Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Quy định mức thu, thời hạn nộp, quản lý và sử dụng kinh phí bảo vệ,

phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

___________________

 

 ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015;

Căn cứ Luật Đất đai năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước; Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa; Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP;

Căn cứ Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 18/2016/TT-BTC ngày 21/01/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ;

Căn cứ Nghị quyết số 114/2021/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc quy định thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Công văn số 5673/STC- QLNS.TTK ngày 16/9/2021 về việc phê duyệt Quyết định quy định mức thu, thời hạn nộp, quản lý và sử dụng nguồn kinh phí bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành quy định mức thu, thời hạn nộp, quản lý và sử dụng kinh phí bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, cụ thể như sau:

I. Mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa.

1. Mức thu:

Mức thu tiền bảo vệ,

phát triển đất trồng lúa

=

50%

x

Diện tích

x

Giá   của     loại

đất trồng lúa

Trong đó:

a) Diện tích là phần diện tích đất chuyên trồng lúa nước chuyển sang đất phi nông nghiệp ghi cụ thể trong quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp của cơ quan có thẩm quyền;

b) Giá của loại đất trồng lúa được tính theo Bảng giá đất đang được áp dụng tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.

2. Thời hạn nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa:

a) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cơ quan tài chính (Sở Tài chính hoặc Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố) ký ban hành thông báo số tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa; người được nhà nước giao đất, cho thuê đất có trách nhiệm nộp đủ số tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa nêu trên vào ngân sách tỉnh, cụ thể:

- Tên tài khoản: Thu ngân sách tỉnh.

- Số hiệu tài khoản: Tài khoản 7111.

- Tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Thanh Hóa.

- Mã đơn vị quan hệ ngân sách: 1020159.

- Hạch toán Mục lục ngân sách nhà nước: Tiểu mục 4914.

b) Quá thời hạn nêu trên, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất phải nộp thêm tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

II. Quản lý sử dụng nguồn kinh phí bảo vệ, phát triển đất trồng lúa

1. Số tiền thu được theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Quyết định này; nguồn kinh phí hỗ trợ theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ được sử dụng

 

2. để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa và các nguồn huy động hợp pháp khác (nếu có).

3. Địa phương sử dụng kinh phí hỗ trợ từ tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa khi chuyển đất trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính Phủ).

4. Việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí bảo vệ, phát triển đất trồng lúa được thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 18/2016/TT- BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính; quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Xác nhận diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định tại Khoản 2 Điều 5a Nghị định số 35/2015/NĐ- CP của Chính phủ (được bổ sung tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 62/2019/NĐ- CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ) và gửi đến người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, làm căn cứ để lập hồ sơ nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa. Chỉ trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất sau khi người sử dụng đã hoàn thành việc nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định.

b) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xác định cụ thể diện tích, ranh giới đất trồng lúa ngoài thực địa, lập bản đồ đất trồng lúa. Chủ trì, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết các vướng mắc trong việc xác định diện tích, loại đất chuyên trồng lúa nước chuyển mục đích sử dụng sang đất phi nông nghiệp.

c) Hàng năm trước ngày 15 tháng 7, căn cứ kế hoạch chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, tổng hợp diện tích đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh chi tiết đến từng huyện, thị xã, thành phố của năm trước liền kề, đồng thời dự kiến diện tích đất trồng lúa năm báo cáo và 03 năm tiếp theo và gửi về Sở Tài chính để tổng hợp, xây dựng dự toán, báo cáo Bộ Tài chính theo quy định.

d) Hàng năm trước ngày 31 tháng 12, tổng hợp tình hình quản lý và sử dụng đất trồng lúa của các huyện, thị xã, thành phố báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng thời, gửi về Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, theo dõi; chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các ngành, đơn vị có liên quan, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa của các địa phương trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Tài chính:

a) Xác định số tiền phải nộp đối với diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải nộp và thông báo cho người được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại Khoản 3 Điều 5a Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ (được bổ sung tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ).

b) Căn cứ số thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa, nguồn kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ và tình hình thực tế, chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và đơn vị liên quan, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí theo quy định.

a) Tổng hợp kết quả thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa, đồng thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Tài chính bổ sung kinh phí theo quy định.

3. Sở Nông nghiệp và PTNT:

a) Chủ trì, tổ chức hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố lập phương án khai hoang, phục hóa, cải tạo các vùng đất chưa sử dụng đất trồng lúa kém chất lượng, đất trồng trọt khác thành đất chuyên trồng lúa nước, thẩm định, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

b) Phân tích chất lượng hóa, lý tính các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất chất lượng cao định kỳ 10 năm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện. Đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện theo phương án được duyệt; tổng hợp kết quả hàng năm, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

4. Cục Thuế tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính xác định tiền chậm nộp theo quy định pháp luật về quản lý thuế đối với trường hợp nộp chậm quá thời hạn theo quy định tại thông báo nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa và thông báo cho người cho người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất phải nộp tiền chậm nộp (nếu có); đồng thời, gửi về Sở Tài nguyên và môi trường, Kho bạc Nhà nước tỉnh.

5. Kho bạc Nhà nước tỉnh thực hiện thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa và tiền chậm nộp (nếu có); cung cấp chứng từ nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa cho người nộp tiền để hoàn thiện hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa; đồng thời, gửi về Cục Thuế tỉnh để xác định tiền chậm nộp theo quy định (nếu có).

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

a) Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường xác nhận diện tích đất trồng lúa phải nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định, gửi đến người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất làm căn cứ để xác định số tiền phải nộp.

b) Chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch xác định số tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa phải nộp theo quy định và thông báo cho người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

c) Tổ chức rà soát đôn đốc thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn thuộc thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố. Trường hợp thời gian nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa quá thời hạn theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Quyết định này, chỉ đạo cơ quan Thuế cùng cấp và Kho bạc Nhà nước huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nộp tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

d) Quyết định bàn giao đất sau khi người sử dụng đất nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định.

e) Tổng hợp kết quả thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa; diện tích đất chuyên trồng lúa nước đã thực hiện chuyển mục đích sử dụng sang đất phi nông nghiệp thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố quyết định giao đất, cho thuê đất và gửi về các sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp.

g) Chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan, thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2, khoản 10 Điều 1 Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2021.

2. Quyết định này thay thế Quyết định số 2721/2016/QĐ-UBND ngày 21/7/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quy định mức thu và quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở: Tài chính, Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa; Cục trưởng Cục Thuế tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các ngành, đơn vị và các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Đỗ Minh Tuấn