Sign In

NGHỊ QUYẾT

Về việc ban hành cơ chế, chính sách thu hút bác sĩ về làm việc tại các cơ sở y tế trên

địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017 – 2020

__________________

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

KHÓA XVII,  KỲ HỌP THỨ 3

 

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Xét Tờ trình số 90/TTr-UBND ngày 27 tháng 6 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành cơ chế, chính sách thu hút bác sĩ về làm việc tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017 - 2020; Báo cáo thẩm tra số 502/BC-HĐND ngày 05 tháng 7 năm 2017 của Ban Văn hoá - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành cơ chế, chính sách thu hút bác sĩ về làm việc tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017 - 2020 với các nội dung chính như sau:

1. Đối tượng thu hút

Là các bác sĩ đang công tác ở các tỉnh ngoài và các bác sĩ tốt nghiệp đại học y khoa có nguyện vọng về công tác tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh; có trình độ chuyên môn và chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm cần thu hút; thuộc các đối tượng sau:

a) Bác sĩ được phong học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư; độ tuổi dưới 55 tuổi đối với nam và dưới 50 tuổi đối với nữ;

b) Bác sĩ có học vị Tiến sĩ, bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa cấp II, Thạc sĩ y khoa, bác sĩ chuyên khoa cấp I; độ tuổi dưới 50 tuổi đối với nam và dưới 45 tuổi đối với nữ;

c) Bác sĩ tốt nghiệp đại học y khoa.

Các đối tượng nêu trên phải là bác sĩ tốt nghiệp đại học y khoa hệ chính quy (6 năm) tại các trường: Đại học Y Hà Nội, Đại học Y dược Thái Bình, Đại học Y dược Thái Nguyên, Học viện Quân y, Đại học Y dược Hải Phòng, Đại học Y dược Huế, Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh (trừ bác sĩ đào tạo theo địa chỉ, bác sĩ hệ cử tuyển đã có chính sách riêng) và bác sĩ tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo ở nước ngoài được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận.

2. Điều kiện hỗ trợ

a) Đảm bảo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định hiện hành của Nhà nước;

b) Chấp hành sự phân công công tác của cơ quan có thẩm quyền;

c) Tự nguyện cam kết làm việc tại vị trí cần thu hút ở các cơ sở y tế có nhu cầu từ 10 năm trở lên hoặc được cấp có thẩm quyền điều chuyển đến các vị trí khác có nhu cầu thu hút tương đương.

3. Các chính sách hỗ trợ cụ thể

3.1. Chính sách thu hút bác sĩ chất lượng cao về làm việc tại các cơ sở y tế trong tỉnh:

3.1.1. Đối tượng và mức hỗ trợ:

a) Hỗ trợ một lần:

- Bác sĩ có học hàm giáo sư: 700 triệu đồng;

- Bác sĩ có học hàm phó giáo sư: 400 triệu đồng;

- Bác sĩ có học vị tiến sĩ: 300 triệu đồng;

- Bác sĩ chuyên khoa cấp II: 250 triệu đồng;

- Bác sĩ nội trú: 200 triệu đồng;

- Thạc sĩ y khoa: 150 triệu đồng;

- Bác sĩ chuyên khoa cấp I: 120 triệu đồng;

- Bác sĩ tốt nghiệp loại xuất sắc, loại giỏi tại các cơ sở đào tạo nêu trên: 100 triệu đồng.

b) Hỗ trợ hàng tháng tiền thuê nhà trong 02 năm đầu (trừ đối tượng theo Nghị định số 64/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) với mức hỗ trợ bằng 01 tháng lương cơ sở/người/tháng; trả cùng với thời điềm trả tiền lương hàng tháng.

3.1.2. Nguồn kinh phí hỗ trợ:

a) Đối với cơ sở y tế công lập;

- Ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% mức hỗ trợ một lần.

- Các cơ sở y tế công lập tự cân đối để hỗ trợ 30% mức hỗ trợ một lần và 100% mức hỗ trợ hàng tháng.

b) Đối với các cơ sở y tế ngoài công lập:

- Ngân sách tỉnh hỗ trợ một lần bằng 50% mức hỗ trợ một lần như đối với bác sĩ chất lượng cao về làm việc tại các cơ sở y tế công lập trong tỉnh.

- Khuyến khích các cơ sở y tế ngoài công lập hỗ trợ tối thiểu 50% mức hỗ trợ một lần còn lại và 100% mức hỗ trợ hàng tháng.

3.2. Chính sách thu hút bác sĩ cho Trung tâm Pháp y, các Trung tâm y tế (hệ dự phòng), Bệnh viện các huyện miền núi, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Phục hồi chức năng:

3.2.1. Đối tượng và mức hỗ trợ:

a) Đối tượng: Bác sĩ tốt nghiệp loại khá trở lên

b) Mức hỗ trợ:

- Hỗ trợ một lần: 60 triệu đồng.

- Hỗ trợ hàng tháng để thuê nhà ở trong 02 năm đầu (trừ đối tượng theo Nghị định số 64/2009/NĐ-CP của Chính phủ) với mức hỗ trợ bằng 01 tháng lương cơ sở/người/tháng; trả cùng với thời điểm trả tiền lương hàng tháng.

3.2.2. Nguồn kinh phí hỗ trợ:

a) Đối với các Trung tâm y tế hệ dự phòng (đơn vị được ngân sách nhà nước đảm bảo 100% kinh phí hoạt động thường xuyên): Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% mức hỗ trợ một lần và 100% mức hỗ trợ hàng tháng.

b) Đối với Trung tâm Pháp y, Bệnh viện các huyện miền núi, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Phục hồi chức năng:

- Ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% mức hỗ trợ một lần.

- Các cơ sở y tế công lập tự cân đối để hỗ trợ 30% mức hỗ trợ một lần và 100% mức hỗ trợ hàng tháng.

3.3. Chính sách thu hút bác sĩ cho các trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh chưa có bác sĩ (trừ trạm y tế các thị trấn, các phường thuộc thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn).

3.3.1. Đối tượng và mức hỗ trợ:

a) Đối tượng: Bác sĩ đa khoa

b) Mức hỗ trợ:

- Hỗ trợ một lần:

+ Thu hút bác sĩ cho các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong Chương trình 135 của Chính phủ ở các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ (gọi tắt là xã 135 thuộc huyện 30a): 140 triệu đồng;

+ Thu hút bác sĩ cho các xã 135 còn lại: 110 triệu đồng;

+ Thu hút bác sĩ cho các xã còn lại: 70 triệu đồng.

- Hỗ trợ hàng tháng để thuê nhà ở trong 02 năm đầu (trừ đối tượng theo Nghị định số 64/2009/NĐ-CP của Chính phủ) với mức hỗ trợ bằng 01 tháng lương cơ sở/người/tháng; trả cùng với thời điểm trả tiền lương hàng tháng.

3.3.2. Nguồn kinh phí hỗ trợ: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% mức hỗ trợ một lần và 100% mức hỗ trợ hàng tháng.

4. Các hỗ trợ khác

a) Được ưu tiên tuyển dụng ngay bằng hình thức xét tuyển và được bố trí công việc phù hợp với năng lực, sở trường và chuyên ngành được đào tạo.

b) Sau 02 năm công tác kể từ ngày được tuyển dụng, tiếp nhận, nếu có nguyện vọng và đủ điều kiện đi học sau đại học thì được ưu tiên xem xét cử đi học và được hưởng các chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học theo quy định hiện hành của pháp luật và của tỉnh.

c) Được cơ quan, đơn vị tạo điều kiện môi trường làm việc thuận lợi để phát huy năng lực và sở trường công tác; đuợc đưa vào quy hoạch và ưu tiên bổ nhiệm vào các chức vụ phù hợp khi đủ điều kiện, tiêu chuẩn.

5. Trách nhiệm bồi thường kinh phí hỗ trợ

5.1. Đối tượng được hưởng chính sách thu hút phải chịu trách nhiệm bồi thường gấp 02 lần kinh phí đã nhận (gồm kinh phí hỗ trợ một lần, kinh phí hỗ trợ thuê nhà ở) nếu vi phạm một trong các trường hợp sau:

a) Không chấp hành sự phân công công tác của cơ quan có thẩm quyền;

b) Liên tục 02 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ;

c) Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa hết thời gian cam kết làm việc tại tỉnh;

d) Tự ý bỏ việc;

e) Bị kỷ luật thôi việc.

5.2. Đối tượng được hưởng chính sách thu hút do khách quan không làm việc đủ thời gian đã cam kết và được Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý cho chấm dứt hợp đồng lao động, phải có trách nhiệm bồi hoàn kinh phí với mức tương ứng được tính như sau:

Mức kinh phí

hoàn trả

 

      =

Tổng các mức hỗ trợ đã nhận

 

      x

Số tháng chưa làm

việc theo cam kết

Số tháng cam kết làm việc

 

6. Nhu cầu bác sĩ cần thu hút và kinh phí thực hiện

6.1. Nhu cầu bác sĩ cần thu hút

Trên cơ sở biên chế hiện có và nhu cầu thực tế, số lượng bác sĩ thuộc đối tượng phải thu hút trong 04 năm dự kiến khoảng 500 người (chiếm 30% số bác sĩ thiếu), chi tiết như sau:

a) Nhu cầu thu hút bác sĩ chất lượng cao về làm việc tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh: 25 người.

b) Nhu cầu thu hút bác sĩ tốt nghiệp loại khá trở lên về làm việc tại các Trung tâm y tế (hệ dự phòng): 173 người;

c) Nhu cầu thu hút bác sĩ tốt nghiệp loại khá trở lên về làm việc tại Trung tâm Pháp y, các Bệnh viện huyện khu vực miền núi, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Phục hồi chức năng: 217 người;

d) Nhu cầu thu hút bác sĩ đa khoa về làm việc tại các trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh chưa có bác sĩ (trừ các thị trấn, các phường thuộc thành phố Thanh Hóa, thành phố sầm Sơn và các phường thuộc các thị xã): 85 người.

6.2. Dự kiến nhu cầu kinh phí hỗ trợ: Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách dự kiến khoảng 53.500 triệu đồng.

7. Nguồn kinh phí thực hiện: Từ nguồn kinh phí sự nghiệp y tế trong dự toán ngân sách tỉnh hàng năm; quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của các cơ sở y tế công lập và nguồn tự cân đối của các cơ sở y tế ngoài công lập.

Điều 2. Giao Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ Nghị quyết này và các quy định của pháp luật hiện hành tổ chức triển khai thực hiện; định kỳ báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa Khoá XVII, Kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 12 tháng 7 năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 23 tháng 7 năm 2017./.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Trịnh Văn Chiến