• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 12/06/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 17/07/2017
BỘ NÔNG NGHIỆP
Số: 22/2009/TT-BNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 28 tháng 4 năm 2009

THÔNG TƯ

Hướng dẫn yêu cầu về giống vật nuôi, kiểm dịch vận chuyển giống vật nuôi
đảm bảo an toàn dịch bệnh phát triển chăn nuôi
 ________________________________
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29 tháng 4 năm 2004;
Căn cứ Pháp lệnh Giống vật nuôi ngày 24 tháng 3 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 33 /2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;
Căn cứ Nghị định số 119/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các cơ sở, địa phương và dự án phát triển chăn nuôi, đảm bảo chất lượng con giống và ngăn chặn lây lan dịch bệnh động vật truyền nhiễm nguy hiểm như sau:
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG                                       
1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:
1.1. Thông tư này hướng dẫn yêu cầu về giống vật nuôi, kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giống vật nuôi nhập vào địa phương nhằm ngăn chặn lây lan dịch bệnh động vật để phát triển chăn nuôi.
1.2. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, cung ứng động vật trên lãnh thổ Việt Nam.
2. Giải thích từ ngữ:
Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
2.1. Giống vật nuôi bao gồm trâu, bò, dê, cừu, lợn, gà, vịt, ngan (vịt xiêm) dùng để làm con giống chăn nuôi.
2.2. Đối tượng cung ứng giống vật nuôi là các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động buôn bán, vận chuyển, chăn nuôi động vật trên lãnh thổ Việt Nam để xuất bán, bàn giao động vật cho người chăn nuôi động vật.
2.3. Người chăn nuôi động vật gồm các tổ chức, cá nhân mua hoặc tiếp nhận động vật từ các tổ chức, cá nhân cung ứng động vật để chăn nuôi.
II. YÊU CẦU ĐỐI VỚI GIỐNG VẬT NUÔI
1. Phải đảm bảo chất lượng con giống theo tiêu chuẩn hiện hành hoặc tiêu chuẩn do các cơ sở sản xuât giống vật nuôi công bố.
2. Đối với cơ sở sản xuất giống vật nuôi:
a) Thường xuyên chọn lọc, loại thải, đảm bảo chất lượng đàn giống cụ kỵ, ông bà, bố mẹ, giống gốc trước khi sản xuất bán con giống.
  b) Thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng con giống và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các tiêu chuẩn đã công bố.
  c) Thực hiện kiểm dịch đầy đủ trước khi xuất bán con giống.
  d) Cơ sở sản xuất giống không công bố tiêu chuẩn chất lượng, không thực hiện kiểm dịch thì không được phép xuất bán con giống ra thị trường.
  đ) Không được phép xuất bán con giống khi trong vùng, cơ sở có dịch thuộc danh mục các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
  3. Khi có dấu hiệu dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm phải báo ngay cho cơ quan thú y sở tại và thực hiện ngay các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của nhà nước.
III. YÊU CẦU VỀ KIỂM DỊCH VẬN CHUYỂN ĐỘNG VẬT
1. Thủ tục đăng ký kiểm dịch:
Tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu vận chuyển động vật để chăn nuôi, buôn bán, cung ứng cho các dự án phát triển chăn nuôi phải đăng ký kiểm dịch theo quy định với Chi cục Thú y.
Nội dung đăng ký kiểm dịch phải đầy đủ các thông tin: Loại động vật, số lượng, tính biệt, mục đích sử dụng, nguồn gốc động vật, nơi động vật đến.
2. Yêu cầu về vệ sinh thú y đối với giống vật nuôi:
2.1. Giống vật nuôi phải khỏe mạnh, đạt chất lượng con giống, có nguồn gốc rõ ràng và xuất phát từ vùng, cơ sở đã được công nhận an toàn dịch bệnh hoặc vùng, cơ sở không xảy ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong thời gian ít nhất 3 tháng trước khi xuất bán con giống. Cụ thể các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với từng giống vật nuôi như sau:
a) Đối với trâu, bò: Bệnh Lở mồm long móng (LMLM);
b) Đối với dê, cừu: Bệnh LMLM, Đậu dê, Đậu cừu;
c) Đối với lợn: Bệnh LMLM, Tai xanh, Dịch tả lợn;
d) Đối với gà: Bệnh Cúm gia cầm, Niu-cát-xơn;
đ) Đối với vịt: Bệnh Cúm gia cầm, Dịch tả vịt.
2.2. Giống vật nuôi phải được tiêm phòng vắc xin đối với các bệnh sau:
a) Đối với bệnh LMLM:
- Tiêm phòng vắc xin LMLM tam giá týp O, A, Asia 1 cho trâu, bò, dê, cừu;
- Tiêm phòng vắc xin LMLM týp O cho lợn nái, lợn đực giống; lợn nuôi lấy thịt (trong trường hợp cung cấp cho các dự án phát triển chăn nuôi).
- Sử dụng chủng loại vắc xin trong chương trình Quốc gia khống chế và thanh toán bệnh LMLM hoặc các loại vắc xin tương đồng cao với các týp vi rút LMLM lưu hành tại Việt Nam.
b) Đối với bệnh Nhiệt thán: Tiêm phòng cho trâu, bò có nguồn gốc từ vùng/cơ sở đã bị bệnh Nhiệt thán trong thời gian 10 năm trước khi xuất bán.
c) Đối với bệnh Dịch tả lợn: Tiêm phòng cho lợn.
d) Đối với bệnh Cúm gia cầm: Gà, vịt phải được tiêm phòng theo quy định.
đ) Bệnh Đậu dê, cừu: Tiêm phòng cho dê, cừu.
e) Gia súc, gia cầm có nguồn gốc từ vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh thì không phải tiêm phòng vắc xin đối với các bệnh đã được công nhận an toàn dịch bệnh.
2.3. Tổ chức, cá nhân trực tiếp cung ứng hoặc được ký hợp đồng cung ứng giống vật nuôi phải cử cán bộ chuyên môn phối hợp với cán bộ của Chi cục Thú y kiểm tra thực tế về chất lượng con giống và các yêu cầu về vệ sinh thú y đối với con giống trước khi vận chuyển.
3. Kiểm dịch trước khi vận chuyển:
3.1. Địa điểm, thời gian cách ly kiểm dịch:
  a) Đối với giống vật nuôi có nguồn gốc từ các cơ sở, trang trại chăn nuôi tập trung, cơ sở sản xuất con giống, việc kiểm dịch được thực hiện tại cơ sở.
  b) Đối với giống vật nuôi được thu gom từ các hộ chăn nuôi, việc kiểm dịch được thực hiện tại địa điểm do cơ quan thú y chỉ định.
  c) Thời gian cách ly kiểm dịch phải đủ để đảm bảo thực hiện đúng quy trình kiểm dịch.
3.2. Kiểm dịch gia súc:
  a) Gia súc có nguồn gốc từ vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh (bệnh LMLM đối với trâu, bò, dê, cừu; bệnh LMLM, Dịch tả lợn đối với lợn):
  - Tách riêng gia súc, kiểm tra lâm sàng, đánh dấu theo quy định (trâu, bò bấm thẻ tai, lợn bấm thẻ tai hoặc xăm tai).
  - Gia súc đã được tiêm phòng vắc xin các bệnh nêu tại điểm 2.2, 2, III nêu trên và trong thời gian còn miễn dịch thì được phép vận chuyển ngay.
  - Trường hợp gia súc chưa được tiêm vắc xin thì phải tiêm phòng theo quy định, sau khi tiêm 14 ngày mới được vận chuyển.
  - Đối với lợn phải không có triệu chứng lâm sàng của bệnh Tai xanh trong thời gian ít nhất 3 tháng trước khi vận chuyển.
  b) Gia súc có nguồn gốc từ trang trại, cơ sở chăn nuôi tập trung:
  - Gia súc phải đảm bảo điều kiện tại điểm 2.1, 2, III nêu trên;
  - Việc kiểm dịch được thực hiện như đối với gia súc có nguồn gốc từ vùng, cơ sở, trang trại được công nhận an toàn dịch bệnh nhưng phải có xác nhận của cơ quan thú y về việc tiêm phòng cho gia súc;
  - Trường hợp không có xác nhận của cơ quan thú y về việc tiêm phòng thì phải tiêm phòng lại vắc xin theo quy định.
  c) Gia súc được thu gom từ các hộ chăn nuôi:
  - Tập trung gia súc tại địa điểm được chỉ định;
  - Kiểm tra lâm sàng, đánh dấu gia súc theo quy định;
  - Gia súc đã được tiêm vắc xin, trong thời gian còn miễn dịch bảo hộ và có giấy chứng nhận tiêm phòng thì phải lấy mẫu huyết thanh để kiểm tra hàm lượng kháng thể týp O, A đối với trâu, bò, dê, cừu; týp O đối với lợn (số mẫu lấy theo tỷ lệ lưu hành ước tính là 10% theo số lượng gia súc từng đợt xuất bán); nếu phát hiện có ≥ 70% số mẫu không đạt hiệu giá bảo hộ thì phải tiêm lại tất cả số gia súc sẽ xuất bán.
  - Gia súc chưa được tiêm phòng hoặc không có giấy chứng nhận đã tiêm phòng thì phải tiêm phòng vắc xin theo quy định.
3.3. Kiểm dịch gia cầm:
  a) Gia cầm có nguồn gốc từ vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh (đối với gà: bệnh Cúm gia cầm, Niu-cát-xơn; đối với vịt: bệnh Cúm gia cầm, Dịch tả vịt).
  - Gà, vịt 01 ngày tuổi: Kiểm tra lâm sàng, nếu khoẻ mạnh và bảo đảm chất lượng con giống thì được vận chuyển ngay.
  - Gà, vịt thương phẩm, hậu bị: Kiểm tra lâm sàng, nếu khoẻ mạnh và đã được tiêm phòng vắc xin theo quy định được vận chuyển ngay.
  b) Gia cầm có nguồn gốc từ trang trại, cơ sở chăn nuôi tập trung:
  Gà, vịt 01 ngày tuổi: Có nguồn gốc từ đàn bố mẹ đã được tiêm phòng, có kết quả kiểm tra kháng thể đạt hiệu giá bảo hộ đối với các bệnh trên thì được vận chuyển ngay; nếu đàn bố mẹ không có kết quả kiểm tra kháng thể thì không được vận chuyển.
  c) Gia cầm có nguồn gốc từ trứng thu gom từ nhiều đàn bố mẹ:
  Gà, vịt 01 ngày tuổi: Được phép xuất bán, vận chuyển nếu chứng minh được có nguồn gốc từ đàn bố mẹ đã được tiêm phòng và có kết quả kiểm tra kháng thể đạt hiệu giá bảo hộ với các bệnh Cúm gia cầm, Niu-cát-xơn, Dịch tả vịt.
4. Yêu cầu khi nhập giống vật nuôi vào địa phương:
4.1. Chỉ được phép vận chuyển động vật tới địa điểm ghi trong giấy chứng nhận kiểm dịch.
4.2. Phải khai báo trung thực với Chi cục Thú y nơi tiếp nhận động vật về địa danh, số lượng, tình trạng sức khỏe động vật khi vận chuyển đến.
4.3. Thực hiện việc nuôi cách ly động vật ít nhất là 07 ngày trước khi nhập đàn hoặc đưa về các hộ chăn nuôi.
a) Kiểm tra, theo dõi lâm sàng trong suốt quá trình nuôi cách ly.
b) Tiêm phòng bổ sung các bệnh khác tùy theo tình hình dịch bệnh tại địa phương. Trong trường hợp gia súc mới tiêm phòng vắc xin LMLM lần đầu 1 mũi thì phải tiêm mũi thứ 2 cách mũi đầu 30 ngày.
c) Trường hợp nghi ngờ động vật mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thì phải lấy mẫu xét nghiệm bệnh. Nếu phát hiện động vật mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phải tổ chức bao vây ổ dịch, xử lý động vật mắc bệnh, khử trùng tiêu độc triệt để theo quy định.
d) Trong thời gian nuôi cách ly, nghiêm cấm:
Đưa động vật đến hộ gia đình hoặc cho nhập đàn tại cơ sở chăn nuôi khi chưa hết thời gian nuôi cách ly và chưa được sự đồng ý của cơ quan Thú y;
Chăn thả động vật ra ngoài khu vực nuôi cách ly.
đ) Yêu cầu chủ vật nuôi hoặc tổ chức, cá nhân cung ứng động vật phải thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc khu vực nuôi cách ly trước và sau mỗi đợt nhập và xuất động vật.
4.4. Chi cục Thú y nơi tiếp nhận tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đối với động vật nhập vào địa phương sau thời gian cách ly.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
1.1. Chỉ đạo chính quyền các cấp và các ban ngành chức năng tại các địa phương, đặc biệt là các tỉnh có biên giới giáp với các nước: Tăng cường kiểm soát và kiên quyết xử lý triệt để các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép.
1.2. Chỉ đạo các Sở, Ban, ngành có liên quan trong tỉnh:
a) Khẩn trương quy hoạch và xây dựng các địa điểm nuôi cách ly động vật nhập vào tỉnh hoặc nuôi cách ly kiểm dịch động vật trước khi xuất tỉnh.
b) Trong trường hợp tỉnh chưa có địa điểm nuôi cách ly kiểm dịch, tạm thời yêu cầu chủ vật nuôi, tổ chức, cá nhân cung ứng động vật bố trí nơi cách ly động vật để kiểm dịch hoặc để nuôi cách ly trước khi đưa về các cơ sở, hộ chăn nuôi tại địa phương.
1.3. Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Hướng dẫn các cơ sở sản xuất giống công bố tiêu chuẩn chất lượng con giống xuất bán và thường xuyên kiểm tra chất lượng đã công bố của các cơ sở sản xuất giống ở địa phương.
b) Hướng dẫn các cơ sở sản xuất giống đăng ký xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh và thường xuyên kiểm tra việc đảm bảo an toàn dịch bệnh của các cơ sở sản xuất giống ở địa phương.
c) Thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch vận chuyển động vật làm giống, nuôi thương phẩm theo quy định của pháp luật thú y, giống vật nuôi.
d) Kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông, vận chuyển động vật đặc biệt là động vật làm giống, nuôi thương phẩm; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật chưa qua kiểm dịch thú y.
đ) Kiểm tra, giám sát chặt chẽ động vật nhập vào tỉnh; nếu phát hiện động vật mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thì phải tổ chức bao vây, dập tắt dịch nhanh chóng và khử trùng tiêu độc triệt để, trường hợp nghi ngờ thì phải lấy mẫu xét nghiệm.
2. Cục Thú y:
2.1. Chỉ đạo các Cơ quan Thú y vùng, Chi cục Kiểm dịch động vật vùng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc kiểm dịch vận chuyển động vật của các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh có giống vật nuôi cung cấp cho dự án và các tỉnh có dự án nhập giống vật nuôiđể phát triển chăn nuôi.
2.2. Phối hợp với các cơ quan liên quan (như Công an, Quản lý thị trường,  Thanh tra Bộ, Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư Quốc gia…) thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra hoạt động của các đơn vị thực hiện dự án phát triển chăn nuôi và công tác kiểm dịch vận chuyển động vật của các tỉnh, thành phố liên quan đến các dự án phát triển chăn nuôi.
3. Cục Chăn nuôi:
3.1. Kiểm tra, chỉ đạo các cơ sở giống gốc, các cơ sở, trang trại sản xuất giống thương phẩm thực hiện đúng các quy định về chọn giống, nhân đàn, loại thải, đảm bảo tốt chất lượng đàn giống gốc, giống bố mẹ và giống thương phẩm trước khi xuất bán.
3.2. Đôn đốc các cơ sở sản xuất giống công bố tiêu chuẩn chất lượng con giống xuất bán và thường xuyên kiểm tra chất lượng đã công bố của các cơ sở sản xuất giống.
4. Người cung ứng vật nuôi:
4.1. Phải lựa chọn, cung ứng giống vật nuôi đảm bảo chất lượng con giống. Đối với giống vật nuôi có nguồn gốc từ các cơ sở sản xuất con giống, phải có bản công bố tiêu chuẩn chất lượng giống.
4.2. Không mua, nhận giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, con giống ốm, bệnh; con giống xuất phát từ các vùng đang có dịch.
4.3. Chấp hành đúng các quy định, hướng dẫn về công tác kiểm dịch vận chuyển động vật.
4.4. Có biên bản giao nhận giống, trong đó thể hiện rõ số lượng, chất lượng đàn giống và các chứng nhận cần thiết có liên quan.
4.5. Chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về kinh tế, chi phí phòng chống dịch và bị xử lý theo quy định của pháp luật, nếu không thực hiện đúng các quy định hiện hành để dịch bệnh lây lan.
5. Người chăn nuôi động vật.
5.1. Người chăn nuôi động vật chủ động chọn động vật bảo đảm chất lượng tốt, kiểm tra các giấy tờ bán kèm theo động vật theo các quy định trên trước khi đưa vào chăn nuôi.
5.2. Chỉ mua động vật từ người cung ứng động vật, các cơ sở chăn nuôi có địa chỉ rõ ràng, tại các vùng an toàn, không có dịch bệnh; động vật đã được kiểm dịch, có giấy chứng nhận tiêm phòng.
5.4.Vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường; chuẩn bị đủ nguồn thức ăn, nước uống, thuốc thú y và các vật tư cần thiết phục vụ chăn nuôi trước khi nhận động vật để nuôi.
5.5. Khai báo ngay với cơ quan thú y, khi phát hiện động vật có hiện tượng ốm, bỏ ăn hoặc động vật chết vì bất cứ lý do gì.
6. Hiệu lực thi hành:
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc cần bổ sung, sửa đổi, đề nghị báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Diệp Kỉnh Tần

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.