• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 15/05/2017
  • Ngày hết hiệu lực: 15/10/2021
BỘ XÂY DỰNG
Số: 04/2017/TT-BXD
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 30 tháng 3 năm 2017

THÔNG TƯ

Quy định về quản lý an toàn lao động

trong thi công xây dựng công trình

______________________

 

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật An toàn, vệ sinh lao động ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về Quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;

          Căn cứ Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng;

          Căn cứ Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động;

          Căn cứ Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn lao động và quan trắc môi trường lao động;

Căn cứ Nghị định số 62/2013/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

          Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng;

Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư quy định về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình; tổ chức thực hiện huấn luyện, bồi dưỡng, sát hạch nghiệp vụ kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Xây dựng (sau đây viết tắt là máy, thiết bị, vật tư); hướng dẫn khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo và giải quyết sự cố sập, đổ máy, thiết bị, vật tư sử dụng trong thi công xây dựng công trình.

2. Ngoài các nội dung quy định tại Thông tư này thì việc quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình phải tuân theo các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và pháp luật khác có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với các máy, thiết bị, vật tư.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. An toàn lao động trong thi công xây dựng công trình là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại nhằm bảo đảm không làm suy giảm sức khỏe, thương tật, tử vong đối với con người, ngăn ngừa sự cố gây mất an toàn lao động trong quá trình thi công xây dựng công trình.

2. Quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình là hoạt động quản lý của các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng theo quy định của Thông tư này và pháp luật khác có liên quan nhằm đảm bảo các yêu cầu về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.

3. Kiểm định viên là người hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, chịu trách nhiệm trực tiếp thực hiện hoặc chỉ đạo, giám sát thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với máy, thiết bị, vật tư.

 

Chương II

QUẢN LÝ AN TOÀN LAO ĐỘNG

TRONG THI CÔNG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH

Điều 4. Trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng công trình

1. Trước khi khởi công xây dựng công trình, nhà thầu tổ chức lập, trình chủ đầu tư chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động. Kế hoạch này được xem xét định kỳ hoặc đột xuất để điều chỉnh phù hợp với thực tế thi công trên công trường. Nội dung cơ bản của kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động theo quy định tại Phụ lục I Thông tư này. 

2. Tổ chức bộ phận quản lý an toàn lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định 39/2016/NĐ-CP và tổ chức thực hiện kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động đối với phần việc do mình thực hiện.

3. Nhà thầu chính hoặc tổng thầu có trách nhiệm kiểm tra công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình đối với các phần việc do nhà thầu phụ thực hiện. Nhà thầu phụ có trách nhiệm thực hiện các quy định nêu tại Điều này đối với phần việc do mình thực hiện.

4. Tổ chức lập biện pháp thi công riêng, chi tiết đối với những công việc đặc thù, có nguy cơ mất an toàn lao động cao được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng công trình.

5. Dừng thi công xây dựng khi phát hiện nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động và có biện pháp khắc phục để đảm bảo an toàn trước khi tiếp tục thi công.

6. Khắc phục hậu quả tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động xảy ra trong quá trình thi công xây dựng công trình.

7. Định kỳ hoặc đột xuất báo cáo chủ đầu tư về kết quả thực hiện công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình theo quy định của hợp đồng xây dựng.

8. Thực hiện các nội dung khác theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

Điều 5. Trách nhiệm của chủ đầu tư

1. Chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình do nhà thầu lập và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch của nhà thầu.

2. Phân công và thông báo nhiệm vụ, quyền hạn của người quản lý an toàn lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 115 Luật Xây dựng tới các nhà thầu thi công xây dựng công trình.

3. Tổ chức phối hợp giữa các nhà thầu để thực hiện quản lý an toàn lao động và giải quyết các vấn đề phát sinh về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.

4. Đình chỉ thi công khi phát hiện nhà thầu vi phạm các quy định về quản lý an toàn lao động làm xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động. Yêu cầu nhà thầu khắc phục để đảm bảo an toàn lao động trước khi cho phép tiếp tục thi công.

5. Chỉ đạo, phối hợp với nhà thầu thi công xây dựng xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động; khai báo sự cố gây mất an toàn lao động; phối hợp với cơ quan có thẩm quyền giải quyết, điều tra sự cố về máy, thiết bị, vật tư theo quy định tại Điều 18, Điều 19 Thông tư này; tổ chức lập hồ sơ xử lý sự cố về máy, thiết bị, vật tư theo quy định tại Điều 20 Thông tư này.

6. Trường hợp chủ đầu tư thuê nhà thầu tư vấn quản lý dự án, nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình, chủ đầu tư được quyền giao cho nhà thầu này thực hiện một hoặc một số trách nhiệm của chủ đầu tư theo quy định tại Điều này thông qua hợp đồng tư vấn xây dựng. Chủ đầu tư có trách nhiệm giám sát việc thực hiện hợp đồng tư vấn xây dựng, xử lý các vấn đề liên quan giữa nhà thầu tư vấn quản lý dự án, nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình với các nhà thầu khác và với chính quyền địa phương trong quá trình thi công xây dựng công trình.

7. Trường hợp áp dụng loại hợp đồng tổng thầu thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ - thi công xây dựng công trình (EPC) hoặc hợp đồng chìa khóa trao tay (sau đây viết tắt là tổng thầu), trách nhiệm quản lý an toàn lao động được quy định như sau:

a) Chủ đầu tư được quyền giao cho tổng thầu thực hiện một hoặc một số trách nhiệm của chủ đầu tư theo quy định tại Điều này thông qua hợp đồng xây dựng. Chủ đầu tư có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng xây dựng và việc tuân thủ các quy định về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình của tổng thầu;

b) Tổng thầu thực hiện các trách nhiệm do chủ đầu tư giao theo quy định tại điểm a khoản này và thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 4 Thông tư này đối với phần việc do mình thực hiện.

8. Việc thực hiện các quy định nêu tại Điều này của chủ đầu tư không làm giảm trách nhiệm về đảm bảo an toàn lao động của các nhà thầu thi công xây dựng đối với các phần việc do mình thực hiện.

Điều 6. Trách nhiệm của bộ phận quản lý an toàn lao động của nhà thầu thi công xây dựng công trình

1. Triển khai thực hiện kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình đã được chủ đầu tư chấp thuận.

2. Hướng dẫn người lao động nhận diện các yếu tố nguy hiểm có nguy cơ xảy ra tai nạn và các biện pháp ngăn ngừa tai nạn trên công trường; yêu cầu người lao động sử dụng đúng và đủ dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc; kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các yêu cầu về an toàn lao động đối với người lao động; quản lý số lượng người lao động làm việc trên công trường.

3. Khi phát hiện vi phạm các quy định về quản lý an toàn lao động hoặc các nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động thì phải có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, xử lý theo quy định nội bộ của nhà thầu; quyết định việc tạm dừng thi công xây dựng đối với công việc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động; đình chỉ tham gia lao động đối với người lao động không tuân thủ biện pháp kỹ thuật an toàn hoặc vi phạm các quy định về sử dụng dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân trong thi công xây dựng và báo cáo cho chỉ huy trưởng công trường.

4. Chủ động tham gia ứng cứu, khắc phục tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động; tham gia ứng cứu khẩn cấp khi có yêu cầu của chủ đầu tư, người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 7. Trách nhiệm của người lao động trên công trường xây dựng

1. Thực hiện các quy định tại Điều 17 Luật An toàn, vệ sinh lao động.

2. Từ chối thực hiện các công việc được giao khi thấy không đảm bảo an toàn lao động sau khi đã báo cáo với người phụ trách trực tiếp nhưng không được khắc phục, xử lý hoặc nhà thầu không cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân theo đúng quy định.

3. Chỉ nhận thực hiện những công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động sau khi đã được huấn luyện và cấp thẻ an toàn, vệ sinh lao động.

Điều 8. Kiểm tra công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình của cơ quan chuyên môn về xây dựng

1. Nội dung kiểm tra bao gồm: sự tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý an toàn lao động của chủ đầu tư và các nhà thầu tham gia hoạt động đầu tư xây dựng; việc lập và thực hiện kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động của chủ đầu tư và các nhà thầu trên công trường xây dựng.

2. Tổ chức kiểm tra an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình:

a) Đối với công trình xây dựng quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định 46/2015/NĐ-CP, thẩm quyền kiểm tra thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định 46/2015/NĐ-CP;

b) Đối với công trình còn lại, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức kiểm tra.

3. Cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này thực hiện kiểm tra như sau:

a) Kiểm tra theo kế hoạch định kỳ, đột xuất hoặc phối hợp kiểm tra đồng thời với kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng theo quy định tại khoản 8 Điều 34 Nghị định 59/2015/NĐ-CP;

b) Phối hợp kiểm tra theo kế hoạch của cơ quan quản lý nhà nước về lao động.

Điều 9. Chi phí thực hiện đảm bảo an toàn lao động

1. Chi phí thực hiện đảm bảo an toàn lao động gồm:

a) Chi phí lập và thực hiện các biện pháp kỹ thuật an toàn;

b) Chi phí huấn luyện an toàn lao động; thông tin, tuyên truyền về an toàn lao động;

c) Chi phí trang cấp dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động;

d) Chi phí cho công tác phòng, chống cháy, nổ;

đ) Chi phí phòng, chống yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và cải thiện điều kiện lao động;

e) Chi phí ứng phó sự cố gây mất an toàn lao động, xử lý tình trạng khẩn cấp;

g) Chi phí cho việc kiểm tra công tác an toàn lao động của cơ quan chuyên môn về xây dựng.

2. Nguyên tắc xác định chi phí nêu tại khoản 1 Điều này như sau:

a) Các chi phí quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e khoản 1 Điều này được tính trong chi phí hạng mục chung thuộc chi phí khác của dự toán xây dựng công trình. Chi phí này phải được dự tính trong giá gói thầu, nhà thầu không được giảm bớt chi phí này trong quá trình đấu thầu;

b) Chi phí quy định tại điểm g khoản 1 Điều này xác định theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 26/2016/TT-BXD ngày 26 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.

 

Chương III

QUẢN LÝ ĐỐI VỚI MÁY, THIẾT BỊ, VẬT TƯ CÓ YÊU CẦU NGHIÊM NGẶT VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG SỬ DỤNG TRONG THI CÔNG XÂY DỰNG 

 

Điều 10. Máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sử dụng trong thi công xây dựng

1. Các loại máy, thiết bị, vật tư quy định tại Mục III Phụ lục Ib Nghị định 44/2016/NĐ-CP phải được kiểm định theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật An toàn, vệ sinh lao động.

2. Trường hợp phạm vi hoạt động của máy, thiết bị thi công vượt khỏi mặt bằng công trường hoặc do điều kiện thi công, thiết bị thi công phải đặt ở ngoài phạm vi công trường tạo ra vùng nguy hiểm có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng thì nhà thầu thi công xây dựng phải lập và trình chủ đầu tư phê duyệt biện pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn cho người, tài sản, công trình lân cận, báo cáo cơ quan có thẩm quyền ở địa phương nơi thi công công trình và phải tuân thủ các quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với các máy, thiết bị, vật tư quy định tại khoản 1 Điều này phải được Bộ Xây dựng cấp, gia hạn, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.

4. Điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp, gia hạn, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động theo quy định tại Điều 4, Điều 5 Nghị định 44/2016/NĐ-CP.

5. Cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Xây dựng (sau đây viết tắt là cơ quan chuyên môn) có thẩm quyền cấp, cấp lại chứng chỉ kiểm định viên cho kiểm định viên thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với máy, thiết bị, vật tư quy định tại khoản 1 Điều này.

6. Hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ kiểm định viên theo quy định tại Điều 11, Điều 12 Nghị định 44/2016/NĐ-CP.

Điều 11. Hình thức tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng, sát hạch nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động

1. Kiểm định viên thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn lao động phải được huấn luyện, bồi dưỡng và sát hạch theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định 44/2016/NĐ-CP và được quy định thành các nhóm như sau: 

a) Nhóm 1: Kiểm định viên thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với hệ giàn giáo; thanh, cột chống tổ hợp; hệ thống cốp pha trượt; hệ thống cốp pha leo; hệ giàn thép ván khuôn trượt;

b) Nhóm 2: Kiểm định viên thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với máy khoan, máy ép cọc, máy đóng cọc chuyên dùng có hệ thống tời nâng; máy bơm bê tông;

c) Nhóm 3: Kiểm định viên thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với cần trục tháp; máy vận thăng sử dụng trong thi công xây dựng; sàn treo nâng người sử dụng trong thi công xây dựng;

d) Nhóm 4: Kiểm định viên thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với máy thi công công trình ngầm, hầm, gồm: máy và thiết bị trong các công nghệ đào hở; máy và thiết bị trong các công nghệ đào kín; máy thi công tuyến ngầm bằng công nghệ khiên và tổ hợp khiên; máy sản xuất bê tông công trình ngầm.

2. Kiểm định viên phải tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức kiểm định kỹ thuật an toàn lao động ít nhất một lần trong thời gian chứng chỉ kiểm định viên còn hiệu lực và thời gian bồi dưỡng giữa hai lần không được vượt quá 30 tháng.

3. Kết thúc khóa huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, kiểm định viên phải tham gia sát hạch theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Thông tư này.

Điều 12. Nội dung huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động

1. Nội dung huấn luyện nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động gồm phần lý thuyết và phần thực hành được quy định trong chương trình khung huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.

2. Nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động:

a) Cập nhật văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động;

c) Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; các thông tin quản lý nhà nước về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động trên toàn quốc;

b) Kiến thức tổng hợp về các máy, thiết bị phục vụ cho việc kiểm định, các kỹ năng, kinh nghiệm và các nội dung cần thiết khác có liên quan.

3. Bộ Xây dựng ban hành chương trình khung huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.

Điều 13. Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng, sát hạch và cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động

1. Cơ quan chuyên môn có trách nhiệm:

a) Lựa chọn đơn vị thực hiện huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động là các đơn vị đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và có tài liệu, giáo trình huấn luyện, bồi dưỡng phù hợp với chương trình khung huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động;

b) Kiểm tra và chấp thuận kế hoạch hoạt động huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động quy định tại khoản 2 Điều này;

c) Công bố thông tin của tổ chức thực hiện huấn luyện, bồi dưỡng, sát hạch nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng.

2. Kế hoạch tổ chức khóa huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động bao gồm các nội dung sau:

a) Thời gian, địa điểm dự kiến tổ chức khóa huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; số lượng học viên dự kiến tham gia;

b) Tài liệu, giáo trình huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; danh sách giảng viên tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động;

c) Kế hoạch tổ chức sát hạch nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động sau khi kết thúc khóa huấn luyện, bồi dưỡng.

3. Sát hạch nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động:

a) Nội dung sát hạch đối với khóa huấn luyện nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động bao gồm lý thuyết và thực hành;

b) Học viên đủ điều kiện được sát hạch nếu đảm bảo tham gia tối thiểu 80% thời lượng quy định tại chương trình khung huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động;

c) Kết quả sát hạch được đánh giá theo thang điểm 100, số điểm lý thuyết tối đa 50 điểm, số điểm thực hành tối đa 50 điểm. Học viên đạt yêu cầu khi kết quả sát hạch đạt từ 80 điểm trở lên, trong đó điểm lý thuyết phải đạt từ 40 điểm trở lên và điểm thực hành phải đạt từ 40 điểm trở lên;

d) Trường hợp kiểm định viên không tham gia khóa bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động hoặc tham gia nhưng không đạt kết quả sát hạch theo quy định tại điểm c khoản này, cơ quan chuyên môn sẽ xem xét không cấp hoặc gia hạn chứng chỉ kiểm định viên thực hiện kiểm định đối với các máy, thiết bị, vật tư tương ứng ở lần kế tiếp.

4. Đơn vị thực hiện huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động cấp Giấy chứng nhận hoàn thành khóa huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 14. Trách nhiệm của đơn vị thực hiện huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động

1. Xây dựng tài liệu, giáo trình huấn luyện, bồi dưỡng phù hợp chương trình khung huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, phù hợp với đặc điểm đối tượng kiểm định và yêu cầu thực tế.

2. Xây dựng và thực hiện đúng kế hoạch, quy chế huấn luyện, bồi dưỡng, sát hạch.

3. Đảm bảo đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, con người, phục vụ công tác huấn luyện, bồi dưỡng, sát hạch lý thuyết và sát hạch thực hành.

4. Thu phí huấn luyện, bồi dưỡng, sát hạch nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động và chịu trách nhiệm bồi hoàn kinh phí huấn luyện, bồi dưỡng cho học viên trong trường hợp đơn vị không thực hiện việc huấn luyện, bồi dưỡng theo quy định tại Thông tư này.

5. Lưu trữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến khóa huấn luyện, bồi dưỡng, sát hạch nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Hình thức, nội dung và mã số Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động và chứng chỉ kiểm định viên

1. Hình thức, nội dung của Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động theo quy định tại Phụ lục Ia Nghị định 44/2016/NĐ-CP; hình thức, nội dung của chứng chỉ kiểm định viên theo quy định tại Phụ lục Ic Nghị định 44/2016/NĐ-CP.

2. Mã số Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động và chứng chỉ kiểm định viên:

 a) Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động gồm hai nhóm ký hiệu bằng chữ và bằng số được nối với nhau bằng dấu gạch ngang (-), nhóm ký hiệu bằng chữ được ký hiệu là ”CNATXD”, nhóm ký hiệu bằng số bao gồm hai chữ số đầu tiên thể hiện năm được cấp, bốn chữ số tiếp theo thể hiện thứ tự của Giấy chứng nhận;

Ví dụ: CNATXD – 17.0028

b) Chứng chỉ kiểm định viên gồm hai nhóm ký hiệu bằng chữ và bằng số được nối với nhau bằng dấu gạch ngang (-), nhóm ký hiệu bằng chữ được ký hiệu là ”KĐATXD”, nhóm ký hiệu bằng số bao gồm hai chữ số đầu tiên thể hiện năm được cấp, bốn chữ số tiếp theo thể hiện thứ tự của chứng chỉ kiểm định viên.

Ví dụ: KĐATXD – 17.0026

Điều 16. Đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng

1. Nội dung đăng tải thông tin của tổ chức được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động gồm:

a) Tên, địa chỉ, mã số của tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn lao động;

b) Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động;

c) Ngày cấp, ngày hết hiệu lực Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động;

d) Các lỗi vi phạm của tổ chức kiểm định (nếu có).

2. Nội dung đăng tải thông tin của kiểm định viên gồm:

          a) Họ và tên; mã số kiểm định viên; số Chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân;

b) Danh mục máy, thiết bị, vật tư đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động;

c) Ngày cấp, ngày hết hiệu lực của chứng chỉ kiểm định viên;

d) Các lỗi vi phạm của kiểm định viên (nếu có).

 

Chương IV

KHAI BÁO, ĐIỀU TRA, BÁO CÁO VÀ GIẢI QUYẾT SỰ CỐ GÂY MẤT AN TOÀN LAO ĐỘNG TRONG THI CÔNG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH

 

Điều 17. Sự cố gây mất an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình

1. Phân loại sự cố gây mất an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình bao gồm:

a) Sự cố công trình xây dựng theo quy định tại khoản 34 Điều 3 Luật Xây dựng xảy ra trong quá trình thi công xây dựng công trình;

b) Sự cố sập, đổ máy, thiết bị, vật tư sử dụng trong quá trình thi công xây dựng công trình (sau đây viết tắt là sự cố về máy, thiết bị, vật tư).

 2. Việc khai báo, điều tra, báo cáo và giải quyết sự cố trong thi công xây dựng công trình được quy định như sau:

a) Đối với sự cố nêu tại điểm a khoản 1 Điều này, việc khai báo, điều tra, báo cáo sự cố công trình xây dựng thực hiện theo quy định tại Nghị định 46/2015/NĐ-CP.

b) Đối với sự cố nêu tại điểm b khoản 1 Điều này, việc khai báo, điều tra, báo cáo sự cố được thực hiện theo các quy định tại Thông tư này.

3. Đối với tai nạn lao động xảy ra trong quá trình thi công xây dựng công trình nhưng không do các sự cố nêu tại khoản 1 Điều này gây ra thì việc khai báo, điều tra, báo cáo thực hiện theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

Điều 18. Giải quyết sự cố về máy, thiết bị, vật tư

1. Khi xảy ra sự cố về máy, thiết bị, vật tư, bằng biện pháp nhanh nhất chủ đầu tư có trách nhiệm khai báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố theo mẫu quy định tại Phụ lục III Thông tư này. Ủy ban nhân dân cấp xã ngay sau khi nhận được thông tin phải báo cáo cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn về xây dựng và các tổ chức có liên quan để kịp thời tổ chức giải quyết sự cố.

2. Ngoài việc khai báo theo quy định tại khoản 1 Điều này, các sự cố về máy, thiết bị, vật tư gây mất an toàn lao động gây chết người hoặc làm bị thương nặng từ hai người trở lên, nhà thầu thi công xây dựng phải khai báo theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

3. Chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng công trình có trách nhiệm thực hiện các quy định tại Điều 19 Luật An toàn, vệ sinh lao động và thực hiện các biện pháp kịp thời để tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm an toàn cho người và tài sản, hạn chế và ngăn ngừa các nguy hiểm có thể tiếp tục xảy ra; tổ chức bảo vệ hiện trường sự cố và thực hiện khai báo theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

4. Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo, hỗ trợ các cơ quan có liên quan tổ chức lực lượng tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ hiện trường sự cố và thực hiện các công việc cần thiết khác trong quá trình giải quyết sự cố.

5. Cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 19 Thông tư này có trách nhiệm:

a) Kiểm tra hiện trường, kiểm tra việc khai báo, giải quyết sự cố của chủ đầu tư và các nhà thầu thi công xây dựng theo quy định tại Điều này; 

b) Xem xét, quyết định dừng, tạm dừng sử dụng đối với máy, thiết bị, vật tư; dừng, tạm dừng thi công đối với các hạng mục công trình, một phần hoặc toàn bộ công trình tùy theo mức độ và phạm vi ảnh hưởng của sự cố;

c) Xem xét, quyết định việc phá dỡ, thu dọn hiện trường sự cố trên cơ sở đảm bảo an toàn cho người, tài sản, công trình và các công trình lân cận. Hiện trường sự cố phải được các bên liên quan chụp ảnh, quay phim, thu thập chứng cứ, ghi chép các tư liệu cần thiết phục vụ công tác điều tra xác định nguyên nhân và lập hồ sơ sự cố về máy, thiết bị, vật tư trước khi phá dỡ, thu dọn;

d) Thông báo kết quả điều tra nguyên nhân sự cố về máy, thiết bị, vật tư cho chủ đầu tư, các chủ thể khác có liên quan; các yêu cầu đối với chủ đầu tư hoặc các bên có liên quan phải thực hiện để khắc phục sự cố về máy, thiết bị, vật tư;

đ) Xử lý trách nhiệm của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật.

6. Chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng hoặc chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng máy, thiết bị, vật tư có trách nhiệm khắc phục sự cố về máy, thiết bị, vật tư đảm bảo các yêu cầu về an toàn trước khi thi công trở lại.

7. Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố về máy, thiết bị, vật tư có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và chi phí cho việc khắc phục sự cố. Tùy theo tính chất, mức độ và phạm vi ảnh hưởng còn bị xử lý theo các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 19. Điều tra sự cố về máy, thiết bị, vật tư

1. Thẩm quyền điều tra sự cố về máy, thiết bị, vật tư:

a) Bộ Xây dựng, các Bộ quản lý xây dựng công trình chuyên ngành chủ trì hướng dẫn, điều tra sự cố gây hậu quả nghiêm trọng và các sự cố theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Thủ tướng Chính phủ giao;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì điều tra sự cố gây mất an toàn lao động dẫn đến chết người hoặc làm bị thương nặng từ hai người trở lên xảy ra trên địa bàn tỉnh;

c) Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì điều tra sự cố trong các trường hợp còn lại.

2. Cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này thành lập Tổ điều tra sự cố để xác định nguyên nhân sự cố. Tổ điều tra sự cố bao gồm đại diện cơ quan chuyên môn về xây dựng, các cơ quan có liên quan và các chuyên gia về những chuyên ngành kỹ thuật liên quan. Trường hợp cần thiết, cơ quan chủ trì điều tra sự cố chỉ định tổ chức tư vấn xác định nguyên nhân sự cố và đưa ra giải pháp khắc phục.

3. Nội dung thực hiện điều tra xác định nguyên nhân sự cố về máy, thiết bị, vật tư:

a) Thu thập hồ sơ, tài liệu, thông số kỹ thuật có liên quan và thực hiện các công việc chuyên môn để xác định nguyên nhân;

b) Đánh giá mức độ an toàn của máy, thiết bị, vật tư, công trình và công trình lân cận (nếu có) sau sự cố;

c) Phân định trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân có liên quan;

d) Lập hồ sơ xác định nguyên nhân sự cố, bao gồm: Báo cáo điều tra xác định nguyên nhân sự cố và các tài liệu liên quan trong quá trình thực hiện.

4. Chủ đầu tư có trách nhiệm tạm ứng chi phí tổ chức điều tra xác định nguyên nhân sự cố. Sau khi có kết quả xác định nguyên nhân sự cố và phân định trách nhiệm thì tổ chức, cá nhân gây ra sự cố phải có trách nhiệm chi trả chi phí tổ chức điều tra xác định nguyên nhân sự cố nêu trên. Trường hợp sự cố xảy ra do nguyên nhân bất khả kháng thì trách nhiệm chi trả chi phí tổ chức điều tra xác định nguyên nhân sự cố thực hiện theo quy định của hợp đồng xây dựng có liên quan.

Điều 20. Hồ sơ xử lý sự cố về máy, thiết bị, vật tư

Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức lập hồ sơ sự cố về máy, thiết bị, vật tư bao gồm các nội dung sau:

1. Biên bản kiểm tra hiện trường: tên, địa điểm hạng mục công trình, công trình xây dựng bị ảnh hưởng do sự cố về máy, thiết bị, vật tư gây ra; thông số kỹ thuật, lý lịch máy, thiết bị, vật tư bị sự cố; hiện trạng hạng mục công trình, công trình xây dựng xảy ra sự cố, mô tả sơ bộ và diễn biến sự cố; sơ bộ về tình hình thiệt hại về người và vật chất; nguyên nhân xảy ra sự cố.

2. Các tài liệu về thiết kế và thi công xây dựng công trình liên quan đến sự cố về máy, thiết bị, vật tư.

3. Hồ sơ điều tra nguyên nhân sự cố; xử lý đối với tổ chức, cá nhân có liên quan; biện pháp khắc phục sự cố.

4. Các tài liệu liên quan đến quá trình giải quyết sự cố.

Điều 21. Xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình

1. Khi phát hiện vi phạm về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng, cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư này có trách nhiệm:

a) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan khắc phục các vi phạm;

b) Trường hợp cần thiết, lập biên bản gửi cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động. Cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả xử lý tới cơ quan chuyên môn về xây dựng;

c) Công bố tên và hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng trên trang thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này;

d) Tạm dừng sử dụng máy, thiết bị, vật tư nếu phát hiện nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố về máy, thiết bị, vật tư ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng, công trình và công trình lân cận.

2. Cơ quan quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc khắc phục của chủ đầu tư và các nhà thầu tham gia hoạt động đầu tư xây dựng khi cần thiết; quyết định cho phép tiếp tục sử dụng máy, thiết bị, vật tư bằng văn bản sau khi chủ đầu tư và các nhà thầu có báo cáo về việc khắc phục các tồn tại, đảm bảo các yêu cầu về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.

 

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 22. Trách nhiệm của Bộ Xây dựng

1. Xây dựng, ban hành và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật theo thẩm quyền về quản lý về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.

2. Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 39 Nghị định 39/2016/NĐ-CP.

3. Xây dựng, ban hành quy trình kiểm định và hướng dẫn, kiểm tra hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với máy, thiết bị, vật tư thuộc thẩm quyền quản lý.

4. Tổ chức thực hiện huấn luyện, bồi dưỡng, sát hạch nghiệp vụ kiểm định máy, thiết bị, vật tư thuộc thẩm quyền quản lý.

5. Cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động và cấp, cấp lại chứng chỉ kiểm định viên thuộc thẩm quyền quản lý, công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng.

6. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện khai báo, điều tra, báo cáo và giải quyết sự cố về máy, thiết bị, vật tư; hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn lao động đối với các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng; cập nhật thông tin các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng vi phạm về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình và công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng.

7. Bộ Xây dựng giao Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng là cơ quan chuyên môn có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Xây dựng thực hiện quản lý nhà nước về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.

Điều 23. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Hướng dẫn triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình trên địa bàn.

2. Hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn lao động đối với các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn; cập nhật thông tin các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng vi phạm về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình trên địa bàn và gửi báo cáo về Bộ Xây dựng để công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng.

3. Tổ chức điều tra xác định nguyên nhân sự cố về máy, thiết bị, vật tư theo quy định tại Điều 19 Thông tư này.

4. Tổng hợp, báo cáo Bộ Xây dựng về công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình trên địa bàn trước ngày 15 tháng 12 hàng năm và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu theo mẫu quy định Phụ lục IV Thông tư này.

5. Phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình trên địa bàn cho các cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc thẩm quyền quản lý.

Điều 24. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2017 và thay thế Thông tư số 22/2010/TT-BXD ngày 03 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình. 

          2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân gửi ý kiến về Bộ Xây dựng để nghiên cứu, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Quang Hùng

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.