• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 21/02/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2012
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
Số: 1333/QĐ-BHXH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Trung Ương, ngày 21 tháng 2 năm 2008

QUYẾT ĐỊNH

Sửa đổi, bổ sung một số điểm tại Quyết định số 902/QĐ-BHXH ngày 26/6/2007

của Tổng giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Quy định

về quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm Y tế bắt buộc

_______________________

 

TỔNG GIÁM ĐỐC

Căn cứ Luật bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006.

Căn cứ Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc; Nghị định số 68/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ qui định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân;;

Căn cứ Nghị định số 63/2005/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ ban hành Điều lệ Bảo hiểm y tế;

Căn cứ Nghị định số 100/2002/NĐ-CP ngày 06 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 41/2007/QĐ-TTg ngày 29 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý tài chính đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam;

Xét đề nghị của Trưởng ban Thu bảo hiểm xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điểm Quy định về quản lý thu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc ban hành kèm theo Quyết định số 902/QĐ-BHXH ngày 26/6/2007 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam như sau:

1. Chuyển đối tượng tại tiết 2.3 điểm 2 mục II phần I thành đối tượng là người lao động đồng thời tham gia BHXH, BHYT bắt buộc thành tiết 1.3 điểm 1 mục II phần I.

2. Sửa đổi, bổ sung tiết 3.7 điểm 3 mục II phần I là:

“3.7. Thân nhân của sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội nhân dân đang tại ngũ; thân nhân của sỹ quan nghiệp vụ đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân; thân nhân của người đang làm công tác cơ yếu là sĩ quan đang công tác tại Ban Cơ yếu Chính phủ và người đang làm công tác cơ yếu hưởng lương theo thang bảng lương cấp bậc quân hàm sĩ quan quân đội nhân dân, không thuộc diện tham gia BHYT bắt buộc khác, bao gồm: bố đẻ, mẹ đẻ; bố đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng; bố nuôi, mẹ nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp dưới 18 tuổi hoặc đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị tàn tật mất khả năng lao động theo quy định của pháp luật”.

3. Sửa đổi một số điểm trong mục III phần II:

3.1. Sửa đổi tiết 6.1 là:

“6.1. Cán bộ chuyên trách cấp xã khi thôi đảm nhiệm chức vụ trước ngày 01/01/2007, có đủ 10 năm đóng BHXH trở lên, còn thiếu tối đa 5 năm tuổi đời để đủ tuổi nghỉ hưu và đang tự đóng tiếp BHXH hàng tháng cho đến khi đủ 15 năm đóng BHXH và đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ thì mức đóng hàng tháng từ ngày 01/01/2007 trở đi bằng 16% mức tiền lương, tiền công tháng trước khi thôi đảm nhiệm chức vụ.”

3.2. Sửa đổi tiết 6.2. là:

“6.2. Người lao động nghỉ việc theo quy định tại Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11/4/2002 của Chính phủ trước ngày 01/01/2007, có đủ 15 năm đóng BHXH trở lên, còn thiếu tối đa 5 năm thì đủ tuổi nghỉ hưu và đang tự đóng tiếp BHXH hàng tháng cho đến khi đủ 20 năm đóng BHXH và đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ thì mức đóng hàng tháng từ ngày 01/01/2007 trở đi bằng 16% mức tiền lương, tiền công tháng trước khi nghỉ việc”.

3.3. Bổ sung vào cuối tiết 6.4 một đoạn sau:

“ Người lao động dôi dư đang thực hiện hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 110/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ về chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty nhà nước và người lao động thuộc diện tinh giản biên chế, nghỉ hưu trước tuổi theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 132/2007/NĐ-CP ngày 08/8/2007 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế nhưng còn thiếu thời gian đóng BHXH không quá 6 tháng được người sử dụng lao động đóng 1 lần cho số tháng còn thiếu với mức đóng bằng 16% mức tiền lương, tiền công tháng trước khi nghỉ việc để giải quyết chế độ hưu trí”.

4. Thay “Danh sách truy đóng BHXH, BHYT bắt buộc” (Mẫu số 04-TBH) trong tiết 8.3. (8.3.1) điểm 8 mục III phần II bằng “Danh sách điều chỉnh lao động và mức đóng BHXH, BHYT” (Mẫu số 03a-TBH).

5. Sửa đổi, bổ sung một số điểm trong mục IV phần II như sau:

5.1. Bổ sung vào cuối tiết 1.1 điểm 1 một đoạn sau:

“… và tờ khai tham gia BHXH do cơ quan BHXH cấp trước khi di chuyển hoặc ngừng việc”

5.2. Sửa đổi, bổ sung tiết 1.2 (1.2.2) điểm 1 là:

“1.2.2. Lập 01 bản “Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT bắt buộc” (Mẫu số 02a-TBH) và bản sao quyết định thành lập hoặc chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép hoạt động; trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân thì nộp bản hợp đồng lao động”.

5.3. Sửa đổi, bổ sung tiết 2.1 (2.1.1) điểm 2 như sau:

“2.1.1. Người sử dụng lao động: Lập danh sách theo mẫu (02a-TBH) nếu tăng lao động; nếu giảm lao động hoặc điều chỉnh tiền lương, mức đóng BHXH, BHYT theo mẫu (03a-TBH), nếu đồng thời có cả các biến động trên thì lập cả mẫu (02a-TBH) và mẫu (03a-TBH), mỗi mẫu 01 bản kèm theo hồ sơ như: Tờ khai, quyết định tuyển dụng, thuyên chuyển, nghỉ việc, thôi việc hoặc hợp đồng lao động, quyết định tăng, giảm lương và thẻ BHYT (nếu có), nộp cho cơ quan BHXH trước ngày 20 của tháng. Các trường hợp tăng, giảm từ ngày 16 của tháng trở đi thì lập danh sách và thực hiện vào đầu tháng kế tiếp”.

6. Sửa đổi, bổ sung tiết 2.1 điểm 2 mục VI phần II:

“2.1. Các trường hợp tính lãi:

- Số tiền BHXH chưa đóng, chậm đóng tính theo kỳ hạn đóng theo định kỳ (đóng hàng tháng hoặc đóng theo quý);

- Số tiền chưa đóng, chậm đóng phải truy đóng do người sử dụng lao động vi phạm các quy định tại điều 134 Luật BHXH như không đóng, đóng không đúng thời gian quy định, đóng không đúng mức quy định, đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc;

- Số tiền BHXH 2% người sử dụng lao động được giữ lại lớn hơn số tiền được quyết toán phải đóng vào tháng đầu của quý sau nhưng không đóng.

2.1.1. Thời điểm tính: Sau ngày thứ 30 kể từ ngày hết hạn phải đóng BHXH.

2.1.2. Lãi suất tính: theo lãi suất của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH trong năm.

2.1.3. Công thức tính:

Lt = D x K/12

 

Trong đó:

+ Lt: Số tiền lãi phải nộp cho cơ quan BHXH do chưa đóng, chậm đóng, được tính hàng tháng;

+ D: Số tiền chưa đóng, chậm đóng thuộc các trường hợp phải tính lãi;

+ K: Lãi suất của hoạt động đầu tư quỹ BHXH trong năm.

2.1.4. Thời gian tính lãi: số tiền BHXH chưa đóng, chậm đóng được tính lãi kể từ tháng đầu tiên sau kỳ hạn phải đóng”.

7. Sửa đổi một số điểm của phần III.

7.1. Sửa đổi điểm 4 là:

“Các trường hợp chậm đóng, cơ quan BHXH thực hiện tính lãi theo quy định tại tiết 2.1, điểm 2, mục VI, phần II từ ngày 01/01/2007”.

7.2. Sửa đổi điểm 5 là:

“Bảo hiểm xã hội tỉnh có trách nhiệm phổ biến, tổ chức thực hiện các quy định về thu BHXH, BHYT, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT kịp thời đối với người sử dụng lao động và người lao động; triển khai áp dụng chương trình hỗ trợ quản lý thu BHXH, BHYT bằng công nghệ thông tin do BHXH Việt Nam ban hành đối với BHXH tỉnh, BHXH huyện và đơn vị sử dụng lao động tham gia BHXH.”

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2008.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Trưởng ban Thu bảo hiểm xã hội, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Giám đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng cơ quan bảo hiểm xã hội thuộc Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Tổng Giám đốc

(Đã ký)

 

Nguyễn Huy Ban

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.