Sign In

CHỈ THỊ CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2001- 2005

 

 
 

 

 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Quảng Trị lần thứ XII về phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 1996- 2000, Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta đã nỗ lực phấn đấu, phát huy các tiềm năng, thế mạnh, tận dụng các thời cơ, từng bước vượt qua những khó khăn, thách thức và thiên tai, đã đạt được những thành tựu quan trọng. Hầu hết các chỉ tiêu về phát triển kinh tế- xã hội hàng năm đều đạt kế hoạch đề ra và đạt tiến độ của kế hoạch 5 năm 1996- 2000. tuy nhiên, những kết quả thực hiện được vẫn chưa đưa tỉnh ta ra khỏi tình trạng nghèo nàn và chậm phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2001- 2005 có vị trí rất quan trọng, nhằm tiếp tục thực hiện các chương trình phát triển kinh tế- xã hội đã được đề ra trong các Nghị quyết của Ban chấp hành Tỉnh uỷ, Nghị quyết HĐND tỉnh, Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XII và thúc đẩy quá trình đổi mới, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh nhà.

Để triển khai và xây dựng tốt kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội thời kỳ 2001- 2005, đảm bảo các yêu cầu về nội dung và tiến độ theo hướng dẫn của Trung ương, UBND tỉnh chỉ thị:

1. Các Sở, ban ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã tập trung cao độ tiến hành đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch 5 năm 1996- 2000 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2001- 2005 của ngành, địa phương mình đúng mục đích, yêu cầu và các bước theo theo nội dung hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 2666/BKH- TH ngày 09/5/2000. Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2001- 2005 có vị trí rất quan trọng đối với các ngành, các địa phương và toàn tỉnh, là cơ sở khoa học quan trọng định hướng chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh một cách toàn diện, ổn định, vững chắc và hội nhập nhanh chóng cùng cả nước. Vì vậy, yêu cầu các ngành, địa phương xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các tháng 5, 6, 7 năm 2000 và từ đó có sự quan tâm chỉ đạo đúng mức đến công tác này.

 

Việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2001- 2005 có liên quan đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng...Vì vậy, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã phải chỉ đạo trực tiếp và bố trí cán bộ có đủ trình độ, năng lực, ưu tiên cơ sở vật chất, phương tiện và kinh phí phục vụ công tác xây dựng kế hoạch.

 

2. Khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2001- 2005, các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thị phải đảm bảo được các yêu cầu:

Trên cơ sở đánh giá dự báo tình hình, khả năng phát triển của đơn vị, địa phương mình và trong bối cảnh chung của tỉnh, của cả nước để xây dựng định hướng kế hoạch phát triển phù hợp, đảm bảo được tính liên tục trong sự nghiệp đổi mới theo đường lối, quan điểm của Đảng. Đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, khai thác tối đa các tiềm năng thế mạnh, lợi thế của từng ngành, từng địa phương, tranh thủ nhiều hơn nguồn lực bên ngoài. Kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế với việc giải quyết các vấn đề bức xúc về xã hội (tạo thêm việc làm cho người lao động, giảm tỷ lệ không có việc làm, xoá đói giảm nghèo, giải quyết các tệ nạn xã hội khác...), bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an ninh quốc phòng. Các chỉ tiêu trong kế hoạch phải có cơ sở khoa học và thực tế của từng ngành, từng địa phương, từ đó đưa ra các giải pháp đảm bảo thực hiện thành công các chỉ tiêu đề ra.

3. Nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2001- 2005 là phấn đấu đạt nhịp độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của toàn tỉnh là 8- 9%.Tăng nhanh đầu tư phát triển, tập trung đầu tư nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả nền kinh tế, chú ý đầu tư các vùng kém phát triển. giảm dần mức độ chênh lệch giữa các vùng. Mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại, thu hút vốn và công nghệ bên ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu các hàng hoá, dịch vụ, sản phẩm mà tỉnh ta có lợi thế. Tập trung vốn đầu tư cho phát triển sản xuất để tạo nguồn thu cho ngân sách, từng bước cân bằng kế hoạch thu- chi ngân sách từ nội bộ của tỉnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực bộ máy quản lý Nhà nước, quản lý doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, đáp ứng nhu cầu và tổ chức thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Kế hoạch phải đảm bảo phát triển toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội, đảm bảo củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh, trật tự, kỷ cương xã hội.

 4. Để triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2001- 2005 đúng tiến độ Trung ương quy định và phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị triển khai công tác xây dựng kế hoạch và chịu trách nhiệm hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch cho các Sở, Ban ngành, UBND các huyện, thị xã trong tháng 5/2000.

 Các Sở, Ban ngành, UBND các huyện, thị xã tiến hành xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2001- 2005 của đơn vị mình trong tháng 6/2000 và gửi đến Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp thành kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, báo cáo UBND tỉnh thông qua trước ngày 15/7/2000 để kịp trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư , Tỉnh uỷ và HĐND tỉnh.

5. UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị này một cách nghiêm túc, đảm bảo chất lượng cao và đúng tiến độ. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi việc thực hiện Chỉ thị này và thường xuyên báo cáo UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo.

 

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Minh Kỳ