Sign In

QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH

Ban hành quy định về công tác quản lý, sửa chữa đường giao thông nông thôn

________________________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;

- Theo đề nghị của giám đốc Sở Giao thông vận tải về tăng cường quản lý đường giao thông nông thôn;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản quy định của UBND tỉnh về công tác quản lý, sửa chữa đường giao thông nông thôn.

Điều 2: Sở giao thông vận tải có trách nhiệm hướng dẫn (bằng văn bản) để các sở, ban, ngành có liên quan, UBND huyện, thị xã thực hiện tốt những nội dung trong bản quy định này.

Điều 3: Quyết định có hiệu lực từ ngày ký. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc sở Giao thông vận tải, các giám đốc sở, thủ trưởng ban, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

T/M UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

CHỦ TỊCH

(Đã ký)

 

VŨ XUÂN TRƯỜNG

QUY ĐỊNH CỦA UBND TỈNH

Về công tác quản lý, sửa chữa đường giao thông nông thôn

________________________

(Kèm theo quyết định số 397 ngày 25/8/1995 của UBND tỉnh)

PHẦN I

PHÂN CẤP QUẢN LÝ, SỬA CHỮA ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN

Điều 1: Đường giao thông nông thôn được phân cấp quản lỷ, sửa chữa như sau:

a) Đường từ UBND huyện đến UBND các xã và đường liên xã do UBND huyện xây dựng, quản lý, tổ chức trung đại tu và sửa chữa thường xuyên.

b) Đường từ UBND xã đến các thôn, xóm do UBND xã xây dựng, quản lý, sửa chữa thường xuyên.

c) Đường thôn, xóm do trưởng thôn, xóm tổ chức nhân dân trong thôn xóm xây dựng, quản lý, sửa chữa thường xuyên.

Điều 2: Vốn đầu tư cho công tác quản lý và sửa chữa đường giao thông nông thôn:

1/ Đường do huyện quản lý, thuộc ngân sách huyện đầu tư là chủ yếu; tỉnh hỗ trợ một phần bằng tiền (nếu cân đối được ngân sách) và bằng số ngày công lao động nghĩa vụ hàng năm.

2/ Đường do xã quản lý, thuộc ngân sách xã và nhân dân trong xã đóng góp để đầu tư.

3/ Đường do thôn, xóm quản lý, thuộc nhân dân thôn, xóm đóng góp để đầu tư.

Điều 3: Xây dựng qũy giao thông nông thôn:

- UBND xã xây dựng qũy giao thông để chi cho công tác quản lý, sửa chữa đường giao thông của xã, nhưng phải được HĐND xã thông qua.

- Quỹ giao thông của xã được trích từ nguồn thu hợp pháp của xã và sự đóng góp của nhân dân. Mức đóng góp của nhân dân do HĐND xã quyết định.

- Hàng năm,UBND xã phải báo cáo trước HĐND xã về tình hình thu, quản lý và sử dụng quỹ giao thông của xã.

- UBND huyện có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thu, quản lỷ, sử dụng quỹ giao thông.

PHẦN II

CÔNG TÁC TỔ CHỨC QUẢN LÝ, SỬA CHỮA VÀ BẢO VỆ ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN

Điều 4: Đối với đường do huyện quản lý

- Huyện được tổ chức một đội công trình giao thông với hình thức là đơn vị sự nghiệp tự trang trải trực thuộc phòng giao thông, công nghiệp, xây dựng huyện.

- Nhiệm vụ của đội: Làm công tác quản lý, công tác an toàn giao thông, trung đại tu, sửa chữa thường xuyên, đột xuất các công trình giao thông của huyện.

- Số lượng cán bộ kỹ thuật, công nhân của đội do Chủ tịch UBND huyện bàn bạc thống nhất với trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh quyết định trên cơ sở số lượng các công trình giao thông của huyện và khả năng nguồn vốn có hàng năm.

Điều 5: Đối với đường do xã quản lý:

- UBND xã chọn người có nghiệp vụ về giao thông để giúp UBND xã quản lý, bảo vệ các công trình giao thông của xã và làm tổ trưởng tổ giao thông xã.

- Mỗi xã tổ chức một tổ giao thông từ 5 đến 7 người có chuyên môn, kỹ thuật làm nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng đường giao thông của xã (khi có nhu cầu).

- Sinh hoạt phí của các thành viên trong tổ giao thông xã được trích từ quỹ giao thông của xã, do UBND xã căn cứ vào kết quả công việc để quyết định cụ thể.

Điều 6: Đối với đường do trưởng thôn, xóm quản lý:

- Thực hiện chế độ tự quản, phân chia quản lý, sửa chữa đường cho từng khu hoặc nhóm dân cư, có người đại diện, với phương châm hỏng đâu sửa đấy.

- Tổ chức cho nhân dân trong thôn xóm tham gia quản lý, bảo vệ, làm sạch đường, đẹp làng, xã theo định kỳ hoặc vào những ngày lễ, tết hàng năm.

Điều 7: Công tác tổ chức bảo vệ các công trình giao thông nông thôn:

1/ Các công trình giao thông đều phải đặt biển báo hiệu hướng dẫn đường bộ theo quy định của Nhà nước phù hợp vói cấp đường.

2/ Mỗi xã cần có nội quy về bảo vệ, sử dụng các công trình giao thông và trật tự an toàn giao thông, phù hợp với tình hình thực tế của địa bàn quản lý, nhưng không được trái với các quy định hiện hành của Nhà nước.

3/ Tổ quản lý giao thông xã phối hợp với các cơ quan thanh tra giao thông của tỉnh, huyện để kiểm tra, xử lý các vi phạm về giao thông công cộng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

4/ Xây dựng điển hình về công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng đường giao thông nông thôn:

- Tỉnh chọn một huyện điển hình

- Huyện chọn một xã điển hình

- Mỗi xã chọn một xóm điển hình.

Hàng năm có kiểm điểm đánh giá rút kinh nghiệm để phổ biến, nhân ra diện rộng trong huyện và toàn tỉnh.

PHẦN III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8: Sở giao thông vận tải chủ trì cùng với các sở, ngành của tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, Thị xã, các phòng giao thông, xây dựng, công nghiệp huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chửc chỉ đạo thực hiện cụ thể. Quá trình thực hiện nếu có nhửng khó khăn, vướng mắc, những việc mới phát sinh hoặc những điều không phù hợp phải báo cáo UBND tỉnh để bổ sung, sửa đổi kịp thời. Đơn vị, cá nhân nào không nghiêm chỉnh chấp hành, hoặc gây cản trở việc thực hiện quy định này, tùy theo mức độ vi phạm và mức độ thiệt hại để xử lý bằng biện pháp hành chính, kinh tế, nếu nghiêm trọng sẽ bị truy tố trước pháp luật./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Vũ Xuân Trường