• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 10/08/2011
BỘ QUỐC PHÒNG
Số: 88/2011/TT-BQP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 27 tháng 6 năm 2011

THÔNG TƯ

Quy định nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan, đơn vị quân đội thực hiện Đề án đào tạo cán bộ quân sự Ban chỉ huy quân sự cấp xã trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở đến năm 2020 và những năm tiếp theo, theo Quyết định số 799/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ

 

 
  1/01/clip_image001.png" width="158" />

 

 

 

 

Căn cứ Luật dân quân tự vệ ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 58/2010/NĐ-CP">58/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật dân quân tự vệ;

Căn cứ Quyết định số 799/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo cán bộ quân sự Ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở đến năm 2020 và những năm tiếp theo;

Căn cứ Nghị định số 104/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Xét đề nghị của Tổng Tham mưu trưởng,

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Quy định nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan, đơn vị quân đội thực hiện Đề án đào tạo cán bộ quân sự Ban chỉ huy quân sự cấp xã trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở đến năm 2020 và những năm tiếp theo, theo Quyết định số 799/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị quân đội thực hiện Quyết định số 799/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo cán bộ quân sự Ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở đến năm 2020 và những năm tiếp theo (sau đây gọi chung là Đề án số 799/QĐ-TTg ngày 25/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các bộ, ngành Trung ương; chính quyền địa phương các cấp; các cơ quan, đơn vị quân đội có liên quan đến thực hiện Đề án số 799/QĐ-TTg ngày 25/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Chương 2.

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN

Điều 3. Bộ Tổng Tham mưu

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trong và ngoài quân đội giúp Bộ Quốc phòng thành lập Ban chỉ đạo Đề án; tổ chức, triển khai, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương và cơ sở chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Thủ tướng Chính phủ. Chỉ đạo các cơ quan thuộc quyền:

1. Cục Dân quân tự vệ

Cục Dân quân tự vệ là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Đề án giúp Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án số 799/QĐ-TTg ngày 25/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ có các nhiệm vụ sau:

a) Giúp Bộ Tổng Tham mưu soạn thảo Quyết định thành lập Ban chỉ đạo; Quy chế, Kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo Đề án;

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan trong và ngoài quân đội xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện Đề án; Thông tư Quy định nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan, đơn vị quân đội thực hiện Quyết định số 799/QĐ-TTg ngày 25/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ và các thông tư, hướng dẫn khác liên quan đến từng thời điểm thực hiện Đề án;

c) Phối hợp với Cục Quân lực, Cục Nhà trường trên cơ sở tổ chức biên chế hiện có của các nhà trường có liên quan đến đào tạo cán bộ quân sự Ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở, đề xuất với Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, biên chế, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập theo quy định tại Khoản 4, Điều 26 Nghị định số 58/2010/NĐ-CP">58/2010/NĐ-CP ngày 01/6/2010 của Chính phủ;

d) Hằng năm phối hợp với Cục Nhà trường xây dựng Thông tư tuyển sinh phần tuyển sinh đào tạo cán bộ quân sự BCHQS xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ban chỉ huy quân sự cấp xã) trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở; Hướng dẫn Ban tuyển sinh quân sự các cấp làm tốt việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo việc chọn nguồn, quy hoạch sử dụng đội ngũ cán bộ quân sự cơ sở; quyết định cử các đối tượng tham gia thi tuyển, cử tuyển; tiếp nhận và bố trí sử dụng cán bộ sau đào tạo;

đ) Chủ trì, phối hợp với các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội giúp Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng biên soạn chương trình, giáo trình, sửa đổi, bổ sung, cập nhật chương trình, giáo trình trong quá trình thực hiện Đề án; tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, đào tạo, giáo viên của các nhà trường được giao nhiệm vụ đào tạo cán bộ quân sự BCHQS cấp xã trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở;

e) Phối hợp với Cục Tổ chức, Cục Tuyên huấn, Cục Cán bộ/Tổng cục Chính trị Hướng dẫn cho các trường đào tạo cán bộ quân sự Ban chỉ huy quân sự cấp xã trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở về việc thành lập tổ chức cơ sở đảng các cấp, phát triển đảng viên mới; công tác đảng, công tác chính trị, giáo dục chính trị tư tưởng, khen thưởng trong đào tạo; xét phong, thăng quân hàm sĩ quan dự bị cho học viên tốt nghiệp đào tạo;

g) Phối hợp với Cục Tài chính/Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn cho các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội có liên quan lập dự toán ngân sách tổng thể và dự toán ngân sách hằng năm theo các nhiệm vụ chi của Đề án số 799/QĐ-TTg ngày 25/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ;

h) Chủ trì, phối hợp với Cục Nhà trường và các cơ quan chức năng trong và ngoài quân đội giúp Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng kiểm tra, thanh tra kết quả thi tuyển, cử tuyển đào tạo cán bộ ngành quân sự cơ sở theo Đề án của Chính phủ;

i) Có trách nhiệm chuẩn bị các phương tiện, điều kiện làm việc và bảo đảm tài chính thực hiện Đề án hoạt động của Ban chỉ đạo cơ quan thường trực xây dựng kế hoạch và bảo đảm phương tiện, điều kiện làm việc Ban chỉ đạo. Hằng năm giúp Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Đề án số 799/QĐ-TTg ngày 25/5/2011 báo cáo Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng.

2. Cục Nhà trường

a) Phối hợp với Cục Dân quân tự vệ và các cơ quan có liên quan xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện Đề án; Thông tư Quy định nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan, đơn vị quân đội thực hiện Quyết định số 799/QĐ-TTg ngày 25/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ và các thông tư, hướng dẫn khác liên quan đến từng thời điểm thực hiện Đề án;

b) Hằng năm chủ trì, phối hợp với Cục Dân quân tự vệ giúp Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng xây dựng Thông tư hướng dẫn tuyển sinh quân sự các cấp, thực hiện công tác tuyển sinh đào tạo cán bộ ngành quân sự cơ sở; theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra các trường tổ chức thi tuyển, xét tuyển đầu vào và tổ chức đào tạo, cấp bằng, quản lý bằng tốt nghiệp theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quy chế của Bộ Quốc phòng;

c) Phối hợp với Cục Quân lực, Cục Dân quân tự vệ trên cơ sở tổ chức, biên chế hiện có của các nhà trường có liên quan đến đào tạo cán bộ quân sự Ban chỉ huy quân sự cấp xã trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở, đề xuất với Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng kiện toàn về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, biên chế, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập theo quy định tại Khoản 4, Điều 26 Nghị định số 58/2010/NĐ-CP">58/2010/NĐ-CP ngày 01/6/2010 của Chính phủ;

d) Chủ trì, phối hợp với Cục Dân quân tự vệ hướng dẫn Trường sĩ quan Lục quân 2 (Trường đại học Nguyễn Huệ) xây dựng Đề án mở mã đào tạo ngành quân sự cơ sở đào tạo trình độ đại học và Trường quân sự các quân khu, Trường quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội xây dựng Đề án mở mã ngành đào tạo ngành quân sự cơ sở trình độ cao đẳng, trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt;

đ) Hằng năm phối hợp với Cục Dân quân tự vệ giúp Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Đề án báo cáo Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng.

3. Cục Quân lực

a) Chủ trì, Phối hợp với Cục Dân quân tự vệ, Cục Nhà trường trên cơ sở tổ chức biên chế theo quy định của Bộ Tổng Tham mưu của các nhà trường có liên quan đến đào tạo cán bộ quân sự Ban chỉ huy quân sự cấp xã trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở, đề xuất với Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, biên chế;

b) Phối hợp với Cục Dân quân tự vệ và các cơ quan liên quan đề xuất với Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng mua sắm vũ khí, trang bị cho các Nhà trường đào tạo cán bộ quân sự Ban chỉ huy quân sự cấp xã trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở theo Đề án.

4. Phòng Tài chính/BTTM

Chịu trách nhiệm hướng dẫn Cục dân quân tự vệ lập dự toán, tổng hợp báo cáo Cục Tài chính đề nghị Bộ Quốc phòng bảo đảm ngân sách thực hiện Đề án; sử dụng và thanh quyết toán hằng năm.

Điều 4. Tổng cục Chính trị

1. Phối hợp với Bộ Tổng Tham mưu, các cơ quan chức năng liên quan trong và ngoài quân đội giúp Bộ Quốc phòng tổ chức, triển khai thực hiện Đề án;

2. Chỉ đạo Cục Tổ chức, Cục Tuyên huấn, Cục Cán bộ, hướng dẫn Trường đại học Trần Quốc Tuấn (Trường sĩ quan Lục quân 1), Trường đại học Nguyễn Huệ (Trường sĩ quan Lục quân 2), Trường quân sự các quân khu, Trường quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội thủ tục chuyển đảng, thành lập tổ chức đảng, phát triển đảng viên mới; công tác đảng, công tác chính trị, giáo dục chính trị tư tưởng và chỉ đạo cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình trong quân đội thường xuyên có các bài viết tuyên truyền việc triển khai, thực hiện Đề án; Hướng dẫn các nhà trường xét, đề nghị phong, thăng quân hàm sĩ quan dự bị cho học viên có đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp đào tạo cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở.

Điều 5. Tổng cục Hậu cần

Chỉ đạo các cơ quan có liên quan thuộc Tổng cục thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Chỉ đạo Cục Quân nhu: Bảo đảm trang phục đúng mẫu quy định tại Khoản 2, Điều 21 Nghị định số 58/2010/NĐ-CP của Chính phủ theo dự toán hằng năm của Cục Dân quân tự vệ/Bộ Tổng Tham mưu;

2. Chỉ đạo Cục Quân y: phối hợp Cục Nhà trường hướng dẫn tiêu chuẩn sức khỏe trong tuyển sinh; cơ sở; tuyến được khám, chữa bệnh cho cán bộ quân sự Ban chỉ huy quân sự cấp xã đào tạo trình độ đại học cao đẳng ngành quân sự cơ sở ở các Nhà trường trong quân đội.

Điều 6. Cục Tài chính/BQP

1. Chủ trì, phối hợp với Cục dân quân tự vệ giúp Bộ Quốc phòng xây dựng và tổng hợp dự toán ngân sách hằng năm thực hiện Đề án, thống nhất với Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ quyết định; có hướng dẫn liên cục đảm bảo chế độ, tiêu chuẩn cho học viên.

2. Thông báo chỉ tiêu kinh phí đào tạo theo Đề án được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt.

3. Giúp Thủ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo, theo dõi các cơ quan nhà trường sử dụng kinh phí đúng quy định; tổng hợp đề xuất điều chỉnh, bổ sung kinh phí hằng năm cho nhiệm vụ đào tạo.

Điều 7. Bộ Tư lệnh các quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội

1. Giúp Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ đào tạo cán bộ quân sự Ban chỉ huy quân sự cấp xã trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở theo Đề án;

2. Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo đào tạo cán bộ quân sự BCHQS xã, phường, thị trấn trình độ cao đẳng, đại học cấp quân khu, địa phương quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo đào tạo cán bộ quân sự BCHQS cấp xã trình độ Trung cấp chuyên nghiệp, trình độ cao đẳng và đại học ngành quân sự cơ sở; đối với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là BCHQS cấp tỉnh) trên cơ sở Ban chỉ đạo đào tạo trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở bổ sung nhân sự, nhiệm vụ, quy chế để trình cấp thẩm quyền ký quyết định thành lập.

3. Chỉ đạo Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh tham mưu cho tỉnh (Thành) ủy, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng Đề án, lập dự toán hằng năm trình Hội đồng nhân dân tỉnh bố trí kinh phí đào tạo cho học viên trúng tuyển và cử tuyển đào tạo trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở tại các nhà trường;

4. Chỉ đạo Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thường xuyên bổ sung, kiện toàn Ban Chỉ đạo đào tạo; xây dựng kế hoạch đào tạo sử dụng cán bộ quân sự BCHQS cấp xã trình độ trung cấp chuyên nghiệp và cán bộ quân sự BCHQS cấp xã đào tạo trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở theo quy định của địa phương. Phối hợp với Trường sĩ quan Lục quân 1 và Trường sĩ quan Lục quân 2 giải quyết các vấn đề liên quan tới học viên trong quá trình đào tạo;

5. Chỉ đạo Trường quân sự quân khu phối hợp với cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Đề án, xây dựng đề án mở mã đào tạo ngành quân sự cơ sở trình độ cao đẳng báo cáo Bộ Quốc phòng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo Quyết định.

6. Chỉ đạo Trường quân sự quân khu trên cơ sở tổ chức, biên chế, sắp xếp đội ngũ cán bộ, giáo viên; kiện toàn khung quản lý học viên; bổ sung trang thiết bị kỹ thuật cho các phòng học chuyên dùng và chuẩn bị đầy đủ các mặt bảo đảm khác đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo;

7. Chỉ đạo Ban tuyển sinh quân sự các cấp hằng năm làm tốt công tác tuyển sinh ngành quân sự cơ sở; thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát nhiệm vụ đào tạo; thực hiện nghiêm chế độ theo dõi, báo cáo kết quả đào tạo.

Điều 8. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh

1. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thường xuyên bổ sung, kiện toàn Ban Chỉ đạo; xây dựng kế hoạch đào tạo, sử dụng cán bộ quân sự BCHQS cấp xã trình độ trung cấp chuyên nghiệp và trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở theo đúng quy hoạch của địa phương.

2. Chỉ đạo Ban tuyển sinh quân sự cấp tỉnh, cấp huyện hằng năm làm tốt công tác tuyển sinh ngành quân sự cơ sở theo đúng chỉ tiêu Bộ Quốc phòng giao.

3. Tham mưu cho Tỉnh (Thành) ủy, Ủy ban nhân dân xây dựng Đề án, lập dự toán hằng năm trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bố trí kinh phí đào tạo hàng năm cho học viên trúng tuyển và cử tuyển đào tạo trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở tại các nhà trường; thực hiện chi trả phí đào tạo cho các trường.

4. Phối hợp với Trường sĩ quan Lục quân 1, Trường sĩ quan Lục quân 2 và Trường quân sự quân khu giải quyết kinh phí đào tạo và các vấn đề liên quan tới học viên của tỉnh trong quá trình đào tạo tại các Nhà trường.

Điều 9. Các Học viện, nhà trường trong quân đội

1. Trường sĩ quan Lục quân 1, Trường sĩ quan Lục quân 2:

a) Chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo Đề án về chất lượng tổ chức tuyển sinh, tổ chức đào tạo và cấp phát văn bằng cho cán bộ quân sự BCHQS cấp xã đào tạo trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở tại trường; liên kết đào tạo trình độ cao đẳng ngành quân sự cơ sở với trường quân sự các Quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội theo chỉ tiêu được giao hằng năm;

b) Chuẩn bị mọi mặt chu đáo, đầy đủ đáp ứng yêu cầu đào tạo, đặc biệt là chuẩn bị đội ngũ cán bộ, giáo viên, khung quản lý học viên, giáo trình, tài liệu và các cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập;

c) Giám sát chỉ đạo thực hiện nội dung chương trình và quy chế đào tạo với Trường quân sự các quân khu và Trường quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội được giao nhiệm vụ liên kết đào tạo trình độ cao đẳng ngành quân sự cơ sở;

d) Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thuộc Bộ Tổng Tham mưu các Tổng cục, quân khu, địa phương để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình đào tạo;

đ) Thực hiện chế độ báo cáo kết quả đào tạo bằng văn bản về Ban Chỉ đạo Đề án (qua Cục Dân quân tự vệ và Cục Nhà trường) theo từng học kỳ, năm học, khóa học và báo cáo đột xuất nếu có.

e) Trường sĩ quan Lục quân 2, phối hợp với cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án mở mã đào tạo ngành quân sự cơ sở để đào tạo trình độ cao đẳng, đại học báo cáo Bộ Quốc phòng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo Quyết định.

2. Các học viện, nhà trường khác:

Các học viện, Nhà trường chưa nêu khoản 1 Điều 9 Thông tư này tham gia biên soạn chương trình, giáo trình đào tạo cán bộ quân sự Ban CHQS cấp xã trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở khi được phân công.

Điều 10. Đề nghị các Bộ, ngành, địa phương có liên quan phối hợp với Bộ Quốc phòng

1. Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương: Cử cán bộ cấp vụ tham gia Ban Chỉ đạo Đề án.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo

a) Cử cán bộ cấp vụ tham gia Ban Chỉ đạo Đề án;

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng thẩm định, ra quyết định mở mã ngành quân sự cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng, đại học cho Trường đại học Nguyễn Huệ; mở mã ngành quân sự cơ sở trình độ cao đẳng cho Trường quân sự các Quân khu, Trường quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đáp ứng yêu cầu đào tạo;

c) Phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra, giám sát các cơ quan đào tạo thực hiện Đề án.

3. Bộ Nội vụ

a) Cử cán bộ cấp vụ tham gia Ban Chỉ đạo Đề án;

b) Chỉ đạo Sở Nội vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện công tác cử tuyển, xét tuyển đối tượng đi đào tạo đúng quy định;

c) Có trách nhiệm giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định về chế độ, chính sách đối với công chức cấp xã và thực hiện các quy định về đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp xã.

4. Bộ Tài chính

a) Cử cán bộ cấp vụ tham gia Ban Chỉ đạo Đề án;

b) Phối hợp với Bộ Quốc phòng bảo đảm ngân sách thực hiện Đề án trong dự toán ngân sách quốc phòng hằng năm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Cử cán bộ cấp vụ tham gia Ban Chỉ đạo Đề án;

b) Phối hợp với Bộ Quốc phòng nghiên cứu, đề xuất ban hành các chế độ, đãi ngộ cho cán bộ quản lý, giáo viên, học viên.

6. Bộ Công an: Chỉ đạo cơ quan Công an các cấp phối hợp với cơ quan quân sự cùng cấp giúp Hội đồng tuyển sinh quân sự xét tuyển về chính trị, đạo đức các đối tượng tuyển sinh, chỉ đạo các học viên, nhà trường thuộc Bộ Công an thường xuyên bổ sung các thông tin mới vào bài giảng và tham gia giảng dạy khối kiến thức an ninh.

7. Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh:

a) Cử cán bộ cấp vụ tham gia Ban Chỉ đạo Đề án;

b) Tham gia xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo cán bộ quân sự cấp xã trình độ cao đẳng, đại học; Hướng dẫn các Học viện Chính trị - Hành chính khu vực, các Viện thuộc Học viện tham gia giảng dạy theo yêu cầu của các cơ sở đào tạo.

8. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ quân sự Ban CHQS cấp xã có liên quan đến nguồn quy hoạch cán bộ quân sự xã, phường, thị trấn của địa phương và thực hiện tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở theo quy chế và chỉ tiêu được giao; phối hợp với các cơ sở đào tạo giải quyết các vấn đề liên quan tới học viên trong quá trình đào tạo; tổ chức tiếp nhận và bố trí sử dụng cán bộ sau đào tạo;

b) Bố trí kinh phí đào tạo hằng năm theo Luật ngân sách Nhà nước.

Chương 3.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 8 năm 2011.

Điều 12.

Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chủ nhiệm các Tổng cục, Tư lệnh các quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong quân đội có liên quan Đề án; Đề nghị các Bộ, ban, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đại tướng Phùng Quang Thanh

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.