• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/04/2014
BỘ VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Số: 20/2013/TT-BVHTTDL
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Trung Ương, ngày 31 tháng 12 năm 2013

THÔNG TƯ

Quy định một số nội dung quản lý đối với hoạt động phổ biến phim có sử dụng

hiệu ứng đặc biệt tác động đến người xem phim

________________________

 

Căn cứ Luật Điện ảnh số 62/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh số 31/2009/QH12 ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 54/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện ảnh số 62/2006/QH11 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh số 31/2009/QH12;

Căn cứ Nghị định số 76/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Điện ảnh,

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định một số nội dung quản lý đối với hoạt động phổ biến phim có sử dụng hiệu ứng đặc biệt tác động đến người xem phim.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

Thông tư này quy định một số nội dung quản lý đối với phòng chiếu phim, thẩm quyền, thủ tục cấp giấy phép phổ biến phim có sử dụng hiệu ứng đặc biệt tác động đến người xem phim.

2. Đối tượng áp dụng:

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động phổ biến phim có sử dụng hiệu ứng đặc biệt tác động đến người xem phim.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1.“Phim có sử dụng hiệu ứng đặc biệt tác động đến người xem phim” là những phim được sản xuất trên cơ sở kết hợp hiệu quả của phim 3D với những hiệu ứng đặc biệt trong phòng chiếu, được tạo ra phù hợp với bối cảnh phim, gây tác động trực tiếp đến người xem phim, tạo cảm giác cho người xem phim như đang tham gia tại hiện trường cảnh phim.

2.“Phim 3D” là phim mà hình ảnh trong phim được thể hiện theo không gian ba chiều: chiều dài, chiều rộng và chiều sâu, được ghi trên vật liệu phim nhựa, băng từ, đĩa từ, ổ cứng của máy tính và các vật liệu ghi hình khác.

3.“Hiệu ứng đặc biệt” là những hiệu ứng có được do áp dụng thành tựu của khoa học, kỹ thuật, công nghệ nhằm mô phỏng các hiện tượng mưa, gió, tuyết, sấm, chớp hoặc các hiện tượng tự nhiên khác; âm thanh, ánh sáng, khói lửa, mùi vị, sự rung chuyển hoặc các tác động nhân tạo khác, gây tác động đến người xem phim.

Điều 3. Quy định đối với phòng chiếu phim có sử dụng hiệu ứng đặc biệt tác động đến người xem phim

1. Phòng chiếu phim:

a) Có hệ thống cách âm, không để âm thanh lọt ra bên ngoài vượt quá giới hạn về độ ồn cho phép theo quy định của pháp luật;

b) Có trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật;

c) Có các dụng cụ y tế, cơ số thuốc phù hợp để có thể sơ cứu trong trường hợp cần thiết;

d) Có bảng khuyến cáo về sức khỏe khi xem phim đối với trẻ em dưới 06 tuổi, phụ nữ có thai, những người mắc bệnh về tim mạch, xương khớp, những người say rượu, những người mắc chứng bệnh thần kinh;

đ) Có nơi giữ, bảo quản đồ đạc, tư trang của khán giả trong thời gian xem phim.

2. Ghế ngồi xem phim và các thiết bị, dụng cụ:

a) Ghế ngồi xem phim và các thiết bị, dụng cụ tạo hiệu ứng đặc biệt tác động đến người xem phim phải có xuất xứ rõ ràng và đáp ứng yêu cầu về quản lý chất lượng theo quy định của pháp luật;

b) Không sử dụng ghế ngồi xem phim và các thiết bị, dụng cụ đã bị hư hỏng hoặc kém chất lượng.

3. Các hiệu ứng đặc biệt:

a) Khi sử dụng các hiệu ứng đặc biệt tác động đến người xem phim phải đảm bảo an toàn về sức khỏe cho người xem, an toàn về cháy, nổ và vệ sinh môi trường;

b) Không sử dụng các hóa chất độc hại tạo hiệu ứng đặc biệt làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người xem phim.

Điều 4. Thẩm quyền, thủ tục cấp giấy phép phổ biến phim có sử dụng hiệu ứng đặc biệt tác động đến người xem phim

1. Việc cấp giấy phép phổ biến phim có sử dụng hiệu ứng đặc biệt tác động đến người xem phim phải căn cứ vào thể loại phim thực hiện theo quy định của pháp luật về điện ảnh.

2. Trường hợp phim có sử dụng hiệu ứng đặc biệt đến người xem phim có nội dung chưa hoàn chỉnh, thẩm quyền cấp giấy phép phổ biến phim quy định như sau:

a) Cục Điện ảnh là cơ quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ủy quyền cấp, thu hồi giấy phép phổ biến phim có sử dụng hiệu ứng đặc biệt tác động đến người xem phim đối với phim do các cơ sở điện ảnh thuộc Trung ương sản xuất hoặc nhập khẩu;

b) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) cấp, thu hồi giấy phép phổ biến phim có sử dụng hiệu ứng đặc biệt tác động đến người xem phim đối với phim do các cơ sở điện ảnh thuộc địa phương sản xuất hoặc nhập khẩu.

3. Trình tự, thủ tục thẩm định và cấp giấy phép phổ biến phim thực hiện theo Quy chế thẩm định và cấp giấy phép phổ biến phim ban hành kèm theo Quyết định số 49/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 09 tháng 7 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Thông tư số 11/2011/TT-BVHTTDL ngày 19 tháng 9 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thực hiện một số quy định liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực điện ảnh.

Điều 5. Hội đồng thẩm định phim có sử dụng hiệu ứng đặc biệt tác động đến người xem phim

Căn cứ vào nội dung phim, Hội đồng thẩm định phim có sử dụng hiệu ứng đặc biệt tác động đến người xem phim phải có thành viên là chuyên gia trong lĩnh vực y tế hoặc khoa học và công nghệ, môi trường.

Điều 6. Trách nhiệm của cơ sở chiếu phim có sử dụng hiệu ứng đặc biệt tác động đến người xem phim

1. Chỉ chiếu phim đã được cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 4 Thông tư này cấp giấy phép phổ biến.

2. Định kỳ tổ chức kiểm định, bảo dưỡng hệ thống ghế ngồi và thiết bị kỹ thuật trong phòng chiếu theo quy định.

3. Thực hiện các quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 7. Điều khoản chuyển tiếp

Các cơ sở chiếu phim đang hoạt động kinh doanh chiếu phim có sử dụng hiệu ứng đặc biệt tác động đến người xem chưa đảm bảo quy định về phòng chiếu tại Điều 3 Thông tư này phải bổ sung, hoàn thiện trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

1. Cục Điện ảnh có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện Thông tư này.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

a) Thanh tra, kiểm tra và tổ chức thực hiện Thông tư này tại địa phương;

b) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng năm gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Cục Điện ảnh) về hoạt động phổ biến phim có sử dụng hiệu ứng đặc biệt tác động đến người xem phim.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2014.

2. Ban hành kèm theo Thông tư này các biểu mẫu sau:

a) Đơn đề nghị cấp giấy phép phổ biến phim có sử dụng hiệu ứng đặc biệt tác động đến người xem phim (Mẫu số 01);

b) Phiếu thẩm định phim có sử dụng hiệu ứng đặc biệt tác động đến người xem phim (Mẫu số 02);

c) Biên bản thẩm định phim có sử dụng hiệu ứng đặc biệt tác động đến người xem phim (Mẫu số 03);

d) Giấy phép phổ biến phim có sử dụng hiệu ứng đặc biệt tác động đến người xem phim (Mẫu số 04);

đ) Quyết định không cho phép phổ biến phim hoặc cấm phổ biến phim có sử dụng hiệu ứng đặc biệt tác động đến người xem phim (Mẫu số 05);

e) Quyết định tạm đình chỉ phổ biến phim hoặc đình chỉ phổ biến phim có sử dụng hiệu ứng đặc biệt tác động đến người xem phim (Mẫu số 06).

3. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Cục Điện ảnh) để xem xét, bổ sung, sửa đổi./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Hoàng Tuấn Anh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.