• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/11/2021
HĐND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Số: 30/2021/NQ-HĐND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 14 tháng 10 năm 2021

NGHỊ QUYẾT

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định kèm theo Nghị quyết số 20/2020/NQ-HĐND ngày 23 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025

________________________

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ CHUYÊN ĐỀ LẦN THỨ 2

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số  77/2015/QH13">77/2015/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 47/2019/QH14">47/2019/QH14 ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13"> 80/2015/QH13 ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 06 năm 2020;

Xét Tờ trình số 9380/TTr-UBND ngày 09 tháng 10 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định kèm theo Nghị quyết số 20/2020/NQ-HĐND ngày 23 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021- 2025; Báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định kèm theo Nghị quyết số 20/2020/NQ-HĐND ngày 23 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, như sau:

1. Bổ sung Khoản 4 vào Điều 4 như sau:

“4. Trường hợp tại một thời điểm có nhiều cơ sở sản xuất cùng đề nghị hỗ trợ thì thứ tự ưu tiên lựa chọn cơ sở sản xuất để hỗ trợ như sau:

a) Có hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản;

b) Có sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ;

c) Có sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP;

d) Cơ sở sản xuất giống;

đ) Cơ sở sản xuất có dự án, nội dung đầu tư với tổng mức, quy mô lớn hơn sẽ được ưu tiên hỗ trợ.”

2. Bổ sung Điều 7 như sau:

Điều 7. Trình tự, thủ tục thực hiện hỗ trợ

1. Hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chăn nuôi trang trại, hữu cơ; sản xuất giống chất lượng cao; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.

a) Hồ sơ bao gồm:

- Bản đề nghị hỗ trợ (theo Mẫu số 01);

- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký Doanh nghiệp/Hợp tác xã/Hộ kinh doanh cá thể;

- Bản sao hợp lệ Văn bản chấp thuận đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có);

- Dự án đầu tư hoặc kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh do cơ sở sản xuất tự lập;

- Hồ sơ thiết kế, dự toán được chủ đầu tư phê duyệt;

- Hồ sơ hoàn thành dự án, gồm: Báo cáo kết quả hoàn thành dự án đầu tư hoặc Kế hoạch/Phương án sản xuất kinh doanh; bản vẽ hoàn công, dự toán hoàn thành;

- Bản sao hợp lệ các văn bản về điều kiện sản xuất, kinh doanh theo quy định hiện hành (nếu có);

- Bản sao hợp lệ Giấy Chứng nhận hữu cơ của đơn vị có thẩm quyền cấp (nếu có đề nghị hỗ trợ về chứng nhận hữu cơ);

- Chứng từ, hóa đơn tài chính hợp pháp.

b) Trình tự thực hiện

Các cơ sở sản xuất gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và các Sở ngành, địa phương liên quan tiến hành kiểm tra, thẩm định hồ sơ, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định hỗ trợ.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ trình, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định hỗ trợ. Trường hợp hồ sơ không đảm bảo điều kiện hỗ trợ thì ban hành Văn bản từ chối và nêu rõ lý do.

c) Thủ tục cấp phát kinh phí hỗ trợ

Khi cơ sở sản xuất được Ủy ban nhân nhân tỉnh ban hành quyết định hỗ trợ kinh phí; theo quy định về phân cấp ngân sách, cơ quản quản lý tài chính cấp tỉnh, cấp huyện chuyển kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho các cơ sở sản xuất theo nội dung hỗ trợ đã phê duyệt.

2. Hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ.

a) Thành phần hồ sơ, trình tự thủ tục phê duyệt Dự án/Kế hoạch liên kết

Thực hiện theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; việc công bố danh mục thủ tục hành chính thực hiện theo quy định hiện hành.

b) Tổ chức thực hiện các nội dung theo Dự án/Kế hoạch liên kết đã được phê duyệt

Chủ trì liên kết và các bên tham gia liên kết triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung theo Dự án/Kế hoạch liên kết đã được phê duyệt. Giải ngân theo tiến độ thực hiện Dự án/Kế hoạch liên kết và mỗi lần giải ngân phải đảm bảo các hồ sơ, chứng từ thanh toán như sau:

- Bản đề nghị thanh toán (theo Mẫu số 05);

- Bản sao hợp lệ Quyết định phê duyệt Dự án/Kế hoạch liên kết của cấp có thẩm quyền (đối với đề nghị hỗ trợ lần đầu);

- Bản sao hợp lệ Quyết định/Thông báo phân bổ vốn hỗ trợ các hạng mục/nội dung;

- Biên bản nghiệm thu hoàn thành các hạng mục/nội dung hỗ trợ (có sự tham gia của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ sở sản xuất và các đối tượng liên quan khác);

- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận VietGAP, hữu cơ của đơn vị có thẩm quyền cấp (nếu có đề nghị hỗ trợ về chứng nhận VietGAP, hữu cơ);

- Chứng từ, hóa đơn tài chính hợp pháp.

Chủ trì liên kết căn cứ các nội dung cam kết trong hợp đồng liên kết để chi trả kinh phí hỗ trợ cho các bên tham gia liên kết.

3. Hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP.

a) Hồ sơ bao gồm:

- Bản đề nghị hỗ trợ (theo Mẫu số 02);

- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký Doanh nghiệp/Hợp tác xã/Hộ kinh doanh cá thể; đối với Tổ hợp tác, cung cấp bản Thông báo về việc thành lập Tổ hợp tác kèm theo hợp đồng hợp tác;

- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận Sản phẩm OCOP do Ủy ban nhân dân tỉnh cấp;

- Dự án/Kế hoạch/Phương án phát triển sản phẩm OCOP do cơ sở sản xuất tự phê duyệt;

- Bản vẽ hoàn công và Dự toán hoàn thành (đối với hạng mục xây dựng công trình);

- Chứng từ, hóa đơn tài chính hợp pháp.

b) Trình tự thực hiện

Các cơ sở sản xuất gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích đến Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện/Phòng Kinh tế các thị xã, thành phố Huế nơi có sản phẩm OCOP.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện/Phòng Kinh tế các thị xã, thành phố Huế chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, thẩm định hồ sơ, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành Quyết định hỗ trợ.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ trình, Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành Quyết định hỗ trợ. Trường hợp hồ sơ không đảm bảo điều kiện hỗ trợ thì ban hành Văn bản từ chối và nêu rõ lý do.

c) Thủ tục cấp phát kinh phí hỗ trợ

Khi cơ sở sản xuất được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt quyết định hỗ trợ kinh phí; theo quy định về phân cấp ngân sách, cơ quản quản lý tài chính cấp huyện chuyển kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho các cơ sở sản xuất theo nội dung hỗ trợ đã phê duyệt.

4. Chính sách tiếp cận, hỗ trợ tín dụng theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

a) Hồ sơ bao gồm:

- Bản đề nghị hỗ trợ (theo Mẫu số 03);

- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký Doanh nghiệp;

- Bản sao hợp lệ Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án;

- Hồ sơ nghiệm thu hoàn thành dự án;

- Hồ sơ giải ngân hợp đồng vay vốn giữa doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại.

b) Trình tự thực hiện

Các cơ sở sản xuất gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng nhà nước Chi nhánh Thừa Thiên Huế và các sở, ngành, địa phương liên quan tiến hành kiểm tra, thẩm định hồ sơ, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định hỗ trợ.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ trình, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định hỗ trợ. Trường hợp hồ sơ không đảm bảo điều kiện hỗ trợ thì ban hành Văn bản từ chối và nêu rõ lý do.

c) Thủ tục cấp phát kinh phí hỗ trợ

Khi doanh nghiệp được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt quyết định hỗ trợ kinh phí; theo quy định về phân cấp ngân sách, cơ quản quản lý tài chính cấp tỉnh, cấp huyện chuyển kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp theo nội dung hỗ trợ đã phê duyệt.

5. Hỗ trợ sản xuất

a) Hồ sơ bao gồm:

- Bản đề nghị hỗ trợ sản xuất (theo Mẫu số 04);

- Phương án/Kế hoạch sản xuất do cơ sở sản xuất tự lập.

b) Trình tự thực hiện phê duyệt hỗ trợ Phương án/Kế hoạch sản xuất

Các cơ sở sản xuất gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích đến Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện/Phòng Kinh tế các thị xã, thành phố Huế để đề nghị phê duyệt hỗ trợ.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện/Phòng Kinh tế các thị xã, thành phố Huế chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, thẩm định hồ sơ, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành Quyết định hỗ trợ.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ trình, Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành Quyết định phê duyệt hỗ trợ Phương án/Kế hoạch sản xuất. Trường hợp hồ sơ không đảm bảo điều kiện hỗ trợ thì ban hành Văn bản từ chối và nêu rõ lý do.

c) Tổ chức thực hiện các nội dung theo Phương án/Kế hoạch đã phê duyệt

Trên cơ sở nguồn kinh phí được bố trí hỗ trợ và Quyết định phê duyệt hỗ trợ; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện/Phòng Kinh tế các thị xã, thành phố Huế thông báo cho các cơ sở sản xuất để triển khai thực hiện theo các nội dung được phê duyệt. Kinh phí hỗ trợ được giải ngân theo tiến độ thực hiện Phương án/Kế hoạch sản xuất và mỗi lần giải ngân phải đảm bảo các hồ sơ, chứng từ thanh toán như sau:

- Bản đề nghị thanh toán (theo Mẫu số 05);

- Biên bản nghiệm thu hoàn thành các hạng mục/nội dung hỗ trợ (có sự tham gia của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các cơ sở sản xuất và các đối tượng liên quan khác);

- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận VietGAP, hữu cơ của đơn vị có thẩm quyền cấp (nếu có đề nghị hỗ trợ về chứng nhận VietGAP, hữu cơ);

- Chứng từ, hóa đơn tài chính hợp pháp.”

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết theo nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VIII, Kỳ họp chuyên đề lần thứ 2 thông qua ngày 14 tháng 10 năm 2021 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2021./.

 

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Lê Trường Lưu

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.