Sign In

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG - BỘ TÀI CHÍNH - BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI - BỘ NÔNG NGHIỆP PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN - BỘ Y TẾ - NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 01/2008/TTLT-BCT-BTC-BGTVT-BNN&PTNT-BYT-NHNN

NGÀY 31 THÁNG 01 NĂM 2008

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 254/2006/QĐ-TTg

NGÀY 07 THÁNG 11 NĂM 2006 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ QUẢN LÝ

HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI BIÊN GIỚI VỚI CÁC NƯỚC CÓ CHUNG BIÊN GIỚI

_________________________

Căn cứ Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 07 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới;

Liên tịch Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 07 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

1.1. Những từ ngữ trong Thông tư này được hiểu như sau:

a) “Phương thức không theo thông lệ quốc tế” là bên mua và bên bán không thỏa thuận một quy định nào về áp dụng các thông lệ quốc tế trong hợp đồng. Thông lệ quốc tế trong thương mại quốc tế được hiểu là tập quán, cách làm lặp đi, lặp lại nhiều lần trong buôn bán quốc tế và được các tổ chức quốc tế liên quan thừa nhận, như Quy tắc chung  INCOTERMS (International Rules for the Interpretation of Trade Terms).

b) “Hàng hóa do cư dân nước có chung biên giới sản xuất” là hàng hóa có xuất xứ của nước có chung biên giới đất liền với Việt Nam sản xuất ra.

c) “Khu vực tiếp giáp biên giới với các nước có chung biên giới” là khu vực biên giới gồm: các xã, phường, thị trấn có một phần địa giới hành chính trùng hợp với biên giới quốc gia trên đất liền.

d) “Vùng biên giới” gồm các tỉnh có một phần địa giới hành chính trùng hợp với biên giới quốc gia trên đất liền.

đ) “Các điểm thông quan khác thuộc khu kinh tế cửa khẩu do Chính phủ Việt Nam cho phép thành lập” là điểm biên giới được ghi trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động của khu kinh tế cửa khẩu hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép thông quan hàng hoá.

1.2. Hoạt động thương mại biên giới quy định tại Thông tư này gồm:

a) Hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá của cư dân biên giới là những hoạt động dành riêng cho cư dân biên giới phù hợp với các quy định tại Điều 2, khoản 2 Điều 5 và Điều 6 của Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 07 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới.

b) Buôn bán tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu và chợ trong khu kinh tế cửa khẩu.

c) Hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá qua biên giới được các chủ thể quy định tại khoản 1, Mục II và khoản 1, Mục III của Thông tư này tiến hành theo các phương thức không theo thông lệ quốc tế.

2. Hàng hoá thương mại biên giới

Hàng hóa mua bán, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu theo hình thức thương mại biên giới được thực hiện theo những quy định tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài.

3. Chất lượng hàng hoá thương mại biên giới

a) Về kiểm dịch y tế biên giới:

- Tất cả hàng hoá buôn bán, vận chuyển qua biên giới đều phải khai báo với Cơ quan kiểm dịch y tế biên giới (Việc kiểm tra thực tế và xử lý kiểm dịch y tế này chỉ thực hiện đối với hàng hoá mang véc tơ, mầm bệnh truyền nhiễm và yếu tố nguy cơ đến sức khoẻ cộng đồng do Bộ Y tế thông báo và chỉ định).

- Cục Y tế dự phòng và môi trường Việt Nam là cơ quan thuộc Bộ Y tế chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động kiểm dịch y tế biên giới trên địa bàn cả nước theo các quy định của pháp luật hiện hành về kiểm dịch y tế. Hệ thống tổ chức cơ quan kiểm dịch y tế biên giới Việt Nam thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

- Thủ tục về trình tự kiểm tra thực tế và xử lý kiểm dịch y tế thực hiện theo quy trình kiểm dịch y tế biên giới nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện hành.

- Khi có dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra ở khu vực biên giới của nước có chung biên giới theo thông báo của Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh chỉ đạo cơ quan kiểm dịch y tế triển khai các hoạt động kiểm dịch y tế tại khu vực qua lại để kiểm tra, giám sát, thực hiện biện pháp xử lý y tế kịp thời đối với hàng hoá đảm bảo không để dịch bệnh lây lan.

b) Kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật, kiểm dịch thuỷ sản:

- Chỉ những hàng hoá thuộc danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật, kiểm dịch thuỷ sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố mới phải làm thủ tục kiểm dịch.

- Danh mục hàng hoá thuộc diện kiểm dịch động vật, thực vật xuất khẩu, nhập khẩu được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố trong từng thời kỳ.

c) Về kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm:

Hàng hoá là thực phẩm xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới phải được thực hiện theo Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm.

d) Về kiểm soát chất lượng:

Hàng hoá của các đối tượng sau đây không phải kiểm tra nhà nước về chất lượng:

Hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới; hàng hóa đưa vào chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu. Riêng về kiểm dịch y tế thì trừ khi có dịch bệnh và những hàng hóa được cơ quan có thẩm quyền thông báo về nguy cơ dịch bệnh có thể truyền nhiễm  qua.

đ) Về công tác kiểm lâm: Thực hiện theo Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cây nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm; Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Quyết định số 54/2006/ QĐ-BNN ngày 05 tháng 7 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về công bố Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp.

e) Đối với thuốc: thực hiện theo Luật Dược số 34/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm  2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này.

f) Đối với mỹ phẩm: thực hiện theo Quyết định số 35/2006/QĐ-BYT, ngày 10 tháng 11 năm  2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế về ban hành Quy chế quản lý mỹ phẩm.

4. Thanh toán tiền hàng

a) Thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hoá của cư dân biên giới, thanh toán trong mua bán hàng hoá tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu được thực hiện bằng đồng Việt Nam (VNĐ), đồng tiền của nước có chung biên giới. Trường hợp thanh toán bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi, chỉ được thực hiện với những đối tượng thu ngoại tệ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thanh toán xuất nhập khẩu hàng hoá qua biên giới theo các phương thức không theo thông lệ quốc tế được thực hiện bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi, đồng Việt Nam hoặc đồng tiền của nước có chung biên giới.

b) Phương thức thanh toán bằng tiền mặt hoặc không dùng tiền mặt do các bên mua bán thoả thuận phù hợp với quy định về quản lý ngoại hối của Việt Nam và các nước có chung biên giới.

c) Việc mang tiền đồng Việt Nam và tiền mặt của nước có chung biên giới qua cửa khẩu biên giới để thực hiện thanh toán theo các nội dung quy định tại điểm a, khoản 4 nói trên phải tuân thủ các quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về mang ngoại tệ tiền mặt và đồng Việt Nam bằng tiền mặt khi xuất nhập cảnh.

d) Các bên mua bán, trao đổi, xuất nhập khẩu hàng hoá qua biên giới được lựa chọn các hình thức thanh toán phù hợp với các quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

5. Chính sách thuế và lệ phí

a) Đối với hàng hoá buôn bán qua biên giới: Phải nộp thuế và lệ phí (nếu có) theo quy định của pháp luật.

b) Định mức hàng hoá miễn thuế nhập khẩu không quá 2.000.000VNĐ/1người/1ngày được áp dụng cho các đối tượng nếu hội đủ các tiêu chí sau đây:

- Là cư dân biên giới Việt Nam hoặc cư dân biên giới của ba nước có chung biên giới (Trung Quốc, Lào, Campuchia) qua lại biên giới xuất trình chứng minh thư biên giới hoặc giấy thông hành biên giới do cơ quan có thẩm quyền của hai nước cấp.

- Hàng hoá được sản xuất tại nước có chung biên giới. Hàng hoá sản xuất tại nước thứ ba không được hưởng định mức miễn thuế này.

c) Chính sách thuế đối với hàng hóa do cư dân biên giới mua trong khu thương mại – công nghiệp nào thì được thực hịên theo quy định của khu thương mại – công nghiệp đó.

d) Hàng hoá là sản phẩm không thể cắt rời, nếu giá trị một đơn vị sản phẩm vượt định mức này, thì phải nộp thuế phần vượt (kể cả vật nguyên con, nguyên chiếc, nguyên cái, nguyên bộ).

đ) Hàng hoá thuộc danh mục hạn ngạch thuế quan được sản xuất tại nước có chung biên giới, nếu do cư dân biên giới trao đổi mua bán cũng được hưởng định mức miễn thuế nêu trên.

e) Các chính sách thuế liên quan khác thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính. 

II. MUA BÁN, TRAO ĐỔI HÀNG HÓA CỦA CƯ DÂN BIÊN GIỚI

1. Chủ thể được mua bán, trao đổi hàng hoá qua biên giới

Công dân có hộ khẩu thường trú tại các khu vực biên giới của Việt Nam và của các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia được mua bán, trao đổi các mặt hàng phù hợp với quy định về hàng hoá buôn bán qua biên giới được quy định tại khoản 2, Mục I của Thông tư này và được hưởng định mức miễn thuế nêu tại điểm b, khoản 5, Mục I nêu trên.

2. Cửa khẩu, địa điểm mua bán trao đổi hàng hoá qua biên giới

Thực hiện theo Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 07 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới.

3. Thủ tục hải quan đối với hàng hoá mua bán, trao đổi của cư dân biên giới: Thực hiện theo quy định của Luật Hải quan

a) Hồ sơ hải quan:

- Chủ hàng xuất trình chứng minh thư biên giới hoặc giấy thông hành biên giới do cơ quan có thẩm quyền của nước có chung biên giới cấp để được hưởng định mức miễn thuế.

- Hàng hoá mua bán, trao đổi của cư dân biên giới không yêu cầu phải khai trên tờ khai hải quan đối với hàng hoá trong định mức quy định tại điểm b, khoản 5, Mục I Thông tư này; đối với hàng hoá vượt định mức thì phải khai trên tờ khai phi mậu dịch phần vượt định mức đó.

- Hàng hoá mua bán, trao đổi của cư dân biên giới nếu vượt định mức quy định, thì Cơ quan Hải quan tính thu thuế trực tiếp trên Tờ khai hàng hoá xuất khẩu/ nhập khẩu phi mậu dịch phần vượt định mức đó.

- Hàng hoá mua bán, trao đổi của cư dân biên giới không phải nộp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O). Việc xác định xuất xứ hàng hoá đối với trường hợp này căn cứ vào việc kiểm tra thực tế của công chức hải quan.

b) Kiểm tra thực tế hàng hoá:

- Chỉ kiểm tra đối với trường hợp qua giám sát thấy có khả năng vượt định lượng miễn thuế, có hàng lậu. Cơ sở để tính giá trị hàng hóa là căn cứ vào giá cả thị trường vùng biên giới tại thời điểm đó.

- Đối với lô hàng có mở tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch thì việc kiểm tra thực tế hàng hoá phải thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

c) Nơi không có Hải quan, thì Bộ đội biên phòng thực hiện theo các quy định tại khoản 3 này.

III. XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU HÀNG HÓA QUA BIÊN GIỚI

1. Chủ thể Việt Nam được xuất nhập khẩu hàng hoá qua biên giới

a) Thương nhân Việt Nam.

b) Hộ kinh doanh thuộc các tỉnh biên giới được thành lập đăng ký theo quy định tại Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm  2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh.

2. Cửa khẩu xuất nhập khẩu hàng hoá qua biên giới

a) Cửa khẩu quốc tế được mở cho người, phương tiện, hàng hoá của Việt Nam, nước có chung biên giới và nước thứ ba xuất nhập qua biên giới quốc gia.

b) Cửa khẩu chính được mở cho người, phương tiện, hàng hoá của Việt Nam và nước có chung biên giới xuất, nhập qua biên giới quốc gia.

c) Cửa khẩu và các điểm thông quan khác thuộc khu kinh tế cửa khẩu do Chính phủ Việt Nam cho phép thành lập.

d) Cửa khẩu phụ được mở cho người, phương tiện, hàng hoá của Việt Nam và nước có chung biên giới ở khu vực biên giới, vùng biên giới qua lại biên giới quốc gia.

đ) Trường hợp hàng hoá theo hợp đồng thương mại và phi thương mại của nước thứ ba hoặc của nước có chung biên giới muốn xuất, nhập qua cửa khẩu phụ hoặc điểm thông quan nằm ngoài khu kinh tế cửa khẩu thì chủ hàng hoặc người đại diện phải có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh biên giới ra quyết định cho phép nếu việc thông quan đó hội đủ các tiêu chí sau:

- Phải có lực lượng chức năng chuyên ngành Hải quan, Biên phòng, Kiểm dịch.

- Quyết định này chỉ áp dụng cho từng lô hàng, từng hợp đồng và có thời hạn.

- Quyết định được gửi cho Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan.

3. Thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu qua biên giới: Thực hiện theo quy định của Luật Hải quan

a) Đối với hàng nhập khẩu:

- Tờ khai hải quan: Sử dụng tờ khai hàng hoá nhập khẩu theo Tờ khai Hải quan do Bộ Tài chính quy định.

- Các chứng từ khác về hồ sơ hải quan, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo hợp đồng mua bán do Bộ Tài chính quy định, trừ vận đơn và hợp đồng thương mại. 

- Phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch y tế do cơ quan kiểm dịch y tế cấp (đối với hàng hoá thuộc đối tượng kiểm dịch y tế); và Giấy đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá đối với hàng hoá thuộc diện phải kiểm tra.

- Hàng hoá nhập khẩu qua biên giới được hưởng các ưu đãi về thuế nhập khẩu nếu có đủ điều kiện theo thoả thuận song phương giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước có chung biên giới; việc khai báo hải quan, nộp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) đối với hàng hóa được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu, thực hiện theo Thông tư số 59/2007/TT-BTC ngày 14 tháng 6 năm 2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành thuế xuất khẩu, nhập khẩu, và Thông tư số 45/2007/TT-BTC ngày 07 tháng 5 năm 2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt. Đối với trường hợp áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt thì đối tượng nhập khẩu phải xuất trình Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá-C/O (trừ trường hợp tổng trị giá lô hàng (FOB) không vượt quá 200 USD).

- Kiểm tra thực tế hàng hoá thực hiện theo quy định của pháp luật Hải quan hiện hành.

b) Đối với hàng xuất khẩu:

- Tờ khai hải quan:

+ Trường hợp hàng hoá xuất khẩu theo hợp đồng mua bán: Sử dụng theo Tờ khai Hải quan do Bộ Tài chính quy định.

+ Trường hợp hàng hoá xuất khẩu không có hợp đồng mua bán: Sử dụng tờ khai hàng hoá xuất khẩu biên giới do Bộ Tài chính quy định.

- Các chứng từ khác về hồ sơ hải quan, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo hợp đồng mua bán thực hiện theo quy định của pháp luật Hải quan hiện hành. 

- Phải có giấy chứng nhận kiểm dịch y tế do cơ quan kiểm dịch y tế cấp đối với hàng hoá xuất khẩu phải kiểm dịch y tế theo yêu cầu của nước nhập khẩu hoặc theo yêu cầu của chủ hàng.

- Hàng hoá xuất khẩu qua biên giới được hưởng các ưu đãi về thuế xuất khẩu theo thoả thuận song phương giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước có chung biên giới. 

IV. MUA BÁN HÀNG HOÁ TẠI CHỢ BIÊN GIỚI,

CHỢ CỬA KHẨU, CHỢ TRONG KHU KINH TẾ CỬA KHẨU 

1. Chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu

a) Chợ biên giới là chợ được lập ra trong khu vực biên giới trên đất liền thuộc lãnh thổ Việt Nam nhưng không thuộc các chợ nói tại điểm b và điểm c dưới đây.

b) Chợ cửa khẩu là chợ được lập ra trong khu vực biên giới trên đất liền thuộc lãnh thổ Việt Nam gắn với các cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá nhưng không thuộc khu kinh tế cửa khẩu.

c) Chợ trong khu kinh tế cửa khẩu là chợ được lập ra trong khu kinh tế cửa khẩu theo Quyết định số 53/2001/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với Khu kinh tế cửa khẩu biên giới.

2. Chủ thể kinh doanh tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu

a) Doanh nghiệp, hộ kinh doanh Việt Nam có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước cấp, được phép tổ chức kinh doanh tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu.

b) Doanh nghiệp, hộ kinh doanh của nước có chung biên giới phải tuân thủ các quy định tại Nghị định số 34/2000/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2000 của Chính phủ về Quy chế biên giới trên đất liền nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quy định có liên quan đến việc đi lại, cư trú và kinh doanh trong khu vực biên giới:

- Được phép kinh doanh tại chợ cửa khẩu và chợ biên giới khi được Sở quản lý chuyên ngành về hoạt động thương mại tại tỉnh biên giới cấp giấy phép kinh doanh.

- Được phép tổ chức, kinh doanh tại chợ trong khu kinh tế cửa khẩu khi được ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu cấp giấy phép kinh doanh.

c) Công dân của nước có chung biên giới khi được phép kinh doanh tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu và có giấy phép kinh doanh tại các chợ nói trên còn trong thời hạn hiệu lực nếu có nhu cầu tạm trú ở Việt Nam sẽ được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xem xét cấp chứng nhận tạm trú hoặc thẻ tạm trú theo hướng dẫn của Bộ Công an.

3. Quản lý chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu

a) Việc quyết định thành lập (hoặc giải thể) và quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan quản lý chợ (hoặc các loại hình tổ chức kinh doanh chợ) đối với chợ biên giới, chợ cửa khẩu thực hiện theo phân cấp đối với từng loại chợ quy định tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển, quản lý chợ, và các Thông tư, Quyết định của các bộ ngành liên quan về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của ban quản lý chợ (hoặc các loại hình tổ chức kinh doanh chợ).

b) Chợ trong khu kinh tế cửa khẩu do Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quyết định thành lập (hoặc giải thể) và quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan quản lý chợ (hoặc các loại hình tổ chức kinh doanh chợ)  theo quy định ở Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển, quản lý chợ, và các Thông tư, Quyết định của các bộ ngành liên quan về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của ban quản lý chợ (hoặc các loại hình tổ chức kinh doanh chợ).

c) Các nội dung khác liên quan đến chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu không nêu trong Thông tư này thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển, quản lý chợ, và các Thông tư, Quyết định của các bộ ngành liên quan về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của ban quản lý chợ (hoặc các loại hình tổ chức kinh doanh chợ).

d) Các quy định về chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu nêu trong Thông tư này nếu có sự khác biệt so với các thoả thuận song phương giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước có chung biên giới thì thực hiện theo các thoả thuận song phương đã được ký kết giữa hai Chính phủ.

4. Thủ tục hải quan đối với hàng hoá được mua bán, trao đổi tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu

Thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu đưa vào chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu được thực hiện như thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu qua biên giới nêu tại khoản 3, Mục III của Thông tư này. 

V. XUẤT NHẬP CẢNH NGƯỜI VÀ PHƯƠNG TIỆN LIÊN QUAN

TỚI XUẤT NHẬP KHẨU HÀNG HOÁ QUA BIÊN GIỚI  

1. Người và phương tiện của Việt Nam

a) Chủ hàng, người điều khiển phương tiện vận tải hàng hoá, nhân viên phục vụ trên xe, tàu, thuyền phải có một trong các loại giấy tờ có giá trị sử dụng như sau: Hộ chiếu, Chứng minh thư biên giới, Giấy thông hành biên giới, (danh bạ thuyền viên hoặc sổ thuyền viên đối với tàu, thuyền) hoặc các giấy tờ qua lại biên giới khác theo quy định của pháp luật. Riêng người điều khiển phương tiện, ngoài giấy tờ quy định nêu trên còn phải có giấy phép điều khiển phương tiện phù hợp với loại phương tiện điều khiển.

b) Chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vận tải hàng hoá khi vào các địa điểm tại khu vực biên giới phải xuất trình hoặc nộp các giấy tờ theo quy định.

c) Người điều khiển phương tiện ra vào chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu; nếu vào sâu nội địa phải tiến hành thủ tục xuất, nhập cảnh.

d) Kiểm dịch y tế nhập cảnh, xuất cảnh: người, phương tiện nhập cảnh, xuất cảnh phải tiến hành kiểm dịch y tế biên giới theo quy định hiện hành của Bộ Y tế về kiểm dịch y tế biên giới.

đ) Đối với xe ô tô Việt Nam đi qua biên giới để giao hàng xuất khẩu, nhận hàng nhập khẩu ngay tại khu vực cửa khẩu sau đó quay trở lại Việt Nam ngay trong ngày và xe ô tô nước ngoài vào khu vực cửa khẩu Việt Nam để giao hàng nhập khẩu hoặc nhận hàng xuất khẩu sau đó quay về nước ngay trong ngày, thì không yêu cầu khai và nộp các giấy tờ theo quy định trên.

e) Thủ tục Hải quan đối với phương tiện vận tải xuất nhập khẩu, quá cảnh qua cửa khẩu đường bộ:

- Đối với xe ô tô vận tải hàng hoá xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh: được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

- Đối với phương tiện vận tải tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập có thời hạn thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

f) Phương tiện vận tải hàng hoá và các đối tượng quy định tại điểm a của khoản này có nhu cầu đi vào điểm chuyển tải hàng hoá được quy định tại Hiệp định vận tải giữa Chính phủ Việt Nam và các nước có chung biên giới hoặc các điểm khác ngoài khu vực biên giới, khu kinh tế cửa khẩu để giao nhận hàng hoá thì phải thực hiện theo các quy định của Hiệp định, Nghị định thư và các văn bản thoả thuận khác đã ký kết giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các nước có chung biên giới về xuất nhập cảnh và vận tải hàng hoá.

2. Người và phương tiện của nước ngoài có chung biên giới

a) Cho phép phương tiện vận tải hàng hoá của nước ngoài có chung biên giới đi qua các cửa khẩu quy định tại các điểm a, b, c, d, đ khoản 2, Mục III của Thông tư này để vào các điểm giao, nhận hàng hoá do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam  quy định tại khu vực biên giới.

b) Chỉ cho phép phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật thuộc quy định phải kiểm dịch qua cửa khẩu biên giới sau khi đã được khử trùng tiêu độc theo quy định.

c) Công dân người nước ngoài có chung biên giới là chủ hàng hoặc người được chủ hàng uỷ quyền, người điều khiển phương tiện và nhân viên phục vụ trên phương tiện vận tải hàng hoá nước có chung biên giới được theo phương tiện vận tải hàng hoá đi qua các cửa khẩu quy định tại các điểm a, b, c, d, đ khoản 2, Mục II của Thông tư này để vào các điểm giao, nhận hàng hoá bằng hộ chiếu, sổ thuyền viên, chứng minh thư biên giới hoặc giấy thông hành biên giới do cơ quan có thẩm quyền của nước láng giềng cấp.

d) Phương tiện và công dân người nước ngoài có chung biên giới là người điều khiển phương tiện vận tải hàng hoá của chủ thể kinh doanh của nước có chung biên giới khi ra vào chợ biên giới, chợ cửa khẩu và chợ trong khu kinh tế cửa khẩu để vận chuyển hàng hoá được miễn thị thực nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu; khi có nhu cầu đi ra khỏi phạm vi chợ biên giới, chợ cửa khẩu và chợ trong khu kinh tế cửa khẩu để vào sâu trong nội địa Việt Nam thì phải thực hiện các thủ tục về xuất cảnh, nhập cảnh cho người và phương tiện theo các quy định của luật pháp Việt Nam. Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) sẽ xét cấp thị thực ngay tại khu kinh tế cửa khẩu.

đ) Trường hợp phương tiện vận tải hàng hóa và các đối tượng quy định tại điểm a, c khoản này có nhu cầu đi vào các địa điểm khác ngoài khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu để giao, nhận hàng hóa thì phải thực hiện theo các quy định của Hiệp định, Nghị định thư và các văn bản thoả thuận khác đã ký kết giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các nước có chung biên giới về xuất nhập cảnh và vận tải hàng hóa.

e) Kiểm dịch đối với người nước ngoài:

- Người nhập cảnh vào Việt Nam từ vùng có bệnh phải kiểm dịch, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải khai báo sức khoẻ với Cơ quan Kiểm dịch Y tế biên giới. Bộ Y tế quy định cụ thể nội dung và thủ tục khai báo sức khỏe.

- Khi có bệnh phải kiểm dịch hoặc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lan tràn ở cửa khẩu Việt Nam, Cơ quan Kiểm dịch Y tế biên giới phải tiêm chủng phòng bệnh cho người nước ngoài khi họ yêu cầu. 

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Xử lý vi phạm

Vi phạm trong hoạt động thương mại biên giới sẽ bị xử lý căn cứ theo các quy định Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại của Chính phủ và các văn bản pháp quy có liên quan khác của luật pháp Việt Nam.

2. Trách nhiệm của Bộ Công Thương

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, Uỷ ban nhân dân các tỉnh biên giới căn cứ Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 07 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư liên tịch này và các văn bản pháp quy khác có liên quan của Việt Nam hướng dẫn, chỉ đạo việc quản lý và điều hành hoạt động thương mại biên giới.

3. Trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan

a) Thực hiện nghiêm túc Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 07 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ và quy định hướng dẫn của Thông tư này.

b) Cử đại diện tham gia Ban chỉ đạo thương mại biên giới thuộc Bộ Công Thương.

c) Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 07 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư hướng dẫn này và phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.

4. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các tỉnh biên giới

a) Chịu trách nhiệm tổ chức quản lý điều hành mọi hoạt động thương mại biên giới trên khu vực biên giới thuộc địa phương mình quản lý; thực hiện nghiêm minh cơ chế phối hợp liên ngành về quản lý, điều hành hoạt động thương mại biên giới.

b) Giao sở quản lý chuyên ngành về hoạt động thương mại tại tỉnh là cơ quan đầu mối giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh về quản lý thương mại biên giới.

c) Chịu sự chỉ đạo về quản lý thương mại biên giới của Ban chỉ đạo hoạt động thương mại biên giới và các Bộ, ngành liên quan. 

VII. HIỆU LỰC THI HÀNH 

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Bãi bỏ Thông tư liên tịch số 05/2004/TTLT-BTM-BTC-BGTVT-BNN&PTNT-BYT-BTS-NHNN ngày 17 tháng 8 năm 2004, và các quy định do các Bộ/ngành và các địa phương ban hành trái với quy định của Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 07 tháng11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ và quy định của Thông tư này./.

Bộ Giao thông vận tải

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Thứ trưởng

Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Nguyễn Đồng Tiến

Trương Chí Trung

Bộ Y tế

Bộ Tài chính

Thứ trưởng

Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Bùi Bá Bổng

Trần Doãn Thọ

Ngân hàng Nhà nước

Bộ Công thương

Thứ trưởng

Phó Thống đốc

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Trịnh Quân Huấn

Nguyễn Cẩm Tú