• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 27/08/2010

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ 
_________
 
Số: 1605/QĐ-TTg
 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc 
 
____________________________________
 
 

 

 

 

 
 
Hà Nội, ngày 27 tháng 8 năm 2010
 
 
QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin 
trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 2015
__________
 
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông,
 
QUYẾT ĐỊNH:
 
Điều 1. Phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 (gọi tắt là Chương trình) với những nội dung chủ yếu sau:

 A. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

I. Mục tiêu đến năm 2015
1. Mục tiêu tổng quát
a) Xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử.
b) Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ của các cơ quan nhà nước, hướng tới nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí hoạt động.
c) Cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, trên diện rộng cho người dân và doanh nghiệp, làm cho hoạt động của cơ quan nhà nước minh bạch hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử
- Phát triển và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật bảo đảm cho các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng an toàn, hiệu quả.
- Phát triển và hoàn thiện các hệ thống thông tin, các cơ sở dữ liệu lớn, trước hết tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia về con người, tài nguyên và môi trường, tài chính, kinh tế, công nghiệp và thương mại, bảo đảm tính cấu trúc, hệ thống, tạo môi trường làm việc điện tử rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước.
b) Ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ cơ quan nhà nước
- 60% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử.
- Hầu hết cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc.
- Bảo đảm các điều kiện về kỹ thuật cho 100% các cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể được thực hiện trên môi trường mạng.
- Bảo đảm các điều kiện về kỹ thuật để 100% hồ sơ quản lý cán bộ, công chức các cấp có thể được quản lý chung trên mạng với quy mô quốc gia.
- Triển khai Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc tới 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Bảo đảm dữ liệu điện tử phục vụ hầu hết các hoạt động trong cơ quan nhà nước.
c) Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp
- 100% các cơ quan nhà nước từ cấp quận, huyện, Sở, Ban, ngành hoặc tương đương trở lên có cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin theo Điều 28 của Luật Công nghệ thông tin, cung cấp tất cả các dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và hầu hết các dịch vụ công cơ bản trực tuyến tối thiểu mức độ 3 tới người dân và doanh nghiệp.
- 50% hồ sơ khai thuế của người dân và doanh nghiệp được nộp qua mạng.
- 90% cơ quan hải quan các tỉnh, thành phố triển khai thủ tục hải quan điện tử.
- Tất cả kế hoạch đấu thầu, thông báo mời thầu, kết quả đấu thầu, danh sách nhà thầu tham gia được đăng tải trên mạng đấu thầu quốc gia; khoảng 20% số gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp và dịch vụ tư vấn sử dụng vốn nhà nước được thực hiện qua mạng; thí điểm hình thức mua sắm chính phủ tập trung trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
 
- 100% hộ chiếu được cấp cho công dân Việt Nam phục vụ công tác xuất, nhập cảnh là hộ chiếu điện tử.
 
- 30% công dân Việt Nam đủ độ tuổi theo quy định được cấp chứng minh nhân dân sản xuất trên dây chuyền hiện đại, với một số chứng minh nhân dân duy nhất không trùng lặp, chống được làm giả.
 
- 30% số hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng được nộp qua mạng.
 
II. Định hướng đến năm 2020
1. Tích hợp các hệ thống thông tin, tạo lập được môi trường mạng rộng khắp phục vụ đa số các hoạt động của các cơ quan nhà nước. Hầu hết các giao dịch của các cơ quan nhà nước được thực hiện trên môi trường điện tử, mọi lúc, mọi nơi, dựa trên nhiều phương tiện khác nhau.
2. Hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4, đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, dựa trên nhiều phương tiện khác nhau.
 
B. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH
I. Phát triển hạ tầng kỹ thuật
1. Phát triển Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng sẵn có của các doanh nghiệp viễn thông, kết nối tới cấp đơn vị trực thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan nhà nước khác trong hệ thống chính trị, tới cấp xã, phường trên phạm vi toàn quốc, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
2. Phát triển Trung tâm thông tin dữ liệu điện tử Chính phủ.
3. Phát triển hệ thống xác thực quốc gia.
4. Xây dựng, triển khai hệ thống chứng thực điện tử và chữ ký số trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị.
5. Xây dựng Trung tâm kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương, hướng tới bảo đảm liên thông giữa các hệ thống thông tin của cơ quan, cung cấp dịch vụ công hiệu quả, linh hoạt cho người dân và doanh nghiệp.
6. Tích hợp các hệ thống thông tin điện tử của các cơ quan Đảng ở Trung ương, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo cấp cao của Đảng.
7. Nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật bảo đảm ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ cơ quan nhà nước, bao gồm: máy tính, mạng máy tính, các giải pháp an toàn, an ninh thông tin,...
8. Trang bị hạ tầng bảo đảm truy cập thuận tiện tới các dịch vụ công qua nhiều hình thức khác nhau, bao gồm: Cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử; trung tâm chăm sóc khách hàng; điện thoại cố định; điện thoại di động; bộ phận một cửa và các hình thức khác.
 
II. Phát triển các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu lớn
1. Các hệ thống thông tin
- Quản lý văn bản tích hợp trong toàn quốc tới cơ quan nhà nước các cấp, bảo đảm an toàn, an ninh, tính pháp lý của văn bản trao đổi.
- Thư điện tử quốc gia.
- Giao ban điện tử đa phương tiện giữa Thủ tướng Chính phủ với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trên Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước.
- Quản lý, theo dõi chương trình công tác của Chính phủ.
- Mạng thông tin điện tử phục vụ trao đổi thông tin giữa Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước.
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
- Tài chính tích hợp, Giám sát thị trường tài chính.
- Nộp tờ khai thuế qua mạng Internet.
- Triển khai thủ tục hải quan điện tử.
- Ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm Chính phủ.
- Quản lý thông tin đầu tư nước ngoài.
- Kinh tế - xã hội.
- Phân tích và dự báo kinh tế - xã hội.
- Theo dõi và đánh giá thực hiện kế hoạch 5 năm và hàng năm.
- Theo dõi, giám sát và đánh giá các dự án đầu tư sử dụng vốn của Nhà nước.
- Hộ chiếu điện tử.
- Cấp và quản lý chứng minh nhân dân.
- Bệnh án điện tử và quản lý hệ thống khám chữa bệnh.
- Tư vấn y tế, khám chữa bệnh từ xa.
- Văn bản quy phạm pháp luật thống nhất từ Trung ương tới địa phương.
- Thống kê về xây dựng.
- Liệt sĩ và thương bệnh binh.
- Kiểm toán nhà nước.
- Quản lý các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải.
- Văn hóa - xã hội.
- Quản lý án hình sự.
- Mạng giáo dục và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục.
- Tin học hoá quản lý giáo dục.
 
- Kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường.
 
- Quản lý, thống kê án kinh tế, lao động, hành chính, án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình ngành Tòa án nhân dân.
- Quản lý và hiện đại hóa Ngân hàng
- Quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
2. Các cơ sở dữ liệu
- Thủ tục hành chính trên Internet.
- Cán bộ, công chức, viên chức.
- Kinh tế công nghiệp và thương mại.
- Tài nguyên và môi trường.
 - Biên giới lãnh thổ.
- Các dự án đầu tư.
- Doanh nghiệp.
 - Dân cư.
- Tài chính.
 
III. Ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ cơ quan nhà nước.
1. Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý văn bản và điều hành của các cấp.
2. Phát triển hệ thống quản lý thông tin tổng thể.
3. Xây dựng mới, nâng cấp và hoàn thiện các ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu công tác tại mỗi cơ quan.
4. Nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin khác trong công tác nội bộ theo hướng hiệu quả hơn, mở rộng kết nối.
 
IV. Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp.
1. Cung cấp tất cả các dịch vụ công trực tuyến mức độ 2. Cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu và được thông báo tình trạng xử lý các thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước qua mạng.
2. Cung cấp hầu hết các dịch vụ công cơ bản trực tuyến tối thiểu mức độ 3 tới người dân và doanh nghiệp. Cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Danh mục nhóm các dịch vụ công trực tuyến được ưu tiên cung cấp tối thiểu ở mức độ 3 tại các tỉnh, thành phố được nêu trong Phụ lục I, tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ được nêu trong Phụ lục II. Danh mục nhóm các dịch vụ này có thể được cập nhật, thay đổi hàng năm phù hợp thực tế triển khai trên cơ sở đề nghị của các cơ quan chủ trì thực hiện.
3. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả, toàn diện tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông theo hướng: Bảo đảm khả năng kết nối giữa các hệ thống thông tin tại bộ phận một cửa với cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, tạo điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp qua mạng Internet; bảo đảm tính liên thông giữa các đơn vị trong quy trình xử lý thủ tục; bảo đảm tin học hóa tối đa các hoạt động trong quy trình thủ tục hành chính.
4. Xây dựng các hệ thống thông tin thiết yếu cho công tác ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp tại các địa phương, đặc biệt là các hệ thống thông tin về dân cư, tài nguyên và môi trường. Căn cứ nhu cầu quản lý thực tế, xây dựng các hệ thống thông tin quy mô quốc gia trên cơ sở kết nối, tổng hợp thông tin từ địa phương các cấp.
5. Tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp trong hoạt động của cơ quan nhà nước bằng cách nâng cao hiệu quả kênh tiếp nhận ý kiến góp ý của người dân trên môi trường mạng, tổ chức đối thoại trực tuyến, chuyên mục hỏi đáp trực tuyến về hoạt động của các cơ quan nhà nước.
 
C. KINH PHÍ THỰC HIỆN
I. Ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu lớn trên quy mô toàn quốc.
II. Ngân sách trung ương hỗ trợ đối với một số địa phương khó khăn để bảo đảm kinh phí triển khai các nội dung xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tại các địa phương nhằm bảo đảm sự kết nối, liên thông giữa các cơ quan nhà nước khi triển khai các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu lớn có quy mô quốc gia. Các cơ quan chủ trì triển khai các hệ thống này có trách nhiệm đề xuất hỗ trợ kinh phí cho các địa phương trên cơ sở nhu cầu thực tế, bảo đảm tránh trùng lặp, lãng phí. Mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ cụ thể hàng năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
III. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan nhà nước cấp Trung ương, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội khác bảo đảm kinh phí thực hiện các dự án, nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động của mình từ dự toán chi ngân sách hàng năm được cấp có thẩm quyền giao (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên) và từ các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
IV. Ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác bảo đảm thực hiện các dự án, nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động thuộc phạm vi của địa phương. Trong kế hoạch ngân sách hàng năm của các địa phương phải bảo đảm kinh phí cho ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
V. Triển khai thí điểm hình thức hợp tác Nhà nước – Doanh nghiệp (PPP) đối với một số dự án trọng điểm trong Chương trình, bao gồm: Hệ thống thư điện tử quốc gia; Hệ thống thông tin quản lý văn bản tích hợp trong toàn quốc cho các cơ quan Chính phủ; Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước (giai đoạn 3) kết nối tới cấp xã, phường và đơn vị trực thuộc các cơ quan Trung ương.
VI. Khuyến khích việc huy động các nguồn kinh phí ngoài ngân sách trung ương để triển khai các nội dung của Chương trình này.
VII. Dự kiến kinh phí từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương dành cho các dự án, nhiệm vụ có quy mô quốc gia được nêu trong Phụ lục III của Chương trình là khoảng 1.700 tỷ đồng.
 
D. GIẢI PHÁP
I. Tổ chức, điều hành
1. Tăng cường hoạt động của Ban Điều hành triển khai công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.  Nâng cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo công nghệ thông tin ở các cấp, các ngành.
2. Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải kiểm điểm trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu không hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong Chương trình này.
3. Người đứng đầu các cơ quan phải chủ động, có quyết tâm chính trị cao, theo sát và ủng hộ quá trình ứng dụng công nghệ thông tin vào cơ quan mình.
4. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước phải theo thứ tự ưu tiên dựa trên nhu cầu thực tế cần tăng năng suất lao động, bảo đảm tính hiệu quả, khả thi khi triển khai.
5. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức quản lý công nghệ thông tin các cấp, đặc biệt là cấp quận, huyện trở xuống.
6. Kết hợp chặt chẽ việc triển khai Chương trình này với Chương trình cải cách hành chính để ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước có tác dụng thực sự thúc đẩy cải cách hành chính, quá trình cải cách hành chính đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi cho ứng dụng công nghệ thông tin. Tăng cường công tác cải tiến quy trình làm việc, chuẩn hóa nghiệp vụ để có thể ứng dụng công nghệ thông tin.
 
II. Bảo đảm ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ
 
1. Có hướng dẫn chung trên quy mô quốc gia về việc xây dựng các chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.
 
2. Xác định mô hình ứng dụng công nghệ thông tin điển hình các cấp, đặc biệt là cấp quận, huyện, phường, xã, phổ biến triển khai nhân rộng.
 
III. Giám sát, đánh giá
1. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước để có những giải pháp thúc đẩy kịp thời. Xem xét đưa tiêu chí hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin vào các phong trào thi đua, bình xét khen thưởng.
2. Xây dựng các phương pháp đánh giá khoa học về ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp điều kiện thực tế tại các cơ quan nhà nước và định hướng ứng dụng công nghệ thông tin của Quốc gia.
 
IV. Nâng cao nhận thức, đào tạo nguồn nhân lực
1. Tổ chức tuyên truyền rộng rãi nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức về các lợi ích trong việc xây dựng Chính phủ điện tử cho cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh và xã hội hóa việc bồi dưỡng, hướng dẫn kỹ năng sử dụng máy tính, khai thác Internet cho người dân.
2. Tăng cường đào tạo kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức.
3. Bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho giám đốc công nghệ thông tin.
4. Bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức chuyên trách về công nghệ thông tin các cấp.
5. Bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin cho lãnh đạo các cơ quan nhà nước.
6. Đẩy mạnh hình thức đào tạo trực tuyến cho cán bộ, công chức.

V. Bảo đảm môi trường pháp lý
1. Xây dựng các quy định về an toàn, an ninh thông tin, đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trong các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước.
2. Xây dựng quy định về quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý văn bản điện tử trên toàn quốc. Bảo đảm tận dụng triệt để hạ tầng kỹ thuật được trang bị để trao đổi các văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước.
3. Xây dựng các chính sách thu hút, phối hợp với doanh nghiệp trong công tác triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước. Phát triển các hình thức thuê, khoán trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin.
4. Xây dựng các quy định nhằm giảm văn bản giấy, tăng cường chia sẻ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
5. Xây dựng các quy trình, chuẩn nội dung tích hợp thông tin từ cấp xã, huyện, tỉnh về các Bộ và Văn phòng Chính phủ.
6. Xây dựng, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về ứng dụng công nghệ thông tin quốc gia.
7. Xây dựng, ban hành các chuẩn trao đổi dữ liệu điện tử giữa các cơ quan nhà nước.
8. Xây dựng quy định ưu tiên biên chế cán bộ công nghệ thông tin cho các cơ quan nhà nước.
9. Xây dựng chính sách ưu đãi thích hợp cho cán bộ, công chức chuyên trách về công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, nhằm duy trì và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao.
10. Hoàn thiện các văn bản quy định về tài chính phù hợp đặc thù ứng dụng công nghệ thông tin, trước hết là các văn bản hướng dẫn Nghị định số 102/2009/NĐ-CP của Chính phủ, bao gồm:
a) Bảo đảm nguồn kinh phí cho ứng dụng công nghệ thông tin trong kế hoạch ngân sách hàng năm của cơ quan nhà nước;
b) Hướng dẫn quản lý đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin;
c) Xây dựng và ban hành định mức kinh tế kỹ thuật về công nghệ thông tin;
d) Xây dựng danh mục, cơ chế mua sắm các phần mềm dùng chung cho các cơ quan nhà nước.
 
VI. Học tập kinh nghiệm quốc tế
1. Triển khai các hoạt động tìm hiểu thực tế mô hình phát triển Chính phủ điện tử thành công tại các nước.
2. Đào tạo chuyên gia phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam.
3. Phát triển các hệ thống thông tin lớn trong Chính phủ điện tử ở Việt  Nam.
 
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
a) Căn cứ Chương trình này và Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2011-2015 của cơ quan mình, xây dựng Kế hoạch và dự toán ngân sách ứng dụng công nghệ thông tin hàng năm gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, cân đối ngân sách trung ương cho ứng dụng công nghệ thông tin, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chung trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của các cơ quan. Thời gian gửi dự toán ngân sách hàng năm cho ứng dụng công nghệ thông tin cùng thời gian gửi báo cáo dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan tới Bộ Tài chính;
b) Kiểm tra, đánh giá và báo cáo định kỳ 6 tháng và đột xuất tình hình thực hiện Chương trình này theo hướng dẫn và yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
c) Bảo đảm kinh phí (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên) để thực hiện các nhiệm vụ, dự án ứng dụng công nghệ thông tin theo kế hoạch 5 năm, hàng năm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
d) Áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về ứng dụng công nghệ thông tin quốc gia, báo cáo tình hình thực hiện với Bộ Thông tin và Truyền thông theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Các cơ quan chủ trì các dự án, nhiệm vụ có quy mô quốc gia được nêu trong Phụ lục III có trách nhiệm tổ chức xây dựng, phê duyệt và triển khai các dự án, nhiệm vụ này theo quy định hiện hành về quản lý ngân sách nhà nước, bảo đảm sự lồng ghép về nội dung, kinh phí với các chương trình, kế hoạch, dự án chuyên ngành đang triển khai nếu có, tránh trùng lặp, lãng phí. Cơ quan chủ trì có trách nhiệm gửi hồ sơ dự án lấy ý kiến thẩm định thiết kế sơ bộ của Bộ Thông tin và Truyền thông.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm:
a) Chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Chương trình này;
b) Tăng cường hoạt động của Ban Điều hành triển khai công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;
c) Xây dựng, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật về công nghệ thông tin, trước hết là các văn bản hướng dẫn Nghị định số 102/2009/NĐ-CP của Chính phủ;
d) Xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công nghệ thông tin, các chuẩn trao đổi dữ liệu điện tử giữa các cơ quan nhà nước;
đ) Hướng dẫn các cơ quan nhà nước xây dựng kế hoạch hàng năm và dự toán ngân sách hàng năm cho ứng dụng công nghệ thông tin;
e) Thẩm tra các dự án, nhiệm vụ trong dự toán ngân sách hàng năm cho ứng dụng công nghệ thông tin của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan nhà nước cấp Trung ương khác về mục tiêu, nội dung chuyên môn, tiêu chuẩn kỹ thuật, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chung trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của các cơ quan;
g) Thẩm định thiết kế sơ bộ các dự án được nêu trong Phụ lục III;
h) Hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan nhà nước cấp Trung ương khác xây dựng báo cáo hàng năm và báo cáo thường xuyên tình hình thực hiện Chương trình này;
i) Kiểm tra và tổng hợp việc thực hiện Chương trình này; xây dựng báo cáo định kỳ 6 tháng gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất các điều chỉnh nội dung Chương trình cho phù hợp với tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn quốc;
k) Nghiên cứu, đề xuất các phương án nâng cao hiệu quả sử dụng Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước;
l) Nghiên cứu, đề xuất bộ tiêu chí đánh giá mức độ thực hiện thành công Chương trình này của các cơ quan nhà nước và phương pháp đánh giá mức độ sử dụng và hài lòng của người dân đối với các dịch vụ Chính phủ điện tử;
m) Tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ để triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước 5 năm và hàng năm. Xây dựng tài liệu, tổ chức đào tạo và tập huấn về quản lý dự án công nghệ thông tin;
n) Xây dựng các chính sách thu hút, phối hợp với doanh nghiệp trong công tác triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước;
o) Xây dựng các quy định về an toàn, an ninh thông tin trong các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước;
p) Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho giám đốc công nghệ thông tin và cán bộ, công chức chuyên trách về công nghệ thông tin; bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin cho lãnh đạo các cấp;
q) Chỉ đạo, triển khai công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;
r) Xác định mô hình ứng dụng công nghệ thông tin điển hình các cấp, phổ biến triển khai nhân rộng;
s) Nghiên cứu, xây dựng cổng thông tin điện tử quốc gia hỗ trợ các tổ chức, cá nhân truy nhập đến thông tin, dữ liệu của các cơ quan nhà nước;
t) Nghiên cứu triển khai thí điểm, phổ biến nhân rộng hệ thống quản lý thông tin tổng thể;
u) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng chính sách ưu đãi thích hợp cho cán bộ, công chức chuyên trách về công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, quy định ưu tiên biên chế cán bộ công nghệ thông tin cho các cơ quan nhà nước;
v) Xây dựng danh mục, cơ chế mua sắm các phần mềm dùng chung cho các cơ quan nhà nước.
4. Bộ Tài chính chủ trì,phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định việc bố trí đủ vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương cho các dự án, nhiệm vụtrong dự toán ngân sách hàng năm cho ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước.
5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:
a)Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp, trình cấp có thẩm quyềnquyết định việc bố trí đủ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương cho các dự án, nhiệm vụ trong dự toán ngân sách hàng năm cho ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước;
b)Chủ trì tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thực hiện Chương trình.
6. Bộ Nội vụ có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức xây dựng và thực hiện các giải pháp nhằm kết hợp chặt chẽ việc triển khai Chương trình này với Chương trình cải cách hành chính;
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, ban hành quy định về quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý văn bản điện tử trên toàn quốc.
7. Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng các quy định nhằm giảm văn bản giấy, tăng cường chia sẻ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu xây dựng các quy trình, chuẩn nội dung tích hợp thông tin từ cấp xã, huyện, tỉnh về các Bộ và Văn phòng Chính phủ.
8. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng.
9. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn xây dựng hệ thống thông tin dân cư tại cơ quan nhà nước các cấp.
10. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn xây dựng hệ thống thông tin về tài nguyên và môi trường tại cơ quan nhà nước các cấp.
11. Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam căn cứ Chương trình này để có quy định phù hợp trong cơ quan, tổ chức mình.
 
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
 
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
 

 Nơi nhận: 
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;  
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
-
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;

- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; 
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng; 
- Văn phòng Chủ tịch nước; 
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội; 

- Văn phòng Quốc hội;  
- Tòa án nhân dân tối cao; 
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước; 

- Ủy ban Giám sát tài chính QG; 
- Ngân hàng Chính sách Xã hội; 
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam; 
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; 
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

- Lưu: Văn thư, KGVX (5b). TR

 
KT. THỦ TƯỚNG 
PHÓ THỦ TƯỚNG
  
 
 
 
(đã ký)
 
 
 
Nguyễn Thiện Nhân
 

 

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.