• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 18/12/2010
HĐND TỈNH THANH HÓA
Số: 164/2010/NQ-HĐND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thanh Hóa, ngày 8 tháng 12 năm 2010

NGHỊ QUYẾT

Về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011

________________

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ 18

 

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 114/2009/QĐ-TTg ngày 28/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020;         

Sau khi xem xét Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2011; Báo cáo số 206/BC.HĐND-VHXH ngày 30 tháng 11 năm 2010 của Ban Văn hóa – Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh về tổng hợp nội dung thẩm tra của các ban và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

            I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2010      

Thực hiện kế hoạch năm 2010 trong bối cảnh có những thuận lợi, song cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu điện trầm trọng, sâu bệnh, hạn hán kéo dài trên diện rộng, nước mặn xâm thực sâu vào đất liền ở một số huyện ven biển, lãi suất tín dụng cao và giá cả thị trường có xu hướng tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Trong bối cảnh đó, nhờ sự giúp đỡ của trung ương, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng sự nỗ lực phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; kinh tế - xã hội tỉnh ta tiếp tục có bước phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,7%, cao nhất từ trước đến nay; thu ngân sách nhà nước vượt dự toán đề ra; kết cấu hạ tầng tiếp tục được tăng cường; văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống nhân dân được cải thiện; chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại hạn chế, đó là: chất lượng tăng trưởng chưa có nhiều chuyển biến; khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và nền kinh tế còn thấp; một số lĩnh vực như việc làm, hoạt động liên kết đào tạo còn nhiều bất cập; tiến độ thực hiện một số dự án xã hội hoá lĩnh vực y tế, giáo dục còn chậm; kết quả xoá đói, giảm nghèo chưa bền vững; tai nạn giao thông còn ở mức cao.

II. MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU NĂM 2011

1. Mục tiêu tổng quát

Tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; nâng cao tốc độ và chất lượng tăng trưởng; nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tập trung đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy mạnh xã hội hoá và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá - xã hội; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, các chương trình xoá đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm và giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội. Lấy chủ đề năm 2011 là "Năm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh" để thống nhất nhận thức và hành động trong chỉ đạo, điều hành.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu                                                                        

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 14,5%, trong đó: nông, lâm, thủy sản tăng 2,8%; công nghiệp - xây dựng tăng 19,8%; dịch vụ tăng 13,9%.

- GDP bình quân đầu người đạt 950 USD.

- Cơ cấu các ngành kinh tế: nông, lâm, thủy sản chiếm 22%; công nghiệp - xây dựng chiếm 43,2%; dịch vụ chiếm 34,8%.

- Sản lượng lương thực đạt 1,6 triệu tấn trở lên.

- Giá trị hàng hoá xuất khẩu đạt 460 triệu USD trở lên.

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 39.000 tỷ đồng.

- Thu ngân sách nhà nước vượt 5% trở lên so với chỉ tiêu TW giao.

- Giải quyết việc làm cho 57.000 lao động.

- Tỷ lệ lao động được đào tạo đạt 43%.

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm 3 - 4% theo chuẩn mới.

- Tốc độ tăng dân số tự nhiên dưới 0,7%.

- 78% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.

- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 22,8%.

- Tỷ lệ che phủ rừng đạt 49,6%.

- Tỷ lệ dân số nông thôn dùng nước hợp vệ sinh đạt 72% (tiêu chí mới).

- Tỷ lệ chất thải rắn, chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt 79%.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Tập trung rà soát, điều chỉnh và xây dựng các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển các ngành, sản phẩm chủ yếu, theo hướng bảo đảm các quy hoạch có tầm nhìn chiến lược, khai thác tốt thế mạnh của các địa phương. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống các cơ chế, chính sách tỉnh đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, xây dựng một số cơ chế, chính sách mới nhằm thúc đẩy sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực.

Hoàn thành các đề án để triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2011 các chương trình trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

2. Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; tiến hành xây dựng chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; quy hoạch và triển khai xây dựng vùng sản xuất rau an toàn. Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Đề án xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; tổng kết, nhân ra diện rộng mô hình hợp tác có hiệu quả giữa nông dân với doanh nghiệp trong phát triển vùng nguyên liệu mía.

Tháo gỡ vướng mắc về đất đai, vốn và cơ chế đầu tư để đẩy mạnh trồng rừng sản xuất, trồng cao su. Xây dựng đề án phát triển mô hình nông lâm kết hợp ở miền núi nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Phát triển thuỷ sản cả nuôi trồng và đánh bắt; khuyến khích khai thác xa bờ, nghiên cứu cơ chế hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu xa khơi, tàu dịch vụ phục vụ khai thác hải sản; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, đồng thời tiến hành quy hoạch để hình thành các đô thị nghề cá. 

Tập trung nguồn lực đầu t­ư hạ tầng kinh tế - xã hội ở các xã điểm và hoàn thành việc lập quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới trước tháng 12/2011.

- Rà soát và khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp theo hướng sử dụng công nghệ hiện đại, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và nông thôn. Phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp dự kiến hoàn thành trong năm và chuẩn bị tốt các điều kiện để sớm khởi công Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn.

Nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho mở rộng Khu kinh tế Nghi Sơn, đáp ứng yêu cầu phát triển trong những năm tới. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các Khu công nghiệp Bỉm Sơn, Đình Hương, Hoằng Long; tiến hành quy hoạch Khu công nghiệp Bắc Tp. Thanh Hoá, Khu công nghiệp Nam Tp. Thanh Hoá; hỗ trợ đầu tư hạ tầng một số cụm công nghiệp ở các huyện, nhất là các huyện dọc đường Hồ Chí Minh. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề ở nông thôn.

- Quan tâm phát triển thương mại nội địa, nhất là ở những vùng nông thôn, miền núi gắn với thực hiện tốt cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao; đổi mới các chương trình xúc tiến thương mại theo hướng chú trọng vào khâu tổ chức và cung cấp thông tin thị trường.

Đẩy mạnh đầu tư các công trình hạ tầng du lịch, nhất là đô thị du lịch Sầm Sơn; tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch của tỉnh, quan tâm phối hợp với các tỉnh bạn để tổ chức liên kết các hoạt động du lịch. Hoàn chỉnh đề án phát triển Thanh Hóa thành địa bàn trọng điểm du lịch quốc gia.

Tạo điều kiện thuận lợi để các ngân hàng, tổ chức tài chính mở chi nhánh hoặc văn phòng đại diện trên địa bàn tỉnh. Tổng kết, đánh giá các dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin để xây dựng đề án cơ chế, chính sách phát triển các lĩnh vực này.     

3. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng.

Tổ chức thực hiện tốt việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đổi mới công tác vận động, xúc tiến đầu tư, tập trung vào các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế lớn ở các quốc gia có tiềm năng.

Nghiên cứu xây dựng cơ chế huy động các nguồn vốn đầu tư từ vốn khai thác quỹ đất, vốn đầu tư của các doanh nghiệp, tổ chức, tư nhân đầu tư theo các hình thức xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT), xây dựng – chuyển giao (BT), đối tác công - tư (PPP)… để đầu tư kết cấu hạ tầng.

Xúc tiến đầu tư, hoàn thành các dự án quan trọng như: dự án nạo vét luồng tàu cho tàu 30.000 tấn ra, vào cảng Nghi Sơn; chuẩn bị đầu tư sân bay dân dụng tại huyện Tĩnh Gia; tạo điều kiện thuận lợi để triển khai đầu tư và xúc tiến đầu tư một số tuyến đường giao thông quan trọng như: nâng cấp Quốc lộ 1A, đường Bỉm Sơn - đảo Nẹ...; triển khai đầu tư thư viện, trung tâm triển lãm tỉnh, nghiên cứu để xây dựng một số nhà ở chung cư cho công nhân ở các khu công nghiệp. 

- Nâng cao hiệu quả đầu tư từ ngân sách theo hướng đầu tư tập trung; đối với nguồn vốn cân đối ngân sách, ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA và các dự án Trung ương đầu tư trên địa bàn; tập trung đầu tư cho các dự án trọng điểm ở thành phố Thanh Hoá, thị xã Sầm Sơn, Bỉm Sơn và đô thị Ngọc Lặc. Đối với nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu và vốn TPCP, bố trí bảo đảm mục tiêu của Trung ương, đầu tư dứt điểm các dự án chuyển tiếp, đồng thời lựa chọn và khởi công một số dự án quan trọng để tranh thủ tối đa các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương.

Tăng cường công tác giám sát chất lượng của các sở chuyên ngành, giám sát của cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng các công trình xây dựng. Xử lý nghiêm đối với các chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn, thi công có nhiều gói thầu triển khai chậm trễ, chất lượng công trình không đảm bảo quy định.

4. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị; hạn chế việc điều chỉnh lại các quy hoạch xây dựng đã được duyệt; rà soát, ban hành quy chế quản lý kiến trúc đô thị; chấn chỉnh công tác quản lý và cấp phép xây dựng. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống đô thị của tỉnh đến năm 2020; xây dựng Đề án phát triển Tp. Thanh Hóa lên đô thị loại I, các thị xã Sầm Sơn, Bỉm Sơn lên đô thị loại III và một số đô thị lên loại IV trước năm 2015.

5. Thực hiện các biện pháp tăng thu, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước; tăng cường quản lý, bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt các chính sách tín dụng của Trung ương trên địa bàn tỉnh, bảo đảm huy động vốn và đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

6. Đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp khoa học; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ.

Nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, đội ngũ nhà giáo gắn với đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục; đánh giá lại đội ngũ giáo viên và hệ thống giáo dục mầm non; hoàn thiện và nâng cao chất lượng đề án phát triển Trường THPT chuyên Lam Sơn; tổng kết việc thực hiện đề án liên kết đào tạo đại học với nước ngoài; bổ sung, hoàn chỉnh chiến lược phát triển Trường Đại học Hồng Đức; triển khai thực hiện tốt đề án dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học; đề án phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động liên kết đào tạo.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án cải tạo, nâng cấp các bệnh viện. Khuyến khích đầu tư các cơ sở y tế ngoài công lập. Củng cố mạng lưới y tế cơ sở gắn với cải thiện chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế. Tăng cường quản lý nhà nước về thuốc chữa bệnh và công tác y tế dự phòng; thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm. Hoàn thiện và triển khai thực hiện đề án nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các bệnh viện: đa khoa tỉnh, nhi và phụ sản; xây dựng đề án nâng cao chất lượng hoạt động của các trạm y tế xã.

Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa thể thao nhân các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của đất nước và của tỉnh. Tiếp tục bổ sung hoàn thiện hồ sơ khoa học di tích Thành nhà Hồ, hang Con Moong trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Chuẩn bị tốt lực lượng vận động viên tham gia các giải thi đấu quốc gia, quốc tế; củng cố nâng cao thành tích thi đấu của đội bóng đá Thanh Hóa.

Rà soát lại các đề án: đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ để có giải pháp thực hiện hiệu quả hơn; Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp đỡ đầu các huyện nghèo phát triển sản xuất.

7. Tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy; nâng cao hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn. Xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu; nghiên cứu một số dự án để giữ nước ngọt, ngăn nước mặn xâm thực vào đất liền, có phương án bố trí dân ra khỏi vùng nguy hiểm, có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất.

Thực hiện tốt quy chế đấu giá quyền khai thác mỏ vật liệu xây dựng; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng triển khai dự án đầu tư để khai thác khoáng sản trái phép. Tăng cường quản lý đất đai theo Luật đất đai và các quy hoạch sử dụng đất đã duyệt.

Giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp, khu đông dân cư, các bệnh viện... Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cải thiện môi trường, thu gom, xử lý và tái chế chất thải. Đẩy mạnh triển khai Chương trình về nước sạch và vệ sinh môi trường. Tăng cường việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người dân trong bảo vệ môi trường.

8. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Rà soát, hoàn chỉnh các quy định về phân cấp, ủy quyền quản lý nhằm phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành; tiếp tục thực hiện tốt giai đoạn 2 - đề án 30 của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính. Trong chỉ đạo, điều hành vừa bảo đảm tính toàn diện vừa có trọng tâm, trọng điểm; cần tập trung chỉ đạo rà soát các quy hoạch, hệ thống cơ chế, chính sách; phát triển hạ tầng Khu kinh tế, các khu công nghiệp, khu đô thị, thực hiện các dự án lớn và các vấn đề phát sinh.

9. Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm sử dụng vũ khí nóng; tăng cường các biện pháp giảm thiểu tai nạn giao thông. Thực hiện tốt công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý kịp thời, dứt điểm các vụ việc ngay từ cơ sở; bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Hội đồng nhân dân tỉnh giao Uỷ ban nhân dân tỉnh triển khai, chỉ đạo các ngành, các cấp chủ động tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2011.

Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp vận động nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua yêu nước nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2011.

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XV, kỳ họp thứ 18 thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2010./.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Mai Văn Ninh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.