Sign In
No tile

PHÁP LỆNH

số 27/2000/PL-UBTVQH10 ngày 24/8/2000

sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt bão

 

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;

Căn cứ vào Luật tài nguyên nước,

Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội Khóa X, kỳ họp thứ 6 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2000,

Pháp lệnh này sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh phòng, chống lụt, bão đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 08 tháng 3 năm 1993.

 

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh phòng, chống lụt, bão như sau:

1. Điều 3 được sửa đổi, bổ sung:

"Điều 3. Nhà nước thống nhất quản lý công tác phòng, chống lụt bão trong phạm vi cả nước.

Trong việc phòng, chống lụt, bão phải có kế hoạch và biện pháp chủ động phòng, chống, tránh, thích nghi với lụt, bão theo đặc điểm của từng vùng; giảm nhẹ, hạn chế tác hại do lụt, bão gây ra; kết hợp lợi ích của cả nước với các vùng; kết hợp khoa học, công nghệ hiện đại với kinh nghiệm truyền thống của nhân dân, phù hợp với điều kiện thực tiễn."

2. Điều 10 được sửa đổi, bổ sung:

"Điều 10. Việc phòng ngừa lụt, bão lâu dài bao gồm:

1. Tổ chức và đầu tư xây dựng hệ thống thu thập thông tin về sự biến động thời tiết toàn cầu, thời tiết khu vực và từng vùng trong cả nước; xử lý thông tin để nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo phục vụ điều hành chỉ đạo, chỉ huy phòng ngừa lụt, bão;

2. Lập quy hoạch, tiêu chuẩn phòng, chống lụt, bão cho từng vùng để làm cơ sở cho việc lập kế hoạch xây dựng công trình và phương án phòng, chống lụt, bão;

3. Lập kế hoạch củng cố, đầu tư xây dựng công trình phòng, chống lụt, bão; xây dựng, tu bổ, bảo vệ đê điều; giải phóng bãi sông; giải phóng và nạo vét lòng sông; bảo vệ và trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, dải cây chắn sóng, chắn gió, chắn cát ven sông, ven biển;

4. Quy hoạch hợp lý vùng dân cư, công trình cơ sở hạ tầng ở các khu vực thường chịu tác động của lụt, bão;

5. Xác định cơ cấu sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp phù hợp và thích nghi với lụt, bão theo đặc điểm của từng vùng;

6. ng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào công tác phòng ngừa lụt, bão; .

7. Tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân kiến thức, kinh nghiệm và pháp luật về phòng ngừa lụt, bão; .

8. Định kỳ kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các kế hoạch phòng ngừa lụt, bão."

3. Điều 15 được sửa đổi, bổ sung:

Điều 15. Việc quản lý, khai thác hồ chứa nước, trạm bơm, cống qua đê và các công trình khác có liên quan đến phòng, chống lụt, bão phải được thực hiện theo đúng quy trình vận hành của công trình đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt."

4. Điều 17 được sửa đổi, bổ sung:

Điều 17. Các loại tầu, thuyền khi hoạt động trên biển, trên sông phải được trang bị hệ thống thông tin, tín hiệu, phương tiện cứu hộ người, cứu hộ tầu, thuyền.

Thuyền trưởng, thuyền viên và người làm nghề trên biển, trên sông phải tuân theo các quy định của pháp luật về hàng hải, pháp luật về đường thủy nội địa, quy chế báo bão, lũ và phải có kiến thức, kinh nghiệm về phòng, tránh để xử lý khi nhận được tin cảnh báo bão, lũ.

Chủ tầu, thuyền chịu trách nhiệm về trang thiết bi bảo đảm an toàn cho người, tầu, thuyền.

Thuyền trưởng chịu trách nhiệm kiểm tra các trang thiết bị đảm bảo an toàn trước khi cho tầu, thuyền hoạt động."

5. Điều 20 được sửa đổi, bổ sung:

"Điều 20. Thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan dự báo lụt, bão; cơ quan ra quyết định cảnh báo, báo động lụt, bão và cơ quan ra quyết định về các biện pháp khẩn cấp chống lụt, bão được quy định như sau:

1. Tổng cục Khí tượng thủy văn dự báo mưa, lũ bão, áp thấp nhiệt đới và nước biển dâng trong phạm vi cả nước;

2. Ban chỉ đạo phòng, chống lụt, bão trung ương quyết định cảnh báo và biện pháp đối phó với lụt bão trong phạm vi cả nước;

3. Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp với Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cảnh báo và biện pháp đối phó với lụt, bão trong phạm vi quản lý của mình;

4. Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cảnh báo, báo động và biện pháp đối phó với lụt, bão trong địa phương; đối với vùng sâu, vùng xa, trong trường hợp cần thiết Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão huyện có thể ra quyết định cảnh báo, báo động lụt, bão tại địa phương và phải báo cáo ngay với Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão cấp trên.

Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão xã, phường, thị trấn và các ngành ở địa phương tổ chức thực hiện cảnh báo, báo động và quyết định biện pháp đối phó với lụt, bão trong phạm vi quản lý của mình;

5. Thủ tướng Chính phủ quyết định biện pháp đối phó với lụt, bão trong tình huống khẩn cấp.

Khi hết lụt, bão cơ quan nào ra quyết định cảnh báo, báo động lụt, bão, ra quyết định về các biện pháp đối phó với lụt, bão thì cơ quan ấy có trách nhiệm thông báo bãi bỏ quyết định của mình."

6. Điều 21 được sửa đổi, bổ sung:

"Điều 21. Việc huy động lực lượng, vật tư, phương tiện cho phòng, chống lụt, bão quy định như sau:

1. Trong tình huống khẩn cấp, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp có quyền huy động lực lượng, vật tư, phương tiện của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào để cứu hộ người, cứu hộ công trình và tài sản bị lụt, bão uy hiếp, gây hư hại và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.

Lực lượng vũ trang có nhiệm vụ tham gia công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão; quân đội là lực lượng chủ lực trong công tác này.

Tổ chức, cá nhân được huy động phải chấp hành các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

2. Vật tư, phương tiện được huy động theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được hoàn trả sau khi sử dụng, nếu bị thiệt hại thì được bồi thường theo quy định của pháp luật; người bị thương, bị thiệt hại tính mạng trong khi tham gia phòng, chống lụt, bão được xét hưởng chế độ, chính sách theo quy định tại các Điều 28, 29, 30 và 31 của Pháp lệnh nghĩa vụ lao động công ích;

3. Trong trường hợp đê điều, công trình phòng, chống lụt, bão hoặc công trình liên quan đến phòng, chống lụt, bão đang bị sự cố hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố thì chính quyền địa phương phải huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để bảo vệ và cứu hộ theo quy định tại Điều 51 của Luật Tài nguyên nước, đồng thời báo cáo cơ quan quản lý công trình và chính quyền cấp trên;

4. Thẩm quyền quyết định huy động lao động nghĩa vụ công ích trong tình huống khẩn cấp về lụt, bão được thực hiện theo Điều 24 của Pháp lệnh nghĩa vụ lao động công ích."

7. Điều 22 được sửa đổi, bổ sung:

"Điều 22. Việc phân lũ, chậm lũ trong tình huống khẩn cấp được quy định như sau:

1. Trong tình huống khẩn cấp, khi hệ thống đê điều bị uy hiếp nghiêm trọng, Thủ tướng Chính phủ quyết định biện pháp phân lũ, chậm lũ có liên quan đến hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên theo phương án đã được Chính phủ phê duyệt; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định biện pháp phân lũ, chậm lũ có liên quan đến bảo vệ an toàn cho đê điều chống lũ trong phạm vi địa phương theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

2. Chính phủ quy định cụ thể các tình huống khẩn cấp cần phân lũ, chậm lũ; các biện pháp di dân an toàn, bảo đảm sản xuất và đời sống nhân dân, khắc phục hạn quả ngập lụt, trợ cấp cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng phân lũ, chậm lũ."

8. Điều 26 được sửa đổi, bổ sung:

"Điều 26. Chính phủ quyết định và chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện việc khắc phục hậu quả lụt, bão.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc khắc phục hậu quả lụt, bão.

Việc khắc phục hậu quả lụt, bão ở địa phương nào do Uỷ ban nhân dân địa phương đó tổ chức và chỉ đạo thực hiện; trường hợp vượt quá khả năng của địa phương thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phải báo cáo kịp thời với cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan phòng, chống lụt, bão cấp trên."

9. Điều 28 được sửa đổi, bổ sung:

"Điều 28. Khi lụt, bão xảy ra, Uỷ ban nhân dân các cấp được sử dụng nguồn tài chính phòng, chống lụt, bão quy định tại Điều 27 của Pháp lệnh phòng, chống lụt, bão để khắc phục hậu quả lụt, bão; trường hợp vượt quá khả năng của địa phương thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ."

10. Điều 29 được sửa đổi, bổ sung:

"Điều 29. Nguồn tài chính phòng, chống lụt, bão được sử dụng cho các công việc sau đây:

1. Cứu hộ người và tài sản, cứu hộ công trình bị sự cố do lụt, bão gây ra;

2. Quy hoạch, xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình phòng, chống lụt, bão; trang bị phương tiện kỹ thuật cho công tác dự báo, cảnh báo và chỉ đạo, chỉ huy về phòng, chống lụt, bão;

3. Hoạt động chỉ đạo, chỉ huy, tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ về phòng, chống lụt, bão;

4. Khắc phục hậu quả lụt, bão."

11. Điều 30 được sửa đổi, bổ sung:

"Điều 30. Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích ngân sách nhà nước và các quỹ cho công tác phòng, chống lụt, bão.

Uỷ ban nhân dân các cấp chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và các cơ quan liên quan có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận và phân phát kịp thời, đúng đối tượng các khoản cứu trợ trong nước, ngoài nước cho tổ chức, cá nhân nơi xảy ra lụt, bão.

Khi tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước trực tiếp cứu trợ cho các đối tượng bị thiệt hại do lụt bão gây ra thì tổ chức, cá nhân đó cần phải thông báo cho chính quyền địa phương biết."

12. Điều 32 được sửa đổi, bổ sung:

"Điều 32. Nội dung quản lý nhà nước về công tác phòng, chống lụt, bão bao gồm:

1. Lập quy hoạch, kế hoạch và chỉ đạo thực hiện việc dự báo, phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt bão;

2. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về dự báo, phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão;

3. Xây dựng, tu bổ, quản lý, bảo vệ các công trình phòng, chống lụt, bão và các công trình có liên quan đến phòng, chống lụt, bão;

4. Tổ chức việc thu thập và xử lý thông tin có liên quan đến lụt, bão;

5. Quản lý các nguồn tài chính về phòng, chống lụt, bão;

6. Tổ chức việc nghiên cứu và áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong việc dự báo, phòng, chống lụt, bão; bồi dưỡng nghiệp vụ cho người làm công tác dự báo, làm công tác phòng, chống lụt bão;

7. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm và pháp luật về phòng, chống lụt, bão;

8. Kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về dự báo, phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt bão; giải quyết khiếu nại, tố cáo về dự báo, phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão;

9. Chỉ đạo việc thực hiện quan hệ quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống lụt, bão."

13. Điều 33 được sửa đổi, bổ sung.

"Điều 33.

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác phòng, chống lụt, bão.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ giúp Chính phủ trong việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống lụt, bão.

3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống lụt, bão theo sự phân công của Chính phủ.

4. Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống lụt, bão trong phạm vi địa phương theo sự phân cấp của Chính phủ.

Chính phủ quy định cụ thể việc phân công trách nhiệm, phân cấp quản lý nhà nước về công tác phòng, chống lụt, bão."

14. Điều 34 được sửa đổi, bổ sung:

"Điều 34.

1. Ban chỉ đạo phòng, chống lụt, bão trung ương do Thủ tướng Chính phủ thành lập.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo phòng, chống lụt, bão trung ương.

Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban chỉ đạo phòng, chống lụt, bão trung ương do Thủ tướng Chính phủ quy định.

2. Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ thành lập, có nhiệm vụ giúp Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống lụt bão trong phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

3. Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão các cấp ở địa phương do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp thành lập, có nhiệm vụ giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp tổ chức thực hiện công tác phòng, chống lụt, bão trong phạm vi địa phương."

15. Điều 35 được sửa đổi, bổ sung:

"Điều 35. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thanh tra về công tác phòng, chống lụt, bão theo quy định của pháp luật."

16. Điều 36 được sửa đổi, bổ sung:

"Điều 36. Việc khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống lụt, bão được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo."

Điều 2. Chính phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phòng, chống lụt, bão đã ban hành cho phù hợp với Pháp lệnh này./.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nông Đức Mạnh