• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 27/05/2002
  • Ngày hết hiệu lực: 30/03/2003
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH-BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ
Số: 07/2002/TTLT/BLĐTBXH-BTC-BTCCBCP-TCĐC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 27 tháng 5 năm 2002

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Về hướng dẫn thực hiện chế độ đối với người lao động trực tiếp

tham gia và phục vụ công tác phân giới, cắm mốc biên giới

trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc

Thi hành Chỉ thị số 25/2001/CT-TTg ngày 08/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, sau khi trao đổi ý kiến với một số Bộ, ngành liên quan và thống nhất ý kiến với Tổng cục Địa chính, Liên tịch Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính - Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn thực hiện chế độ đối với lao động trực tiếp tham gia và phục vụ công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG

1. Đối tượng áp dụng:

a) Những người trực tiếp thực hiện công việc phân giới, cắm mốc biên giới bao gồm: Cán bộ, công chức nhà nước; viên chức và những người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động; Cán bộ, sĩ quan và những người hưởng lương trong lực lượng vũ trang;

b) Hạ sỹ quan, chiến sỹ lực lượng vũ trang hưởng sinh hoạt phí trực tiếp thực hiện công việc phân giới, cắm mốc;

c) Những người làm việc tại các Văn phòng Ban chỉ dạo phân giới, cắm mốc biên giới bao gồm: Cán bộ, công chức nhà nước; Viên chức và những người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động; Sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sĩ là những người hưởng lương trong lực lượng vũ trang;

d) Lao động thuê, mướn tại địa phương phục vụ trực tiếp cho việc phân giới, cắm mốc biên giới.

2. Đối tượng không áp dụng:

a) Sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ và những người hưởng lương trong lực lượng vũ trang rà phá mìn, vật cản chiến tranh trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc theo dự án riêng của Bộ Quốc phòng;

b) Sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ và những người hưởng lương trong lực lượng vũ trang phát đường, tuần tra trên tuyến biên giới do kinh phí quản lý biên giới của địa phương chi trả.

c) Công chức, viên chức và người lao động thực hiện việc thiết kế, sản xuất vận chuyển mốc giới đến các tỉnh biên giới theo dự án riêng của Bộ Xây dựng.

II. CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG:

A. Đối với đối tượng quy định tại tiết a, điểm 1, Phần I trực tiếp thực hiện công việc phân giới, cắm mốc tại hiện trường trên biên giới:

1. Tiền lương theo ngạch, bậc:

Được xếp và hưởng theo quy định hiện hành (Nghị định 25/CP và Nghị định 26/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chính, sự nghiệp, lực lượng vũ trang và trong các doanh nghiệp).

2. Các khoản phụ cấp áp dụng chung cho các đối tượng:

a) Phụ cấp khu vực: mức hưởng 0,7 tính trên tiền lương tối thiểu áp dụng cho toàn tuyến biên giới;

b) Phụ cấp đặc biệt: mức hưởng 50% tính trên tiền lương cấp hàm, tiền lương cấp bậc, chức vụ.

3. Các khoản phụ cấp và các chế độ dưới đây chỉ áp dụng đối với cán bộ, công chức Nhà nước; viên chức là những người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động.

a) Phụ cấp thu hút: mức 70% tính trên mức tiền lương cấp bậc, chức vụ;

b) Phụ cấp lưu động: mức 0,6 tính trên tiền lương tối thiểu;

c) Phụ cấp độc hại, nguy hiểm: mức 0,4 tính trên tiền lương tối thiểu;

Cách tính và chi trả các khoản phụ cấp tại điểm 2 và tiết a, b, c nói trên theo hướng dẫn tại các Thông tư hiện hành.

d) Chế độ tiền lương làm thêm giờ: Đối tượng làm thêm giờ ngoài giờ tiêu chuẩn (nếu có) được trả lương theo quy định tại Thông tư số 10/LĐTBXH-TT ngày 19/4/1995 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

đ) Chế độ ăn giữa ca:

Được áp dụng chế độ ăn giữa ca theo hướng dẫn tại Thông tư số 15/1999/BLĐTBXH-TT ngày 22/6/1999 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

e) Chế độ thiếu nước ngọt:

Được áp dụng chế độ thiếu nước ngọt theo quy định tại phần II, Thông tư số 06/LB-TT ngày 28/02/1997 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ bồi dưỡng đối với công nhân, viên chức một số ngành nghề đặc biệt trong doanh nghiệp.

f) Ngoài các chế độ nêu trên, các đối tượng được trang cấp các trang bị bảo hộ lao động, thuốc men y tế và phương tiện bảo vệ cá nhân, trang cấp lều bạt hoặc chi phí xây dựng lán trại để đảm bảo sinh hoạt bình thường hằng ngày và hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành.

B. Đối với hạ sỹ quan, chiến sỹ lực lượng vũ trang hưởng sinh hoạt phí quy định tại tiết b, điểm 1, phần I:

Được hưởng phụ cấp khu vực phụ cấp đặc biệt quy định tại điểm 2, mục A, phần II của Thông tư này.

C. Đối với các đối tượng quy định tại tiết c, điểm 1, phần I làm việc tại các Văn phòng Ban chỉ đạo phân giới, cắm mốc biên giới:

1. Chế độ tiền lương theo ngạch, bậc và các khoản phụ cấp lương thực hiện theo quy định hiện hành (Nghị định số 25/CP và Nghị định số 26/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chính, sự nghiệp, lực lượng vũ trang và trong các doanh nghiệp).

2. Những ngày trực tiếp làm việc trên hiện trường biên giới, được áp dụng các chế độ như người lao động trực tiếp thực hiện việc phân giới, cắm mốc quy định lại các điểm 2, 3, mục A, phần II, Thông tư này. Riêng chế độ phụ cấp lưu động được thay bằng chế độ công tác phí.

Ngoài các chế độ quy định đối với các đối tượng tại mục A, B, C nêu trên, người lao động trực tiếp hoặc tham gia phục vụ công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc được bố trí phương tiện hoặc thanh toán tiền tàu, xe để nghỉ phép hằng năm một lượt đi và về từ địa phương đến nơi làm việc.

D. Đối với lao động thuê, mượn tại địa phương phục vụ cho việc phân giới, cắm mốc biên giới:

Khi có nhu cầu thuê mướn lao động tại địa phương phục vụ trực tiếp cho việc phân giới, cắm mốc, cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ phân giới, cắm mốc phải thực hiện ký kết hợp đồng lao động với từng người lao động theo pháp luật lao động quy định. Các chế độ thoả thuận trong hợp đồng lao động bao gồm:

1. Giá tiền công lao động theo loại công việc thực tế tại địa phương do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Tài chính - Vật giá quy định (trong giá tiền công lao động bao gồm cả tiền bảo hiểm xã hội bằng 15% tiền công).

2. Trong thời gian thực hiện hợp đồng lao động người lao động nghỉ ốm đau được hưởng trợ cấp bằng 75% mức tiền công ghi trong hợp đồng lao động. Thời gian nghỉ ốm được hưởng trợ cấp tối đa không quá 12 ngày/tháng;

3. Được sử dụng trang bị bảo hộ lao động và các phương tiện bảo vệ cá nhân theo quy định hiện hành.

4. Trường hợp người lao động bị tai nạn lao động (trong khi thực hiện công việc theo hợp đồng, trên đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc): Được người sử dụng lao động thanh toán các khoản chi phí về y tế và 100% tiền công trong thời gian điều trị tại cơ sở y tế. Sau khi ổn định thương tật được giới thiệu đi giám định để xác định mức độ suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa của Bộ Y tế. Nếu mức suy giảm từ 5% đến 10% thì được trợ cấp một lần bằng 06 tháng tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm chi trả, từ trên 10% đến 20% thì được trợ cấp một lần bằng 09 tháng tiền lương tối thiểu, từ trên 20% đến 30% thì được trợ cấp một lần bằng 12 tháng tiền lương tối thiểu; từ 31% trở lên thì cứ tăng thêm 1% được cộng thêm 0,5 tháng lương tối thiểu;

5. Trường hợp người lao động bị chết do tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp trong thời gian thực hiện công việc theo hợp đồng thì thân nhân lo mai táng được trợ cấp tiền mai táng bằng 8 tháng lương tối thiểu và được trợ cấp một lần bằng 5 tháng tiền lương tối thiểu do Nhà nước qui định;

6. Ngoài việc giải quyết quyền lợi khi bị tai nạn lao động, nếu người lao động bị tai nạn lao động bị khuyết tật một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng do bị tai nạn lao động, biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng lao động, khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn thì được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật đối với người tàn tật.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ phân giới, cắm mốc phải thực hiện việc dự toán, cấp phát, chi trả, quyết toán các chế độ quy định tại phần II, Thông tư này theo quy định tại Thông tư số 11/2002/TT-BTC ngày 31/01/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí phục vụ công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Trong khi lập dự toán lưu ý đối với các đối tượng được điều động hoặc biệt phái đang hưởng chế độ phụ cấp khu vực, phụ cấp thu hút thấp hơn quy định của Thông tư này thì trong thời gian làm nhiệm vụ phân giới, cắm mốc áp dụng theo quy định tại Thông tư này.

2. Các Bộ, ngành, địa phương có lao động trực tiếp tham gia hoặc phục vụ công việc phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, căn cứ vào quy định của Thông tư này có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

3. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phản ánh về Liên Bộ để giải quyết./.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Bộ trưởng Bộ Tài chính

Bộ trưởng (Trưởng ban) Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Nguyễn Thị Hằng

Nguyễn Sinh Hùng

Đỗ Quang Trung

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.