Sign In

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương đối với quân nhân; công nhân viên chức

quốc phòng hưởng lương hoặc sinh hoạt phí từ nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước

 

Thực hiện khoản 5 Điều 11 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

 

Sau khi có sự thỏa thuận của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính; Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG

Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng có quyết định của Bộ Tổng Tham mưu đang công tác, đi học, thực tập, điều trị, điều dưỡng ở trong nước và ở nước ngoài, chờ giải quyết chính sách trong các cơ quan, đơn vị thuộc quân đội nhân dân hưởng lương hoặc sinh hoạt phí từ nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước.

II. NGUYÊN TẮC XẾP LƯƠNG

Người đang làm việc thuộc đối tượng nào, đảm nhiệm công việc gì, thì xếp lương theo quy định đối với đối tượng đó, công việc đó, cụ thể như sau:

1. Sĩ quan hưởng lương và hạ sĩ quan, binh sĩ hưởng phụ cấp: thực hiện xếp lương hoặc phụ cấp theo cấp bậc quân hàm.

2. Quân nhân chuyên nghiệp xếp lương theo trình độ đào tạo (đại học, trung cấp, sơ cấp) và làm công việc thuộc nhóm nào thì được xếp lương theo trình độ đó, nhóm đó.

3. Công chức, viên chức quốc phòng được bổ nhiệm vào ngạch công chức, viên chức nào thì xếp lương theo ngạch công chức, viên chức đó.

4. Công nhân quốc phòng làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc quân đội nhân dân xếp theo thang lương, bảng lương quy định trong các công ty nhà nước.

II. CÁC BẢNG LƯƠNG VÀ BẢNG PHỤ CẤP QUÂN HÀM HẠ SĨ QUAN, BINH SĨ

1. Đối với sĩ quan

a) Bảng lương cấp bậc quân hàm sĩ quan

Đơn vị tính: 1.000 đồng

 

Số thứ tự

Cấp bậc quân hàm

Hệ số lương

Mức lương thực hiện 01/10/2004

1

Đại tướng

10,40

3.016,0

2

Thượng tướng

9,80

2.842,0

3

Trung tướng

9,20

2.668,0

4

Thiếu tướng

8,60

2.494,0

5

Đại tá

8,00

2.320,0

6

Thượng tá

7,30

2.117,0

7

Trung tá

6,60

1.914,0

8

Thiếu tá

6,00

1.740,0

9

Đại úy

5,40

1.566,0

10

Thượng úy

5,00

1.450,0

11

Trung úy

4,60

1.334,0

12

Thiếu úy

4,20

1.218,0

 

b) Bảng nâng lương cấp bậc quân hàm sĩ quan

Đơn vị tính: 1.000 đồng

 

 

 

Lần 1

Lần 2

Cấp bậc quân hàm

Hệ số lương

Mức lương thực hiện 01/10/2004

Hệ số lương

Mức lương thực hiện 1/10/2004

Đại tá

8,40

2.436,0

8,60

2.494,0

Thượng tá

7,70

2.233,0

8,10

2.349,0

Trung tá

7,00

2.030,0

7,40

2.146,0

Thiếu tá

6,40

1.856,0

6,80

1.972,0

Đại úy

5,80

1.682,0

6,20

1.798,0

Thượng úy

5,35

1.551,5

5,70

1.653,0

 

Trường hợp sĩ quan đã được nâng lương, nhưng sau đó được thăng quân hàm mà mức lương cấp bậc quân hàm mới thấp hơn mức lương trước đó, thì được bảo lưu số chênh lệch cho đến khi được nâng lương hoặc thăng cấp quân hàm cao hơn.

Ví dụ: Đồng chí Trung tá Nguyễn Văn A, đã được nâng lương lần 2, hệ số lương mới = 7,40. Tháng 9 năm 2005 được thăng quân hàm Thượng tá, hệ số lương là 7,3. Đồng chí A được bảo lưu hệ số chênh lệch là 0,1 cho đến khi được nâng lương hoặc thăng cấp quân hàm cao hơn.

2. Đối với quân nhân chuyên nghiệp.

a) Bảng lương quân nhân chuyên nghiệp.

(Xem phụ lục đính kèm)

b) Căn cứ vào Quyết định số 176/2004/QĐ-BQP ngày 30 tháng 12 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc ban hành Quy định xếp loại, nhóm đối với quân nhân chuyên nghiệp và xếp nhóm đối với công nhân viên chức quốc phòng và tiêu chuẩn nghiệp vụ quy định cho từng chức danh của quân nhân chuyên nghiệp để quyết định xếp lương cho từng đối tượng theo quy định tại Thông tư này.

c) Quân nhân chuyên nghiệp đã giữ bậc lương cuối cùng trong nhóm, nếu đủ tiêu chuẩn, đến thời hạn xét nâng bậc lương thì được xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung theo quy định tại khoản 4 Mục IV Thông tư này.

3. Đối với công nhân, viên chức quốc phòng

a) Công chức, viên chức quốc phòng hưởng lương từ nguồn kinh phí thuộc Ngân sách Nhà nước được hưởng chế độ tiền lương như đối với cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

b) Công nhân làm việc trong các cơ quan, đơn vị hưởng lương từ nguồn kinh phí thuộc Ngân sách Nhà nước được hưởng chế độ tiền lương như công nhân trong các công ty nhà nước quy định tại Nghị định số 205/20041NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ Quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước.

4. Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ

a) Hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ theo Luật Nghĩa vụ quân sự (kể cả số học viên quân sự đang học tại các học viện, nhà trường, các cơ sở đào tạo trong và ngoài quân đội) được hưởng phụ cấp quân hàm theo cấp bậc trong 2 năm đầu tại bảng sau:

Bảng phụ cấp quân hàm hạ sĩ quan, binh sĩ.

Đơn vị tính: 1.000 đồng

 

Số thứ tự

Cấp hàm

Hệ số phụ cấp

Mức phụ cấp thực hiện 01/10/2004

1

Thượng sĩ

0,70

203,0

2

Trung sĩ

0,60

174,0

3

Hạ sĩ

0,50

145,0

4

Binh nhất

0,45

130,5

5

Binh nhì

0,40

116,0

 

b) Hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc diện phục vụ tại ngũ theo thời hạn 3 năm và hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc diện phục vụ tại ngũ theo thời hạn 2 năm được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì từ tháng thứ 25 trở đi hàng tháng được hưởng thêm 200% phụ cấp quân hàm 2 năm đầu của mỗi cấp;

Riêng hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc diện phục vụ tại ngũ theo thời hạn 3 năm, được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì từ tháng thứ 37 trở đi, hàng tháng được hưởng thêm 50% phụ cấp quân hàm 2 năm đầu của mỗi cấp.

Khoản phụ cấp từ tháng thứ 25 và tháng thứ 37 trở đi quy định tại điểm b này không áp dụng đối với những hạ sĩ quan, binh sĩ đang học ở các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội (kể cả số quân nhân được gọi tập trung ôn, luyện thi; dự thi tuyển và chờ báo kết quả thi, tuyển vào học tại các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội).

IV. CÁC CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP LƯƠNG

1. Phụ cấp chức vụ lãnh đạo

a) Đối tượng áp dụng

Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan và công chức, viên chức quốc phòng được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo ở các tổ chức được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập.

b) Nguyên tắc

b.1) Quân nhân; công chức, viên chức quốc phòng được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo nào thì hưởng mức phụ cấp chức vụ quy định cho chức vụ đó. Nếu một người giữ nhiều chức vụ lãnh đạo khác nhau thì chỉ thực hiện một mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo cao nhất. Người được giao quyền đảm nhận chức vụ cũng được trả phụ cấp chức vụ như người giữ chức vụ tương ứng.

b.2) Trường hợp tăng cường cho nhiệm vụ đặc biệt, quân nhân, công chức, viên chức quốc phòng được giao chức vụ thấp hơn chức vụ đang đảm nhiệm, thì được hưởng mức phụ cấp chức vụ của chức vụ trước khi đi tăng cường.

b.3) Trường hợp được giao chức vụ thấp hơn chức vụ đang đảm nhiệm do cấp có thẩm quyền điều chỉnh để phù hợp với năng lực, sức khỏe thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ cũ trong 6 tháng, từ tháng thứ 7 hưởng theo chức vụ mới.

b.4) Trường hợp miễn nhiệm chức vụ để làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ hoặc công tác khác, thì được bảo lưu mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo của chức vụ lãnh đạo cũ trong 6 tháng, từ tháng thứ 7 trở đi thì thôi hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo.

b.5) Trường hợp thôi giữ chức vụ lãnh đạo do bị cách chức, thì thôi hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo kể từ khi quyết định cách chức có hiệu lực thi hành

b.6) Trường hợp thôi giữ chức vụ lãnh đạo để nghỉ hưu, thì trong thời gian nghỉ chuẩn bị hưu được giữ nguyên mức phụ cấp chức vụ hiện hưởng.

Bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo

Đơn vị tính: 1.000 đồng

 

Nhóm

Chức danh lãnh đạo

Hệ số

Mức phụ cấp thực hiện 01/10/2004

1

Bộ trưởng

1,50

435,0

2

Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính tri

1,40

406,0

3

Chủ nhiệm Tổng cục; tư lệnh Quân khu, tư lệnh Quân chủng, tư lệnh Bộ đội Biên phòng

1,20

348,0

4

Tư lệnh Quân đoàn, tư lệnh Binh chủng

1,10

319,0

5

Phó tư lệnh Quân đoàn, Phó tư lệnh Binh chủng

1,00

290,0

6

Sư đoàn trưởng

0,90

261,0

7

Lữ đoàn trưởng

0,80

232,0

8

Trung đoàn trưởng

0,70

203,0

9

Phó Trung đoàn trưởng

0,60

174,0

10

Tiểu đoàn trưởng

0,50

145,0

11

Phó Tiểu đoàn trưởng

0,40

116,0

12

Đại đội trưởng

0,30

87,0

13

Phó Đại đội trưởng

0,25

72,5

14

Trung đội trưởng

0,20

58,0

 

d) Cách tính trả.

Phụ cấp chức vụ lãnh đạo được trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

2. Phụ cấp thâm niên.

a) Đối tượng áp dụng.

Sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp tại ngũ.

b) Mức phụ cấp.

Sau 5 năm (đủ 60 tháng) tại ngũ thì được hưởng mức phụ cấp bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ sáu trở đi cứ thêm một thâm niên (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%, không hạn chế mức tối đa.

3. Phụ cấp phục vụ quốc phòng, an ninh.

a) Đối tượng và phạm vi áp dụng.

Công nhân viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng có quyết định của Bộ Tổng Tham mưu làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc quân đội nhân dân.

b) Mức phụ cấp, gồm 2 mức:

b.1) Mức 50% áp dụng đối với công nhân viên chức quốc phòng xếp nhóm 1 quy định tại Quyết định số 176/2004/QĐ-BQP ngày 30 tháng 12 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

b.2) Mức 30% áp dụng đối với công nhân viên chức quốc phòng xếp nhóm 2 quy định tại Quyết định số 176/2004/QĐ-BQP ngày 30 tháng 12 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

c) Cách tính trả phụ cấp.

Phụ cấp phục vụ quốc phòng, an ninh được tính trên mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); và được trả cùng kỳ lương hàng tháng.

Khi công nhân viên chức quốc phòng được điều động từ đơn vị này sang đơn vị khác hoặc ngành nghề này sang ngành nghề khác; từ nơi có mức phụ cấp phục vụ quốc phòng, an ninh 50% đến nơi có mức phụ cấp phục vụ quốc phòng, an ninh 80% (hoặc ngược lại) thì được hưởng mức phụ cấp theo nơi mới kể từ tháng tiếp theo.

4. Phụ cấp thâm niên vượt khung.

a) Đối tượng và phạm vi áp dụng.

Quân nhân chuyên nghiệp được xếp lương theo bảng lương quân nhân chuyên nghiệp (bảng 7) quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Công chức, viên chức quốc phòng hưởng chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung như cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.

b) Điều kiện và tiêu chuẩn được hưởng phụ cấp.

Quân nhân chuyên nghiệp đã giữ bậc lương cuối cùng trong "nhóm" và có đủ điều kiện thời gian và tiêu chuẩn như hai tiêu chuẩn nâng bậc lương quy định tại Thông tư số 07/2005/TT-BQP ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Quốc phòng trong suốt thời gian giữ bậc lương cuối cùng trong "nhóm" hoặc trong thời gian của năm xét hưởng thêm phụ cấp thâm niên vượt khung.

c) Mức phụ cấp và cách chi trả.

c.1) Mức phụ cấp.

Sau 3 năm (đủ 36 tháng), quân nhân chuyên nghiệp đã xếp bậc lương cuối cùng trong "nhóm", thì được xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung bằng 5% mức lương của bậc lương cuối cùng trong "nhóm"; từ năm thứ tư trở đi, mỗi năm có đủ tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung được tính hưởng thêm 1%.

c.2) Cách tính trả.

Phụ cấp thâm niên vượt khung được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.

5. Đối với quân nhân và công nhân viên chức quốc phòng thuộc các quân binh chủng đặc biệt hoặc làm các ngành nghề, công việc đặc thù được hưởng chế độ phụ cấp đặc thù do Chính phủ, Bộ Quốc phòng ban hành.

6. Các khoản phụ cấp khác:

Ngoài các khoản phụ cấp nêu trên, tùy từng đối tượng được áp dụng các chế độ phụ cấp: Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo; Phụ cấp đặc biệt; Phụ cấp thu hút; Phụ cấp khu vực; Phụ cấp lưu động; Phụ cấp độc hại, nguy hiểm; Phụ cấp ưu đãi nghề; Phụ cấp trách nhiệm theo nghề; Phụ cấp trách nhiệm công việc;... theo hướng dẫn chung của Nhà nước.

V. CHẾ ĐỘ BÙ ĐỊNH LƯỢNG

1. Hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ theo Luật Nghĩa vụ quân sự được đài thọ về ăn theo quy định.

2. Tiếp tục thực hiện chế độ bù chênh lệch ăn theo tính chất, nhiệm vụ đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng ở các quân, binh chủng đặc biệt.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Quân nhân hưởng lương và công nhân viên chức quốc phòng phải trích một phần tiền lương để đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế theo quy định.

2. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Chế độ tiền lương quy định tại Thông tư này được tính hưởng kể từ ngày 01/10/2004.

Thông tư này thay thế Thông tư số 715/TT-QP ngày 24 tháng 05 năm 1993 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn quy định tạm thời chế độ tiền lương mới đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân viên chức quốc phòng trong quân đội nhân dân và các quy định về tiền lương trái với quy định tại Thông tư này đều bãi bỏ.

3. Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị và Cục trưởng Cục Tài chính - Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc các đơn vị phản ánh về Bộ Quốc phòng (qua Cục Tài chính - Bộ Quốc phòng) để xem xét, giải quyết./.

Bộ Quốc phòng

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Rinh