• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 05/05/2010
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 585/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Trung Ương, ngày 5 tháng 5 năm 2010

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành

cho doanh nghiệp giai đoạn năm 2010 - 2014

______________________

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn năm 2010 - 2014 (ban hành kèm theo Quyết định này).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.  

 

THỦ TƯỚNG
(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

 


CHƯƠNG TRÌNH

Hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp

giai đoạn năm 2010 - 2014

(Ban hành kèm theo Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 05 tháng 5

năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ)

_____________

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp nhằm triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.

2. Mục tiêu cụ thể

- Khắc phục cơ bản tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận với thông tin pháp luật. Trong giai đoạn 1 của Chương trình, lựa chọn một số địa phương triển khai điểm Chương trình, bảo đảm 95% doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận thường xuyên với thông tin pháp luật thông qua các hình thức phù hợp.

- Đáp ứng cơ bản yêu cầu bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp và kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp. Trong giai đoạn thực hiện Chương trình phấn đấu tổ chức bồi dưỡng cho 65.000 người quản lý doanh nghiệp; 9.700 cán bộ pháp chế doanh nghiệp.

- Hình thành mạng lưới tư vấn pháp luật gồm Luật gia, Tư vấn viên pháp luật và cộng tác viên tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa bàn kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn [1]. Bảo đảm 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn được hỗ trợ tư vấn về các nội dung cơ bản của pháp luật kinh doanh.

- Xây dựng mô hình tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các địa phương được chọn làm điểm.

- Nâng cao năng lực của các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Trong giai đoạn 1 của Chương trình, các địa phương được lựa chọn làm điểm được tăng cường năng lực để đáp ứng yêu cầu tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (sau đây viết tắt là Nghị định số 66/2008/NĐ-CP). Trên cơ sở kết quả triển khai điểm ở giai đoạn 1, tổ chức nhân rộng kết quả tại các địa phương khác trong giai đoạn 2.

II. NỘI DUNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH 

1. Xây dựng nội dung, xác định cụ thể hoạt động ưu tiên và kế hoạch chi tiết thực hiện chương trình.

2. Thực hiện thông tin pháp lý cho doanh nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau, bảo đảm thông tin đầy đủ, kịp thời, có hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thực tiễn pháp lý trong kinh doanh cho các doanh nghiệp.

3. Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình phổ biến kiến thức cơ bản về pháp luật kinh doanh trên các phương tiện thông tin đại chúng cho doanh nghiệp.

4. Tổ chức thực hiện các chương trình bồi dưỡng kiến thức cơ bản về pháp luật kinh doanh[2] cho người quản lý doanh nghiệp.

5. Tổ chức bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ pháp chế cho cán bộ pháp chế của doanh nghiệp.

6. Xây dựng mạng lưới tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp tại các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

7. Xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án điểm về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại một số địa phương đại diện cho các vùng miền.

8. Xây dựng và thực hiện các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực cho các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP.

9. Giám sát, đánh giá, tổng kết việc thực hiện chương trình để đề xuất các hoạt động nhằm phát huy kết quả của chương trình và nhân rộng mô hình điểm.

Các hoạt động trên được tổ chức thực hiện theo 3 dự án sau đây:

Dự án 1: Hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động thông tin pháp lý cho doanh nghiệp.

Dự án 2: Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên một số hoạt động cụ thể.

Dự án 3: Tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

(Các dự án trên được mô tả chi tiết tại Phụ lục I của Chương trình).

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH 

1. Giải pháp về chính sách

- Khuyến khích các Luật sư, Luật gia, Tư vấn viên pháp luật và cộng tác viên tư vấn pháp luật tham gia hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

- Hỗ trợ các tổ chức đại diện của doanh nghiệp để nâng cao năng lực thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thành viên.

- Khuyến khích tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

- Huy động các phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp.

2. Giải pháp về cơ chế

a) Cơ chế huy động nguồn lực hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp:

- Tập trung kinh phí của Nhà nước để thực hiện những hoạt động trọng điểm, ưu tiên của Chương trình;

- Khuyến khích sự đóng góp nguồn lực của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp để thực hiện các hoạt động của Chương trình;

- Huy động các nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.

b) Cơ chế tổ chức triển khai:

- Thành lập Ban chỉ đạo liên ngành gồm đại diện Lãnh đạo của các cơ quan có liên quan để tổ chức thực hiện Chương trình;

- Ban Chỉ đạo Chương trình phân công trách nhiệm thực hiện các hoạt động của Chương trình cho từng cơ quan cụ thể.

c) Cơ chế phối hợp:

- Ban Chỉ đạo Chương trình xác định cụ thể trách nhiệm chủ trì, phối hợp của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và các địa phương trong việc tổ chức thực hiện các hoạt động của Chương trình.

- Tăng cường phối hợp công tác giữa các cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và doanh nghiệp tham gia thực hiện chương trình.

d) Cơ chế giám sát, đánh giá:

- Ban Chỉ đạo Chương trình giám sát, đánh giá các hoạt động của Chương trình.

- Các Bộ, ngành liên quan và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện việc giám sát, đánh giá các hoạt động của Chương trình.

3. Giải pháp về chuyên môn

- Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật và quy trình kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP.

- Thông tin, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp cho từng đối tượng, từng loại hình doanh nghiệp, ngành nghề sản xuất kinh doanh.

- Đổi mới, nâng cao hiệu quả các hình thức, phương pháp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: kết hợp các phương thức truyền thống với các phương thức hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với từng nội dung, từng đối tượng, từng vùng miền.

- Kết hợp việc xây dựng mô hình điểm với nhân rộng điển hình, kịp thời biểu dương, khuyến khích các điển hình tiêu biểu trong thực thi pháp luật của doanh nghiệp gắn với việc khuyến cáo các doanh nghiệp về những rủi ro pháp lý trong kinh doanh.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Phạm vi, thời gian

- Phạm vi: Chương trình được triển khai trong phạm vi toàn quốc, có tập trung triển khai điểm tại 07 địa phương được lựa chọn là: Cần Thơ, Đắk Lắk, Đồng Nai, Quảng Bình, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và Hà Nội.

- Thời gian triển khai Chương trình từ năm 2010 đến 2014 để thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Chương trình và có định hướng các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đến năm 2020 để tạo sự bền vững, bảo đảm kết quả của Chương trình có tác động lâu dài.

2. Tổ chức điều hành chương trình

- Thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình do Lãnh đạo Bộ Tư pháp làm Trưởng ban, các thành viên là đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp và đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Ban Chỉ đạo Chương trình lập Kế hoạch thực hiện các hoạt động của Chương trình và phân công các cơ quan, tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì hoặc phối hợp thực hiện các hoạt động của Chương trình.

- Tổ Thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo do Trưởng ban quyết định thành lập gồm có đại diện các cơ quan có thành viên tham gia Ban Chỉ đạo.

- Các cơ quan, tổ chức được phân công thực hiện các hoạt động của Chương trình thành lập Tổ công tác hoặc cử cán bộ phụ trách để tổ chức thực hiện các hoạt động của Chương trình.

3. Phân công trách nhiệm

a) Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm chung về tổ chức thực hiện Chương trình; thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình; ban hành quy chế quản lý, thực hiện chương trình; xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình; chỉ đạo, theo dõi và giám sát việc triển khai Chương trình; định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Chương trình.

b) Bộ Tài chính hướng dẫn về dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện Chương trình.

c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp lồng ghép các hoạt động của Chương trình vào các chương trình, dự án có liên quan và hỗ trợ việc huy động nguồn tài trợ để triển khai Chương trình theo quy định của pháp luật.

d) Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí giới thiệu và tuyên truyền về hoạt động của Chương trình để nhân rộng kết quả của Chương trình.

đ) Các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện các hoạt động của Chương trình.

e) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình và quy định tại Nghị định số 66/2008/NĐ-CP có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Chương trình.

4. Tiến độ thực hiện chương trình

a) Giai đoạn 1 (năm 2010 - 2011)

- Thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình;

- Xây dựng quy chế quản lý và chỉ đạo, triển khai Chương trình;

- Xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức các hoạt động của Chương trình;

- Triển khai các hoạt động của Dự án 1; hoạt động a của Dự án 2; hoạt động a của Dự án 3. Triển khai điểm các hoạt động của 03 dự án.

b) Giai đoạn 2 (năm 2012 - 2014) 

- Triển khai các hoạt động còn lại của Chương trình. Tổ chức nhân rộng kết quả đối với các địa phương còn lại.

- Tổng kết, đánh giá kết quả của Chương trình, đề xuất định hướng các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đến năm 2020 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

5. Kinh phí

a) Kinh phí thực hiện Chương trình:

Tổng kinh phí thực hiện Chương trình là 190 tỷ đồng (Chi tiết tại Phụ lục II), trong đó:

- Kinh phí ngân sách nhà nước cấp là 170 tỷ đồng, bao gồm ngân sách Trung ương cấp 135 tỷ đồng (gồm kinh phí chi thường xuyên của các Bộ, ngành và kinh phí cấp bổ sung để thực hiện các hoạt động của Chương trình); ngân sách các địa phương tham gia Chương trình 35 tỷ đồng.

- Kinh phí đóng góp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia Chương trình 20 tỷ đồng.

b) Nguyên tắc huy động và sử dụng kinh phí để thực hiện chương trình:

- Ngân sách Trung ương được cấp để đảm bảo tổ chức các hoạt động chung của Chương trình; xây dựng tài liệu thông tin pháp luật cho doanh nghiệp; hỗ trợ phát triển một số trang thông tin điện tử của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức đại diện của doanh nghiệp, bao gồm việc hình thành Trang thông tin chính thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tổ chức các hội thảo, diễn đàn, tọa đàm về các chuyên đề pháp luật kinh doanh nhằm trao đổi kinh nghiệm, khuyến cáo các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật; thực hiện thí điểm một số hoạt động tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức có chức năng thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp tại một số địa phương nhằm xây dựng mô hình hiệu quả áp dụng trên phạm vi toàn quốc và tổ chức mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

- Ngân sách địa phương được cấp để đảm bảo việc tham gia phối hợp triển khai các Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các địa phương; phối hợp triển khai hoạt động điểm tại các tỉnh, thành phố được lựa chọn; bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp; hỗ trợ thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại địa phương.

- Kinh phí đóng góp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia Chương trình được sử dụng để chi phí cho cá nhân, tổ chức tham gia bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp; tham gia các hoạt động sử dụng mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp.

c) Phân bổ kinh phí thực hiện Chương trình: Kinh phí thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của các Bộ, ngành Trung ương chủ trì hoạt động của Chương trình. Hàng năm, trên cơ sở kế hoạch thực hiện Chương trình do Ban Chỉ đạo Chương trình lập trong phạm vi hoạt động của Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cơ quan chủ trì hoạt động của Chương trình lập dự toán chi tiết thực hiện và tổng hợp chung vào dự toán ngân sách của cơ quan mình gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật.



[1] Gồm 54 địa phương theo Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

[2] Bồi dưỡng kiến thức cơ bản về pháp luật kinh doanh bao gồm: pháp luật về hợp đồng, sở hữu, thực hiện quyền sở hữu, quyền và nghĩa vụ của người quản lý doanh nghiệp, thực thi pháp luật, pháp luật về thuế, hải quan (tập trung vào việc cải cách thủ tục hành chính, quản lý thuế, hải quan điện tử) pháp luật xử lý vi phạm trong kinh doanh, giải quyết tranh chấp, phá sản,…

 

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.