5 triệu đồng/hộ;

f) Làm đường dân sinh bêtông ximăng, chiều dài tối đa 100m/hộ: Không quá 10 triệu đồng/hộ;

g) Khai hoang tạo quỹ đất hoặc chuyển nhượng đất sản xuất cho các hộ chưa có đất sản xuất hoặc chưa có đủ đất sản xuất theo định mức: Tối đa 15 triệu đồng/hộ;

h) Vật liệu làm nhà tại nơi ở mới: 40 triệu đồng/hộ;

i) Công trình vệ sinh (nhà vệ sinh): 5 triệu đồng/hộ.

2. Ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình thuộc đối tượng quy định tại khoản 2, Điều 2 Nghị quyết này với các nội dung và mức hỗ trợ theo quy định tại điểm b, điểm h và điểm i, khoản 1 Điều này.

3. Ngoài định mức hỗ trợ quy định tại Điều này, căn cứ tình hình thực tế, chính quyền địa phương cấp huyện có thể hỗ trợ tăng thêm cho các hộ gia đình từ việc huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.

Điều 6. Kinh phí và nguồn vốn thực hiện

1. Tổng kinh phí thực hiện: Dự kiến khoảng 968.222 triệu đồng. Trong đó:

a) Kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho hộ sắp xếp, ổn định dân cư khoảng 964.845 triệu đồng.

b) Kinh phí quản lý, triển khai thực hiện chính sách: Tối đa bằng 0,35% tổng kinh phí giao cho địa phương (khoảng 3.377 triệu đồng). Trong đó, cấp huyện tối đa bằng 0,05%; cấp xã tối đa bằng 0,3%.

(Chi tiết kèm theo Phụ lục)

2. Nguồn vốn thực hiện:

a) Ngân sách tỉnh và vốn lồng ghép từ các chương trình, chính sách của Trung ương; nguồn vốn hợp pháp khác: Hỗ trợ trực tiếp cho hộ sắp xếp, ổn định dân cư.

b) Ngân sách cấp huyện: Chi cho công tác quản lý, triển khai thực hiện chính sách.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này; quy định cụ thể về hạn mức đất ở tối thiểu cần chia sẻ của hộ chỉnh trang tại chỗ cho hộ mới chuyển đến để được hưởng chính sách theo quy định tại khoản 2, Điều 5 Nghị quyết này.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

3. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 8 năm 2021.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam khóa X, kỳ họp thứ hai thông qua ngày 22 tháng 7 năm 2021./.

 

 

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Phan Việt Cường

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.