Sign In

CHỈ THỊ CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Về việc tăng cường tổ chức chỉ đạo công tác thi hành án dân sự

Qua gần 7 năm triển khai thực hiện công tác thi hành án dân sự theo tinh thần Nghị quyết kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá IX và Chỉ thị số 266- TTg ngày 02/6/1993 của Thủ tướng Chính phủ, chính quyền các cấp, các ngành đã có sự chỉ đạo, phối hợp tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn của tỉnh thực thi nhiệm vụ của mình. Nhiều bản án, quyết định của Toà án được thực hiện  nghiêm túc, đã góp phần vào việc bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức xã hội và của công dân, thể hiện được tính nghiêm minh của pháp luật, giữ nghiêm kỷ cương phép nước.

 

Tuy nhiên tình hình công tác thi hành án dân sự  trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cần phải được khắc phục, nhiều bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật nhưng vẫn chưa được thi hành dứt điểm, số lượng án tồn đọng còn nhiều, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của một số cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và công dân được thi hành án, kỷ cương phép nước bị coi thường, gây nên sự phản ứng bất bình trong nhân dân.

 

 Theo báo cáo của các cơ quan thi hành án dân sự, đến ngày 30/6/2000 số lượng án phải thi hành trên địa bàn toàn tỉnh là 1.639 vụ việc với tổng số tiền và tài sản phải thu là 9.669.585.000 đồng, trong đó có 1.174 vụ việc có điều kiện thi hành với số tiền 4.723.540.000 đồng. Đã giải quyết xong 526 vụ việc, đạt tỷ lệ 45%, số tiền đã thu: 1.112.451.400 đồng, đạt tỷ lệ 25% (tính trên số vụ việc và số tiền có điều kiện thi hành). Hiệu quả thi hành án đạt thấp do nhiều nguyên nhân như: người phải thi hành án đang chấp hành án phạt tù hoặc đang sống phụ thuộc vào gia đình; Điều kiện kinh tế khó khăn không có tài sản để thi hành án; Lực lượng Chấp hành viên thi hành án còn thiếu so với yêu cầu, phương tiện hoạt động còn gặp khó khăn, công tác phối hợp thi hành án còn gặp nhiều trở ngại ...Đặc biệt một số địa phương, ban ngành còn có tâm lý coi công tác thi hành án dân sự là của các cơ quan Tư pháp, nên thiếu sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp. 

 

Để thực hiện tốt Nghị quyết số 3a ngày 26/7/2000 của HĐND tỉnh "Phải giải quyết dứt điểm các vụ án tồn đọng, đảm bảo công tác thi hành án" và đẩy mạnh công tác thi hành án dân sự ở địa phương, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, phường, thị trấn thực hiên các việc sau:

 

1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quán triệt đầy đủ các nội dung của Pháp lệnh thi hành án dân sự cho cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân để hiểu rõ các quyền và nghĩa vụ của các cơ quan Nhà nước, của công dân trong việc thi hành các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án.

 

2. Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm đôn đốc Trưởng phòng thi hành án dân sự  tỉnh thực hiện việc rà soát, phân loại chính xác và triệt để các án có điều kiện thi hành; án chưa có và không có điều kiện thi hành của Phòng thi hành án và các Đội thi hành án để xây dựng kế hoạch trực tiếp chỉ đạo cụ thể về thi hành đối với các loại án.

 

- Đối với các loại án có điều kiện thi hành nhưng chưa thi hành được hoặc thi hành chưa dứt điểm thì phải huy động lực lượng, phương tiện cần thiết để tiến hành một đợt thi hành án dân sự  trên địa bàn toàn tỉnh. Đối với những trường hợp đương sự có đầy đủ điều kiện để thi hành án nhưng cố tình lẫn tránh, chống đối không chịu thi hành thì phải kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng các vụ, việc có điều kiện thi hành án nhưng vẫn để tồn đọng không thi hành.

 

- Đối với những vụ, việc thực sự không có điều kiện thi hành thì phải xem xét để trả lại đơn yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật và phải giải thích cho người được thi hành án rõ để tránh việc khiếu nại kéo dài.

 

3. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban ngành, các đơn vị có trách nhiệm hỗ trợ, phối hợp tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cán bộ, Chấp hành viên cơ quan thi  hành án dân sự thi hành nhiệm vụ khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật.

 

4. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc tổ chức chỉ đạo công tác thi hành án dân sự ở địa phương mình. Phòng Tư pháp, Ban Tư pháp các cấp giúp Chủ tịch UBND cùng cấp xây dựng kế hoạch chỉ đạo, đôn đốc huy động lực lượng của bộ máy chính quyền, các cơ quan, đoàn thể phối hợp với cơ quan Tư pháp trong việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định dân sự của Toà án đã có hiệu lực pháp luật ở địa phương.

Giao Sở Tư pháp có kế hoạch hướng dẫn triển khai và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này và định kỳ báo cáo kết quả về UBND tỉnh. 

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm túc.

 

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Minh Kỳ