• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 11/08/2008
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 100/2008/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 15 tháng 7 năm 2008

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020

 ______________________________________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang tại tờ trình số 41/TTr-UBND ngày 09/11/2007 và ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 901/BKH-TĐ&GSĐT ngày 12 tháng 02 năm 2008 về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

- Tăng cường kinh tế nhanh và bền vững, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh, từng bước rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển so với mức bình quân của cả nước, sớm thoát khỏi tỉnh kém phát triển; bảo đảm mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Bắc và miền núi phía Bắc; hội nhập nhanh với các vùng kinh tế và cả nước; thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

- Phát triển các thành phần kinh tế; tranh thủ tối đa nguồn nội lực, đồng thời thu hút mạnh nguồn ngoại lực để phát triển kinh tế của Tỉnh.

- Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phát triển cân đối giữa các vùng trong Tỉnh, trong đó tập trung phát triển vùng kinh tế trọng điểm là động lực thúc đẩy các vùng khác phát triển; giảm sự chênh lệch về mức sống giữa các tầng lớp dân cư. Thực hiện tốt các chính sách dân tộc, giảm nghèo, chính sách đối với vùng khó khăn; từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xã hội với quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng Tuyên Quang phát triển toàn diện, tiếp tục duy trì phát triển kinh tế tốc độ cao và bền vững, xã hội văn minh, môi trường sinh thái được giữ gìn, an ninh, quốc phòng được giữ vững. Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với cơ cấu kinh tế là công nghiệp – dịch vụ - nông lâm nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020, Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc và đạt mức trung bình của cả nước.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GDP bình quân hàng năm giai đoạn đến năm 2010 đạt trên 14%; giai đoạn 2011 – 2015 đạt trên 14,5%; giai đoạn 2016 – 2020 đạt trên 14,8%.

- GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt trên 12 triệu đồng (tương đương 740 USD); năm 2020 đạt trên 30 triệu đồng (tương đương 2.000 USD).

- Chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế hiện nay (nông lâm nghiệp – công nghiệp – dịch vụ) sang cơ cấu kinh tế công nghiệp – dịch vụ - nông lâm nghiệp.

- Đến năm 2010, tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 40%; các ngành dịch vụ chiếm 35%, ngành nông, lâm nghiệp chiếm 25%.

- Đến năm 2020, tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 46%; các ngành dịch vụ chiếm 36%, ngành nông, lâm nghiệp chiếm 18%.

- Giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định năm 1994) đến năm 2010 đạt trên 3.600 tỷ đồng; đến năm 2020 đạt trên 10.000 tỷ đồng.

- Sản lượng lương thực đạt trên 32 vạn tấn. Lương thực bình quân đầu người trên 400kg/người vào năm 2020.

- Kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt trên 27 triệu USD, năm 2020 đạt trên 100 triệu USD.

- Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp kết hợp bảo vệ môi trường sinh thái, duy trì độ che phủ rừng trên 60%.

- Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; thực hiện có hiệu quả phân luồng học sinh theo quy định. Phấn đấu đến năm 2020, trên 75% số trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia.

- Tăng tuổi thọ trung bình của người dân lên trên 70 tuổi vào năm 2010 và 73 tuổi vào năm 2020. Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống dưới 15% vào năm 2010, dưới 10% vào năm 2020. Đến năm 2010 đạt 18 giường bệnh/10.000 dân; năm 2020 đạt 20 giường bệnh/10.000 dân.

- Giai đoạn đến năm 2010, giải quyết việc làm mới cho trên 58.000 lao động; giai đoạn 2011-2020 giải quyết việc làm mới cho trên 100.000 lao động. Giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị đến năm 2010 dưới 3,5%, năm 2020 dưới 2,5%. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2010 đạt trên 30%, trong đó qua đào tạo nghề trên 15%; đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 50%, trong đó qua đào tạo nghề là 30%.

- Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2010 dưới 15%; năm 2020 dưới 10%.

- Đến năm 2020, có 100% dân số đô thị và trên 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch.

- 100% cơ sở sản xuất mới xây dựng áp dụng công nghệ sạch, trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải.

- 100% các khu, cụm công nghiệp tập trung và điểm công nghiệp có hệ thống thu gom, xử lý chất thải và nước thải đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường.

- 100% các đô thị trong tỉnh có hệ thống thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải sản xuất, nước thải và chất thải y tế, chất thải độc hại.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH – LĨNH VỰC

1. Phát triển ngành công nghiệp

- Giai đoạn đến năm 2010: tập trung phát triển nhanh ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản; sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên; phát triển công nghiệp cơ khí phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp; công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và các ngành công nghiệp khác. Khuyến khích phát triển ngành công nghiệp có lợi thế, phù hợp với vùng nguyên liệu và tài nguyên của địa phương như: sản xuất giấy và bột giấy, chế biến gỗ, ván ép MDF, chế biến chè, các dự án thủy điện nhỏ, các dự án sản xuất xi măng, luyện phôi thép, luyện ferromangan, chế biến bột barít, bột đá và các sản phẩm từ đá.

- Quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng cụm các Khu công nghiệp – dịch vụ - đô thị Long Bình An, các cụm công nghiệp ở các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên và Sơn Dương.

- Giai đoạn 2011 – 2020: Tập trung huy động nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu như sản xuất giấy, chế biến gỗ xuất khẩu, chế biến chè chất lượng cao, sản xuất thép, sản xuất linh kiện, phụ tùng cho ngành công nghiệp lắp ráp ô tô, xe máy; công nghiệp điện tử tin học, dệt may, da giày, cơ khí lắp ráp, chế biến nông lâm sản…

- Tiếp tục đầu tư hạ tầng cơ sở và thu hút đầu tư vào các cụm, Khu công nghiệp của tỉnh; khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn, quy hoạch phát triển tiểu, thủ công nghiệp theo hướng tập trung để tạo ra sản phẩm hàng hóa.

2. Phát triển các ngành dịch vụ

- Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Quy hoạch xây dựng một số trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống chợ đầu mối. Tổng mức hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng bình quân 20%/năm trong giai đoạn 2006-2010, tăng 24% trong giai đoạn 2011-2020. Phát triển mạnh ngoại thương, mở rộng thị trường xuất khẩu; giá trị xuất khẩu đạt trên 27 triệu USD vào năm 2010, đạt trên 100 triệu USD vào năm 2020, tốc độ tăng bình quân 18%/năm.

- Phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo thêm nhiều việc làm, khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của Tỉnh. Phát triển du lịch theo hướng tập trung đầu tư vào 3 khu chính: Khu du lịch lịch sử văn hóa, Khu du lịch nghỉ dưỡng. Khu du lịch sinh thái. Đến năm 2010 thu hút trên 500.000 lượt khách du lịch, tổng doanh thu từ du lịch đạt 500 tỷ đồng, tạo việc làm cho 8.000 lao động. Năm 2020, thu hút trên 1.500.000 lượt khách, tổng doanh thu là 2.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho 21.000 lao động.

- Phát triển vận tải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao năng lực và chất lượng vận tải đường bộ; phát triển vận tải đường thủy; khuyến khích phát triển vận tải công cộng ở đô thị; vận tải phục vụ vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Khối lượng hàng hóa luân chuyển giai đoạn đến năm 2010 tăng 16%/năm, giai đoạn 2011 – 2020 tăng 6,4%/năm. Khối lượng hành khách luân chuyển giai đoạn đến năm 2010 tăng 15%/năm; giai đoạn 2011-2020 tăng 5,5%/năm.

- Phát triển mạnh dịch vụ bưu chính viễn thông trong nước và quốc tế; nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm bưu điện văn hóa, phổ cập các dịch vụ bưu chính viễn thông cơ bản. Phấn đấu năm 2010, mật độ điện thoại đạt 15 máy/100 dân, năm 2020 đạt 25 máy/100 dân.

- Phát triển mạnh các hoạt động dịch vụ tài chính, ngân hàng, khoa học công nghệ, bảo hiểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

3. Phát triển ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản

- Phát triển nông, lâm nghiệp hướng sản xuất hàng hóa; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với thị trường; đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh. Sản lượng lương thực hàng năm đạt 32 vạn tấn; lương thực bình quân đầu người trên 400kg/người/năm.

- Mở rộng diện tích trồng lạc, đậu tương trên đất ruộng. Quy hoạch vùng sản xuất lạc hàng hóa tại huyện Chiêm Hóa; chuyển đổi những vùng đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng lạc, đậu tương và cây trồng khác có giá trị kinh tế.

- Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống chè bằng giống mới có năng suất và chất lượng cao. Rà soát, quy hoạch vùng nguyên liệu mía bảo đảm công suất hoạt động của các nhà máy đường.

- Nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong ngành nông nghiệp lên 45% vào năm 2020. Thực hiện các giải pháp chăn nuôi với quy mô và hình thức phù hợp. Hàng năm đàn trâu tăng 2%, đàn bò tăng 10%, đàn lợn tăng 6%, đàn gia cầm tăng 10%.

- Phát triển lâm nghiệp bảo đảm hiệu quả kinh tế lâm nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, khai thác có hiệu quả thế mạnh lâm nghiệp của Tỉnh. Quy hoạch hợp lý 3 loại rừng; chú trọng thực hiện quy hoạch, kế hoạch trồng rừng nguyên liệu cung ứng cho Nhà máy bột giấy và giấy An Hòa, nhà máy giấy tráng phấn cao cấp, các nhà máy chế biến gỗ. Giao đất, giao rừng cho các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật; khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh rừng, làm giàu bằng nghề rừng. Làm tốt công tác bảo vệ rừng đi đôi với khai thác sử dụng hợp lý vốn rừng; bảo đảm độ che phủ trên 60%.

- Mở rộng diện tích và tăng giá trị nuôi trồng thủy sản; phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy điện Tuyên Quang. Sản lượng thủy sản tăng trên 8,5%/năm; sản lượng cá thịt đến năm 2010 đạt 4.500 tấn; từ năm 2015 đạt trên 5.000 tấn.

- Chú trọng phát triển kinh tế trang tại. Đẩy mạnh xây dựng thôn, bản nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chú trọng giải quyết có hiệu quả các vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

4. Các lĩnh vực văn hóa xã hội

a) Phát triển giáo dục và đào tạo

- Giáo dục mầm non: đến năm 2008, ít nhất mỗi xã có 1 trường mầm non, cơ bản có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, cán bộ quản lý và giáo viên nòng cốt. Đến năm 2010 giữ vững tỷ lệ huy động trên 32% số cháu trong độ tuổi đi nhà trẻ (trong đó ngoài công lập chiếm 80%); huy động 98% số cháu trong độ tuổi học mẫu giáo (trong đó ngoài công lập chiếm 70%). Đến năm 2015, tăng tỷ lệ huy động đi nhà trẻ lên 40%, mẫu giáo 100%. Đến năm 2020, tỷ lệ huy động đi nhà trẻ 50%, mẫu giáo 100%.

- Giáo dục phổ thông: khuyến khích mở rộng các loại hình trường lớp bán trú, phát triển mạnh việc tổ chức học 2 buổi/ngày. Thực hiện xã hội hóa giáo dục; lập quy hoạch, kế hoạch chuyển các cơ sở công lập sang thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy biên chế và tài chính. Thành lập một số trường trung học phổ thông ngoài công lập tại thị xã Tuyên Quang, trung tâm các huyện và các vùng có điều kiện. Nâng cao chất lượng giáo dục dạy và học, phấn đấu năm 2020, trên 75% số trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia.

- Phát triển đào tạo và dạy nghề: đẩy mạnh phát triển đào tạo, dạy nghề; quy hoạch hệ thống trường dạy nghề; thành lập Đại học cộng đồng Tuyên Quang trên cơ sở trường Cao đẳng Sư phạm. Thành lập Trường Cao đẳng Y tế trên cơ sở Trường Trung học Y tế, tuyển sinh theo cơ chế mở, trường tự đảm bảo kinh phí hoạt động.

- Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo. Đến năm 2010, 99% số người trong độ tuổi 15 – 35 biết chữ, 100% số cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước được tham gia các khóa đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, 85% số hộ nông dân được tham gia các chương trình nâng cao chất lượng cuộc sống; đến năm 2020 các tỷ lệ trên đạt 100%. Phấn đấu đến năm 2020, tất cả cán bộ công chức từ cấp xã, phường, thị trấn trở lên đều có trình độ đào tạo chuyên môn từ cao đẳng trở lên.

b) Y tế, dân số, gia đình và trẻ em.

- Hàng năm bảo đảm tỷ lệ trên 98% trẻ (dưới 1 tuổi) được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định. Thực hiện tốt chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 15% năm 2010 và dưới 10% năm 2020.

-  Phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% số xã có bác sĩ khám, chữa bệnh cho nhân dân, trong đó trên 80% xã có bác sĩ thuộc biên chế của trạm y tế; mỗi cán bộ y tế xã phục vụ từ 1.000 đến 1.500 người dân; 100% thôn, bản có nhân viên y tế thôn, bản; đạt tỷ lệ 8 bác sĩ/10.000 dân. Bảo đảm cho mọi người dân được tiếp cận một cách thuận lợi các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, có chất lượng tại các tuyến. Đến năm 2010, có 18 giường bệnh/vạn dân và năm 2020, có 20 giường bệnh/vạn dân.

- Đẩy mạnh xã hội hóa y tế; khuyến khích thành lập các bệnh viện ngoài công lập, khám, chữa bệnh chất lượng cao.

- Tiếp tục đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế. Bảo đảm đội ngũ giám đốc, phó giám đốc, trưởng khoa, phó trưởng khoa của bệnh viện, trung tâm y tế các huyện, thị xã và trưởng, phó các phòng, ban của sở Y tế có trình độ chuyên khoa cấp I, cấp II. Đến năm 2020, có 90% bác sĩ của Bệnh viện Đa Khoa tỉnh đạt trình độ chuyên khoa cấp I trở lên.

c) Phát triển văn hóa thông tin, phát thanh, truyền hình.

- Phấn đấu đến năm 2020, có 90% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 80% số thôn, bản, tổ nhân dân đạt danh hiệu thôn, bản, tổ nhân dân văn hóa; 100% nhà văn hóa xã có trang thiết bị để hoạt động; 100% số xã có thư viện.

- Đầu tư, phục hồi, bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, khai thác, bảo vệ các thiết chế văn hóa, giá trị văn hóa nhằm kết hợp phát triển du lịch. Xây dựng hoàn thiện và đầu tư trang thiết bị cho nhà văn hóa thôn, bản theo phương thức xã hội hóa. Xây dựng một số làng văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch.

- Đến năm 2020, có 97% dân số được nghe đài phát thanh, 93% dân số được xem truyền hình.

d) Thể dục thể thao

- Đến năm 2020, có 30% dân số tham gia tập thể dục thể thao thường xuyên; 25% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình thể thao”.

đ) Về giảm nghèo và an sinh xã hội

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách để thực hiện chương trình giảm nghèo. Phát triển cơ sở hạ tầng, tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận với các dịch vụ công; chú trọng tập trung đầu tư phát triển các công trình phục vụ sản xuất và đời sống của hộ nghèo. Phấn đấu đến năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo dưới 15%, năm 2020 dưới 10%.

5. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường

- Khai thác hợp lý và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên (đất, nước, khoáng sản, môi trường) một cách bền vững, tiết kiệm và hiệu quả. Khai thác có hiệu quả quỹ đất; phân bổ sử dụng quỹ đất hợp lý theo hướng đáp ứng cơ cấu kinh tế công nghiệp – dịch vụ - nông lâm nghiệp. Điều tra, đánh giá, lập bản đồ quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Tuyên Quang. Thăm dò đánh giá trữ lượng, chất lượng các loại khoáng sản. Tổ chức khai thác và chế biến khoáng sản một cách hợp lý, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

- Hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường; ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phục hồi và cải thiện môi trường ở những nơi, những vùng bị suy thoái; bảo tồn đa dạng sinh học; từng bước nâng cao chất lượng môi trường ở đô thị và các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch. Xây dựng bãi chôn lấp rác và nhà máy xử lý rác thải thay thế cho bãi rác xã Nông Tiến, thị xã Tuyên Quang; mỗi huyện phải có ít nhất một khu chôn lấp, xử lý rác, đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh môi trường. Quy hoạch, phát triển cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn Tỉnh.

6. Quốc phòng, an ninh

Phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh. Đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Tỉnh.

IV. KẾT CẤU HẠ TẦNG

1. Lĩnh vực giao thông

Nâng cấp các công trình giao thông đường bộ hiện có; đầu tư mới những công trình trọng điểm để nâng cao năng lực, hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt.

- Giai đoạn đến năm 2015; xây dựng các tuyến đường sắt Yên Bái – Tuyên Quang – Thái Nguyên; đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc, Quốc lộ 37B, Quốc lộ 2B; xây dựng các tuyến đường tỉnh (các đoạn mở mới) theo quy hoạch gồm ĐT 190, ĐT 185, ĐT 188, ĐT 189, ĐT 186; đồng thời nâng cấp; xây dựng mới đường đô thị, đường huyện phù hợp với quy hoạch; đẩy mạnh mở mới, nâng cấp đường giao thông nông thôn.

- Giai đoạn 2016 – 2020: tiếp tục hoàn thiện và từng bước hiện đại hóa mạng lưới giao thông trên địa bàn Tỉnh.

+ Đường bộ:

Đường cao tốc: đầu tư tuyến đường cao tốc Tuyên Quang – Đoan Hùng nối với tuyến Hải Phòng – Côn Minh.

Quốc lộ: cải tạo, nâng cấp các tuyến Quốc lộ, đến năm 2020 đạt quy mô đường cấp III, bao gồm: Quốc lộ 2, Quốc lộ 2C, Quốc lộ 2B, Quốc lộ 37, Quốc lộ 37B, Quốc lộ 279, Đường Hồ Chí Minh.

Đường tỉnh: cải tạo, nâng cấp các tuyến tỉnh lộ đến năm 2020 đạt quy mô đường cấp IV: ĐT 190, ĐT 185, ĐT 186, ĐT 187, ĐT 188, ĐT 189. Các tuyến tỉnh lộ qua thị xã, thị trấn, thị tứ được mở rộng theo tiêu chuẩn đường đô thị.

Đường huyện: quy hoạch 15 tuyến đường huyện. Cải tạo, nâng cấp các tuyến đường huyện đến năm 2020 đạt quy mô đường cấp V.

Đường đô thị: quy hoạch đường đô thị, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị trong Tỉnh.

+ Đường sắt: thực hiện theo quy hoạch của Trung ương về tuyến đường sắt nối từ Yên Bái – Tuyên Quang – Thái Nguyên.

+ Đường thủy. đầu tư dự án vận tải thủy từ Việt Trì đến hạ lưu thủy điện Tuyên Quang; phát triển vận tải thủy để phương tiện có trọng tải 200 tấn đi lại được. Xây dựng hệ thống bến thủy để phục vụ chuyên chở hàng hóa, hành khách và phát triển du lịch.

2. Mạng lưới điện

- Tập trung cải tạo và phát triển lưới điện phân phối, quản lý khai thác và sử dụng an toàn hiệu quả lưới điện. Phấn đấu đến năm 2020 sản lượng điện thương phẩm đạt 1.000 triệu KWh.

- Tiếp tục đầu tư các nhà máy thủy điện nhỏ: thủy điện Chiêm Hóa, Hùng Lợi 1, Hùng Lợi 2 (huyện Yên Sơn); Thác Rõm (huyện Chiêm Hóa); Nậm Vàng (huyện Na Hang); Phù Lưu (huyện Hàm Yên) và một số nhà máy thủy điện nhỏ khác.

3. Hệ thống cấp thoát nước

- Mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng cấp nước, phấn đấu đến năm 2020 có 100% dân số đô thị và trên 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch.

- Đầu tư tập trung cho các công trình thoát nước ở đô thị; có biện pháp xử lý chất thải rắn, nước thải ở khu đô thị, khu, cụm công nghiệp, khu du lịch, các bệnh viện.

4. Hệ thống thủy lợi

- Đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi theo quy hoạch; quản lý, tu bổ, nâng cấp và khai thác có hiệu quả các công trình hiện có để nâng cao năng lực tưới.

- Xây dựng kè bảo vệ hạ lưu thủy điện Tuyên Quang, kè bảo vệ bờ sông Lô (đoạn qua thị xã Tuyên Quang), kè bờ sông Phó Đáy (đoạn qua khu di tích lịch sử Tân Trào – ATK, huyện Sơn Dương).

5. Kết cấu hạ tầng xã hội

- Giáo dục và đào tạo: chú trọng đầu tư chiều sâu, nâng cấp và tăng cường cơ sở vật chất cho các trường trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020 hệ thống trường, lớp được xây dựng kiên cố, có đủ phòng học, các phòng chức năng và trang thiết bị phục vụ dạy và học … Tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng các trường mầm non và trường phổ thông ở các xã vùng đặc biệt khó khăn, các trường trung học phổ thông, các trường chuyên nghiệp, trường dân tộc nội trú.

- Y tế, chăm sóc sức khỏe: tập trung đầu tư để nâng cấp và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở; đầu tư hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn quốc gia các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Tiếp tục tập trung vốn để cải tạo, mở rộng, nâng cấp và bổ sung trang thiết bị cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Điều dưỡng suối khoáng Mỹ Lâm và các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện để cơ bản đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Giai đoạn 2007 – 2010, xây dựng Trường Trung học Y tế thành Trường Cao đẳng Y tế; giai đoạn 2011 – 2020 nâng cấp thành Trường Đại học Y.

- Văn hóa thông tin, thể dục thể thao: phục hồi, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa. Quy hoạch xây dựng các thiết chế văn hóa thông tin, thể thao từ tỉnh đến cơ sở. Tiếp tục đầu tư xây dựng các nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn, bản. Tập trung đầu tư xây dựng các công trình: Trung tâm hội nghị tỉnh, Quảng trường tỉnh, bảo tàng tỉnh, Thư viện khoa học tổng hợp tỉnh, Trung tâm hoạt động thanh, thiếu nhi…. Xây dựng trường đào tạo văn hóa nghệ thuật của Tỉnh để đào tạo cán bộ và đội ngũ làm văn hóa, nghệ thuật.

Nâng cấp, hiện đại hóa thiết bị truyền thanh, truyền hình nhằm nâng cao chất lượng thu, phát sóng. Xây dựng các trạm phát thanh – truyền thanh FM cơ sở cấp xã.

Đầu tư xây dựng Khu liên hợp thể thao tỉnh, Khu thể thao dưới nước. Tại các huyện xây dựng các trung tâm thể dục thể thao, sân vận động, sân chơi, bãi tập…. Quy hoạch các Khu thể thao cho Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị.

V. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN THEO LÃNH THỔ

1. Định hướng phát triển vùng

Phát triển theo 3 vùng chính:

a) Vùng núi phía Bắc

- Bao gồm các huyện Na Hang, Chiêm Hóa và Hàm Yên. Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồi núi phía Bắc với nhịp độ nhanh nhằm thực hiện giảm nghèo, rút ngắn sự chênh lệch với các vùng khác trong Tỉnh về điều kiện sống và tiến bộ xã hội.

- Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như mạng lưới giao thông, hệ thống cấp điện, cung cấp nước sạch, thủy lợi….; phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao trình độ dân trí và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng. Đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy lợi thế của vùng về cây công nghiệp, cây ăn quả. Tập trung phát triển đại gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa. Phát triển mạnh vùng nguyên liệu giấy, gỗ lớn cho sản xuất và xuất khẩu.

- Phát triển công nghiệp khai thác, chế biến các loại khoáng sản. Tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch lịch sử văn hóa. Hoàn thành xây dựng dự án thủy điện Tuyên Quang; xây dựng các thủy điện nhỏ khác. Phát triển hạ tầng, sản xuất và dịch vụ trên cơ sở lấy thủy điện Tuyên Quang là động lực phát triển.

b) Vùng trung tâm

- Vùng trung tâm tỉnh gồm thị xã Tuyên Quang và các vùng lân cận. Phấn đấu xây dựng thị xã Tuyên Quang trở thành thành phố là Trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật, công nghiệp, dịch vụ, du lịch, đầu mối giao thông, là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của các vùng trong Tỉnh.

- Hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là mạng lưới giao thông và mạng lưới tin, liên lạc, đảm bảo thông suốt với các vùng trong tỉnh và với các tỉnh khác.

- Phát triển mạnh công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, khoáng sản… quy hoạch và phát triển và thu hút đầu tư vào các cụm các Khu công nghiệp – dịch vụ - đô thị Long Bình An. Khai thác tốt Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm thành điểm du lịch đột phá của du lịch Tuyên Quang; đồng thời phát triển điểm du lịch lịch sử văn hóa tại thị xã Tuyên Quang.

c) Vùng phía Nam

- Bao gồm huyện Yên Sơn và Sơn Dương. Đây là vùng có tiềm năng về khoáng sản và có diện tích đất nông nghiệp lớn, có khu Tân Trào ATK với nhiều di tích lịch sử. Đây là vùng đông dân, dân trí tương đối phát triển; cơ sở hạ tầng khá có đường bộ, đường sắt, đường sông.

- Tập trung phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Đẩy mạnh công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản. Bảo tồn, tôn tạo khu căn cứ cách mạng; đầu tư xây dựng, khai thác tiềm năng du lịch của Khu du lịch văn hóa và sinh thái quốc gia Tân Trào mang tầm vóc khu vực.

2. Phát triển không gian đô thị

- Giai đoạn đến năm 2010: điều chỉnh địa giới hành chính thị xã Tuyên Quang và nâng từ đô thị loại IV thành đô thị loại III; thành lập trị trấn huyện lỵ của huyện Yên Sơn.

- Giai đoạn 2011 – 2020: tiếp tục điều chỉnh địa giới hành chính thị xã Tuyên Quang và nâng cấp thị xã Tuyên Quang lên thành phố Tuyên Quang; tách huyện Na Hang hiện nay thành thị xã Na Hang và một huyện trực thuộc tỉnh. Thành lập một huyện mới trên cơ sở tách một số xã của huyện Yên Sơn và huyện Sơn Dương.

- Phát triển các điểm dân cư nông thôn: tỷ lệ dân cư nông thôn chiếm khoảng 85% dân số vào năm 2010 và 75% dân số vào năm 2020; tiếp tục đầu tư xây dựng 38 trung tâm cụm xã và một số trung tâm xã mới phát triển; khu vực nông thôn sẽ có các trung tâm, các điểm dân cư được bố trí hợp lý trên cơ sở kết hợp giữa sản xuất, các điều kiện về giao thông, nguồn nước; xây dựng hệ thống hạ tầng và các thiết chế văn hóa tại các khu dân cư.

VI. CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CHỦ YẾU

1. Về huy động các nguồn vốn đầu tư

- Để đạt được mục tiêu và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh đến năm 2020 và tốc độ tăng tưởng kinh tế như đã dự báo, ước tính nhu cầu vốn đầu tư trong thời kỳ 2007 – 2020 khoảng 137.000 tỷ đồng (giai đoạn 2007 – 2010 khoảng 40.000 tỷ đồng; giai đoạn 2011 – 2015 khoảng 45.000 tỷ đồng; giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 52.000 tỷ đồng).

- Để đáp ứng được nhu cầu đầu tư như trên, có các biện pháp huy động vốn một cách tích cực từ các nguồn: ngân sách nhà nước (kể cả ODA) khoảng 25%; vốn đầu tư của các doanh nghiệp và khu vực dân cư khoảng 40%, vốn đầu tư nước ngoài khoảng 5%; vốn tín dụng khoảng 20% và huy động từ các nguồn khác khoảng 10%.

2. Về phát triển nguồn nhân lực

- Quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực; có chính sách ưu đãi cho cán bộ công tác ở các xã đặc biệt khó khăn; chính sách thu hút cán bộ có trình độ về tỉnh công tác. Phát triển mạnh đào tạo nghề, quy hoạch mạng lưới dạy nghề trong toàn tỉnh; nâng cấp và củng cố các cơ sở đào tạo nghề. Nâng cao chất lượng lao động được đào tạo nghề, nhất là các ngành nghề công nghiệp, chế biến nông, lâm sản. Ưu tiên đào tạo nghề tại chỗ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số.

- Phát triển mạnh đào tạo nghề; quy hoạch mạng lưới dạy nghề trong toàn tỉnh; nâng cấp và củng cố Trường trung cấp nghề Tuyên Quang, các trung tâm đào tạo nghề tại các huyện. Nâng cao chất lượng lao động được đào tạo nghề. Khuyến khích thành lập các trường dạy nghề theo hình thức xã hội hóa. Mở rộng liên kết hợp với các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề ở ngoài tỉnh, kể cả nước ngoài để đào tạo nguồn nhân lực.

3. Về thị trường

Phát triển đồng bộ các thị trường: thị trường hàng hóa, dịch vụ; thị trường lao động; thị trường khoa học công nghệ; thị trường bất động sản, thị trường tài chính tiền tệ…. Phát triển kết cấu hạ tầng thương mại: Trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ đầu mối, đại lý thương mại. Tích cực phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ cả ở thành thị và nông thôn để tiêu thụ hàng hóa cho nông dân. Nâng cao khả năng tiếp thị, thông tin, dự báo thị trường; chú trọng xây dựng thương hiệu cho hàng hóa.

4. Về khoa học, công nghệ

Ứng dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất công nghiệp, sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển nông thôn. Xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển khoa học, công nghệ, trước hết là phát triển và thu hút nguồn nhân lực. Quy hoạch phát triển đội ngũ cán bộ khoa học – kỹ thuật, các đơn vị sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học – công nghệ.

5. Về cải thiện môi trường đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế

- Tiếp tục tạo môi trường thông thoán, thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư trong một số khâu đột phá; hoàn thành các quy hoạch kinh tế - xã hội; hoàn thiện thể chế, chính sách khuyến khích đầu tư; đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; cải thiện hành chính, trong đó đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực kinh tế.

- Hoàn thành sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, nông, lâm trường; phát triển mạnh doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế cá thể… củng cố, đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Phấn đấu đến năm 2010 toàn Tỉnh có trên 750 doanh nghiệp; đến năm 2020 có trên 1.500 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

6. Chính sách hợp tác, liên kết

- Tăng cường hợp tác với các địa phương trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, các trung tâm kinh tế, các tỉnh lân cận để hợp tác về đầu tư, thương mại và du lịch…

- Nâng cao hiệu quả trong hợp tác đầu tư, thương mại. Xây dựng chương trình, đề án cụ thể phối hợp với các tỉnh và nước ngoài để kêu gọi đầu tư các dự án kinh tế mà Tỉnh có lợi thế. Chú trọng trao đổi kinh nghiệm trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, văn hóa…

7. Cải cách hành chính

Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình cải cách hành chính. Tập trung thực hiện cải cách về thể chế hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; hiện đại hóa hệ thống công sở hành chính đáp ứng nhu cầu quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH

- Sau khi được phê duyệt, tiến hành công khai hóa Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, tuyên truyền, quảng bá, thu hút sự chú ý của toàn dân, của các nhà đầu tư trong và ngoài nước để huy động tham gia thực hiện quy hoạch.

- Xây dựng quy hoạch phát triển của ngành và lĩnh vực, các quy hoạch chi tiết.

- Triển khai Quy hoạch qua các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm. Kế hoạch hàng năm phải bám vào các mục tiêu Quy hoạch đã được duyệt và tiến độ trong từng thời kỳ.

- Giám sát, kiểm tra việc thực hiện đầu tư phát triển theo Quy hoạch. Tăng cường trách nhiệm các cấp, các ngành và địa phương trong việc thực hiện Quy hoạch. Cuối mỗi kỳ Quy hoạch (2010, 2015, 2020) tổ chức đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch của từng thời kỳ, bổ sung và điều chỉnh lại mục tiêu của kỳ tới cho phù hợp với tình hình thực tế.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh nêu trong Quy hoạch sau khi đã được phê duyệt; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện theo các nội dung sau:

- Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện; quy hoạch phát triển hệ thống đô thị và các điểm dân cư; quy hoạch xây dựng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch phát triển các ngành, các lĩnh vực để bảo đảm sự phát triển tổng thể và đồng bộ.

- Nghiên cứu xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành (nếu vấn đề vượt quá quyền hạn) một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển của Tỉnh trong từng giai đoạn nhằm thu hút, huy động các nguồn lực để thực hiện quy hoạch.

Điều 3. Giao các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang nghiên cứu lập các quy hoạch nói trên; nghiên cứu xây dựng và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh trong từng giai đoạn nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, khuyến khích, thu hút đầu tư để bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh nêu trong Quy hoạch. Đẩy nhanh việc đầu tư, thực hiện các công trình, dự án có quy mô, tính chất vùng và quan trọng đối với sự phát triển của Tỉnh đã được quyết định đầu tư. Nghiên cứu xem xét, điều chỉnh, bổ sung vào các quy hoạch phát triển ngành, kế hoạch đầu tư các công trình, dự án liên quan dự kiến sẽ được đầu tư nêu trong Quy hoạch.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 5. các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.