Sign In

CHỈ THỊ

Về một số giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch

phát triển kinh tế xã hội năm 2008, tỉnh Sóc Trăng

–––––––––––––––––––

 

Để triển khai thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội năm 2008 theo Nghị quyết của Chính phủ và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

1. Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và  xây dựng các dự án sản xuất theo hướng chuyển đổi nhanh cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp và hình thành các vùng sản xuất tập trung với những mặt hàng nông sản chủ lực, phù hợp thị trường, có sức cạnh tranh cao. Tăng cường áp dụng khoa học, kỹ thuật, giống mới; nâng cao trình độ thâm canh, tăng năng suất, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi. Khẩn trương hoàn thành và triển khai Quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi tỉnh Sóc Trăng giai đoạn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

Trên cơ sở các quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi trên địa bàn huyện - thị đến năm 2010, các địa phương đề ra kế hoạch thực hiện từng năm. Ưu tiên phát triển sản xuất các giống cây trồng vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, có thị trường tiêu thụ và xuất khẩu lớn.

Sở Thủy sản tăng cường các hoạt động khuyến ngư, tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật nuôi trồng, thời vụ thả giống; quản lý chặt chẽ chất lượng giống, nguyên liệu thủy sản, nhất là kiểm tra, xử lý tình trạng bơm chích tạp chất trong tôm nguyên liệu.

Tập trung đầu tư thuỷ lợi phục vụ phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Hoàn chỉnh quy hoạch nuôi trồng, khai thác thủy sản, thực hiện nuôi trồng thủy sản sạch, an toàn. Khuyến khích phát triển các dịch vụ hỗ trợ để tăng hiệu quả nuôi trồng và khai thác thuỷ sản. Đối với nuôi trồng, phát triển diện tích trong vùng quy hoạch, không phát triển tràn lan, tập trung theo chiều sâu thâm canh tăng năng suất, nhằm tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác.

2. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp; tập trung đầu tư phát triển đô thị:

Sở Thương mại Du lịch, Sở Công nghiệp phối hợp các ngành, địa phương rà soát, phân loại, đánh giá khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm công nghiệp, xác định những sản phẩm thực sự có lợi thế để có biện pháp nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hình thành những ngành hàng, sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh. Chủ động nắm bắt tình hình, diễn biến và nhu cầu của thị trường, đề xuất các định hướng, giải pháp sản xuất hàng hóa gắn với phát triển thị trường tiêu thụ. Nghiên cứu xây dựng đề án xuất khẩu hàng hóa dịch vụ, phát triển mạng lưới tiêu thụ các sản phẩm, bảo đảm giữ vững thị trường nội địa, mở rộng thị trường xuất khẩu. Trang bị thông tin, kiến thức cần thiết cho các doanh nghiệp phòng, chống các vụ kiện thương mại trong điều kiện hội nhập. Xây dựng kế hoạch phát triển và nâng cao chất lượng các chương trình, sản phẩm du lịch có thế mạnh.

Tiếp tục củng cố và phát triển các hợp tác xã sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Hỗ trợ khôi phục và phát triển các làng nghề, khuyến khích các hộ gia đình, tư nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu tại chỗ và tham gia xuất khẩu.

Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng đô thị theo quy hoạch. Chú trọng phát triển các trung tâm thương mại ở các thị trấn, hình thành các khu dân cư đô thị tập trung, đi đôi với đầu tư và chấn chỉnh, tổ chức lại hoạt động các khu chợ ở trung tâm huyện, xã. Xây dựng và nâng cấp hệ thống cấp, thoát nước các khu đô thị, các khu, cụm công nghiệp; xây dựng các trạm, đường dây phân phối điện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống; tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao và công nghệ thông tin.

3. Tích cực huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường quản lý, sử dụng vốn, bảo đảm hiệu quả đầu tư:

Đổi mới phương pháp thực hiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến, vận động và thu hút đầu tư. Thực hiện các chương trình, lĩnh vực hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước và các tổ chức nước ngoài, nhất là với các thành phố lớn, vùng kinh tế trọng điểm để tăng cường khả năng thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Tăng cường quan hệ hợp tác với các tổ chức đại diện doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Xây dựng, kết nối và nâng cao chất lượng hệ thống mạng lưới thông tin trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, dịch vụ nhằm tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, trao đổi thông tin, phát triển các mối quan hệ hợp tác đầu tư, hợp tác thương mại giữa các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và nhà đầu tư nước ngoài qua mạng Internet.

Tạo điều kiện thuận lợi để các ngân hàng thương mại tăng cường hoạt động, huy động tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư và các thành phần kinh tế, cũng như huy động các nguồn vốn từ nước ngoài để hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư thông qua việc đẩy mạnh cải tiến các thủ tục hành chính, hoàn thiện các chính sách, cơ chế ưu đãi đầu tư của tỉnh. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư trong Khu công nghiệp An Nghiệp, phấn đấu trong năm 2008 cơ bản lấp đầy Khu công nghiệp An Nghiệp. Triển khai nhanh các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, trước mắt là Cụm công nghiệp Cái Côn, Khu công nghiệp Đại Ngãi.

Các ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chủ động trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, khắc phục tình trạng giải ngân chậm, tồn đọng vốn. Tăng cường công tác thanh tra nhằm bảo đảm chất lượng của công trình, ngăn chặn tình trạng tham ô, lãng phí trong đầu tư xây dựng. Nâng cao trách nhiệm chủ đầu tư, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra thực hiện dự án; người quyết định đầu tư và chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả của dự án đầu tư.

4. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường:

Sở Giáo dục và Đạo tạo đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Tiếp tục thực hiện chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Nâng cao chất lượng và chuẩn hoá đội ngũ giáo viên, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý giáo dục, giảng dạy và học tập. Khuyến khích phát triển mạnh và nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ.

Đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Tăng cường công tác bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích lịch sử văn hóa, gắn với phát triển du lịch để phát huy có hiệu quả giá trị di sản văn hóa dân tộc. Tiếp tục phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng. Chủ động thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất các loại bệnh dịch dễ lây lan, có nguy cơ bùng phát cao. Tăng cường kiểm tra, quản lý vệ sinh phòng bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hiện xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề theo tiêu chuẩn quy định để bổ sung đội ngũ giáo viên cho Trường Cao đẳng nghề và Trung tâm dạy nghề các huyện, thành phố; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển đào tạo nghề theo nhu cầu của xã hội, quan tâm công tác đào tạo nghề ở khu vực nông thôn. Xây dựng, triển khai thực hiện các mô hình giảm nghèo phù hợp với điều kiện từng địa phương. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người nghèo trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch sinh hoạt, tín dụng ưu đãi; nâng cao hiệu quả thực hiện các dự án hỗ trợ người nghèo.

Thực hiện đồng bộ các biện pháp giảm thiểu tai nạn giao thông. Trước mắt, tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông theo Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ. Thực hiện tốt quy định về đội mũ bảo hiểm. Tập trung giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; tăng cường thực hiện các biện pháp, tạo điều kiện để các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, vượt cấp.

Tổ chức thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường, xem đây là nhiệm vụ cấp bách để phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Giải quyết tình trạng suy thoái môi trường ở khu vực các nhà máy, các khu công nghiệp, các khu đông dân cư; cải tạo và xử lý môi trường trên các sông, hồ, ao, kênh mương bị ô nhiễm nặng. Tăng cường công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành và thực hiện quy định pháp luật bảo vệ môi trường của các tổ chức và nhân dân trong tỉnh; đồng thời kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường.

5. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí:

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trước hết là các thủ tục liên quan đến đầu tư, thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, các dịch vụ hành chính liên quan đến đời sống của nhân dân.

Sở Nội vụ phối hợp với các Sở ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai Kế hoạch số 11/KH-UBND, ngày 05/11/2007 về thực hiện Đề án Đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 – 2010. Thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước các cấp; phổ biến rộng rãi và niêm yết công khai tại công sở quy chế, quy trình và các thủ tục hành chính rõ ràng, cụ thể. Tăng cường kiểm tra thực hiện cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa”, triển khai tốt Quy chế thực hiện một cửa liên thông. Khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp, ổn định tổ chức của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện theo hướng dẫn của Trung ương. Triển khai thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 132/2007/NĐ-CP của Chính phủ.

Thanh tra tỉnh phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường công tác thanh tra phòng, chống tham nhũng. Kết hợp chặt chẽ giữa việc thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng với Chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng, thu, chi ngân sách nhà nước, quản lý tài chính công, công tác đề bạt và bố trí cán bộ. Đề cao trách nhiệm của cấp uỷ Đảng và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Phối hợp với Sở Nội vụ triển khai thực hiện tốt việc công khai thu nhập và chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức theo quy định để phòng ngừa tham nhũng. Phát huy vai trò của nhân dân và các cơ quan báo chí trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Từng cơ quan, đơn vị phải có kế hoạch hành động cụ thể để thực hành tiết kiệm và chống lãng phí. Quy định cụ thể việc mua sắm phương tiện làm việc, chi phí tiếp khách, sử dụng xe công, điện thoại công... Kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

6. Chế độ thông tin, báo cáo:

Thủ trưởng các Sở ngành tỉnh, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai nội dung Chỉ thị này; định kỳ hàng quý (trước ngày 20 tháng cuối quý), sáu tháng (trước ngày 15/6/2008), năm (trước ngày 10/11/2008) báo cáo UBND tỉnh tình hình và kết quả triển khai thực hiện (đồng gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp).

Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị này, báo cáo UBND tỉnh và gửi về Trung ương theo quy định.

Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Huỳnh Thành Hiệp