• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 20/05/1991
  • Ngày hết hiệu lực: 07/07/2009
UBND THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Số: 13/CT-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 5 năm 1991

CHỈ THỊ

 Về công tác phòng chống lụt bão năm 1991.

____________

 

Những năm gần đây, tình hình thời tiết một số nơi ở nước ta diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống, làm thiệt hại mùa màng, nhà cửa nhân dân và tài sản xã hội chủ nghĩa. Xuất phát từ tình hình thực tế của thành phố, ngoài các công tác thường xuyên và định kỳ, trong mùa mưa bão năm nay; Uỷ ban nhân dân thành phố yêu cầu các đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố và trung ương đóng trên địa bàn thành phố cần tích cực thực hiện tốt một số công việc sau đây:

1/ Các cơ quan, đơn vị đóng ở các quận nội thành, các vùng đông dân cư có nhiều cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phải kết hợp chặt chẽ với các ban nghành chức năng kiểm tra kỹ các hệ thống điện, các kho (vật tư, hàng hoá, thiết bị, lương thực…), các cơ sở sản xuất, nhà ở, cống rãnh tiêu thoát nước và các cây to dễ bị đổ ngã… Trên cơ sở đó, để xây dựng kế hoạch lập các phương án và có biện pháp cụ thể để phòng chống lụt bão, gió, lốc xoáy, mưa lũ có hiệu quả thiết thực.

2/ Các quận ven và huyện ngoại thành có sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, phải xác định vùng có khả năng bị úng ngập, phải tổ chức kiểm tra các công trình thuỷ lợi tiêu úng, chống lũ ( bờ bao, cống bộng, kênh mương, trạm bơm tiêu…). Từ đó, xây dựng kế hoạch và phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp vụ hè thu, vụ mùa cho từng vùng cụ thể.

Đi đôi với công tác phòng chống lũ bão, phải coi trọng công tác phong chống hạn vụ hè thu và vụ mùa. Đối với vùng Duyên Hải, Nhà Bè và các vùng có sông lớn cần lưu ý bảo vệ sản xuất, tính mạng, tài sản của nhân dân gắn với việc lưu thông ghe xuồng và đánh bắt thuỷ sản trong mùa mưa bão.

3/ Các cơ quan, ban ngành thành phố, theo chức năng nhiệm vụ của mình, phải kết hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, tổ chức tổng kiểm tra, xây dựng kế hoạch, biện pháp bảo vệ các cơ sở vật chất kỹ thuật, các công trình xây dựng cơ bản do ngành, đơn vị quản lý, phải bố trí tiến độ thi công thích hợp các công trình trọng điểm để tránh mưa to, lũ lụt gây nên thiệt hại.

4/ Từng cơ quan, đơn vị, cơ sở, quận huyện, tiến hành tổng kết công tác phòng chống lụt bão năm 1990, trên cơ sở đó xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống lụt bão năm 1991. Củng cố và kiện toàn Ban chỉ huy chống lụt bão các ngành, các cấp. Dự trù kinh phí, vật tư, phương tiện cần thiết vào các hướng, các vùng trọng điểm, thực hiện tốt phương châm “4 tại chổ” ở từng đơn vị, địa phương để chủ động ứng phó kịp thời khi có thiên tai lụt bão xảy ra.

5/ Thường trực Ban chỉ huy chống lụt bão thành phố, đài khí tượng thuỷ văn thành phố phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý công trình thuỷ điện Trị An, Ban quản lý công trình Hồ Dầu Tiếng kịp thời thông tin, dự báo tình hình thời tiết, việc xả nước hai hồ xuống vùng hạ du nhằm chủ động bảo vệ sản xuất và tài sản của nhân dân cũng như an toàn của hồ.

Phòng chống thiên tai lụt bão là công tác trọng điểm trong mùa mưa, các ban ngành thành phố, các quận huyện, phường xã, các cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn thành phố phải đề cao cảnh giác, quán triệt phương châm phòng chống và tránh một cách sáng tạo, linh hoạt, đồng thời tích cực triển khai kế hoạch phương án đã đề ra để chủ động sẵn sàng đối phó, hạn chế ở mức thấp nhất thiệt hại nếu có tình huống bão lụt đột biến xảy ra.

Các quận huyện và các ban ngành cần gửi kế hoạch phòng chống bão lụt về Thường trực Uỷ ban nhân dân thành phố và Ban chỉ huy chống lụt bão thành phố trước ngày 15/6/1991. Sở Nông nghiệp là cơ quan thường trực của Ban chỉ huy chống lụt bão thành phố, có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn và kiểm tra các ngành, các cấp thực hiện nghiêm túc chỉ thị này đồng thời báo cáo tình hình, kết quả và các vấn đề khó khăn vướng mắc cho Thường trực Uỷ ban nhân dân thành phố để chỉ đạo giải quyết.

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Công Ái

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.