• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 25/04/2008
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 47/2008/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 2 tháng 4 năm 2008

QUYẾT ĐỊNH

Về việc phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp

bệnh viện đa khoa huyện và bệnh viện đa khoa khu vực liên huyện

sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác

giai đoạn 2008-2010

___________________________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị quyết số 08/2007/QH12 ngày 12 tháng 11 năm 2007 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 141/2003/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về việc phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương;

Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế tại văn bản số 1656/BYT-KH-TC ngày 13 tháng 3 năm 2008.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp bệnh viên đa khoa huyện và đa khoa khu vực liên huyện giai đoạn 2008 – 2010 với những nội dung chính như sau:

1. Mục tiêu:

Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp về cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị và nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế các bệnh viện đa khoa huyện và bệnh viên đa khoa khu vực liên huyện nhằm đưa các dịch vụ kỹ thuật y tế về gần dân; tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, người dân vùng núi, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, đồng thời giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.

2. Yêu cầu:

- Các dự án đầu tư, cải tạo, nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện và bệnh viện đa khoa khu vực liên huyện phải phù hợp với Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 và Quyết định số 30/2008/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.

- Các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp về cơ sở hạ tầng phải theo tiêu chuẩn, quy phạm xây dựng và tham khảo thiết kế điển hình do Bộ Xây dựng, Bộ Y tế ban hành.

- Mua sắm trang thiết bị y tế thiết yếu phải căn cứ vào nhu cầu sử dụng, phù hợp với trình độ cán bộ và theo danh mục do Bộ Y tế quy định phù hợp với quy mô của từng loại bệnh viện.

3. Quy mô đầu tư xây dựng và thời gian thực hiện:

- Tổng số bệnh viện được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị là 552 bệnh viện đa khoa huyện, 69 bệnh viện đa khoa khu vực liên huyện (kể cả các phòng khám đa khoa khu vực), có danh mục các bệnh viện kèm theo.

- Thời gian thực hiện: đến năm 2010.

4. Nguồn vốn đầu tư:

- Tổng số vốn đầu tư thực hiện Đề án khoảng 17.000 tỷ đồng, trong đó:

+ Ngân sách trung ương huy động từ phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2008-2010 để hỗ trợ các địa phương là 14.000 tỷ đồng;

+ Ngân sách hàng năm của các địa phương khoảng 2.200 tỷ đồng

+ Huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khoảng 800 tỷ đồng.

- Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế được sử dụng trong dự toán chi thường xuyên hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

5. Tổ chức thực hiện:

a) Củng cố và duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo Đề án Nâng cấp bệnh viện huyện và bệnh viện đa khoa khu vực được thành lập theo Quyết định 225/2005/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ ở Trung ương để tiếp tục chỉ đạo việc thực hiện Đề án theo hướng gọn, nhẹ, thiết thực, có hiệu quả và chỉ đạo các địa phương tăng cường hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo Đề án tại địa phương.

b) Bộ Y tế là cơ quan quản lý, thường trực Đề án, có nhiệm vụ:

- Chủ trì, phối hợp với các địa phương đề xuất các bệnh viện đa khoa huyện, bệnh viện đa khoa khu vực liên huyện cần được đầu tư, nâng cấp thuộc phạm vi của Đề án trong cả nước và từng địa phương; xây dựng kế hoạch tổng thể và kế hoạch hàng năm để thực hiện Đề án.

- Xác định nhu cầu và xây dựng phương án phân bổ ngân sách trung ương hàng năm hỗ trợ các địa phương thực hiện Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; thông báo tổng mức vốn, số lượng và danh mục dự án để các địa phương chủ động triển khai thực hiện.

- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp nhu cầu và lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế, ưu tiên tập trung đào tạo, bồi dưỡng đối với những nơi đã được đầu tư để kịp thời phát huy hiệu quả đầu tư.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Đề án; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương giải quyết những khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện Đề án của các địa phương, định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện và đề xuất những biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

c) Bộ Tài chính có nhiệm vụ:

- Tổ chức thực hiện phát hành trái phiếu Chính phủ theo kế hoạch và tiến độ thực hiện của các dự án.

- Phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng phương án phân bổ ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương để thực hiện Đề án.

- Bố trí nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ các địa phương thực hiện Đề án theo kế hoạch triển khai hàng năm. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương sử dụng nguồn ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác của địa phương để thực hiện Đề án theo thẩm quyền.

- Chủ trì phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư các công trình; thực hiện hạch toán, quyết toán nguồn vốn huy động từ trái phiếu Chính phủ theo đúng quy định.

- Tham gia kiểm tra, đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện Đề án của các địa phương. Phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải quyết những vướng mắc, khó khăn theo thẩm quyền và trình Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền trong quá trình thực hiện.

- Hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình huy động và việc cấp phát, thanh toán vốn đầu tư cho các công trình;

d) Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ:

- Phối hợp với Bộ Tài chính cân đối nguồn vốn thực hiện Đề án. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương sử dụng các nguồn vốn hợp pháp của địa phương để thực hiện Đề án theo thẩm quyền.

- Phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài chính trong việc tổng hợp danh mục dự án và thông báo tổng mức vốn và số lượng dự án để các địa phương chủ động triển khai thực hiện theo thẩm quyền.

- Phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư các dự án theo thẩm quyền.

- Tham gia kiểm tra, đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện Đề án của các địa phương. Giải quyết những khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền và phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền trong quá trình thực hiện.

e) Bộ Xây dựng có nhiệm vụ:

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, bổ sung, ban hành tiêu chuẩn, quy phạm xây dựng các công trình y tế;

-Phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn thiết kế điển hình từng loại bệnh viện.

g) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ:

- Củng cố, tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo Đề án nâng cấp bệnh viện huyện và bệnh viện đa khoa khu vực được thành lập theo Quyết định 225/2005/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án tại địa phương.

- Rà soát, tổng hợp danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ theo thứ tự ưu tiên gửi Bộ Y tế để tổng hợp.

- Chịu trách nhiệm toàn diện về: quản lý quy hoạch, kế hoạch, thẩm định và phê duyệt các dự án đầu tư; bố trí và điều chỉnh mức vốn đã phân bổ giữa các dự án thuộc danh mục được giao; tổ chức đấu thầu, quyết toán công trình hoàn thành; bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác thuộc trách nhiệm của địa phương để hoàn thành các dự án theo quy hoạch và danh mục đã đăng ký.

- Xác định lộ trình cụ thể và khả thi để bảo đảm nguồn nhân lực y tế có chất lượng cho các bệnh viện. Bố trí và bảo đảm kinh phí từ nguồn chi thường xuyên để tổ chức hoặc cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng vận hành trang thiết bị.

- Chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn với sự tham gia kiểm tra, giám sát của Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để thực hiện các mục tiêu của Đề án theo đúng kế hoạch, đúng quy định, bảo đảm chất lượng các công trình xây dựng, sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị, chống thất thoát, tiêu cực.

- Tổ chức giao ban, sơ kết đánh giá kết quả thực hiện theo định kỳ 6 tháng và hàng năm, báo cáo Bộ Y tế để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Chủ động giải quyết những khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền; báo cáo Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ giải quyết những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền.

h) Các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương có nhiệm vụ tuyên truyền rộng rãi để toàn xã hội cùng tham gia hưởng ứng, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.