• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 08/08/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 15/03/2017
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 11/2009/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 24 tháng 6 năm 2009

 THÔNG TƯ

Quy định điều kiện đối với Trung tâm đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ

_____________________________________

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định điều kiện đối với Trung tâm đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật và nhân lực của Trung tâm đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, hoạt động của các Trung tâm đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi tắt là Trung tâm).

Chương II

CƠ SỞ VẬT CHẤT KỸ THUẬT

Điều 3. Địa điểm Trung tâm

Địa điểm xây dựng Trung tâm phải phù hợp với quy hoạch, có đường giao thông thuận tiện cho phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi tắt là xe cơ giới) ra, vào kiểm định.

Điều 4. Diện tích xây dựng Trung tâm

1. Diện tích tối thiểu của xưởng kiểm tra theo quy định sau đây:

Diện tích tối thiểu của xưởng kiểm tra có một dây chuyền (m)

Kích thước tối thiểu lắp đặt dây chuyền

dài x rộng (m)

Loại dây chuyền kiểm định

180

30 x 6

Dây chuyền kiểm định xe có tải trọng trục đến 2.000 kG

264

40 x 6,6

Dây chuyền kiểm định xe có tải trọng trục đến 13.000 kG

Đối với Trung tâm có nhiều dây chuyền kiểm định, xưởng kiểm tra phải có diện tích tối thiểu cho mỗi dây chuyền theo bảng trên.

2. Diện tích bãi đỗ xe và đường ra, vào kiểm định của Trung tâm có một dây chuyền kiểm định tối thiểu bằng 5,5 lần diện tích tối thiểu của xưởng kiểm tra tương ứng.

Trường hợp Trung tâm có nhiều dây chuyền kiểm định thì kể từ dây chuyền thứ hai trở đi, diện tích bãi đỗ xe và đường ra vào phải tăng thêm 1,5 lần so với diện tích tương ứng của dây chuyền đầu tiên.

3. Diện tích nhà văn phòng tối thiểu là 90 m.

Điều 5. Yêu cầu về nhà, xưởng và bãi đỗ xe

1. Mặt bằng Trung tâm phải có hệ thống thoát nước bảo đảm Trung tâm không bị ngập úng.

2. Xưởng kiểm tra phải có hệ thống hút khí thải, hệ thống thông gió, hệ thống chiếu sáng phù hợp với các yêu cầu kiểm tra, chống hắt nước vào thiết bị khi trời mưa, bảo đảm vệ sinh công nghiệp, an toàn lao động và phòng chống cháy nổ theo quy định hiện hành. Đối với xưởng kiểm tra lắp dây chuyền thiết bị kiểm tra xe có tải trọng trục đến 13.000 kG, chiều cao thông xe không thấp hơn 4,5 mét.

3. Nhà văn phòng phải bố trí hợp lý, bảo đảm thực hiện tốt việc giám sát công tác kiểm định và thuận tiện cho giao dịch.

4. Hệ thống đường cho xe cơ giới ra, vào tối thiểu phải bảo đảm theo quy định đối với đường bộ cấp 2 đồng bằng, chiều rộng mặt đường không nhỏ hơn 03 mét và bán kính quay vòng không nhỏ hơn 12 mét để bảo đảm cho phương tiện ra vào thuận tiện.

5. Bãi đỗ xe phải bảo đảm theo quy định đối với đường cấp III đồng bằng của Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN: 4054 - Đường ô tô - Yêu cầu thiết kế.

Điều 6. Thiết bị kiểm định

1. Kiểu loại thiết bị kiểm tra bố trí trong dây chuyền kiểm định phải được cơ quan quản lý nhà nước về công tác kiểm định phê duyệt nhằm bảo đảm tính thống nhất trong toàn mạng lưới Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên toàn quốc.

2. Trang bị cho một dây chuyền kiểm định tối thiểu phải có các thiết bị kiểm tra sau đây:

a) Thiết bị kiểm tra phanh;

b) Thiết bị cân trọng lượng;

c) Thiết bị đo độ trượt ngang của bánh xe có cảm biến ghi nhận kết quả chỉ khi có phương tiện vào và ra  khỏi thiết bị;

d) Thiết bị phân tích khí xả;

đ) Thiết bị đo độ khói;

e) Thiết bị đo độ ồn phương tiện và âm lượng còi;

g) Thiết bị kiểm tra đèn chiếu sáng phía trước;

h) Thiết bị hỗ trợ kiểm tra gầm;

i) Cầu nâng xe phục vụ cho việc kiểm tra khung gầm và các bộ phận bên dưới thân xe. Trường hợp không sử dụng cầu nâng thì có thể thay thế bằng hầm kiểm tra gầm ô tô.

Kích thước hầm kiểm tra xe có tải trọng trục  đến 2.000 kG có chiều dài 6.000 mm, chiều rộng 600 mm và chiều sâu tối thiểu 1.300 mm; Kích thước hầm kiểm tra xe có tải trọng trục đến 13.000 kG: chiều dài 12.000 mm, chiều rộng 750 mm và chiều sâu tối thiểu 1.200 mm.

Vị trí của hầm phù hợp với thiết kế của dây chuyền kiểm tra, lối lên xuống phải thuận tiện và có lối thoát hiểm khi xảy ra sự cố. Hầm phải có đủ ánh sáng, có dụng cụ kê kích để có thể thay đổi khoảng cách giữa đăng kiểm viên và gầm xe.

3. Thiết bị kiểm tra trong dây chuyền phải có chương trình điều khiển thống nhất có chức năng điều khiển quá trình hoạt động của thiết bị theo quy trình kiểm định, cài đặt được các tiêu chuẩn đánh giá, thiết lập trình tự kiểm định tuỳ thuộc vào phương án bố trí thiết bị kiểm định; cơ sở dữ liệu của chương trình phải được bảo mật và kết nối được với chương trình quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về công tác kiểm định.

4. Đối với Trung tâm có nhiều dây chuyền, tối thiểu phải trang bị 01 thiết bị đo độ ồn phương tiện.

5. Khuyến khích trang bị máy phát điện để cung cấp điện cho các thiết bị kiểm tra khi có sự cố về điện.

Điều 7. Dụng cụ kiểm tra trong dây chuyền kiểm định

Mỗi dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu các dụng cụ sau đây:

1. Dụng cụ kiểm tra áp suất hơi lốp;

2. Dụng cụ kiểm tra chiều cao hoa lốp còn lại;

3. Đèn soi;

4. Búa chuyên dùng kiểm tra;

5. Thước đo chiều dài;

6. Kích nâng phù hợp với loại phương tiện kiểm định.

Chương III

THIẾT BỊ THÔNG TIN, LƯU TRỮ VÀ TRUYỀN SỐ LIỆU

Điều 8. Thiết bị thông tin, lưu trữ và truyền số liệu

1. Tại các vị trí kiểm định phải có thiết bị để nhập, lưu trữ và truyền số liệu kết quả kiểm tra. Các thiết bị phải được nối mạng nội bộ để bảo đảm việc lưu trữ và truyền số liệu.

2. Máy chủ của Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới phải được nối mạng với máy chủ của cơ quan quản lý nhà nước về công tác kiểm định để thường xuyên truyền, báo cáo số liệu kiểm định.

Điều 9. Các trang thiết bị khác của Trung tâm

Ngoài các thiết bị, dụng cụ quy định tại các Điều 6, 7 và Điều 8 của Thông tư này, Trung tâm phải có các trang thiết bị sau đây:

1. Máy điện thoại;

2. Máy Fax;

3. Máy photocopy;

4. Máy tính văn phòng;

5. Máy in;

6. Camera quan sát và chụp ảnh phương tiện vào kiểm định; thiết bị này phải nối vào mạng LAN của Trung tâm, có hiển thị thời gian chụp trên ảnh và truyền hình ảnh trực tiếp ra phòng chờ của người đưa xe đến kiểm định;

7. Trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy;

8. Các bảng, biểu niêm yết công khai về phí, lệ phí kiểm định, nội quy của Trung tâm và các quy định khác. 

Chương IV

NHÂN LỰC CỦA TRUNG TÂM

Điều 10. Các chức danh làm việc tại Trung tâm 

1. Các chức danh làm việc tại Trung tâm bao gồm:

a) Giám đốc, Phó Giám đốc;

b) Phụ trách dây chuyền;

c) Đăng kiểm viên các hạng theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về công tác kiểm định;

d) Nhân viên nghiệp vụ gồm kế toán, thủ quỹ, nhân viên hồ sơ, nhân viên máy tính.

2. Số lượng Đăng kiểm viên của một Trung tâm phụ thuộc vào số lượng dây chuyền và năng suất kiểm định do cơ quan quản lý nhà nước về công tác kiểm định quy định, nhưng tối thiểu như sau:

 

Lưu lượng

bình quân/năm

vào kiểm định

Số dây chuyền kiểm tra của Trung tâm

Số lượng đăng kiểm viên tối thiểu

Đến 6.000

1

3

Trên 6.000 đến 12.000

1

5

Trên 12.000 đến 24.000

2

7

Trên 24.000 đến 30.000

2

9

Trên 30.000 đến 36.000

3

11

Trên 36.000 đến 42.000

3

13

Trên 42.000 đến 48.000

4

15

Trên 48.000 đến 54.000

4

17

Trên 54.000 đến 60.000

5

21

Trên 60.000 đến 66.000

5

23

Riêng đối với Trung tâm chỉ có 01 dây chuyền kiểm tra tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa, có lưu lượng phương tiện bình quân/năm vào kiểm định thấp, số lượng đăng kiểm viên tối thiểu được quy định trên cơ sở thống nhất giữa cơ quan quản lý nhà nước về công tác kiểm định và Sở Giao thông vận tải địa phương  nhưng không ít hơn 2/3 số lượng đăng kiểm viên tối thiểu được quy định ở trên.

Điều 11. Tiêu chuẩn các chức danh làm việc tại Trung tâm

1. Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm phải là đăng kiểm viên có kinh nghiệm kiểm định tối thiểu 03 năm. Khi bổ nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc phải có thỏa thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về công tác kiểm định.

2. Phụ trách dây chuyền phải là đăng kiểm viên có kinh nghiệm kiểm định tối thiểu 02 năm.

3. Đăng kiểm viên xe cơ giới phải được Cơ quan quản lý nhà nước về công tác kiểm định công nhận và cấp thẻ đăng kiểm viên.

4. Nhân viên nghiệp vụ  phải được Cơ quan quản lý nhà nước về công tác kiểm định hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ đăng kiểm xe cơ giới.

5. Trong quá trình hoạt động kiểm định xe cơ giới, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ phải tham dự các khóa học bổ túc, cập nhật, nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ.

6. Cán bộ, nhân viên của Trung tâm phải có đầy đủ trang bị bảo hộ lao động khi làm việc

Chương V

HIỆU LỰC THI HÀNH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký và bãi bỏ Quyết định số 50/2005/QĐ-BGTVT ngày 12 tháng 10 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Tiêu chuẩn Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới, số đăng ký: 22 TCN 226-05.

2. Các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới đã thành lập trước ngày Thông tư này có hiệu lực phải bổ sung đầy đủ các thiết bị kiểm tra cho từng dây chuyền kiểm định và bổ sung chương trình điều khiển thiết bị chậm nhất sau 03 năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Điều 13. Tổ chức thực hiện

1. Cục Đăng kiểm Việt Nam là Cơ quan quản lý nhà nước về công tác kiểm định, có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này.

2. Các Ông (Bà) Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Hồ Nghĩa Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.