• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 10/10/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 31/12/2021
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 111/2007/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 12 tháng 9 năm 2007

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam

________________________

Thực hiện Quyết định số 44/2007/QĐ-TTg ngày 30/03/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (sau đây viết tắt là Ngân hàng Phát triển), Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này áp dụng đối với hoạt động quản lý tài chính của hệ thống Ngân hàng Phát triển.

2. Ngân hàng Phát triển được Nhà nước cấp vốn điều lệ, vốn thực hiện nhiệm vụ tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu và các mục tiêu, chương trình của Chính phủ; được huy động các nguồn vốn trung và dài hạn, tiếp nhận và quản lý các nguồn vốn của Nhà nước để thực hiện chính sách tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.

3. Khi thực hiện nhiệm vụ tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, Ngân hàng Phát triển được Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý.

4. Ngân hàng Phát triển được Chính phủ đảm bảo khả năng thanh toán; có trách nhiệm bảo đảm hoàn vốn và bù đắp chi phí; được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách Nhà nước đối với hoạt động tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, các hoạt động khác phải nộp thuế theo quy định của pháp luật.

5. Ngân hàng Phát triển hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0% (không phần trăm), không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.

6. Ngân hàng Phát triển là đơn vị hạch toán tập trung toàn hệ thống; được sử dụng các khoản thu nhập để trang trải các chi phí trong quá trình hoạt động; phân phối chênh lệch thu chi tài chính theo hướng dẫn tại Thông tư này.

7. Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển chịu trách nhiệm trước Pháp luật và các cơ quan quản lý Nhà nước về việc quản lý an toàn, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả các nguồn vốn và tài sản, chấp hành chế độ tài chính, kế toán, kiểm toán.

8. Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tài chính, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chế độ tài chính của Ngân hàng Phát triển.

II.  QUY ĐỊNH VỀ VỐN, QUỸ VÀ TÀI SẢN

1. Vốn hoạt động của Ngân hàng Phát triển gồm:

1.1. Vốn chủ sở hữu:

a) Vốn điều lệ của Ngân hàng Phát triển;

b) Chênh lệch do đánh giá lại tài sản, chênh lệch tỷ giá;

c) Các quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ đầu tư phát triển.

1.2. Vốn huy động:

a) Phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu của Ngân hàng Phát triển và kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi theo quy định của pháp luật;

b) Vay của Công ty dịch vụ tiết kiệm bưu điện, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước;

c) Vay các tổ chức tài chính, tín dụng nước ngoài.

1.3. Các khoản vốn khác gồm:

a) Vốn ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ sau đầu tư;

b) Vốn ODA vay trực tiếp và vốn ODA được Bộ Tài chính uỷ quyền thực hiện cho vay lại;

c) Nhận tiền gửi uỷ thác của các tổ chức trong và ngoài nước;

d) Vốn nhận uỷ thác, cấp phát cho vay đầu tư và thu hồi nợ của khách hàng từ các tổ chức trong và ngoài nước thông qua Hợp đồng nhận uỷ thác giữa Ngân hàng Phát triển với các tổ chức uỷ thác;

đ) Vốn đóng góp tự nguyện không hoàn trả của các cá nhân, các tổ chức kinh tế, tổ chức tài chính, tín dụng và các tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội, các hội, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước;

e) Vốn do ngân sách nhà nước cấp để thực hiện nhiệm vụ tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu và các mục tiêu, chương trình của Chính phủ.

f) Các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật.

2. Sử dụng vốn và tài sản:

2.1. Ngân hàng Phát triển được sử dụng vốn hoạt động để:

a) Thực hiện chính sách tín dụng đầu tư phát triển, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước theo quy định của Chính phủ;

b) Đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản của Ngân hàng Phát triển, mức tối đa bằng 15% vốn điều lệ thực có;

c) Cấp phát uỷ thác, cho vay uỷ thác theo yêu cầu của bên uỷ thác.

2.2. Ngân hàng Phát triển được quyền điều chỉnh cơ cấu vốn, tài sản trong phạm vi hệ thống để phục vụ cho hoạt động của Ngân hàng Phát triển.

2.3. Việc điều động vốn, tài sản giữa các đơn vị thuộc, trực thuộc Ngân hàng Phát triển do Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển quyết định.

3. Hàng năm, Ngân hàng Phát triển phải cân đối kế hoạch vốn tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước với nguồn vốn để thực hiện. Thực hiện kế hoạch hoá các nguồn vốn huy động; việc huy động các nguồn vốn với lãi suất thị trường để cho vay phải đảm bảo nguyên tắc chỉ huy động khi đã sử dụng tối đa các nguồn vốn không phải trả lãi hoặc huy động với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường và cân đối với nhu cầu sử dụng vốn, tránh để đọng vốn.

4. Ngân hàng Phát triển có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn vốn, bao gồm:

4.1. Quản lý, sử dụng vốn đúng mục đích, đúng đối tượng, có hiệu quả, bảo đảm hoàn vốn và bù đắp chi phí;

4.2. Mua bảo hiểm tài sản và các chế độ bảo hiểm khác liên quan đến vốn, tài sản theo quy định;

4.3. Vốn tạm thời nhàn rỗi được gửi tại các ngân hàng trong nước hoặc Kho bạc Nhà nước;

4.4. Trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng Phát triển được phép mua lại các giấy tờ có giá do Ngân hàng Phát triển phát hành theo quy định của Bộ Tài chính;

4.5. Trích lập Quỹ dự phòng rủi ro theo quy định tại phần III của Thông tư này.

5. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản cố định

5.1. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản cố định của Ngân hàng Phát triển được hình thành từ các nguồn:

a) Khấu hao tài sản cố định;

b) Quỹ đầu tư phát triển;

c) Các nguồn hợp pháp khác theo quy định của Nhà nước.

5.2. Toàn bộ công tác xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản cố định của Ngân hàng Phát triển phải thực hiện đúng theo quy định của Nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản, phải tiết kiệm, hiệu quả và đảm bảo:

a) Trong phạm vi nguồn vốn được duyệt trong kế hoạch tài chính do Hội đồng quản lý thông qua.

b) Giá trị còn lại của tài sản cố định không vượt quá 15% vốn điều lệ thực có.  

5.3. Tỷ lệ trích khấu hao tài sản cố định thực hiện theo quy định như đối với doanh nghiệp Nhà nước.

6. Kiểm kê tài sản

6.1. Ngân hàng Phát triển thực hiện kiểm kê tài sản khi khoá sổ kế toán để lập báo cáo tài chính năm; khi thực hiện quyết định chia, tách, sáp nhập, hợp nhất; sau khi xảy ra thiên tai, địch hoạ hoặc vì lý do nào đó gây ra biến động tài sản của Ngân hàng Phát triển hoặc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

6.2. Đối với tài sản thừa, thiếu, cần xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của những người liên quan và xác định mức bồi thường vật chất theo quy định.

7. Đánh giá lại tài sản

7.1. Ngân hàng Phát triển phải thực hiện đánh giá lại tài sản trong các trường hợp: theo quyết định của Bộ Tài chính; thanh lý, nhượng bán tài sản.

7.2. Việc kiểm kê, đánh giá lại tài sản phải theo đúng các quy định hiện hành đối với doanh nghiệp Nhà nước. Các khoản chênh lệch tăng hoặc giảm do đánh giá lại tài sản được điều chỉnh tăng hoặc giảm các nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển theo quy định của Bộ Tài chính.

8. Ngân hàng Phát triển phải tổ chức đối chiếu công nợ phải thu, phải trả khi khoá sổ kế toán để lập báo cáo tài chính năm.

9. Đối với các trường hợp tổn thất về tài sản, Ngân hàng Phát triển phải xác định rõ nguyên nhân và xử lý:

9.1. Nếu tài sản bị tổn thất do lỗi của tập thể và cá nhân thì tập thể, cá nhân gây ra phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

9.2. Nếu tài sản đã mua bảo hiểm thì xử lý theo hợp đồng bảo hiểm.

9.3. Giá trị tổn thất sau khi đã bù đắp bằng tiền của cá nhân, tập thể, của tổ chức bảo hiểm, nếu thiếu được hạch toán vào chi phí trong kỳ của Ngân hàng Phát triển.

10. Cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản

10.1. Ngân hàng Phát triển được quyền cho thuê, thế chấp, cầm cố các tài sản thuộc quyền sở hữu của Ngân hàng theo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn, phát triển vốn theo quy định của pháp luật.

10.2. Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho thuê, thế chấp và cầm cố tài sản.

11. Thanh lý, nhượng bán tài sản

11.1. Ngân hàng Phát triển được thanh lý, nhượng bán những tài sản kém, mất phẩm chất, tài sản hư hỏng không có khả năng phục hồi, tài sản lạc hậu kỹ thuật không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không có hiệu quả. Hội đồng quản lý Ngân hàng Phát triển quyết định việc thanh lý, nhượng bán trụ sở làm việc và báo cáo Bộ Tài chính.

11.2. Khi thanh lý, nhượng bán tài sản Ngân hàng Phát triển phải định giá tài sản và tổ chức đấu giá theo quy định của pháp luật. 

11.3. Các khoản thu hoặc chi phí từ việc thanh lý, nhượng bán tài sản được hạch toán vào thu nhập hoặc chi phí của Ngân hàng Phát triển. Khoản tiền thu được do nhượng bán tài sản và giá trị còn lại của tài sản nhượng bán, chi phí nhượng bán tài sản được hạch toán vào thu nhập hoặc chi phí của Ngân hàng Phát triển.

III. PHÂN LOẠI NỢ, TRÍCH, LẬP QUỸ DỰ PHÒNG RỦI RO

1. Ngân hàng Phát triển thực hiện việc phân loại nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2. Ngân hàng Phát triển được trích lập quỹ dự phòng rủi ro vào chi phí hoạt động nghiệp vụ để bù đắp cho những tổn thất, thiệt hại do nguyên nhân khách quan trong quá trình cho vay các dự án vay vốn tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, các dự án được bảo lãnh tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu và bảo lãnh dự thầu và thực hiện hợp đồng từ Ngân hàng.

3. Ngân hàng Phát triển thực hiện tạm trích quỹ dự phòng rủi ro với mức trích tối đa bằng 0,5% trên dư nợ bình quân cho vay đầu tư, cho vay tín dụng xuất khẩu, nghĩa vụ bảo lãnh tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu và bảo lãnh dự thầu và thực hiện hợp đồng của Ngân hàng Phát triển. Hàng năm, sau khi nhận được Thông báo quyết toán tài chính của Bộ Tài chính, Ngân hàng Phát triển thực hiện rà soát, hạch toán điều chỉnh nếu có chênh lệch.

4. Số dư của quỹ dự phòng rủi ro tại thời điểm Quyết định số 44/2007/QĐ-TTg ngày 30/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Phát triển có hiệu lực được kết chuyển vào quỹ dự phòng rủi ro.

5. Quỹ dự phòng rủi ro được sử dụng trong trường hợp xoá nợ gốc cho các dự án (bao gồm cả trường hợp giá bán nợ thấp hơn giá trị nợ gốc) theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc xoá nợ gốc, Ngân hàng Phát triển sử dụng quỹ dự phòng rủi ro để bù đắp tương ứng với số vốn gốc được xoá.

6. Cuối năm, nếu không sử dụng hết quỹ dự phòng rủi ro, số dư của quỹ được chuyển sang quỹ dự phòng rủi ro năm sau. Trường hợp số dư quỹ dự phòng rủi ro không đủ bù đắp tổn thất phát sinh trong năm, Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định biện pháp xử lý.

IV. CẤP VỐN HỖ TRỢ SAU ĐẦU TƯ

1. Trước ngày 20/7 hàng năm, Ngân hàng Phát triển lập dự toán cấp vốn hỗ trợ sau đầu tư cho năm kế hoạch gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trong dự toán chi ngân sách nhà nước trình các cơ quan có thẩm quyền quyết định.

2. Căn cứ dự toán chi ngân sách nhà nước được cơ quan có thẩm quyền giao, hàng quý, căn cứ vào tiến độ thực hiện của Ngân hàng Phát triển,  Bộ Tài chính cấp vốn hỗ trợ sau đầu tư theo đề nghị của Ngân hàng Phát triển.

3. Ngân hàng Phát triển quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ sau đầu tư theo quy định tại Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và Thông tư hướng dẫn Nghị định số 69/2007/TT-BTC ngày 25/6/2007 của Bộ Tài chính; không sử dụng vốn hỗ trợ sau đầu tư cho các mục đích khác.

4. Kết thúc năm, Ngân hàng Phát triển có trách nhiệm quyết toán với Bộ Tài chính số vốn hỗ trợ sau đầu tư đã nhận và số thực cấp cho các chủ đầu tư và thực hiện điều chỉnh:

4.1. Trường hợp số thực cấp cho các chủ đầu tư được quyết toán cao hơn số Bộ Tài chính đã cấp trong năm thì Bộ Tài chính sẽ cấp bổ sung phần còn thiếu trong phạm vi dự toán được thông báo. Phần chênh lệch vượt giữa số cấp bù chính thức cả năm và dự toán được thông báo (nếu có) sẽ được bố trí trong dự toán cấp hỗ trợ sau đầu tư năm sau.

4.2. Trường hợp số thực cấp cho các chủ đầu tư được quyết toán thấp hơn số Bộ Tài chính đã cấp trong năm thì số chênh lệch được tính là số tạm cấp năm tiếp theo (trường hợp năm tiếp theo vẫn phát sinh việc hỗ trợ); hoặc phải nộp lại cho Ngân sách Nhà nước (trường hợp năm tiếp theo không phát sinh việc hỗ trợ).

5. Dự toán chi hỗ trợ sau đầu tư giao cho Ngân hàng Phát triển trong năm không sử dụng hết được chuyển nguồn sang năm sau sử dụng tiếp.

V. CẤP BÙ CHÊNH LỆCH LÃI SUẤT

1. Xây dựng dự toán cấp bù chênh lệch lãi suất.

1.1. Trước ngày 20/7 hàng năm, căn cứ dự kiến huy động các nguồn vốn và chủ trương về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, Ngân hàng Phát triển lập dự toán chi bù chênh lệch lãi suất cho năm kế hoạch gửi Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trong dự toán chi ngân sách nhà nước trình các cơ quan có thẩm quyền quyết định.

1.2. Căn cứ dự toán chi ngân sách nhà nước được cơ quan có thẩm quyền giao, hàng quý, căn cứ vào tiến độ thực hiện của Ngân hàng Phát triển, Bộ Tài chính cấp bù chênh lệch lãi suất, phí quản lý theo đề nghị của Ngân hàng Phát triển.

2. Nguyên tắc thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất.

2.1. Việc cấp bù cho Ngân hàng Phát triển được thực hiện theo nguyên tắc tạm cấp hàng quý trên cơ sở tình hình thực hiện về huy động và cân đối nguồn vốn, tiến độ cho vay từng dự án trong quý. Kết thúc năm tài chính, căn cứ  quyết toán được Hội đồng quản lý Ngân hàng Phát triển thông qua, Bộ Tài chính xác định chính thức số phải cấp bù của cả năm và thực hiện điều chỉnh.

2.2.  Việc tạm cấp bù hàng quý được thực hiện theo nguyên tắc:

a) Quý I:   Cấp 75% dự toán Quý I.

b) Quý II:  Cấp 75% dự toán Quý II ± số điều chỉnh 3 tháng đầu năm.

c) Quý III: Cấp 75% dự toán Quý III ± số điều chỉnh 6 tháng đầu năm.

d) Quý IV: Cấp 75% dự toán Quý IV ± số điều chỉnh 9 tháng đầu năm.

3. Số cấp bù chênh lệch lãi suất.

3.1. Công thức xác định số cấp bù chênh lệch lãi suất

Số cấp bù  thực tế

(quý, năm)

=

Dư nợ cho vay

bình quân các dự án

(quý, năm)

 

 

x

Lãi suất bình quân  các nguồn vốn

(quý, năm)

-

Lãi suất cho vay b/q các dự án

(quý, năm)

 

3.2. Cách xác định các yếu tố để tính số cấp bù chênh lệch lãi suất

a) Dư nợ cho vay bình quân các dự án: là tổng số dư nợ cho vay vốn tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước tính theo phương pháp bình quân tháng. Không tính dư nợ cho vay đối với:

- Các dự án do Ngân hàng Phát triển nhận uỷ thác từ các tổ chức, cá nhân.

- Các dự án được Chính phủ cho phép xoá nợ.

b) Lãi suất bình quân các nguồn vốn: là lãi suất tính theo phương pháp bình quân gia quyền giữa lãi suất huy động từng nguồn vốn với số dư các nguồn vốn, kể cả nguồn vốn không phải trả lãi (không bao gồm nguồn vốn ODA, vốn nhận uỷ thác của địa phương, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước) và được tính như sau:

Lãi suất bình quân

các nguồn vốn

(quý, năm)

=

Tổng lãi thực trả cho việc huy động các nguồn vốn (quý, năm)

Tổng nguồn vốn thực tế tính theo

phương pháp bình quân tháng

Trong đó:

- Tổng lãi thực trả cho việc huy động các nguồn vốn: là tổng số lãi thực trả cho việc huy động tất cả các nguồn vốn không bao gồm nguồn vốn ODA, vốn nhận uỷ thác của địa phương, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

- Tổng nguồn vốn thực tế là tổng số dư của tất cả các nguồn vốn, kể cả nguồn vốn không phải trả lãi; không bao gồm nguồn vốn ODA, vốn nhận uỷ thác của địa phương, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

c) Lãi suất cho vay bình quân các dự án: là lãi suất tính theo phương pháp bình quân gia quyền giữa dư nợ cho vay thực tế theo phương pháp bình quân tháng với lãi suất cho vay được ấn định cho từng dự án và được tính như sau:

Lãi suất cho vay bình quân

(quý, năm)

=

 

Tổng thu nợ lãi cho vay (quý, năm)

Tổng dư nợ cho vay thực tế tính theo phương pháp bình quân tháng

Tổng số thu nợ lãi cho vay là lãi thực thu được (kể cả lãi trong hạn và lãi quá hạn) từ hoạt động cho vay vốn tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước; lãi phạt các dự án được bảo lãnh nhưng không trả nợ đúng hạn buộc Ngân hàng Phát triển phải trả nợ thay.

4. Trình tự cấp bù chênh lệch lãi suất

4.1. Tạm cấp bù hàng quý

a) Vào ngày 15 tháng đầu quý sau, căn cứ số liệu tổng hợp từ các Chi nhánh, Ngân hàng Phát triển lập dự toán cấp bù quý, kèm thuyết minh gửi Bộ Tài chính.

b) Căn cứ dự toán cấp bù được bố trí trong dự toán chi Ngân sách Nhà nước; trên cơ sở dự toán cấp bù quý của Ngân hàng Phát triển, vào ngày 25 tháng đầu hàng quý, Bộ Tài chính tạm cấp bù cho Ngân hàng Phát triển theo quy định tại điểm 2 - Mục V của Thông tư này.

c) Điều chỉnh số cấp bù quý

- Vào ngày 15 tháng đầu quý sau, căn cứ số liệu tổng hợp từ các chi nhánh, Ngân hàng Phát triển tính số phải cấp bù thực tế quý trước, số chênh lệch với số đã được tạm cấp bù quý trước, kèm theo thuyết minh gửi Bộ Tài chính.

- Căn cứ dự toán được bố trí trong dự toán chi Ngân sách Nhà nước, trên cơ sở đề nghị cấp bù của Ngân hàng Phát triển, Bộ Tài chính xác định số thực phải cấp bù quý trước:

+ Nếu số thực phải cấp bù của quý trước cao hơn số đã tạm cấp bù, Bộ Tài chính cấp bổ sung phần còn thiếu cùng với số tạm cấp bù quý sau.

+ Nếu số thực phải cấp bù của quý trước thấp hơn số đã tạm cấp bù, Bộ Tài chính sẽ trừ số đã cấp vượt vào số tạm cấp bù quý sau.

4.2. Điều chỉnh số cấp bù hàng năm theo quyết toán chính thức

a) Kết thúc năm tài chính, căn cứ số liệu quyết toán chính thức được Hội đồng quản lý phê duyệt, Ngân hàng Phát triển xác định số phải cấp bù trong năm, kèm thuyết minh gửi Bộ Tài chính.

b) Căn cứ dự toán cấp bù được bố trí trong năm Ngân sách Nhà nước; số liệu quyết toán, Bộ Tài chính xác định số cấp bù cả năm cho Ngân hàng Phát triển và thực hiện điều chỉnh.

c) Việc điều chỉnh số cấp bù theo quyết toán chính thức được thực hiện như sau:

- Nếu số được cấp bù cả năm được quyết toán cao hơn số đã tạm cấp bù trong năm (theo các quý) thì Bộ Tài chính sẽ cấp bổ sung phần còn thiếu trong phạm vi dự toán được thông báo. Phần chênh lệch vượt giữa số cấp bù chính thức cả năm và dự toán được thông báo (nếu có) sẽ được bố trí trong dự toán cấp bù năm sau.

Số cấp bổ sung trong thời kỳ chỉnh lý quyết toán được tính vào số quyết toán chi ngân sách năm thực hiện, số cấp bổ sung sau thời kỳ chỉnh lý quyết toán được tính vào quyết toán năm chi ngân sách năm sau.

- Nếu số được cấp bù cả năm được quyết toán thấp hơn số đã tạm cấp bù trong năm (theo các quý) thì phần chênh lệch vượt sẽ được trừ vào số tạm cấp bù của quý I năm tiếp theo (trường hợp năm tiếp theo vẫn phát sinh việc cấp bù); hoặc phải nộp lại cho Ngân sách Nhà nước (trường hợp năm tiếp theo không phát sinh việc cấp bù).

4.3. Trường hợp dự toán cấp bù chênh lệch lãi suất trong năm của Ngân hàng Phát triển không sử dụng hết thì chuyển sang năm sau để sử dụng tiếp.

VI – PHÍ QUẢN LÝ

1. Xây dựng dự toán cấp phí quản lý

1.1. Trước ngày 20/7 hàng năm, Ngân hàng Phát triển lập và gửi dự toán cấp phí quản lý cho Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư để tổng hợp trong dự toán Ngân sách Nhà nước hàng năm trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

1.2. Căn cứ dự toán cấp phí quản lý cả năm được bố trí trong dự toán chi Ngân sách nhà nước, Ngân hàng Phát triển xây dựng dự toán cấp phí quản lý quý cùng với dự toán cấp bù chênh lệch lãi suất gửi Bộ Tài chính.

2. Phương pháp tính phí quản lý

Phí quản lý

=

Tổng số thu nợ lãi cho vay

x

25%

Tổng số thu nợ lãi cho vay là lãi thực thu được (kể cả lãi trong hạn và lãi quá hạn) từ hoạt động cho vay vốn tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước; lãi phạt các dự án được bảo lãnh nhưng không trả nợ đúng hạn buộc Ngân hàng Phát triển phải trả nợ thay.

3. Nguyên tắc và trình tự cấp phí quản lý

3.1. Nguyên tắc cấp phí quản lý: Việc cấp phí quản lý cho Ngân hàng Phát triển được thực hiện theo nguyên tắc tạm cấp hàng quý cùng với cấp bù chênh lệch lãi suất trên cơ sở số thu lãi cho vay thực tế trong quý.

3.2. Trình tự cấp phí quản lý

a) Vào ngày 15 tháng đầu quý sau, căn cứ số liệu tổng hợp thu lãi cho vay thực tế từ các chi nhánh Ngân hàng Phát triển tính đến thời điểm ngày 30 tháng cuối quý trước, Ngân hàng Phát triển có văn bản đề nghị cấp phí quản lý, kèm thuyết minh gửi Bộ Tài chính.

Căn cứ dự toán được bố trí trong dự toán chi Ngân sách Nhà nước; trên cơ sở đề nghị của Ngân hàng Phát triển, Bộ Tài chính thực hiện cấp phí quản lý cho Ngân hàng Phát triển theo quy định.

b) Kết thúc năm tài chính, căn cứ số liệu quyết toán được Hội đồng quản lý thông qua, Ngân hàng Phát triển xác định lại số phí quản lý được hưởng cả năm, kèm thuyết minh gửi Bộ Tài chính.

- Căn cứ dự toán cấp phí quản lý được bố trí trong năm Ngân sách Nhà nước; số liệu quyết toán về thu lãi cho vay thực tế trong năm của Ngân hàng Phát triển, Bộ Tài chính xác định số phí quản lý cho Ngân hàng Phát triển được hưởng trong năm, thực hiện điều chỉnh và cấp cho Ngân hàng Phát triển.

- Trường hợp số phí quản lý cả năm được quyết toán lớn hơn số đã tạm cấp trong năm, Bộ Tài chính cấp bổ sung phần còn thiếu trong phạm vi dự toán được thông báo. Phần chênh lệch vượt giữa số quyết toán và dự toán được thông báo (nếu có) sẽ được bố trí trong dự toán cấp bù năm sau.

- Trường hợp số phí quản lý cả năm được quyết toán nhỏ hơn số đã tạm cấp trong năm thì số chênh lệch được tính là số tạm cấp trong năm tiếp theo (nếu năm tiếp theo vẫn phát sinh việc cấp phí quản lý) hoặc phải nộp Ngân sách Nhà nước (nếu năm tiếp theo không phát sinh việc cấp phí quản lý).

- Số cấp bổ sung trong thời kỳ chỉnh lý quyết toán được tính vào số quyết toán chi ngân sách năm thực hiện, số cấp bổ sung sau thời kỳ chỉnh lý quyết toán được tính vào quyết toán năm chi ngân sách năm sau.

3.3. Trường hợp dự toán cấp phí quản lý trong năm của Ngân hàng Phát triển không sử dụng hết thì chuyển sang năm sau để sử dụng tiếp.

VII. THU, CHI TÀI CHÍNH

1. Thu nhập của Ngân hàng Phát triển là toàn bộ các khoản thu phát sinh từ các hoạt động nghiệp vụ và dịch vụ khác của Ngân hàng Phát triển, bao gồm:

1.1. Thu nhập từ hoạt động nghiệp vụ:

a) Thu nợ lãi (trong hạn và lãi phạt) của các dự án vay vốn đầu tư của Ngân hàng Phát triển (không bao gồm lãi thu được từ hoạt động cho vay vốn ODA, nhận uỷ thác từ địa phương, tổ chức trong và ngoài nước); lãi phạt các dự án được bảo lãnh nhưng không trả nợ đúng hạn buộc Ngân hàng Phát triển phải trả nợ thay;

b) Thu lãi cho vay tín dụng xuất khẩu;

c) Thu lãi tiền gửi của Ngân hàng Phát triển gửi tại Kho bạc Nhà nước và các Ngân hàng trong nước;

d) Thu phí nhận uỷ thác cấp phát vốn, cho vay;

đ) Thu cấp bù chênh lệch lãi suất;

e) Thu phí quản lý cho vay các dự án sử dụng nguồn vốn trong nước;

f) Thu phí quản lý cho vay các dự án sử dụng nguồn vốn ODA theo Quy chế cho vay lại do Thủ tướng Chính phủ ban hành;

g) Thu phí quản lý các hoạt động khác;

h) Thu về chênh lệch tỷ giá;

i) Thu về dịch vụ thanh toán, thông tin và ngân quỹ;

k) Thu hoạt động nghiệp vụ và dịch vụ khác.

1.2. Thu từ hoạt động dịch vụ, thu từ cho thuê tài sản;

1.3. Thu nhập từ hoạt động khác:

a) Các khoản thu phạt;

b) Thu thanh lý, nhượng bán tài sản;

c) Thu từ các khoản vốn đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro;

d) Các khoản thu nhập hợp pháp khác.

2. Chi phí của Ngân hàng Phát triển là các chi phí hợp lý phát sinh trong kỳ, bao gồm:

2.1. Chi hoạt động nghiệp vụ:

a) Chi trả lãi vốn huy động (không bao gồm trả lãi vay của các dự án sử dụng nguồn vốn ODA cho vay lại) gồm: lãi trái phiếu, lãi vay của các tổ chức trong và ngoài nước;

b) Chi trả lãi tiền gửi của khách hàng tại Ngân hàng Phát triển;

c) Chi phí huy động vốn, bao gồm cả chi phí phát hành trái phiếu, kỳ phiếu và chứng chỉ tiền gửi;

d) Chi phí in ấn các ấn chỉ và giấy tờ có giá của Ngân hàng Phát triển;

đ) Chi phí dịch vụ thanh toán;

e) Chi phí uỷ thác, bao gồm cả chi phí uỷ thác thu hồi nợ vay;

f) Chi phí dự phòng rủi ro;

g) Chi chênh lệch tỷ giá;

h) Chi nghiệp vụ kho quỹ, bao gồm các chi phí vận chuyển, bốc xếp tiền, chi kiểm đếm phân loại và đóng gói tiền, chi bảo vệ tiền và các khoản chi phí khác về hoạt động kho quỹ;

i) Chi bảo vệ môi trường;

k) Chi hiệp hội, ngành nghề mà Ngân hàng Phát triển tham gia;

l) Chi án phí, chi phí khởi kiện liên quan đến việc giải quyết tài sản đảm bảo tiền vay của Ngân hàng Phát triển và chi phí liên quan đến xử lý nợ vay;

m) Chi khác cho hoạt động nghiệp vụ.

2.2. Chi phí quản lý:

a) Chi cho cán bộ, viên chức của Ngân hàng Phát triển:

- Chi lương, phụ cấp lương theo chế độ quy định (bao gồm cả chi cho lao động hợp đồng); Chế độ tiền lương được thực hiện theo quy định tại Điều 24 Chương III Quyết định số 44/2007/QĐ-TTg ngày 30/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Phát triển.

- Chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đóng góp kinh phí công đoàn theo chế độ Nhà nước quy định;

- Chi ăn giữa ca: mức chi mỗi người không vượt quá mức lương tối thiểu Nhà nước quy định cho công nhân viên chức;

- Chi trang phục giao dịch, mức chi do Tổng giám đốc quyết định, mức chi không quá 1.000.000 đồng/người/năm.

- Chi phụ cấp cho thành viên Hội đồng quản lý làm việc bán chuyên trách và Tổ giúp việc theo qui định của pháp luật.

- Chi cho lao động nữ theo quy định;

- Chi phương tiện bảo hộ lao động theo quy định;

- Chi trích lập Quỹ dự phòng trợ cấp thôi việc. Mức trích hàng năm từ 1- 3% quỹ lương thực hiện của Ngân hàng Phát triển.

b) Chi phí khấu hao tài sản cố định. Mức trích như quy định đối với doanh nghiệp nhà nước.

c) Chi cho hoạt động quản lý và công vụ:

- Chi mua sắm công cụ lao động, vật tư văn phòng;

- Chi cho công tác phòng cháy, chữa cháy;

- Chi về cước phí Bưu điện và truyền tin: chi về bưu phí, truyền tin, điện  thoại, điện báo, thuê kênh truyền tin, telex, fax... trả theo hoá đơn của cơ quan bưu điện. Việc chi trang bị điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại di động đối với cán bộ lãnh đạo của Ngân hàng Phát triển thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ sử dụng điện thoại đối với cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị xã hội và doanh nghiệp nhà nước.

- Chi điện, nước, y tế, vệ sinh cơ quan.

- Chi xăng dầu vận chuyển phục vụ cán bộ, viên chức đi công tác và lãnh đạo Ngân hàng đi làm việc thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ sử dụng xe ô tô trong các cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước.

- Chi công tác phí cho cán bộ, viên chức đi công tác trong và ngoài nước thanh toán theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính.

- Chi phí tuyên truyền, họp báo, chi phí giao dịch, đối ngoại, chi phí hội nghị. Các khoản chi này không quá 5% tổng chi phí.

- Chi cho việc thanh tra, kiểm tra kiểm toán các đơn vị thuộc và trực thuộc Ngân hàng Phát triển theo chế độ quy định.

- Chi bảo dưỡng sửa chữa tài sản.

- Chi đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học, công nghệ, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật như: tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ, vi tính, ngoại ngữ ngắn hạn cho cán bộ, viên chức thuộc Ngân hàng Phát triển; chi mua tài liệu, in ấn biên dịch tài liệu phục vụ cho công tác đào tạo bồi dưỡng huấn luyện nghiệp vụ, nghiên cứu...

d) Chi phí quản lý khác.

2.3. Chi phí thuê tài sản.

2.4. Các khoản chi khác:

a) Chi phí cho việc thu hồi các khoản nợ đã xoá, bảo đảm số chi phải thấp hơn số tiền nợ đã xoá thu hồi được;

b) Chi bù đắp tổn thất tài sản theo quy định.

c) Chi phí để thu các khoản phạt theo quy định.

d) Chi nộp các khoản thuế theo quy định.

đ) Chi bảo hiểm tài sản và chi các loại bảo hiểm khác theo quy định.

e) Chi phí thanh lý, nhượng bán tài sản, kể cả giá trị còn lại của tài sản thanh lý, nhượng bán.

f) Chi hỗ trợ cho các hoạt động của Đảng, đoàn thể của Ngân hàng Phát triển theo quy định của Nhà nước.

g) Các khoản chi hợp lý, hợp lệ khác.

3. Ngân hàng Phát triển không được hạch toán vào chi phí các khoản sau:

3.1. Các khoản thiệt hại đã được Chính phủ hỗ trợ hoặc cơ quan bảo hiểm, bên gây thiệt hại bồi thường;

3.2. Các khoản chi phạt do vi phạm hành chính, phạt vi phạm chế độ tài chính;

3.3. Các khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm, nâng cấp, cải tạo tài sản cố định thuộc nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản;

3.4. Các khoản chi khác cho các công trình phúc lợi;

3.5. Các khoản chi ủng hộ địa phương, các tổ chức xã hội, các cơ quan khác;

3.6. Chi công tác trong và ngoài nước vượt định mức chi do Nhà nước quy định;

3.7. Các khoản chi thuộc nguồn kinh phí khác đài thọ.

VIII. PHÂN PHỐI THU NHẬP VÀ SỬ DỤNG CÁC QUỸ

1. Phân phối thu nhập

Chênh lệch thu, chi tài chính hàng năm sau khi trả tiền phạt do vi phạm các quy định của pháp luật, bù đắp khoản thâm hụt từ những năm trước (nếu có) được phân phối như sau :

a) Trích 50% vào quỹ đầu tư phát triển;

b) Trích quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi. Mức trích hai quỹ tối đa bằng 3 tháng lương thực hiện. Tỷ lệ trích mỗi quỹ hàng năm do Tổng giám đốc quyết định sau khi tham khảo ý kiến bằng văn bản Công đoàn Ngân hàng Phát triển.

c) Trích quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, mức trích là số còn lại sau khi trích lập các quỹ trên.

2. Mục đích sử dụng các quỹ được trích lập

2.1. Quỹ đầu tư phát triển được sử dụng để đầu tư mở rộng quy mô hoạt động,  đổi mới công nghệ trang thiết bị, điều kiện làm việc cho Ngân hàng Phát triển theo quy định về Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng của Nhà nước.

2.2. Quỹ khen thưởng dùng để:

a) Thưởng cuối năm hoặc thưởng thường kỳ trên cơ sở năng suất lao động, thành tích của mỗi cán bộ, viên chức làm việc tại Ngân hàng Phát triển. Mức thưởng do Tổng giám đốc quyết định sau khi tham khảo ý kiến bằng văn bản Công đoàn Ngân hàng phát triển.

b) Thưởng đột xuất cho những cá nhân, tập thể của Ngân hàng Phát triển có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, quy trình nghiệp vụ mang lại hiệu quả. Mức thưởng do Tổng giám đốc quyết định.  

c) Thưởng cho cá nhân và đơn vị ngoài Ngân hàng Phát triển có quan hệ, hoàn thành tốt những điều kiện hợp đồng, đóng góp có hiệu quả vào hoạt động của Ngân hàng Phát triển. Mức thưởng do Tổng giám đốc quyết định.

2.3. Quỹ phúc lợi dùng để:

a) Đầu tư xây dựng hoặc sửa chữa, bổ sung vốn xây dựng các công trình phúc lợi của Ngân hàng Phát triển, góp vốn đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi chung trong ngành, hoặc với các đơn vị theo hợp đồng thoả thuận.

b)  Chi cho các hoạt động thể thao, văn hoá, phúc lợi công cộng của tập thể cán bộ, viên chức Ngân hàng Phát triển.

c) Đóng góp cho Quỹ phúc lợi xã hội, hỗ trợ đoàn thể.

d) Chi trợ cấp khó khăn thường xuyên, đột xuất cho cán bộ, viên chức Ngân hàng Phát triển. 

đ) Chi các hoạt động phúc lợi khác.

Tổng giám đốc quyết định mức chi sau khi tham khảo ý kiến bằng văn bản Công đoàn Ngân hàng Phát triển.

2.4. Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ dùng để bổ sung vốn điều lệ. Kết thúc năm tài chính, số dư quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ được sử dụng để bổ sung vốn điều lệ trong phạm vi vốn điều lệ theo quy định tại Điều 2 Quy chế quản lý đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 44/2007/QĐ-TTg ngày 30/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Số dư của quỹ bổ sung vốn điều lệ tại thời điểm Quyết định số 44/2007/QĐ-TTg ngày 30/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Phát triển có hiệu lực được kết chuyển vào vốn điều lệ

IX. CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN THỐNG KÊ VÀ KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH

1. Trước ngày 20/7 hàng năm, Ngân hàng Phát triển có trách nhiệm lập và báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư các kế hoạch sau:

1.1. Kế hoạch nguồn vốn và sử dụng vốn:

a) Kế hoạch nguồn vốn hàng năm bao gồm:

- Vốn điều lệ Ngân sách Nhà nước cấp bổ sung;

- Vốn Ngân sách Nhà nước cấp hỗ trợ sau đầu tư; vốn thực hiện các mục tiêu, chương trình của nhà nước.

- Thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;

- Vốn thu hồi nợ vay;

- Vốn huy động theo từng nguồn;

- Vốn khác

b) Kế hoạch sử dụng vốn:

- Tổng mức vốn tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước theo các hình thức hỗ trợ: cho vay đầu tư, hỗ trợ sau đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư và theo cơ cấu ngành, lĩnh vực, vùng; kế hoạch trả nợ các nguồn vốn đã huy động;

- Kế hoạch cho vay tín dụng xuất khẩu, bảo lãnh tín dụng xuất khẩu, bảo lãnh dự thầu và thực hiện hợp đồng.

1.2. Kế hoạch cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý.

1.3. Kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản: Kèm theo thuyết minh chi tiết về dự kiến xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản cố định và cân đối các nguồn vốn.

1.4. Kế hoạch hỗ trợ sau đầu tư;

1.5. Kế hoạch thu - chi tài chính: Kèm theo thuyết minh chi tiết về các mục thu, chi.

1.6. Kế hoạch lao động, tiền lương.

Các kế hoạch trên là căn cứ để Ngân hàng Phát triển thực hiện và quyết toán tài chính với cơ quan tài chính.

2. Báo cáo định kỳ

2.1. Định kỳ tháng, quý, năm, ngoài các báo cáo theo quy định của Chế độ kế toán và Thông tư số 69/2007/TT-BTC ngày 25/6/2007 của Bộ Tài chính (từ mẫu số 01/BC-VDB đến mẫu số 09/BC-VDB), Ngân hàng Phát triển có trách nhiệm lập và gửi Bộ Tài chính các báo cáo tài chính sau:

a) Báo cáo cấp bù chênh lệch lãi suất (từ mẫu số 10/BC-VDB đến mẫu số 12/BC-VDB);

b) Báo cáo cấp phí quản lý (mẫu số 13/BC-VDB).

2.2. Thời điểm nộp báo cáo được quy định như sau:

a) Báo cáo quý: chậm nhất vào ngày 15 tháng đầu quý sau;

b) Báo cáo năm: chậm nhất vào ngày 30/1 của năm sau;

c) Báo cáo quyết toán: chậm nhất vào ngày 30/6 của năm sau.

3. Ngân hàng Phát triển thực hiện chế độ kiểm toán nội bộ, công khai kết quả hoạt động tài chính hàng năm và chịu trách nhiệm về số liệu đã công bố.

Báo cáo tài chính hàng năm của Ngân hàng Phát triển phải được kiểm toán bắt buộc theo quy định của pháp luật và được Hội đồng quản lý thông qua trước khi báo cáo Bộ Tài chính (báo cáo Bộ Tài chính chậm nhất vào ngày 30/6 của năm sau).

4. Ngân hàng Phát triển chịu sự kiểm tra tài chính của Bộ Tài chính, gồm:

4.1. Kiểm tra báo cáo kế toán và báo cáo quyết toán theo định kỳ hoặc đột xuất.

4.2. Kiểm tra theo từng chuyên đề theo từng yêu cầu của công tác quản lý tài chính.

4.3. Giám sát tài chính và thông qua Quyết toán tài chính hàng năm. 

X. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Ngân hàng Phát triển có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện chế độ tài chính theo đúng quy định tại Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Phát triển do Thủ tướng Chính phủ ban hành và nội dung hướng dẫn tại Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị Ngân hàng Phát triển phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Xuân Hà

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.