• Hiệu lực: Chưa có hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/01/2024
BỘ QUỐC PHÒNG
Số: 99/2023/TT-BQP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2023

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ KIỂM ĐỊNH AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG XE CƠ GIỚI TRONG BỘ QUỐC PHÒNG

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 01/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Theo đề nghị của Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật;

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới trong Bộ Quốc phòng.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc quyền quản lý của Bộ Quốc phòng sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các trung tâm, trạm kiểm định an toàn kỹ thuật xe - máy quân sự; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc quyền quản lý của Bộ Quốc phòng, các tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới trong Bộ Quốc phòng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Doanh nghiệp thuộc quyền quản lý của Bộ Quốc phòng (sau đây gọi là doanh nghiệp) là doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh theo quy định tại Nghị định số 16/2023/NĐ-CP ngày 25/4/2023 của Chính phủ về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh; sửa đổi quy định tại điểm g khoản 1 Điều 23 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp.

2. Xe cơ giới quân sự là xe cơ giới được trang bị cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, do Bộ Quốc phòng trực tiếp đăng ký, quản lý, sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.

3. Xe cơ giới của doanh nghiệp là xe cơ giới sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh không thuộc trường hợp xe cơ giới quân sự quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Cải tạo xe cơ giới là việc thay đổi tính năng sử dụng hoặc thay đổi hệ thống, tổng thành của xe cơ giới.

5. Cơ sở kiểm định là các trung tâm, trạm kiểm định an toàn kỹ thuật xe - máy quân sự được thành lập theo Quyết định của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

6. Kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới (sau đây gọi là kiểm định) là việc kiểm tra, đánh giá lần đầu và định kỳ tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng.

7. Chu kỳ kiểm định là khoảng thời gian tính bằng tháng giữa hai lần kiểm định.

8. Phiếu kiểm định là bản xác nhận kết quả kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của từng xe cơ giới khi kiểm định.

9. Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới (sau đây gọi là Giấy chứng nhận kiểm định) là bản xác nhận xe cơ giới đó đã được kiểm định đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng về toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, đủ điều kiện tham gia giao thông đường bộ.

10. Tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới (sau đây gọi là Tem kiểm định) là biểu trưng do các cơ sở kiểm định cấp, dán lên xe cơ giới sau khi đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm định và được phép tham gia giao thông đường bộ theo thời hạn ghi trên Tem kiểm định.

11. Chỉ huy cơ sở kiểm định là giám đốc, phó giám đốc trung tâm kiểm định; trạm trưởng trạm kiểm định thuộc Bộ Quốc phòng.

12. Kiểm định viên là người có đủ trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm được tập huấn (đào tạo) cấp Giấy chứng nhận, Thẻ kiểm định viên theo quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng để thực hiện một phần hoặc toàn bộ việc kiểm định xe cơ giới.

13. Chương trình quản lý kiểm định là hệ thống phần mềm do Cục Xe - Máy/Tổng cục Kỹ thuật xây dựng để quản lý cơ sở dữ liệu kiểm định và quản lý công tác kiểm định xe cơ giới, được sử dụng tại các cơ sở kiểm định và Cục Xe - Máy/Tổng cục Kỹ thuật.

Điều 4. Những hành vi không được thực hiện

1. Kiểm định không đủ nội dung, không đúng quy trình, quy định; làm sai lệch kết quả kiểm định.

2. Kiểm định khi thiết bị kiểm tra bị hư hỏng; sử dụng phương tiện đo, thiết bị kiểm tra không được kiểm định, hiệu chuẩn hoặc kiểm tra kỹ thuật đo lường theo quy định.

3. Bố trí người thực hiện kiểm định trên dây chuyền kiểm định không đủ, không đúng quy định.

4. Tự ý in phôi Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định để sử dụng.

5. Sửa đổi các nội dung in, ghi trên Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định; tự ý bóc, dán Tem kiểm định.

6. Có hành vi tiêu cực, sách nhiễu trong quá trình kiềm định.

7. Kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định, dán Tem kiểm định cho xe cơ giới của doanh nghiệp: Hết niên hạn sử dụng, không nộp phí sử dụng đường bộ theo quy định của pháp luật.

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ KIỂM ĐỊNH

Điều 5. Đối tượng, thẩm quyền kiểm định

1. Xe cơ giới phải được kiểm đinh trên dây chuyền kiểm định cố định hoặc cơ động (trừ các trường hợp được miễn kiểm định lần đầu theo quy định tại Điều 10 Thông tư này).

2. Việc cơ động kiểm định chỉ áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo không có điều kiện đưa xe cơ giới đến cơ sở kiểm định (khoảng cách từ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đến cơ sở kiểm định phải có bán kính lớn hơn 50 km); nhóm xe tác chiến; xe cứu thương, cứu hoả, xe làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn; xe quá khổ, quá tải không vào được dây chuyền kiểm định.

3. Chỉ huy cơ sở kiểm định kết luận, ký tên, đóng dấu trên Phiếu kiểm định, Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm định.

Điều 6. Hồ sơ kiểm định lần đầu

1. Xe cơ giới quân sự

a) Công văn hoặc Giấy giới thiệu đề nghị kiểm định do chỉ huy cơ quan, đơn vị cấp Trung đoàn hoặc tương đương trở lên ký tên, đóng dấu theo quy định;

b) Chứng nhận đăng ký xe; Lý lịch xe (chỉ áp dụng đối với xe cơ giới quân sự đã đăng ký);

c) Biển số tạm thời (chỉ áp dụng đối với xe cơ giới quân sự chưa hoàn thành thủ tục đăng ký);

d) Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật xe cơ giới quân sự cải tạo (chỉ áp dụng đối với xe cơ giới quân sự cải tạo).

2. Xe cơ giới của doanh nghiệp

a) Công văn hoặc Giấy giới thiệu đề nghị kiểm định do giám đốc hoặc phó giám đốc doanh nghiệp ký tên, đóng dấu theo quy định;

b) Chứng nhận đăng ký xe;

c) Bản sao Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới (chỉ áp dụng đối với xe cơ giới nhập khẩu);

d) Bản sao Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng (chỉ áp dụng đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp trong nước);

đ) Bản sao Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo (chỉ áp dụng đối với xe cơ giới cải tạo).

Điều 7. Hồ sơ kiểm định định kỳ

1. Xe cơ giới quân sự: Thực hiện theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 6 Thông tư này.

2. Xe cơ giới của doanh nghiệp: Thực hiện theo quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 6 Thông tư này.

3. Lập hồ sơ kiểm định

a) Cơ sở kiểm định tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra giấy tờ theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 6 và khoản 1, 2 Điều này; nếu không đầy đủ thì hướng dẫn cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp bổ sung hoàn thiện;

b) Cơ sở kiểm định in thông số kỹ thuật của xe cơ giới từ cơ sở dữ liệu quản lý thực lực của Cục Xe - Máy; kiểm tra xe cơ giới và đối chiếu với các giấy tờ và bản in thông số kỹ thuật. Trường hợp thông số kỹ thuật xe cơ giới chưa có trong cơ sở dữ liệu thì cơ sở kiểm định phải lập Phiếu hồ sơ xe cơ giới theo Mẫu số 01 Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này trong chương trình quản lý kiểm định;

c) Nếu kết quả kiểm tra, đối chiếu đạt yêu cầu thì nhập thông số kỹ thuật, thông tin hành chính của xe cơ giới vào chương trình quản lý kiểm định, ghi sổ theo dõi xe vào kiểm định; in Phiếu hồ sơ xe cơ giới (chỉ áp dụng đối với xe cơ giới kiểm định lần đầu hoặc chưa có trong cơ sở dữ liệu);

d) Chụp 02 ảnh tổng thể rõ biển số của xe cơ giới để lưu (ảnh ở góc chéo khoảng 45 độ từ phía trước bên cạnh xe và ảnh từ phía sau góc đối diện, có thể hiện thời gian chụp trên ảnh).

Điều 8. Chu kỳ kiểm định

Chu kỳ kiểm định xe cơ giới được thực hiện theo quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 9. Nội dung, phương pháp kiểm tra

1. Nội dung, phương pháp kiểm tra trên dây chuyền kiểm định cố định hoặc cơ động thực hiện theo quy định tại Bảng 1 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Hạng mục, nội dung kiểm tra các công đoạn trên dây chuyền kiểm định cố định hoặc cơ động thực hiện theo quy định tại Bảng 2 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này, gồm 05 công đoạn sau:

a) Công đoạn 1: Kiểm tra nhận dạng, tổng quát;

b) Công đoạn 2: Kiểm tra phần trên của xe cơ giới;

c) Công đoạn 3: Kiểm tra hiệu quả phanh và trượt ngang;

d) Công đoạn 4: Kiểm tra môi trường;

đ) Công đoạn 5: Kiểm tra phần dưới của xe cơ giới.

3. Trường hợp cơ động kiểm định phải thực hiện đầy đủ các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều này và thực hiện thêm các nội dung quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 10. Miễn kiểm định

1. Xe cơ giới mới sản xuất, lắp ráp dưới 02 năm kể từ năm sản xuất, lắp ráp; chưa qua sử dụng, đã được đăng ký cấp Chứng nhận đăng ký xe, Biển số đăng ký theo quy định của pháp luật.

2. Xe cơ giới được miễn kiểm định lần đầu không phải đưa xe đến cơ sở kiểm định (cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mang hồ sơ đến cơ sở kiểm định để nhập dữ liệu kiểm định theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Thông tư này).

Điều 11. Kết quả kiểm định

1. Kết quả kiểm định từng nội dung do các kiểm định viên kiểm tra, đánh giá và ghi vào Phiếu kiểm định, báo cáo chỉ huy cơ sở kiểm định kết luận, ký tên, đóng dấu theo quy định (trừ xe cơ giới được miễn kiểm định lần đầu).

2. Cấp Giấy chứng nhận kiểm định, dán Tem kiểm định

a) Xe cơ giới sau kiểm định đủ 5 công đoạn, đạt yêu cầu các nội dung theo quy định tại Bảng 2 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này được cấp Giấy chứng nhận kiểm định, dán Tem kiểm định. Trường hợp xe cơ giới sau kiểm định không đạt yêu cầu thì cơ sở kiểm định phải thông báo rõ nội dung, hạng mục không đạt yêu cầu cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp biết để sửa chữa, khắc phục và tổ chức kiểm định lại các nội dung, hạng mục đó;

b) Xe cơ giới thuộc trường hợp miễn kiểm định lần đầu được cấp Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực tiếp dán Tem kiểm định lên xe cơ giới theo quy định tại khoản 4, Điều 13 Thông tư này;

c) Thời hạn có hiệu lực kiểm định của xe cơ giới được ghi trực tiếp trong Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định và cấp theo chu kỳ kiểm định.

Điều 12. Phiếu kiểm định và Giấy chứng nhận kiểm định

1. Phiếu kiểm định được in đen trắng trên giấy double A, loại 70gsm, khổ A4 (210 x 297mm) theo quy định tại Mẫu số 02 Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Giấy chứng nhận kiểm định được in màu hai mặt trên giấy double A, loại 150gsm, khổ A5 (210 x 148mm) theo quy định tại Mẫu số 03 Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Phiếu kiểm định, Giấy chứng nhận kiểm định chỉ có giá trị khi ghi đầy đủ nội dung và được chỉ huy cơ sở kiểm định kỹ ghi rõ họ tên, đóng dấu theo quy định.

Điều 13. Tem kiểm định

1. Tem kiểm định hình tròn, đường kính 95mm, được dán màng nilon bảo vệ; in màu hai mặt trên giấy double A, loại 80gsm theo quy định tại Mẫu số 04 Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Tem kiểm định chỉ có giá trị khi ghi đầy đủ nội dung và được chỉ huy sở kiểm định ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu theo quy định.

3. Tem kiểm định do kiểm định viên trực tiếp dán lên xe cơ giới sau kiểm định đạt yêu cầu (trừ trường hợp xe cơ giới được miễn kiểm định lần đầu).

4. Tem kiểm định được dán bên trong, phía trên bên phải kính chắn gió theo chiều tiến của xe. Đối với rơ moóc và sơ mi rơ moóc Tem kiểm định được dán vào khung xe, gần vị trí lắp Biển số đăng ký.

5. Trường hợp vì lý do khách quan Tem kiểm định bị mất, hỏng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp làm văn bản đề nghị cơ sở kiểm định đã kiểm định trước đó để cấp đổi Tem kiểm định.

6. Tem kiểm định hết hiệu lực một trong các trường hợp sau:

a) Sau ngày có hiệu lực được ghi trên Tem kiểm định;

b) Xe cơ giới đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định mới;

c) Xe cơ giới bị tai nạn, hư hỏng đến mức không đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định;

d) Cải tạo, sửa chữa lớn, sửa chữa vừa các cụm, hệ thống liên quan đến an toàn (thay thế cụm động cơ, hệ thống phanh, hệ thống lái);

đ) Tem kiểm định bị tẩy, xoá, bong tróc.

Điều 14. Báo cáo công tác kiểm định

Chế độ báo cáo kết quả kiểm định và kết quả sử dụng phôi Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định về cơ quan nghiệp vụ cấp trên trực tiếp quản lý và Cục Xe - Máy/Tổng cục Kỹ thuật theo quy định sau:

1. Tiêu đề, loại báo cáo:

a) Báo cáo kết quả tháng..., phương hướng nhiệm vụ tháng.... (từ ngày 26 tháng trước đến ngày 25 tháng tiếp theo);

b) Báo cáo kết quả quý I, phương hướng nhiệm vụ quý II;

c) Báo cáo kết quả 6 tháng đầu năm, phương hưởng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm;

d) Báo cáo kết quả 9 tháng, phương hướng nhiệm vụ quý IV;

đ) Báo cáo kết quả năm.

2. Nội dung, thể thức trình bày: Theo Mẫu số 05, Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Thời gian báo cáo:

a) Báo cáo kết quả tháng: Ngày 26 hằng tháng;

b) Báo cáo kết quả quý: Ngày 10 của tháng cuối quý;

c) Báo cáo kết quả năm: Ngày 10 tháng 11 hằng năm.

4. Hình thức gửi, nhận báo cáo: Gửi trực tiếp hoặc gửi qua quân bưu, qua hệ thống thư điện tử quân sự.

Điều 15. Lưu trữ hồ sơ, dữ liệu kiểm định

1. Cơ sở kiểm định phải quản lý, lưu trữ hồ sơ kiểm định theo quy định của pháp luật về lưu trữ, bao gồm:

a) Phiếu hồ sơ xe cơ giới (chỉ áp dụng đối với xe cơ giới kiểm định lần đầu);

b) Sổ theo dõi xe cơ giới vào kiểm định;

c) Phiếu kiểm định của từng xe cơ giới;

d) Kết quả đo, kiểm tra các thông số kỹ thuật của từng xe cơ giới theo nội dung kiểm tra (nếu có);

đ) Các loại giấy tờ quy định tại điểm d khoản 1 và điểm c, d, đ khoản 2 Điều 6 Thông tư này (chỉ áp dụng đối với xe cơ giới kiểm định lần đầu).

2. Dữ liệu kiểm định được lưu trữ tại cơ sở kiểm định và trên cơ sở dữ liệu chương trình quản lý kiểm định tại Cục Xe - Máy/Tổng cục Kỹ thuật.

3. Thời gian lưu trữ

a) Hồ sơ kiểm định do cơ sở kiểm định lập, lưu trữ và lập biên bản hủy tại cơ sở kiểm định sau thời hạn 04 năm (48 tháng) kể từ ngày kiểm định;

b) Cơ sở dữ liệu kiểm định được lưu trữ 05 năm (60 tháng) kể từ ngày kiểm định.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ, DOANH NGHIỆP

Điều 16. Bộ Tổng Tham mưu

Chỉ đạo Cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tham mưu và giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về kiểm định xe cơ giới trong Bộ Quốc phòng.

Điều 17. Tổng cục Kỹ thuật

1. Giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện và quản lý tổ chức hoạt động kiểm định xe cơ giới trong Bộ Quốc phòng theo đúng quy định của pháp luật.

2. Chỉ đạo Cục Xe - Máy:

a) Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra các cơ sở kiểm định; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc kiểm định xe cơ giới theo đúng quy định tại Thông tư này;

b) Xây dựng nội dung, chương trình và tổ chức tập huấn cấp Giấy chứng nhận, Thẻ kiểm định viên cho các đối tượng theo quy định;

c) Xây dựng phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, quản lý công tác kiểm định xe cơ giới; hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở kiểm định và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan khai thác, sử dụng;

d) Kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ và đột xuất hoạt động kiểm định của các cơ sở kiểm định, tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định; trong quá trình kiểm tra, giám sát nếu phát hiện sai phạm, tùy theo mức độ vi phạm tiến hành lập biên bản đình chỉ hoạt động, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật, kỷ luật Quân đội;

đ) In, quản lý và cấp phát các loại phôi Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định quy định tại khoản 2 Điều 12 và khoản 1 Điều 13 Thông tư này.

Điều 18. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp

1. Duy trì thực hiện nghiêm công tác kiểm định xe cơ giới do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mình đang quản lý, sử dụng theo quy định tại Thông tư này.

2. Sửa chữa, khắc phục kịp thời các nội dung, hạng mục không đạt yêu cầu theo thông báo của cơ sở kiểm định và đề nghị cơ sở kiểm định kiểm định lại các nội dung, hạng mục đó.

3. Chịu trách nhiệm duy trì tốt tình trạng kỹ thuật của xe cơ giới giữa hai kỳ kiểm định.

Điều 19. Cơ quan, đơn vị có cơ sở kiểm định

Phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát cơ sở kiểm định thuộc quyền duy trì thực hiện nghiêm hoạt động kiểm định xe cơ giới đúng, đủ nội dung theo quy định tại Thông tư này.

Điều 20. Các cơ sở kiểm định

1. Chịu sự hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm định xe cơ giới của Cục Xe - Máy và cơ quan nghiệp vụ cấp trên theo quy định tại Thông tư này.

2. Thực hiện kiểm định xe cơ giới đúng, đủ nội dung theo quy định tại Thông tư này.

3. Lập hồ sơ kiểm định xe cơ giới.

4. Quản lý, sử dụng phôi Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định và tự in phôi Phiếu kiểm định theo quy định tại khoản 1 Điều 12 để sử dụng theo quy định tại Thông tư này.

5. Kiểm tra, đánh giá, kết luận trung thực kết quả kiểm định các loại xe cơ giới theo đúng quy định tại Thông tư này.

6. Cấp giấy Chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới đã kiểm định đạt yêu cầu, đủ điều kiện tham gia giao thông.

7. Trực tiếp dán Tem kiểm định lên xe cơ giới (trừ các trường hợp xe cơ giới được miễn kiểm định lần đầu).

8. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo công tác kiểm định theo quy định tại Điều 14 Thông tư này.

9. Lưu trữ hồ sơ, dữ liệu kiểm định và hủy theo quy định tại Điều 15 Thông tư này.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 21. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2024, thay thế Thông tư số 34/2010/TT-BQP ngày 08 tháng 4 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô quân sự.

2. Trường hợp các văn bản viện dẫn trong Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

3. Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định đã được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được sử dụng đến hết thời hạn ghi trên Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định.

Điều 22. Trách nhiệm thi hành

Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Thượng tướng Lê Huy Vịnh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.