• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/10/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 15/02/2017
BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
Số: 16/2010/TT-BTTTT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 19 tháng 7 năm 2010

THÔNG TƯ

Quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo chí in, xuất bản số phụ, xuất bản phụ trương, xuất bản đặc san

_____________________________________________________

Căn cứ Luật Báo chí và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí ngày 12 tháng 6 năm 1999;

Căn cứ Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí;

Căn cứ Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo chí in như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo chí in, xuất bản số phụ, xuất bản phụ trương, xuất bản đặc san theo quy định tại Điều 19, Điều 21 Luật Báo chí và Điều 13, Điều 14 Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí.

Điều 2. Đối tượng được xin phép hoạt động báo chí in

Các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội (gọi chung là tổ chức) có đủ điều kiện được đứng tên xin phép hoạt động báo chí.

Những cơ quan, tổ chức đứng tên xin phép hoạt động báo chí gọi chung là cơ quan chủ quản báo chí.

Điều 3. Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động báo chí in.

1. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động báo chí theo quy định pháp luật và theo quy định tại Thông tư này.

2. Cục trưởng Cục Báo chí cấp giấy phép xuất bản đặc san, cấp giấy phép xuất bản phụ trương cho các cơ quan báo chí, các tổ chức theo quy định của pháp luật và quy định tại Thông tư này.

Điều 4. Hiệu lực của giấy phép

1. Giấy phép hoạt động báo chí in có hiệu lực trong thời hạn mười (10) năm kể từ ngày ký giấy phép;

2. Thời gian hiệu lực của giấy phép xuất bản đặc san, xuất bản số phụ, phụ trương được cơ quan quản lý nhà nước về báo chí quy định trong từng giấy phép.

3. Sau 90 ngày, kể từ ngày giấy phép hoạt động báo chí in có hiệu lực, nếu cơ quan báo chí không xuất bản ấn phẩm báo chí thì giấy phép không còn giá trị.

4. Đến kỳ hạn xuất bản ghi trên giấy phép mà tổ chức không xuất bản đặc san thì giấy phép không còn giá trị.

Chương II

CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ IN

Điều 5. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động báo chí in

1. Phải phù hợp với quy hoạch báo chí in đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Điều kiện về nhân sự:

a) Có người đủ các điều kiện sau đây để bổ nhiệm tổng biên tập, phó tổng biên tập cơ quan báo chí:

- Có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên;

- Có trình độ lý luận chính trị cao cấp trở lên;

- Đã qua lớp đào tạo về nghiệp vụ quản lý báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp chứng chỉ.

- Có thẻ nhà báo đang có hiệu lực do cơ quan có thẩm quyền cấp;

- Không trong thời gian thi hành hình thức kỷ luật từ khiển trách trở lên;

- Đối với các tổ chức tôn giáo, Viện nghiên cứu khoa học cơ bản chuyên ngành xin phép hoạt động báo chí in và những trường hợp đặc biệt khác sẽ do Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, quyết định.

b) Có đủ số lượng người làm biên tập viên, phóng viên tùy theo cơ cấu tổ chức và bộ máy của cơ quan báo chí do cơ quan chủ quản quy định.

c) Trường hợp cơ quan báo chí có sử dụng ngôn ngữ nước ngoài hoặc tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam để thể hiện nội dung thông tin thì phải có đủ phóng viên, biên tập viên thành thạo về ngôn ngữ đó để đảm bảo việc xuất bản và phải có lãnh đạo cơ quan báo chí hoặc người trong Ban Biên tập được lãnh đạo ủy quyền sử dụng thành thạo ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số mà cơ quan báo chí thể hiện để chịu trách nhiệm về nội dung ấn phẩm.

3. Điều kiện về cơ sở vật chất, tài chính:

a) Có trụ sở hoặc hợp đồng thuê trụ sở, diện tích bảo đảm hoạt động của cơ quan báo chí;

b) Có đủ trang thiết bị bảo đảm cho hoạt động của cơ quan báo chí.

c) Chứng minh đủ nguồn tài chính đảm bảo cho việc xuất bản ấn phẩm báo chí (Có luận chứng kinh tế, có dự toán kinh phí hoạt động của cơ quan báo chí và chứng minh đầy đủ nguồn tài chính đáp ứng theo dự toán đó).

Điều 6. Hồ sơ và thủ tục cấp phép hoạt động báo chí in

1. Cơ quan, tổ chức xin cấp phép hoạt động báo chí in gửi hai (02) bộ hồ sơ về Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Báo chí). Hồ sơ gồm có:

a) Tờ khai xin cấp giấy phép hoạt động báo chí in (Mẫu số 1);

b) Đề án hoạt động báo chí in của cơ quan chủ quản báo chí, trong đề án phải có các nội dung sau:

- Sự cần thiết và cơ sở pháp lý;

- Chứng minh việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 5 Thông tư này;

- Tên gọi cơ quan báo chí;

- Kết cấu và nội dung thông tin chủ yếu (tôn chỉ mục đích, ngôn ngữ thể hiện, các nội dung chính trong ấn phẩm, kỳ hạn xuất bản, khuôn khổ …);

- Phương thức phát hành.

c) Danh sách dự kiến lãnh đạo chủ chốt của cơ quan báo chí (Mẫu số 2);

d) Sơ yếu lí lịch của người dự kiến là lãnh đạo cơ quan báo chí (tổng biên tập, phó tổng biên tập) (Mẫu số 3).

đ) Văn bản của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Sở Thông tin và Truyền thông cấp tỉnh) chứng nhận có đủ điều kiện để hoạt động báo chí (đối với các cơ quan, tổ chức xin phép ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

g) Mẫu trình bày tên gọi của ấn phẩm báo chí (măng – sét);

2. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm xem xét giải quyết việc cấp phép hoạt động báo chí (Mẫu số 6). Trường hợp không cấp phép thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ xin phép, Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 7. Thay đổi nội dung giấy phép hoạt động báo chí in

1. Cơ quan báo chí muốn thay đổi các nội dung ghi trong giấy phép hoạt động báo chí in theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định số 51/2002/NĐ-CP gửi 01 bộ hồ sơ xin cấp phép về Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Báo chí). Hồ sơ gồm có:

a) Văn bản đề nghị của cơ quan chủ quản báo chí;

b) Văn bản của Sở Thông tin và Truyền thông cấp tỉnh chứng nhận đủ điều kiện hoạt động theo nội dung thay đổi (đối với các cơ quan báo chí ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương);

Trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm xem xét giải quyết việc cấp phép (Mẫu số 7); trường hợp không cấp phép, Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

2. Cơ quan báo chí muốn thay đổi các nội dung theo quy định tại khoản 6 Điều 14 Nghị định số 51/2002/NĐ-CP gửi Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Báo chí) các tài liệu:

a) Văn bản đề nghị thay đổi của cơ quan báo chí;

b) Mẫu trình bày tên gọi dự kiến thay đổi (đối với trường hợp cơ quan báo chí xin thay đổi cách trình bày tên báo)

Trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về việc đồng ý hay không đồng ý việc thay đổi.

Điều 8. Cấp lại giấy phép hoạt động báo chí in

1. Trước khi giấy phép hoạt động báo chí hết hiệu lực chín mươi (90) ngày, nếu cơ quan báo chí muốn tiếp tục hoạt động thì cơ quan chủ quản báo chí gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép về Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Báo chí). Hồ sơ gồm có:

a) Văn bản đề nghị của cơ quan chủ quản báo chí;

b) Văn bản của Sở Thông tin và Truyền thông cấp tỉnh chứng nhận có đủ điều kiện để hoạt động báo chí (đối với các cơ quan báo chí ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

c) Bản sao giấy phép hoạt động báo chí và các văn bản sửa đổi, bổ sung giấy phép của cơ quan báo chí đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.

2. Trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm xem xét giải quyết việc cấp lại giấy phép; trường hợp không cấp phép, Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Nếu việc xin cấp lại giấy phép hoạt động báo chí mà có xin thay đổi tên gọi, tôn chỉ, mục đích, thể thức xuất bản thì việc xin phép được thực hiện như xin cấp phép mới.

Điều 9. Xuất bản số phụ

1. Cơ quan báo chí muốn xuất bản số phụ không nằm trong quy định của giấy phép hoạt động báo chí đã được cấp gửi 01 bộ hồ sơ xin cấp phép về Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Báo chí). Hồ sơ gồm có:

a) Văn bản đề nghị của cơ quan chủ quản báo chí;

b) Đề án xuất bản số phụ:

- Sự cần thiết và cơ sở pháp lý;

- Chứng minh đầy đủ việc đáp ứng các điều kiện cho việc xuất bản số phụ;

- Tên gọi số phụ;

- Kết cấu và nội dung thông tin chủ yếu (tôn chỉ mục đích, ngôn ngữ thể hiện, các nội dung chính trong ấn phẩm, kỳ hạn xuất bản, khuôn khổ …)

- Phương thức phát hành.

c) Tờ khai xin cấp phép xuất bản số phụ (Mẫu số 4);

d) Văn bản của Sở Thông tin và Truyền thông cấp tỉnh chứng nhận có đủ điều kiện để xuất bản số phụ (đối với các cơ quan báo chí ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

đ) Mẫu trình bày tên gọi của số phụ (măng – sét);

2. Trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm xem xét giải quyết việc cấp phép xuất bản số phụ (Mẫu số 8); trường hợp không cấp phép, Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Nội dung phải ghi trên trang một, trang trong của số phụ thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 51/2002/NĐ-CP.

Điều 10. Xuất bản phụ trương

1. Cơ quan báo chí muốn xuất bản phụ trương gửi 01 bộ hồ sơ xin cấp phép về Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông. Hồ sơ gồm có:

a) Văn bản đề nghị của cơ quan chủ quản báo chí;

b) Đề án xuất bản phụ trương:

- Sự cần thiết và cơ sở pháp lý;

- Chứng minh đầy đủ việc đáp ứng các điều kiện cho việc xuất bản phụ trương;

- Tên gọi phụ trương;

- Kết cấu và nội dung thông tin chủ yếu (tôn chỉ mục đích, ngôn ngữ thể hiện, các nội dung chính trong ấn phẩm, kỳ hạn xuất bản …).

- Phương thức phát hành.

c) Tờ khai xin cấp phép xuất bản phụ trương (Mẫu số 4);

d) Văn bản của Sở Thông tin và Truyền thông cấp tỉnh chứng nhận có đủ điều kiện để xuất bản phụ trương (đối với các cơ quan báo chí ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

đ) Mẫu trình bày tên gọi của phụ trương (măng – sét);

2. Trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Cục Báo chí có trách nhiệm xem xét giải quyết việc cấp phép xuất bản phụ trương (Mẫu số 9); trường hợp không cấp phép, Cục Báo chí trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Nội dung phải ghi trên trang một, trang trong của phụ trương thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 51/2002/NĐ-CP.

Điều 11. Xuất bản đặc san

1. Cơ quan, tổ chức muốn xuất bản đặc san gửi 01 bộ hồ sơ xin cấp phép về Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông. Hồ sơ gồm:

a) Tờ khai xin cấp phép xuất bản đặc san (Mẫu số 5);

b) Mẫu trình bày tên gọi của đặc san (măng-sét);

c) Văn bản của Sở Thông tin và Truyền thông cấp tỉnh chứng nhận có đủ điều kiện để xuất bản đặc san (đối với các cơ quan, tổ chức ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

2. Trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Cục Báo chí có trách nhiệm xem xét giải quyết việc cấp phép xuất bản đặc san (Mẫu số 10); trường hợp không cấp phép, Cục Báo chí trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Ban hành biểu mẫu

Ban hành kèm theo Thông tư này các mẫu sau:

1. Mẫu số 1: Tờ khai xin cấp giấy phép hoạt động báo chí in

2. Mẫu số 2: Danh sách dự kiến lãnh đạo chủ chốt của cơ quan báo chí

3. Mẫu số 3: Sơ yếu lý lịch của người dự kiến là lãnh đạo cơ quan báo chí

4. Mẫu số 4: Tờ khai xin cấp giấy phép xuất bản số phụ, phụ trương

5. Mẫu số 5: Tờ khai xin cấp giấy phép xuất bản đặc san

6. Mẫu số 6: Giấy phép hoạt động báo chí in

7. Mẫu số 7: Giấy phép sửa đổi, bổ sung những quy định trong giấy phép hoạt động báo chí in

8. Mẫu số 8: Giấy phép xuất bản số phụ

9. Mẫu số 9: Giấy phép xuất bản phụ trương

10. Mẫu số 10: Giấy phép xuất bản đặc san

Điều 13. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2010.

2. Cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật và giấy phép hoạt động báo chí, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định và có thể bị thu hồi giấy phép hoạt động báo chí.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, cần phản ánh kịp thời về Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Đỗ Quý Doãn

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.