• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 02/06/1992
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Số: 169-CT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 18 tháng 5 năm 1992

CHỈ THỊ CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Về việc thực hiện những biện pháp cấp

bách để bảo vệ sếu cổ trụi và hệ sinh thái đất ngập nước ở vùng Đồng tháp Mười

 

Sếu cổ trụi hay Sếu đầu đỏ, còn gọi là chim Hạc, là một loại chim quý hiếm cần được bảo vệ. Bảo vệ Sếu cổ trụi gắn liền với việc bảo vệ sinh thái đất ngập nước của Đồng Tháp Mười.

Sau ngày giải phóng miền Nam, khi môi trường bị huỷ hoại nặng nề trong thời kỳ chiến tranh dần dần được phục hồi, Sếu cổ trụi đã trở về, tập trung khá nhiều ở vùng Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Chính quyền và nhân dân địa phương, được sự hỗ trợ của các nhà khoa học trong và ngoài nước, đã đắp bờ bao, khoanh khu bảo vệ sếu. Sếu đã về đây đông tới 1052 con vào mùa khô năm 1988.

Tuy nhiên, bên cạnh những việc làm tích cực nói trên, còn có những hoạt động tiêu cực làm số lượng sếu giảm nghiêm trọng. Số sếu đếm được vào tháng 4 năm 1992 chỉ còn khoảng 500 con.

Trước nguy cơ suy thoái của môi trường và sự diệt chủng của Sếu Cổ Trụi, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị:

1. Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp và Uỷ ban nhân dân huyện Tam Nông có trách nhiệm:

a) Thực hiện lệnh nghiêm cấm dân khai hoang vào xây nhà, dựng lán trên các bờ bao, tuỳ tiện đào thêm kênh rạch làm thuỷ lợi; phát triển diện tích lúa hai vụ; khai thác tràm bừa bãi; đánh bắt cá và săn bẫy chim thú hoang dã bằng mọi phương tiện trong khu bảo vệ sếu Tràm Chim.

Bổ sung ngay cán bộ quản lý và nhân viên canh gác, kiểm tra của Khu bảo vệ và có chế độ đãi ngộ xứng đáng để đội ngũ này yên tâm phục vụ.

b) Sớm quy hoạch lại vùng Tràm Chim, phân định lại khu bảo vệ sếu và khu sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng bổ sung diện tích cho Khu bảo vệ (bao gồm khu trung tâm, các khu đệm, khu phụ, khu mọc "cỏ năn"...). Phải coi việc bảo vệ sếu, một việc được cả thế giới quan tâm, là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của vùng Tràm Chim. Xem xét lại chức năng nhiệm vụ của Công ty nông - lâm - ngư trường Tràm Chim và phạm vi hoạt động của Công ty này. Mọi hoạt động sản xuất ở đây không được làm xáo động môi trường ở Khu bảo vệ. Cán bộ lãnh đạo Công ty không được kiêm nhiệm phụ trách quản lý Khu bảo vệ.

c) Thực hiện tốt những điều khoản đã cam kết giữa địa phương với các cơ quan nghiên cứu trong nước và các tổ chức quốc tế về kế hoạch xây dựng Khu bảo vệ sếu đã ký tháng 3 năm 1991 và tháng 3 năm 1992. Quản lý tốt việc sử dụng số kinh phí do nước ngoài tài trợ cho công tác bảo vệ sếu ở Tràm Chim, tập trung vào việc củng cố, sửa chữa và xây dựng thêm hệ thống bờ bao và hệ thống cống điều tiết nước; đào tạo cán bộ v.v...

2. Bộ Nông nghiệp có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn địa phương thực hiện nghiêm chỉnh Luật bảo vệ và phát triển rừng và Nghị định số 18-HĐBT ngày 17 tháng 1 năm 1992 quy định danh mục thực vật rừng, động vật rừng quý hiếm và chế độ quản lý bảo vệ.

b) Phối hợp với Uỷ ban Khoa học Nhà nước, Trung tâm Tài nguyên và môi trường (thuộc Đại học Tổng hợp Hà Nội) và các cơ quan có liên quan, giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp xây dựng luận chứng kinh tế - kỹ thuật cho dự án thành lập khu bảo vệ quốc gia Tràm Chim, trình Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt vào quí II năm 1993. Mục tiêu của dự án là xây dựng Tràm Chim thành một Vườn Quốc gia, một trung tâm nghiên cứu khoa học và giáo dục bảo vệ môi trường, một khu bảo vệ các nguồn gien quý hiếm và có thể là một khu tham quan du lịch.

3. Uỷ ban Khoa học Nhà nước có trách nhiệm:

a) Tổ chức và cấp kinh phí cho các cơ quan khoa học nghiên cứu sâu thêm về sinh lý, sinh thái của Sếu Cổ Trụi, biện pháp tăng nguồn thức ăn cho sếu, môi trường thích nghi để sếu về làm tổ, đẻ và ấp trứng, định cư lâu dài tại Tràm Chim. Việc này nếu thực hiện được sẽ có ý nghĩa khoa học và ý nghĩa kinh tế to lớn.

b) Tổ chức tốt việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ sếu với các nước láng giềng và các nước khác có kinh nghiệm, với Tổ chức sếu Quốc tế (ICF) của Mỹ, quỹ Brehm ở Cộng hoà Liên bang Đức v.v...

Phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan an ninh trong việc quản lý tham quan, khảo sát, hợp tác nghiên cứu của các đoàn nước ngoài theo một quy chế chặt chẽ.

c) Cùng với các cơ quan khoa học, soạn thảo trình Chính phủ ban hành vào cuối năm 1993 quy định tạm thời về việc bảo vệ sếu và các loài chim quí hiếm ở Đồng Tháp Mười và bán đảo Cà Mau và quy định tạm thời về việc cho phép săn bắt hạn chế một số loài chim có số lượng đông vào những mùa săn thích hợp và tại những điểm săn được Nhà nước quy định.

d) Chỉ đạo việc điều tra, thống kê số lượng Sếu Cổ Trụi có mặt ở Tràm Chim, Tam Nông (Đồng Tháp) và một số nơi khác như Tri Tôn (An Giang), Hòn Đất (Kiên Giang), báo cáo cho Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng vào đầu tháng 5 dương lịch hàng năm.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh thuộc Nam Bộ, Thủ trưởng các ngành Lâm nghiệp, Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Thuỷ lợi, Giáo dục và Đào tạo, Ngoại giao, Nội vụ, Tài chính, Uỷ ban Khoa học Nhà nước, Viện khoa học Việt Nam có trách nhiệm thực hiện tốt những việc được giao trong Chỉ thị này.

 

Chủ tịch hội đồng bộ trưởng

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.