• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/10/2006
UBND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Số: 43/2006/CT-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 15 tháng 10 năm 2006

CHỈ THỊ

Về việc đẩy nhanh công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 6,

 sớm ổn định dân sinh và khôi phục sản xuất kinh doanh.

_________________

Bão số 6 đổ bộ vào tỉnh Thừa Thiên Huế từ ngày 30/9 đến 01/10/2006, đây là cơn bão có cấp độ cao kéo theo mưa to kết hợp với triều cường nên đã gây ra lụt lớn trên phạm vi diện rộng, làm thiệt hại rất nặng nề về dân sinh, kết cấu hạ tầng và sản xuất cho tỉnh ta. Ngay sau khi bão tan, ngày 02/10/2006, UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 40/2006/CT/UBND triển khai một số nhiệm vụ khẩn cấp khắc phục hậu quả. Các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đã nghiêm túc chấp hành và đã đạt được nhiều kết quả đáng khen ngợi. Tuy nhiên, do thiệt hại lớn, thời gian đòi hỏi rất khẩn trương, vật tư nguyên liệu còn thiếu, nên kết quả thực hiện ở một số lĩnh vực còn chậm, nhất là việc phân phối các nguồn hỗ trợ, lợp lại nhà cửa, trường học, trạm xá, xử lý rừng trồng bị đổ gãy và môi trường...

Để đẩy nhanh công tác khắc phục hậu quả do cơn bão số 6 gây ra, nhằm sớm ổn định cuộc sống và khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh, UBND tỉnh yêu cầu các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nội dung tại Chỉ thị số 40/2006/CT-UBND ngày 02/10/2006 của UBND tỉnh và tập trung triển khai nhanh các nhiệm vụ sau: 

1. Tổ chức khắc phục nhanh chỗ ở cho các hộ dân có nhà bị sập hoặc tốc mái, bảo đảm cho dân không phải chịu cảnh màn trời chiếu đất trong mùa mưa bão. Đối với các hộ nghèo có nhà bị sập thuộc đối tượng xoá nhà tạm, thống nhất chủ trương kết hợp Chương trình xoá nhà tạm để làm lại nhà mới cho các hộ gia đình này.

2. Tiếp tục thực hiện nhanh việc phân phối các nguồn viện trợ đã tiếp nhận được đến tận đối tượng được hưởng, nhất là tiền hỗ trợ cho người chết, bị thương và nhà bị sập hoặc tốc mái theo chủ trương của tỉnh và hoàn thành trước ngày 20/10/2006.

Giao các cơ quan nội chính phối hợp với các đoàn thể giám sát chặt chẽ việc phân phối hàng cứu trợ bảo đảm công khai, đúng đối tượng, công bằng, hợp lý. 

3. Sửa chữa ngay các trường học, trạm y tế nhằm bảo đảm an toàn trướcmắt cho việc học tập của học sinh và khám chữa bệnh cho nhân dân.

4. Tiếp tục sửa chữa, khôi phục các hệ thống cấp điện, cấp nước, hệ thống thông tin liên lạc, bảo đảm phục vụ sinh hoạt và sản xuất sớm trở lại bình thường, kể cả khu vực cửa khẩu S3. Nơi chưa có hệ thống cấp nước, Sở Y tế chỉ đạo, cung cấp hoá chất và hướng dẫn nhân dân xử lý để có nước sạch sử dụng.

 5. Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp khắc phục, xử lý vệ sinh môi trường; chủ động phòng chống các dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là các ổ dịch cũ có nguy cơ tái phát cao, đặc biệt là dịch cúm gia cầm và bệnh lở mồm long móng. Tổ chức thực hiện tốt kế hoạch tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm.

6. Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các ngành và địa phương liên quan có biện pháp xử lý trước mắt và chuẩn bị các điều kiện để vào vụ Đông Xuân. Tận thu nhanh cây bị đổ gãy ở các khu rừng trồng đúng quy định; hướng dẫn nhân dân trồng các cây ngắn ngày (sắn, ngô...) trên các diện tích rừng được thanh lý.  

- Tận dụng các khả năng có thể giải quyết ở địa phương, tranh thủ tốt sự giúp đỡ của Trung ương và các tỉnh bạn để giải quyết các nhu cầu về giống rau màu, cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất trước mắt và vụ Đông Xuân.

- Huy động nhân dân nạo vét kênh mương, củng cố bờ vùng, bờ thửa, đê nội đồng, sửa chữa các trạm bơm điện để phục vụ tưới tiêu kịp thời vụ. Đối với vùng cao, việc tu sửa, nâng cấp, xây dựng các công trình thuỷ lợi phải có thiết kế phù hợp với điều kiện địa hình, bảo đảm công trình sử dụng hiệu quả và bền vững. 

- Xúc tiến nhanh các dự án tái định cư dân cư vùng xung yếu, vùng có nguy cơ sạt lở, ven sông, ven đầm phá, ven biển và dân thuỷ diện.

7. Rà soát các công trình đã tầng hoá và kiên cố hoá với khả năng đảm bảo an toàn cho dân đến trú ẩn theo các cấp độ của bão, lụt.

8. Khẩn trương thống kê báo cáo thiệt hại theo yêu cầu của UBND tỉnh tại điểm 5 của Chỉ thị số 40/2006/CT-UBND ngày 02/10/2006 và các biểu mẫu đã hướng dẫn.

9. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các ngành liên quan có phương án khắc phục hậu quả bão lụt, kịp thời ổn định sản xuất, kinh doanh đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

10. Sở Văn hoá Thông tin tổ chức tuyên truyền, vận động toàn dân tích cực khắc phục hậu quả bão lụt. Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Huế, Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế, Báo Thừa Thiên Huế tăng thời lượng, nội dung thông tin về tình hình tổ chức cứu trợ và khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; phản ánh kịp thời về gương người tốt, việc tốt trong việc khắc phục hậu quả bão, lụt.

11. Khẩn trương tổ chức rút kinh nghiệm qua việc phòng, chống cơn bão số 6, kịp thời bổ sung phương án phòng chống bão lụt của đơn vị, địa phương mình; tiến hành bình xét khen thưởng, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống khắc phục hậu quả cơn bão số 6.

12. Các cấp, các ngành phân công cán bộ lãnh đạo về tận cơ sở để kiểm tra, chỉ đạo việc thực hiện các nội dung theo các Chỉ thị của UBND tỉnh.

Nhận được Chỉ thị này yêu cầu các cấp, các ngành khẩn trương triển khai thực hiện và kịp thời báo cáo UBND tỉnh hàng tuần về tiến độ và kết quả thực hiện./.

TM. Ủy ban nhân dân

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Xuân Lý

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.