• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 19/12/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 16/12/2019
HĐND TỈNH SÓC TRĂNG
Số: 32/2011/NQ-HĐND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Sóc Trăng, ngày 9 tháng 12 năm 2011

NGHỊ QUYẾT

Về việc thông qua điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Sóc Trăng
 đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050

____________

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG

KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 3

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17/6/2009;

Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính Phủ về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý đô thị;

Sau khi xem xét Tờ trình số 47/TTr-UBND ngày 22/11/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thông qua điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050; báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế và ngân sách; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân và giải trình của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 với nội dung chủ yếu sau:

1. Tên đồ án

Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2050.

2. Mục tiêu phát triển

Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế của vùng tỉnh Sóc Trăng nhằm phát triển tỉnh Sóc Trăng có đủ chức năng và thế mạnh kinh tế để trở thành một mắc xích quan trọng trong mối liên kết các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long; giải quyết những bất cập, mâu thuẫn đang tồn tại ảnh hưởng tới quá trình phát triển chung cho cả vùng. Phát triển hài hoà, nâng cao chất lượng hệ thống đô thị trong vùng nhằm giảm sự tập trung vào khu vực thành phố Sóc Trăng trên cơ sở xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật diện rộng cấp vùng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững cho toàn vùng.

 

3. Phạm vi lập quy hoạch xây dựng

Toàn bộ lãnh thổ tỉnh Sóc Trăng theo ranh giới hành chính có diện tích là khoảng 3.310 km2

4. Tính chất vùng

a) Là vùng tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: Công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, đô thị; phát triển nông, lâm, ngư nghiệp; có vị trí chiến lược chuyển tiếp giữa biển và lục địa nên đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng đối với khu vực và cả nước;

b) Là vùng hạ lưu xung yếu của hệ thống sông Mêkông, huyết mạch giao thông đường thủy và hàng hải quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải Nam Bộ;

c) Là vùng du lịch văn hoá nhân văn, lịch sử và cảnh quan sinh thái của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và xã hội hiện đại, đồng bộ.

5. Định hướng chiến lược phát triển các vùng kinh tế

a) Các vùng kinh tế động lực chủ đạo  

- Vùng đô thị và đô thị hóa: Trung tâm phát triển của vùng đô thị và đô thị hóa là thành phố Sóc Trăng và khu vực phụ cận;

- Vùng kinh tế biển: Gồm thị xã Vĩnh Châu và các huyện Trần Đề, Cù Lao Dung;

- Vùng liên kết phát triển ngoại biên: Bao gồm khu vực huyện Kế Sách, Long Phú giáp với tỉnh Trà Vinh qua sông Hậu; khu vực Ngã Năm, Châu Thành giáp với Hậu Giang; khu vực Thạnh Trị giáp với tỉnh Bạc Liêu.

b) Vùng kinh tế động lực thứ cấp: Là vùng nông thôn còn lại.

6. Định hướng phát triển không gian các vùng chuyên ngành

a) Vùng công nghiệp: Định hướng xây dựng 04 trọng điểm lớn tại các khu vực: Khu công nghiệp Đại Ngãi và phần mở rộng, khu vực phía Bắc thị trấn Trần Đề, khu vực phía Tây Bắc huyện Mỹ Tú và thị xã Vĩnh Châu;

b) Vùng nông nghiệp: Cơ bản vẫn phân bố theo hướng nông nghiệp ở các huyện hiện nay;

c) Vùng du lịch: Định hướng khai thác toàn bộ tuyến ven biển của các huyện, thị xã: Vĩnh Châu (khu du lịch Hồ Bể), Cù Lao Dung (khu du lịch sinh thái Cù Lao Dung), Long Phú (khu du lịch sinh thái Song Phụng), Trần Đề (khu du lịch Mỏ Ó);

d) Vùng bảo tồn môi trường, hạn chế phát triển: Toàn bộ khu vực rừng ngập mặn cửa sông Hậu, sông Mỹ Thanh và cù lao ven biển.

7. Tổ chức không gian vùng

a) Hệ thống đô thị

- Đô thị trung tâm toàn vùng: Thành phố Sóc Trăng:

+ Tính chất tổng hợp: Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội chủ đạo của toàn vùng, đồng thời là đô thị tỉnh lỵ của tỉnh Sóc Trăng.

+ Tính chất chuyên ngành: Là đô thị công nghiệp, dịch vụ.

+ Hướng phát triển: Hướng chủ đạo là Đông, Đông Nam, tiệm cận với sông Hậu, biển.

- Đô thị trung tâm vùng (cấp tỉnh): Phát triển 8 trọng điểm đô thị gồm: Trần Đề, Vĩnh Châu, Ngã Năm, Đại Ngãi, Long Phú, An Lạc Thôn, Kế Sách, Phú Lộc.

- Các đô thị trung tâm huyện (cấp huyện): Bao gồm các thị trấn, thị trấn huyện lỵ và trung tâm xã.

b) Các vùng, trục hành lang kinh tế - kỹ thuật - đô thị và cực phát triển

- Các cực và trọng điểm phát triển:

+ Tứ giác thành phố Sóc Trăng - Kế sách - Đại Ngãi - Trần Đề: là vùng đô thị hóa lớn, được định dạng bởi các cực phát triển như: thành phố Sóc Trăng, Kế Sách, Đại Ngãi, Trần Đề.

+ Khu kinh tế biển Trần Đề: Được hình thành có diện tích khoảng 78.763ha (trong đó diện tích lấn biển khoảng 27.000ha), gồm các xã giáp biển của huyện Cù Lao Dung, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu.

- Các hành lang kinh tế - kỹ thuật - đô thị chủ đạo (cấp1, liên tỉnh):

+ Hành lang kinh tế - kỹ thuật - đô thị dọc theo tuyến Nam Sông Hậu (toàn tuyến qua tỉnh): Gồm miền ảnh hưởng hai bên tuyến đường đường này có độ dài khoảng 132km.

+ Hành lang kinh tế kỹ thuật đô thị Quản lộ Phụng Hiệp: Dài khoảng 60km từ Quốc lộ Nam Sông Hậu - phía Bắc huyện Mỹ Tú - thị trấn Ngã Năm, dọc theo kênh Quản Lộ Phụng Hiệp và đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, qua các huyện Kế Sách, Mỹ Tú, Ngã Năm.

+ Hành lang kinh tế - kỹ thuật dọc theo Quốc lộ 1A: Gồm miền ảnh hưởng của tuyến này từ khu vực giáp với Bạc Liêu đến thành phố Sóc Trăng, phân thành 02 hướng dọc theo Quốc lộ 1A và Quốc lộ 60 (toàn tuyến đi qua tỉnh), qua các huyện Thạnh Trị, Mỹ Xuyên, thành phố Sóc Trăng, Long Phú, Châu Thành, Kế Sách.

- Các hành lang kinh tế - kỹ thuật đô thị theo phương ngang và hướng tâm về thành phố Sóc Trăng (cấp 2, nội tỉnh): Gồm các hành lang theo các hướng như sau:

+ Hành lang kinh tế - kỹ thuật dọc đường tỉnh 940 qua các huyện Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, thị xã Vĩnh Châu;

+ Hành lang kinh tế - kỹ thuật qua các huyện Kế Sách, Châu Thành, Mỹ Tú, Ngã Năm dọc theo các tuyến đường tỉnh 939B, 940 và Quốc lộ 60 mới;

+ Hành lang kinh tế - kỹ thuật theo các đường tỉnh từ thành phố Sóc Trăng đi Đại Ngãi, Trần Đề, Vĩnh Châu: Theo các tuyến đường liên vùng như: Quốc lộ 60 - Đại Ngãi, đường Trần Đề - thành phố Sóc Trăng (kết nối với đường Mạc Đĩnh Chi nối dài), tuyến mở mới thành phố Sóc Trăng - Vĩnh Châu.

- Các hành lang kinh tế - kỹ thuật đô thị vành đai thành phố Sóc Trăng:

+ Vành đai liên kết các đô thị của trung tâm vùng như: Thị trấn Kế Sách - thị trấn Trần Đề - thị xã Vĩnh Châu - thị trấn Phú Lộc - thị trấn Ngã Năm.

+ Vành đai liên kết các đô thị trung tâm huyện: Thị trấn Kế sách - thị trấn Châu Thành - thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa - Trung tâm huyện lỵ Mỹ Xuyên mới - thị trấn Lịch Hội Thượng.

c) Mô hình phát triển các điểm dân cư nông thôn

Giữ nguyên vị trí các điểm dân cư nông thôn hiện có, tập trung phát triển theo chiều sâu và chuyên môn hóa, tính chất gắn với các khu vực kinh tế như sau:

- Mô hình phát triển các điểm dân cư nông nghiệp, thủy sản.

- Mô hình phát triển các điểm dân cư nông thôn trong vùng đô thị hoá.

- Mô hình phát triển các điểm dân cư trong vùng phát triển công nghiệp.

- Mô hình phát triển các điểm dân cư du lịch, dịch vụ.

- Mô hình điểm dân cư thuộc vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai.

d) Tổ chức hệ thống hạ tầng kinh tế

- Các khu công nghiệp tập trung của tỉnh, các cụm công nghiệp của các huyện đã và đang thực hiện hoặc có hiệu lực thi hành về cơ bản là giữ nguyên trạng;

- Các khu công nghiệp tập trung mới được bố trí thành những khu (hoặc tiểu vùng) công nghiệp lớn, gắn kết hiệu quả, phù hợp với các vùng đô thị và nông thôn thành 04 trọng điểm lớn.

8. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kĩ thuật

a) Định hướng phát triển hệ thống giao thông

Cấu trúc hệ thống đường bộ có dạng hướng tâm về đô thị trung tâm vùng là thành phố Sóc Trăng, gồm 02 thể xuyên tâm và vành đai, kết nối trung tâm thành phố với các đô thị vệ tinh xung quanh, các khu vực phát triển ngoại biên của tỉnh; hội nhập các loại hình giao thông đường bộ, đường thuỷ, đường biển của vùng và của Quốc gia.

- Hệ thống giao thông đường bộ:

+ Tầng 1: Gồm các tuyến đường giao thông chính trong tỉnh và giao thông liên vùng;

+ Tầng 2: Gồm các tuyến đường giao thông chính của các huyện và giao thông vùng tỉnh;

+ Tầng 3: Gồm các tuyến đường giao thông liên xã và vùng huyện.

- Hệ thống đường thuỷ:

+ Hệ thống đường sông: Định hướng phát triển chủ yếu là cải tạo, nâng cấp các tuyến sông kênh hiện có nhằm mục tiêu hỗ trợ cho giao thông đường bộ, chủ yếu phát triển tại các vùng sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và dân cư nông thôn; một số đoạn tuyến thuận lợi khác trong các đô thị, các khu công nghiệp tập trung, các khu du lịch, dịch vụ, giải trí. 

+ Hệ thống đường biển - hải cảng: Nạo vét, thông luồng các cửa biển để hòa nhập với hệ thống giao thông thủy của quốc gia và quốc tế.

b) Hệ thống cấp điện

- Nguồn 1: Tuyến 110kV Trà Nóc - Phụng Hiệp - Sóc Trăng - Bạc Liêu,  hiện cấp điện cho tỉnh Sóc Trăng thông qua trạm 110 kV Thành phố Sóc Trăng;

- Nguồn 2: Lấy từ tuyến đường dây 220 kV Bạc Liêu - Sóc Trăng cấp cho trạm 220/110kV Sóc Trăng II.

- Nguồn 3: Lấy từ nhà máy nhiệt điện Long Phú, dự kiến cũng được cấp cho tỉnh thông qua trạm 220kV Sóc Trăng II trong tương lai.

c) Hệ thống cấp nước

- Nguồn nước mặt: Khai thác nước ngọt từ hệ thống thủy lợi Quản Lộ Phụng Hiệp.

- Nguồn nước ngầm: Được khai thác trên địa bàn toàn tỉnh ở độ sâu từ 100 - 250m.

Điều 2.

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định pháp luật.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng khóa VIII, kỳ họp thứ 3 thông qua và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày thông qua.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Mai Khương

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.