Sign In

THÔNG TƯ

Hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ giá điện đối với dự án điện gió nối lưới

_________________________

 

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính;

Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ giá điện đối với dự án điện gió nối lưới như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này hướng dẫn việc Nhà nước hỗ trợ giá điện đối với dự án điện gió nối lưới thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam theo quy định tại Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam (sau đây gọi là Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg).

2. Sản phẩm điện được Nhà nước hỗ trợ giá là điện sản xuất từ các dự án điện gió được xây dựng, vận hành và đấu nối vào lưới điện quốc gia để cung cấp một phần hoặc toàn bộ điện năng sản xuất.

3. Các dự án điện gió nối lưới được hỗ trợ giá điện theo quy định tại Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg và hướng dẫn tại Thông tư này sẽ không được áp dụng cơ chế trợ giá cho sản lượng điện của dự án theo các quy định hiện hành khác.

4. Các dự án điện gió nếu được cơ quan có thẩm quyền cho phép áp dụng theo quy định tại Quyết định số 130/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách tài chính đối với dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch được áp dụng cơ chế trợ giá theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2008/TTLT-BTC-BTN&MT ngày 04/7/2008 của Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 130/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách tài chính đối với dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch; Thông tư liên tịch số 204/2010/TTLT-BTC-BTN&MT ngày 15/12/2010 của Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư liên tịch số 58/2008/TTLT-BTC-BTN&MT ngày 04/7/2008.

Điều 2. Đối tượng được hỗ trợ giá điện

Đối tượng được Nhà nước hỗ trợ giá điện thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam là Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc đơn vị trực thuộc được ủy quyền (sau đây gọi là Bên mua điện) mua điện từ các doanh nghiệp sản xuất, vận hành kinh doanh bán điện từ các dự án điện gió (sau đây gọi là Bên bán điện) theo quy định tại Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg.

Điều 3. Điều kiện được hỗ trợ giá điện

1. Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các nhà máy điện gió nối lưới thuộc địa bàn mình quản lý theo quy định tại khoản 1, Điều 11 và khoản 1, Điều 14 Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg.

2. Việc mua bán điện được thực hiện thông qua hợp đồng mua bán điện được lập theo Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện gió nối lưới do Bộ Công Thương ban hành. Giá mua điện thực hiện theo quy định tại Điều 14 Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg.

3. Có đầy đủ hồ sơ đề nghị hỗ trợ giá điện theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.

Điều 4. Mức hỗ trợ giá điện

1. Mức hỗ trợ giá điện cho Bên mua điện đối với toàn bộ sản lượng điện mua từ các nhà máy điện gió nối lưới là 207 đồng/kWh.

2. Mức hỗ trợ giá điện sẽ thay đổi theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ.

Điều 5. Số tiền hỗ trợ giá điện

Số tiền hỗ trợ giá điện cho Bên mua điện được xác định như sau:

 

Số tiền hỗ trợ giá điện (đồng)

=

Mức hỗ trợ giá điện (đồng/kWh)

x

Sản lượng điện mua (kWh)

 

Trong đó, sản lượng điện mua là sản lượng điện năng của Bên bán điện thực tế giao cho Bên mua điện trong từng đợt thanh toán tại điểm giao nhận điện và được Bên bán điện và Bên mua điện cùng xác nhận. Phương thức giao nhận điện năng giữa hai bên phải phù hợp với quy định đo đếm điện năng do Bộ Công Thương ban hành.

Điều 6. Thời gian hỗ trợ giá điện

1. Thời gian hỗ trợ giá điện là thời gian Hợp đồng mua bán điện theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 11 Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg và có hiệu lực.

2. Thời gian hỗ trợ giá điện sẽ thay đổi theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ.

Điều 7. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ giá điện

1. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ giá điện gồm:

a) Văn bản đề nghị hỗ trợ giá điện của Bên mua điện.

b) Văn bản ủy quyền của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đối với trường hợp Bên mua điện là các đơn vị trực thuộc. Văn bản này chỉ nộp một lần vào lần đầu có phát sinh đề xuất hỗ trợ giá điện và phải bổ sung nếu có thay đổi trong việc ủy quyền của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đối với các đơn vị trực thuộc.

c) Hợp đồng mua bán điện đã được ký kết và có hiệu lực giữa Bên mua điện và Bên bán điện (bản gốc hoặc bản sao có công chứng). Hợp đồng này chỉ nộp một lần vào lần đầu có phát sinh đề xuất hỗ trợ giá điện và phải nộp bổ sung nếu có thay đổi trong Hợp đồng mua bán điện hoặc có Hợp đồng mới.

d) Biên bản xác nhận chỉ số công tơ trong kỳ giữa Bên mua điện và Bên bán điện (bản sao có xác nhận của Bên mua điện).

đ) Phiếu tổng hợp giao nhận điện năng trong kỳ giữa Bên mua điện và Bên bán điện (bản sao có xác nhận của Bên mua điện).

e) Các chứng từ chuyển tiền thanh toán tiền điện của Bên mua điện cho Bên bán điện về số lượng điện thực mua, bán theo từng đợt (bản sao).

g) Các tài liệu khác liên quan (nếu có).

2. Bên mua điện cung cấp đầy đủ, trung thực hồ sơ có liên quan và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các tài liệu đã cung cấp.

Điều 8. Lập dự toán, giao dự toán, chấp hành dự toán, hạch toán, quyết toán kinh phí hỗ trợ giá điện và chế độ báo cáo

1. Lập dự toán:

a) Trước ngày 30 tháng 6 hàng năm, Bên mua điện căn cứ các Hợp đồng mua bán điện, văn bản đăng ký lượng điện năng dự kiến bán năm sau của Bên bán điện; tổng hợp số điện năng dự kiến mua năm sau theo từng nhà máy điện gió nối lưới và dự kiến tổng số tiền được hỗ trợ giá điện theo quy định gửi Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.

b) Trước ngày 10 tháng 7 hàng năm, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam có trách nhiệm rà soát, dự kiến hỗ trợ giá điện năm sau của Bên mua điện, lập dự toán chi hỗ trợ giá điện năm sau gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương để có ý kiến.

c) Trước ngày 20 tháng 7 hàng năm, trên cơ sở ý kiến của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp nguồn kinh phí hỗ trợ giá điện vào phương án phân bổ chi sự nghiệp bảo vệ môi trường từ ngân sách trung ương gửi Bộ Tài chính xem xét, tổng hợp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

2. Giao dự toán:

Căn cứ phương án phân bổ chi ngân sách trung ương hàng năm được Quốc hội quyết định và Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính thực hiện giao dự toán chi hỗ trợ giá điện cho Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để thực hiện.

3. Chấp hành dự toán:

a) Căn cứ vào hồ sơ đề nghị hỗ trợ giá điện của Bên mua điện theo từng đợt trong năm, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam kiểm tra, xác định mức phải hỗ trợ cho Bên mua điện theo quy định để thực hiện rút dự toán với hạn mức bằng tổng mức phải hỗ trợ cho Bên mua điện theo từng đợt và thanh toán trực tiếp số tiền hỗ trợ cho Bên mua điện, đảm bảo lũy kế các đợt rút dự toán không vượt quá dự toán cả năm đã được giao.

b) Trường hợp phát sinh số phải hỗ trợ theo quy định vượt quá dự toán năm, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam kịp thời báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính để tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xử lý cụ thể.

4. Hạch toán, quyết toán và chế độ báo cáo:

Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam thực hiện hạch toán, quyết toán chi hỗ trợ giá điện từ ngân sách nhà nước vào nguồn thu và chi sử dụng của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, hàng năm theo quy định hiện hành về quản lý ngân sách nhà nước và quy định về quy chế quản lý tài chính Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2012. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung./.

Bộ Tài chính

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Xuân Hà